Vào những năm đầu thời Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh trị vì, khi quân Thanh đánh chiếm Kim Hoa, một người dân Kim Hoa tên là Bảo Vụ Sinh trong cảnh loạn lạc đã cùng vợ trốn chạy, chẳng may hai người lạc mất nhau.
Bảo Vụ Sinh vì ngã lẫn lộn nằm chung trong đống xác chết nên thoát chết, còn vợ thì không biết lưu lạc phương nào. Nghe nói vợ của Vụ Sinh bị quân lính nhà Thanh bắt đi, cùng đại quân di chuyển và đóng quân tại Hoa Đình. Mong muốn đi tìm vợ nên Vụ Sinh cũng lần tìm đến Hoa Đình, nhưng khi đến nơi thì đại quân đã rời đi, không còn để lại dấu vết gì nữa.
Lúc đó, Bảo Vụ Sinh vừa đau buồn, vừa mệt mỏi, ngồi bên cạnh một quán trọ xót xa than vãn. Chủ quán trọ trông thấy bộ dạng thê thảm của Vụ Sinh, thấy thương hại liền lại gần hỏi chuyện. Vụ Sinh kể lại đầu đuôi câu chuyện về hành trình đi tìm vợ của mình. Chủ quán trọ thấy Vụ Sinh biết chữ, lại biết làm sổ sách, tính toán, ngỏ ý muốn Vụ Sinh ở lại quán trọ làm việc, khách trọ đến từ tứ phương, Vụ Sinh có thể dò hỏi tin tức để tìm vợ. Bảo Vụ Sinh thấy lời đề xuất của chủ quán trọ có lý liền đồng ý ở lại làm việc.
Tại quán trọ, Bảo Vụ Sinh làm việc chăm chỉ và giúp ông chủ được rất nhiều nên công việc kinh doanh ngày càng tiến triển, khiến ông chủ rất phấn khởi. Ông chủ có cô con gái muốn gả cho Vụ Sinh nhưng thấy anh còn đang lo lắng tìm vợ nên chưa dám nói.
Một hôm, quán trọ vừa mở cửa liền có một vị khách đến ăn, ăn xong vị khách vội vàng trả tiền rồi rời đi ngay. Trong lúc dọn bàn ăn, Vụ Sinh phát hiện thấy vị khách đó để quên một cái bọc, mở ra thì trong đó có 50 lạng bạc. Bảo Vụ Sinh nói lại sự việc với ông chủ và chờ vị khách kia quay trở lại lấy.
Đến trưa, vị khách đó quả nhiên quay lại với vẻ hốt hoảng thở không ra hơi, mồ hôi đầm đìa, bộ mặt thất thần, lật đật, cuống quýt tìm kiếm thứ gì đó. Chờ cho anh ta đến gần, Bảo Vụ Sinh hỏi anh ta đang tìm kiếm gì đó? Vị khách trả lời đã đánh mất bọc tiền, hỏi thêm thì đúng là bọc tiền có 50 lạng bạc. Lại hỏi số tiền đó dùng để làm gì? Vị khách trả lời: “Số tiền đó là sính lễ, tôi mang vào quân trại để cưới vợ, nhưng giờ số bạc đó mất rồi, tôi biết làm sao đây?”
Vụ Sinh nói: “Đừng buồn, số tiền đó vẫn còn đây, tôi sẽ trả lại cho anh”. Vị khách vui mừng khôn xiết, cảm tạ Vụ Sinh rồi rời đi.
Mấy hôm sau, vị khách mất bạc đó nhận thấy cuộc hôn nhân của mình là do lòng tốt của Vụ Sinh mà có được, liền gửi hai thiệp mời tới Vụ Sinh và ông chủ quán trọ, mời cả hai đến tham dự đám cưới. Ông chủ vì bận quản lý quán trọ không thể tham dự, nhưng cũng không thể từ chối lời mời chân tình nên bảo Vụ Sinh đến dự đám cưới.
