Có rất nhiều lý do khác nhau, bố mẹ không thờ cúng vong thai nhi tại nhà. Vì thế, những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trở thành mái nhà cho những vong hồn bé nhỏ an lạc, siêu thoát.
Mỗi độ tháng 7 hàng năm, những ngôi chùa ở Hà Nội lại vang trong tiếng tụng kinh cầu nguyện. Mọi người không chỉ đến chùa để thắp hương, cầu cho những người thân của mình sớm siêu thoát, cầu cho chúng sinh được an lành mà còn nhiều người còn đến chùa để sám hối, để tưởng nhớ và làm lễ cầu mong những đứa con chưa kịp chào đời của mình được siêu thoát, được chuyển kiếp. Những người may mắn được làm mẹ cũng thường nhân dịp lễ cầu siêu đến chùa để cầu cho hàng ngàn vong linh những thai nhi vất vưởng, bị bỏ rơi có thể siêu thoát, bớt lưu luyến với dương thế.
Nếu như ở Sài Thành, chùa Từ Quang (huyện Bình Chánh, TP HCM) là mái nhà chung của hàng ngàn vong hồn thai nhi bị phá bỏ thì ở Hà Nội, chùa Phổ Linh được xem là ngôi chùa thờ thai nhi. Chùa Phổ Linh nằm trên phố Đặng Thai Mai. Ngôi chùa có riêng một động thờ thai nhi và thường xuyên tổ chức lễ cầu siêu hàng năm cho các thai nhi bị sản nạn.
Động thờ thai nhi ở chùa Phổ Linh từng được họa sĩ Đình Khoa tạo tác trong hơn 2 tháng với vật liệu chủ yếu bằng xi măng và đá sỏi. Động với nhiều màu sắc, nhiều mô núi. Ở giữa động có thờ tượng Phật Di Đà. Phía dưới tượng Phật là ban thờ có di ảnh một bé nam và một bé nữ. Xung quanh khuôn viên có rất nhiều hình tượng các cô bé, cậu bé… bằng gỗ. Từ năm 2008 đến nay, chùa Phổ Linh là nơi được nhiều gia đình tìm đến để gửi gắm vong hồn con cái mình đã bị tử nạn khi còn là thai nhi.
Động thờ thai nhi ở chùa Phổ Linh. |
Chùa Quán Sứ cũng là một trong những ngôi chùa linh thiêng, lâu đời ở Hà Nội. Chùa không chỉ là nơi gửi gắm các vong hồn thai nhi mà còn là nơi tổ chức buổi lễ cầu siêu cho hàng ngàn sinh linh bé nhỏ.
Theo Đại đức Thích Thanh Tuấn: "Theo giáo lý nhà Phật thì Đức Phật cũng phải trải qua 100 kiếp. Con người ta sống ở kiếp này nhưng rồi mai kia, chúng ta sẽ sống ở kiếp khác. Cuộc đời mỗi con người như bánh xe quay tròn, khi nào bánh xe hỏng, dừng lại mới hết kiếp. Một kiếp người gọi là đoản mệnh (chỉ sống 20 tuổi trở xuống), có thể là trung mệnh (từ 20-50 tuổi) hay trường mệnh (70 tuổi trở lên). Tất cả đều do duyên số. Tuy nhiên có những hài nhi chỉ được vài tháng tuổi đã bị bố mẹ từ bỏ, chúng không thể siêu thoát để đầu thai sang kiếp khác nên lễ cầu siêu giúp cho các linh hồn đoản mệnh được siêu thoát".
Chùa Quán Sứ. (Ảnh KTĐT) |
Chùa Phúc Khánh còn gọi là chùa Sở, một trong những ngôi chùa lâu đời và linh thiêng có kiến trúc thờ Phật kiểu truyền thống và khá giống nhiều ngôi chùa ở Bắc Bộ. Chùa Phúc Khánh thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.
Khi mới xây, chùa Phúc Khánh vốn dĩ là một ngôi chùa thuộc làng Sở. Chùa bắt đầu thu hút được nhiều người từ khắp các địa phương tìm đến trong khoảng hơn chục năm trở lại đây khi Thượng tọa Thích Thanh Quyết – một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam về đây trụ trì.
Bên trong chùa không chỉ có gian thờ các vong hồn được gửi gắm mà còn có nơi thờ thai nhi, giúp mọi người có thể đến đây để cầu siêu, tịnh độ cho các vong thai nhi được siêu thoát.
Chùa Phúc Khánh |
Mỗi đứa con không được sinh ra, vì lý do này hay lý do khác thì người mẹ vẫn là người có tội. Một lần phá thai bằng ba lần sinh nở. Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, lòng hối hận vì bỏ con chính là điều tồi tệ nhất mẹ gặp phải. Vong linh thai nhi vất vưởng, khó đầu thai làm người. Vì thế, gửi gắm vong thai nhi lên chùa, làm lễ cầu siêu khi có thể, sự hồi hướng của cha mẹ luôn giúp con thanh thản đầu thai sang kiếp khác. Đây cũng là một nét văn hoá tâm linh của người Việt, nhằm xoa dịu nỗi đau tinh thần của những người cha, người mẹ vì lí do bất đắc dĩ mà phải từ bỏ khúc ruột của mình.