Sinh, lão, bệnh, tử, đó là những quy luật bất biến của đời người, ai ai cũng biết. Chỉ có những ai hiểu được thân người khó đắc, kiếp người mong manh, một lòng hướng Thiện, đắc chính Pháp và nhẫn nhục tu hành, thì mới có cơ hội vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi biển khổ.
Thuở Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, tại thành Xá Vệ có một thiếu nữ nghèo khổ tên là Kisa Gotami. Lớn lên, cô kết hôn và có một bé trai đầu lòng. Nhưng bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, con trai của cô qua đời vì cơn bạo bệnh.
Kisa Gotami chưa bao giờ thấy cái chết, vì thế nên khi người ta mang đứa bé đi thiêu, cô cực lực ngăn cản rồi bế con trên hông đi từ nhà này đến nhà khác tìm thuốc cứu con. Nhìn cảnh ấy, không ai khỏi buồn thương rơi lệ.
Một bậc trí giả thấu hiểu hoàn cảnh của Kisa Gotami nên chỉ dẫn cô đến gặp Đức Phật. Cô đảnh lễ Đức Thế Tôn, đứng một bên và thưa hỏi:
– Bạch Thế Tôn, có thật như người ta đã nói, Ngài biết thuốc chữa cho con của con không?
Đức Phật từ bi đáp:
– Phải, ta biết.
– Con phải kiếm những gì?
– Một nhúm hạt cải trắng.
– Con sẽ đi tìm, nhưng biết nhà ai có?
– Nhà nào không có con trai, con gái hay bất cứ ai chết.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Kisa Gotami bế con vào làng, đến từng nhà hỏi xin hạt cải. Họ đều có hạt cải để đưa cho cô; nhưng đến khi Kisa Gotami hỏi thăm, thì mới biết rằng nhà nào cũng có người chết, người chết nhiều hơn người sống, thế là cô đành trả lại hạt cải. Cứ như vậy, cô bế con thất thểu đi đến chiều cũng không nhà nào có hạt cải đúng theo ý Đức Phật.
Bất chợt, Kisa Gotami hiểu ra: Không phải chỉ mình cô mất con, mà trên đời này ai cũng từng mất đi người thân yêu của mình. Như có một dòng nước trong lành vừa gột rửa sạch vết thương lòng của cô; tâm cô chợt thông suốt, sáng sủa và mạnh mẽ hẳn lên. Cô lặng lẽ mang xác đứa bé vào rừng, chôn xuống đất rồi đi gặp Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng sang một bên.
– Con có xin được hạt cải không?
Kisa Gotami đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Làng nào người chết cũng nhiều hơn người sống.
Đức Phật từ bi khai thị:
– Thật hão huyền nếu con nghĩ rằng chỉ mình con mất con. Ai cũng phải tuân theo định luật bất biến, đó là: “Thần chết đến như một dòng nước lũ, quét sạch mọi chúng sinh ra biển hoại diệt, trong khi lòng tham đắm của họ chưa thỏa”.
Và Ngài đọc Pháp cú:
“Người tâm ý đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ”.
Cuối bài kệ, Kisa Gotami chứng quả Dự lưu. Nhiều người khác cũng chứng quả Dự lưu, Nhị và Tam quả. Cô xin gia nhập Tăng đoàn, được Đức Phật chấp thuận và giao cho Ni chúng.
Một hôm thắp đèn trong giảng đường, ni cô Kisa Gotami chăm chú nhìn ngọn lửa. Vài ngọn lóe sáng, vài ngọn chập chờn tắt. Cô lấy đó làm đề mục thiền quán: Chúng sinh trên thế gian cũng như ngọn đèn, chợt sáng chợt tắt, chỉ khi đạt Niết-bàn mới chấm dứt.
Đức Phật ngồi trong hương thất phóng quang ảnh đến trước mặt cô và dạy rằng:
– Chúng sinh như ngọn lửa, chợt sáng chợt tắt. Người nào đến Niết-bàn mới chấm dứt. Do đó, dù chỉ sống trong khoảnh khắc mà chứng Niết-bàn, còn hơn sống trăm năm không thấy biết Niết-bàn.
Và Đức Phật đọc Pháp cú:
“Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử”.
Cuối bài kệ, Kisa Gotami chứng quả A-la-hán cùng các thần thông.
Phàm là con người sống trên thế gian này, dẫu giàu sang phú quý hay nghèo khổ bần hàn, ai rồi cũng phải chết. Quyền cao chức trọng, kho vàng đụn bạc, vợ đẹp con khôn đều cũng có lúc chia lìa. Sinh, lão, bệnh, tử, đó là những quy luật bất biến của đời người, ai ai cũng biết. Thế nhưng, mỗi người lại đối đãi với chúng bằng thái độ khác nhau, dẫn đến kết cục cũng khác nhau.
Có người bị mê hoặc bởi ánh hào quang của danh và lợi, hay say đắm trong ái tình, nên cảm thấy vẫn còn ngày rộng tháng dài, không mảy may lo lắng. Bỗng một ngày tóc ngả muối tiêu, thân thể hao mòn, mới giật mình nhận ra những gì mình gom góp một đời sắp sửa thành hư vô cả.
Có người lại rất nhạy cảm với sự ngắn ngủi của kiếp người, nên lao mình vào những cuộc vui, để tận hưởng tất cả những lạc thú trần gian khi còn có thể. Thế nhưng, con người khi theo đuổi khoái lạc của bản thân thì dễ dàng làm tổn thương người khác, chính là trong vô minh mà tạo nghiệp. Khi trăm năm đời người vụt qua, thân xác tiêu vong nhưng linh hồn sẽ phải đối diện với sự phán quyết và trừng phạt tương ứng với tội nghiệp mà mình đã tạo.
Chỉ có những ai hiểu được thân người khó đắc, kiếp người mong manh, một lòng hướng Thiện, đắc chính Pháp và nhẫn nhục tu hành, thì mới có cơ hội vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi biển khổ.
Dẫu rằng không có duyên đắc chính Pháp tu luyện, thì đã là sinh mệnh có thể đến thế gian này mà nói, tôn kính Phật Pháp, kính trọng người tu luyện, duy hộ Thiện lương và chính nghĩa sẽ mang đến cho tất cả chúng ta một tương lai tốt đẹp.