Nhân sinh giữ lấy 2 điều này thì phúc báo không mời cũng tự đến

Chúng ta không thể lựa chọn chiều dài cho con đường sinh mệnh, nhưng chắc chắn một điều rằng, chúng ta có thể lựa chọn chiều sâu cho cuộc sống.

Cuộc sống là một con đường, cuộc sống càng dài, con đường càng xa. Cuộc sống càng sâu sắc, con đường càng rộng rãi.

Tầm mắt con người đâu nhìn thấy trước được chiều dài của con đường, nhưng ít ra chúng ta có thể mở rộng nó. 

Thế giới vốn lẽ thật giản đơn, là vì chúng ta có một trái tim phức tạp mới làm cho thế giới này trở nên phức tạp vậy. 

Thế nên, nếu con người trước sau có thể giữ gìn một đức hạnh thuần phác và lương thiện để sống, con người sẽ trở nên hạnh phúc, cuộc sống sẽ ngày càng yên vui, phúc lành cũng không mời mà tự đến. 

“Kinh bác quốc học” đã từng chỉ ra hai đặc điểm như sau: 

1. Thứ nhất: Giữ cái mộc mạc, chính là vui

Hán Việt: “Bão phác chi lạc”

Cái gọi là “bão phác, là đề cập đến bảo trì nội tâm thuần hậu và chất phác. Trong tư tưởng của Lão Tử còn có hai ẩn dụ tương tự, đó là “Kiến tố” và “Anh nhi”.

Phác, là gỗ chưa điêu khắc. Tố là sợi tơ chưa nhuộm màu. Anh nhi là trạng thái nguyên sơ vốn có, thuần khiết như đứa trẻ mới lọt lòng chưa bị hậu thiên ô nhiễm.

Lão Tử cho rằng cần “Kiến tố bão phác”, cần khôi phục trạng thái anh nhi. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh từng nói: “Kiến tố bão phác, thiểu tư quả dục” (Tạm dịch: Thấy nguyên sơ, giữ mộc mạc, ít riêng tư, ít ham muốn).

Lại nói: Đức thường hằng không hề mất, là  trở về với trạng thái đơn thuần như đứa trẻ sinh ra… Đức thường hằng mới được đầy đủ, hồi phục về trạng thái mộc mạc, thuần khiết, bản sơ tự nhiên (“Thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi… Thường đức nãi túc, phục quy ư phác”). Còn nói: Trẻ sơ sinh chân khí tồn lưu trong cơ thể chứ không tiêu tan, nên không có cảm giác sợ hãi (“Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ”). Người có đức dày cũng tựa như trẻ sơ sinh (“Hàm đức chi hậu, tỉ vô xích tử”); Mình ta lặng lẽ, chẳng chút phô trương, y như trẻ thơ còn chưa biết mỉm cười (“Ngã độc bạc hề, kỳ vị triệu, như anh nhi chi vị hài”).

Lão Tử vì sao tôn sùng Phác, Tố và Anh nhi?

Bởi vì ông cho rằng, Phác, Tố và Anh nhi không chỉ bao hàm chân thành và lương thiện, mà cũng là nguồn cội và nền tảng của hạnh phúc cõi nhân sinh. Kiến tố bão phác và trạng thái Anh nhi sao lại là hạnh phúc? Lão Tử thấy rằng chúng tràn đầy ngây thơ và trong trắng, không có suy nghĩ phức tạp, xấu xa, không có ân oán và hận thù, không có quá nhiều tham muốn và kỳ vọng. Chúng chỉ có sự an lạc và vui vẻ tự nhiên vô điều kiện.

Thời thơ ấu hồn nhiên ngây thơ của chúng ta, không có bao nhiêu tri thức và kỹ năng, không giàu có và nổi tiếng, đương nhiên càng không có quyền thế, nhưng đó lại là thời gian vui vẻ, hạnh phúc đáng nhớ nhất trong cuộc đời.

Khi bạn nhớ lại tuổi thơ, mọi thứ đều đầy hoài niệm và lưu luyến. Chuyến tàu quay về tuổi thơ là chuyến tàu không thể mua được vé… cũng không thể đi lậu vé. Những ga tàu đặt tại những cột mốc kỷ niệm, đi suốt chiều dài cuộc sống nhân sinh đã trôi qua, để quay về với ga cuối cùng có tên là “Tuổi thơ tươi đẹp”. Ấy là khoảng thời gian tuyệt vời mà thực tế không bao giờ trở lại, ký ức tươi đẹp vĩnh viễn lưu lại trong tâm tưởng, trở thành sức mạnh tinh thần khích lệ chúng ta đi tiếp cuộc đời gian nan này. 

Lão Tử đề xướng giản dị, mộc mạc, ca tụng Anh nhi, nhưng không có nghĩa là chúng ta quay về thời nguyên thủy, thân hình không mảnh vải, cũng không phải muốn chúng ta thực sự trở lại tình trạng hai bàn tay trắng như đứa trẻ mới sinh. Lão Tử chỉ là đơn giản chỉ cho mỗi cá nhân chúng ta, đều phải cố gắng tận lực bảo lưu càng nhiều hồn nhiên, thành thật, bảo lưu nhiều hơn đức hạnh thuần phác, lương thiện, chính là bảo lưu hạnh phúc vốn có tự ban đầu.

