Làm thế nào để có được phú quý dài lâu?

Trong cuốn ‘Khuyến nhẫn bách châm’ của Hứa Khuê thời nhà Nguyên có viết như sau: “Giàu mà có lễ, là điều Khổng Tử dạy; Giàu có mà bất nhân, là điều Mạnh Tử cấm; Nhân đức mà đủ sẽ giúp phúc hưởng được dài lâu và tiêu trừ tai họa, lễ nghĩa mà đủ sẽ gìn giữ được sự thành công và ngăn chặn suy bại”...

Nghĩa là, Khổng Tử dạy rằng, một người giàu có cần phải tuân theo lễ nghĩa. Còn Mạnh Tử khuyên rằng, giàu có cần phải tuyên dương nhân đức. Bởi vì nhân đức đủ đầy sẽ giúp tăng phúc phận và tiêu trừ tai họa, lễ nghĩa vẹn toàn sẽ vun đắp cho sự thành công và ngăn ngừa suy bại. Lời dạy này của Khổng Tử và Mạnh Tử thật vô cùng quan trọng.

Có người hỏi rằng: Người vô cùng giàu có liệu có thể sở hữu được cả thế giới này chăng? Tiền liệu có thể sai khiến được ma quỷ? Kỳ thực là không thể. Giàu có mà không có nhân đức và lễ nghĩa thì tiền bạc của họ sẽ trở thành mồi dẫn lửa tự thiêu thân. Hơn nữa, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, sinh không mang theo đến, chết không mang theo đi, do đó cần phải xem nhẹ một chút, không nên trở thành nô lệ cho nó. 

Trong ‘Luận ngữ’ có ghi lại câu hỏi của Tử Cống như sau: “Trò phải làm thế nào để dù giàu có vẫn không kiêu ngạo?” Khổng Tử trả lời: “Vậy thì khi giàu có cần yêu quý lễ nghĩa”. Giống như bậc Thánh nhân từng nói, một người trở nên giàu có mà không ngang ngược tự phụ vẫn không bằng giàu có mà yêu lễ nghĩa. Nó tựa như bản thân quên mất mình là một người giàu có vậy. 

Mạnh Tử đã trích dẫn lời của Dương Hổ, thuộc hạ của nhà Quý Thị nước Lỗ để nói với Đằng Văn Công như sau: “Làm giàu không thể thực hiện theo lòng nhân từ, thực hiện theo lòng nhân từ thì không thể giàu có”. Có lẽ, hành theo lòng nhân từ là thuận theo thiên lý; còn giàu có sẽ phóng túng dục vọng của bản thân, dục vọng của con người, hai phương diện trên là đối lập không thể song hành, hành theo thiên lý thì cần kiềm chế dục vọng. Mạnh Tử lo rằng Đằng Văn Công sẽ phóng túng dục vọng của bản thân, đánh mất thiên lý, nên đã trích dẫn những lời này để khuyên bảo. Ông hy vọng rằng Đằng Văn Công có thể thuận theo thiên lý, ức chế dục vọng, nên mới nói: “Đây là lời khuyên của Mạnh Tử”. 

Lòng nhân nghĩa sẽ giúp một người có thêm phúc phận và tiêu trừ tai họa. Ví như câu chuyện về Tống Cảnh Công, khi trời báo điềm bất thường, Vi Tử đã mời ông tới gặp 3 lần, lần nào ông cũng đến và tự trách về những lỗi lầm của mình. Cuối cùng, Vi Tử nói: “Ông đã nói những lời nhân từ 3 lần, Trời cao nhất định sẽ khen thưởng ông 3 lần. Ngôi sao trên bầu trời đêm đã chuyển đổi vị trí 3 lần, tuổi thọ của ông có thể tăng lên 21 năm”.  

Trong cuốn ‘Luận hành.Phi hàn’ của Vương Sung có viết: “Một quốc gia có thể tồn tại được là nhờ vào lễ nghĩa. Đoàn Kiến Mộc không tham quyền lực và tiền bạc. Ngụy Văn Hầu rất kính trọng họ Đoàn, ngồi xe đến nhà chơi, sau khi xuống xe liền cúi đầu bước tới để tỏ lòng kính trọng Đoàn Kiến Mộc. Đội quân nước Tần nghe được câu chuyện lễ nghĩa này liền không dám đánh vào nước Ngụy”. Người xưa còn nói: “Đức hạnh của Nho sĩ là tôn trọng lễ nghĩa. Ngụy Văn Hầu ngồi xe qua nhà Đoàn Kiến Mộc đem theo lễ nghĩa, nhờ vậy mà đã đẩy lui được quân đội hùng mạnh của nước Tần, bảo toàn vùng đất của nước Ngụy. Đạt được điều này là bởi Đoàn Kiến Mộc là một người anh minh tài đức, còn Ngụy Văn Hầu là một người có lễ nghĩa cao thượng”.    

Câu chuyện ở trên cho thấy, nhân nghĩa lễ mang lại hiệu quả vô cùng tốt. Người giàu có nên gìn giữ, đừng đánh mất nó. Những lý lẽ và sự thật này đều nói lên rằng: giàu có mà bất nhân sẽ tự rước lấy tai họa, còn giàu mà có nhân nghĩa thì sẽ gìn giữ được cơ nghiệp dài lâu.

San San.

Tin bài liên quan