Lịch sử và ý nghĩa của lễ giỗ tổ Hùng Vương 10/3

Lịch sử và ý nghĩa của lễ giỗ tổ Hùng Vương 10/3

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba" 

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng tổ tiên. 

Lịch sử của ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương

Truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó".

Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.

Ngày 6/1/2001, chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hàng năm. Ngày 10 tháng 3 trở thành ngày Quốc Giỗ của cả dân tộc.

Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Lịch sử và ý nghĩa của lễ giỗ tổ Hùng Vương 10/3 - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Tuổi trẻ thủ đô)

Nghi thức tế lễ giỗ tổ Hùng Vương

Nghi thức tưởng niệm các vua Hùng cũng như lễ vật được Bộ Văn hóa hướng dẫn cụ thể trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009. Cụ thể lễ phẩm gồm 128 chiếc bánh dày, 18 chiếc bánh chưng (để dâng lên 18 đời vua Hùng), hương hoa, nước, trầu cau, rượu và ngũ quả. Trong đó bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời thường không có nhân, bánh chưng hình vuông, bên trong có nhân mặn tượng trưng cho đất.

Ngoài những lễ phẩm không thể thiếu đó thì tùy theo quan niệm của từng vùng miền, địa phương mà có thể bổ sung thêm xôi, oản, gạo muối, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến) hoặc thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).

Lễ hội đền Hùng với phần tế lễ và phần hội luôn mang đậm văn hóa truyền thống. Phần tế lễ được cử hành trọng thể mang tính Quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là "lễ tam sinh", là bánh chưng, bánh dày, xôi nhiều màu… Nhạc khí cử hành là trống đồng cổ. Với những nghi lễ văn hóa đậm nét, cả dân tộc trong một khoảnh khắc linh thiêng cùng nhau hướng về nguồn cội của mình.

Ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương

Ngày Giỗ tổ chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên, ngày khởi đầu của vương triều thứ nhất, ngày bắt đầu của Lịch sử quốc gia. Ngày 10/3 âm lịch hàng năm là thời điểm cho những con Rồng cháu Tiên về trẩy hội đền Hùng để ghi nhớ công ơn dựng nước giữ nước của các vua Hùng cũng như thể hiện niềm tự hào, tự tôn của dân tộc Việt Nam - một dân tộc anh hùng yêu chuộng hòa bình và chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kì một thế lực ngoại xâm nào. 

Việc cúng lễ giổ tổ Hùng Vương tại nhà

Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Nhà nước đã có quy định về quy mô tổ chức giỗ tổ Hùng Vương, năm chẵn 5 năm một lần thì quy mô lớn hơn các năm lẻ. Còn tại các gia đình, theo khảo sát thì ở tỉnh Phú Thọ, có nhiều gia đình tổ chức cúng giỗ tổ tiên, tưởng nhớ các vị vua Hùng vào ngày này. Ngoài Phú Thọ thì ở những nơi khác, việc thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương không phổ biến.

T/H.

Tin bài liên quan