Vụ Sinh nghe lời ông chủ đi dự đám cưới, thấy gia đình vị khách kia cũng là gia đình tích thiện tích đức.
Chiều hôm đó, Vụ Sinh thong dong đi dọc theo con suối, từ xa xa nhìn thấy một chiếc thuyền nhỏ giữa sông, mọi người bàn tán thuyền của cô dâu đã tới, anh chăm chăm nhìn theo thì phát hiện: hóa ra cô dâu đó chính là vợ mình! Có lẽ người vợ cũng có linh cảm, đúng lúc đó vô tình ngẩng đầu nhìn lên, trông thấy Bảo Vụ Sinh, đúng là chồng của mình. Hai người đối mặt nhìn nhau, Bảo Vụ Sinh không kìm nén nổi nỗi bi thương liền bật khóc, anh đứng không vững và quỵ ngã xuống bãi cỏ. Cô dâu cũng sững sờ, đờ đẫn ngồi nép sát xuống thuyền.
Thuyền cập bến, mọi người hối giục cô dâu đứng dậy nhưng cô không thể đứng vững. Khi được hỏi, cô trả lời rằng cô vừa trông thấy trên bờ một người giống hệt với người chồng trước đây của cô, chính vì vậy mà quá đau buồn, thương nhớ.
Mọi người hỏi cô tướng mạo của người chồng, chú rể khi nghe cô mô tả hình dáng thì liền thấy rất giống với Bảo Vụ Sinh. Chú rể vội vàng đi tìm thì thấy Bảo Vụ Sinh đang đau thương than khóc trên bãi cỏ.
Chú rể hỏi Vụ Sinh sao đau buồn như vậy, Vụ Sinh buồn bã chẳng nói gì, gặng hỏi mãi, Vụ Sinh mới nói: “Cô dâu tôi vừa trông thấy, trông giống như là…” Nói chưa dứt câu, Vụ Sinh lại đau buồn đầm đìa trong nước mắt.
Chú rể bỗng chợt nhận ra và nói: “Ồ, tôi hiểu rồi, tôi không nghĩ cô dâu này lại là vợ của anh. Anh đã nhặt được túi tiền, lẽ ra túi tiền đó là thuộc về anh. Nhưng anh lại trả lại số tiền đó cho tôi, chẳng phải là để chuộc lại cô ấy sao! Đây là số mệnh của tôi. Vì anh, câu chuyện này sẽ có kết thúc tốt đẹp! Anh đừng đau lòng nữa, tôi vô cùng cảm động trước tấm lòng nhân nghĩa của anh, làm sao có thể không báo đáp chứ!”
Bảo Vụ Sinh cảm thấy thật khó xử, chú rể bèn mời ông chủ quán trọ đứng ra giải quyết. Ông chủ quán trọ nói: “Người trả lại tiền là người chính nghĩa; người trả lại vợ, tình nghĩa của anh ta cũng không thua kém chút nào. Tưởng như lấy được vợ đến nơi mà thành ra lại là mất vợ, như vậy không được. Tôi có một cô con gái, nếu chú rể đây không chê thì sẽ gả cho anh để thay cho người vợ kia, vậy được không nào!”
Cách giải quyết như vậy thật khiến mọi người khâm phục. Ai cũng thấy ông chủ quán trọ trí tuệ thông minh, suy nghĩ cởi mở, gả được chồng cho con gái, vẹn cả đôi đường. Ông cũng được tôn trọng như một người chính nghĩa. Như vậy, cả 3 đều là người chính nghĩa.
Trong cảnh ly loạn, một từ “chính nghĩa” đã tạo nên câu chuyện với kết thúc có hậu, vô cùng hoàn mỹ, để lại trong lòng mọi người dư vị ngọt ngào và cảm động mãi không thôi.
(Tham khảo: Tác phẩm “Ngu Sơ tân chí” thời nhà Thanh)
Tâm Kính biên dịch.