Cùng với sự phát triển của tri thức và sự giàu có của kinh nghiệm, thì cuộc đời quả thực là những dính mắc và quan niệm ngày càng nhiều, càng nặng. Từ đó mà tích tụ phiền não cho cuộc sống. 

Trong một tác phẩm thơ ca của mình, Trình Hạo đã thể hiện tư tưởng tương tự Lão Tử: 

Đối hoa chước tửu công năng lạc
Phạn khứu canh lê ngã tự bần
Nhược ngữ chí thành vô nội ngoại
Khước ứng phân biệt cánh mê chân

Tạm dịch:

Ngắm hoa uống rượu ông vui thích
Cơm nắm canh rau tôi an bần
Chân thành đâu có phân nội ngoại
Nếu còn phân biệt ắt loạn chân.

2. Thứ hai: Biết đủ là vui

Lão Tử trong Đạo Đức Kinh viết: “Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc tiếm ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”.

Tạm dịch: Không có họa nào lớn bằng không biết đủ. Không có rủi nào lớn bằng tham cầu. Cho nên hễ biết đủ thì người ta sẽ luôn đầy đủ vậy.

Ông lại nói: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”.

Tạm dịch: Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy mà có thể lâu dài.

“Tri túc giả phú” (Người biết đủ là người giàu), đây là đạo lý ảnh hưởng rất sâu sắc đối với văn hóa phương Đông – khởi nguồn và xuất xứ của cụm từ “Tri túc thường lạc” (biết đủ thì luôn vui). “Biết đủ thì luôn vui”, lời lẽ chí lý này mặc dù đã thấm sâu vào nền văn hóa phương Đông mấy ngàn năm, nhưng nơi cuộc sống hiện thực, người ta vẫn luôn cảm thấy khó tìm thấy niềm hạnh phúc và mãn nguyện; điều trông thấy đa phần là lo nghĩ, rầu rĩ bởi không thỏa mãn được dục vọng.  

Núi có thể san phẳng, biển cũng có thể lấp đầy, duy chỉ có lòng tham của con người là vô đáy. Chính vì lòng người không thấy đủ, Lão Tử mới sáng suốt khuyên rằng con người nên biết đủ. Thấy đủ hay không thấy đủ, chủ yếu không phải tìm kiếm từ bên ngoài, không phải là dựa vào việc giành giật mà có được, như vậy bản thân chỉ có thể giống như “Khoa Phụ trục nhật” mà thôi.

(Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, như một bài thơ nọ, bay từ biển bắc qua núi Côn Luân đặng được nhìn Ngu Uyên, xé khí quanh mặt trời, vượt Ngân hà, vào không trung, bỏ lại sao mai bên phải bên trái về phía sau, chẳng bao lâu kiệt sức rồi chết khát, xác rơi xuống bị chồn chuột ong kiến tranh nhau nhai nuốt, ấy là người theo đuổi chí lớn mà thành công nhỏ).

“Hài lòng” – biết đủ chính là tự tìm kiếm sự cân bằng, chính là cảm giác tự tại trong bản thân mình. Bản thân cho rằng không đủ, thì ngoại lực bên ngoài nào cũng không khích lệ được mình. Ngược lại, tự mình cảm thấy thỏa mãn, ngoại lực nào cũng không thể ngăn trở. Cũng như chuyến tàu về tuổi thơ, không thể dùng tiền để mua vé, mà chỉ có thể giữ gìn ký ức ở trong tâm. Trạng thái hạnh phúc này chỉ có thể gìn giữ ở trong tâm, mạnh mẽ ở trong tâm, không thể mong cầu từ bên ngoài.

Tất nhiên, khi bạn cảm giác từ nội tâm thấy mọi thứ đều thỏa mãn, thì niềm vui sướng và hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời sẽ theo nhau mà đến.

Lão Tử còn nghiêm khắc nhắc nhở thế nhân, nếu một mực không biết thế nào là đủ, chẳng biết dừng lại, tham muốn mãnh liệt rực cháy, thì không chỉ đánh mất hạnh phúc mà còn sẽ mang lại tai họa và nhục nhã.

Tham muốn và các nhu cầu không được đáp ứng đã là chướng ngại lớn nhất đối với cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc của nhân loại thật sự cần phải dựa vào quá nhiều đòi hỏi, tham muốn như vậy sao? Thật sự cần rất nhiều những thứ bên ngoài như vậy sao?

Không cần đâu, thật sự không cần!

Truyền thuyết kể rằng, Socrates nhìn thấy nhiều hàng xa xỉ bày bán la liệt, không khỏi cảm khái nói: “Có bao nhiêu món đồ trong thế giới này không phải là thứ ta cần?”. 

Kỳ thực, tham muốn của con người giống như nước biển mặn, càng uống nhiều thì càng khát.

Tham muốn, giống như chỗ ngứa trong tâm hồn. Đau nhức thì có thể nhẫn chịu được, còn ngứa là càng cào thì càng muốn cào thêm…


Mây Trắng biên dịch 

Tin bài liên quan