Nhờ có mẹ hiền mà con trở nên quý

Từ xưa đến nay, mọi người vẫn cho rằng người mẹ tốt còn hơn cả một người thầy tốt. Đức hạnh và tình yêu thương của mẹ là thứ tiếp thêm sức mạnh, động lực và niềm tin để con trẻ vượt qua khó khăn, thử thách, chinh phục mọi đỉnh cao trong cuộc sống.

Vào thời cổ đại, giúp chồng dạy con không chỉ là trách nhiệm mà còn là tiêu chuẩn để đánh giá đức hạnh người phụ nữ sau khi đã lập gia đình. Do vậy mà bậc hiền mẫu xưa rất coi trọng việc bồi dưỡng phẩm đức cũng như tri thức cho con của mình. Dựa vào đức hạnh của bản thân mà họ đã dạy con trở thành bậc vĩ nhân được người đời ca ngợi. 

Mẹ của Khổng Tử

Nhắc đến Khổng Phu Tử hay Khổng Tử, hầu hết người ở khu vực Á Đông đều biết, ông không chỉ là bậc Thánh của Nho gia mà còn là một chính trị gia nổi tiếng người Trung Quốc, sinh sống vào thời Xuân Thu. Theo truyền thống, ông được xem là nhà hiền triết Trung Quốc mẫu mực nhất. Những lời dạy và triết lý của ông đã hình thành nền tảng văn hóa Á Đông, và ngày nay vẫn tiếp tục duy trì ảnh hướng khắp Trung Quốc cũng như các quốc gia Đông Á khác. Tuy nhiên ít người biết rằng, những tư tưởng và thành tựu của Khổng Tử đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cách giáo dục của mẹ ông.

Mẹ của Khổng Tử là bà Nhan Chinh Tại sinh ra trong gia đình danh giá ở Khúc Phụ, kinh đô nước Lỗ, do vậy bà rất am hiểu việc học tập. Sau khi chồng qua đời, con còn nhỏ, không có người nương tựa, hơn nữa trong gia đình lại có nhiều mối quan hệ phức tạp, thậm chí còn xuất hiện không ít xung đột. Bà Nhan hiểu rõ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành và học tập của con trai, vì thế bà đã đưa con về quê ngoại nơi bà sinh ra để nuôi dạy.  

Khúc Phụ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của nước Lỗ, hơn nữa còn có nhiều sách cổ của bậc thánh hiền, thầy giáo giỏi cũng nhiều. Vì thế, mẹ Khổng Tử nhận thấy nơi đây là hoàn cảnh thích hợp nhất để con trai con có hoàn cảnh học tập thuận lợi.

Không chỉ chọn địa điểm thuận lợi cho con học tập, bà Nhan Chinh Tại cho rằng cách hướng dẫn con học tập tốt nhất là khơi gợi hứng thú. Bởi vì nhà cách Tông phủ không xa, cho nên mỗi khi đến nghi thức tế lễ, bà Nhan Chinh Tại đều tìm cách để con trai mình được tận mắt chứng kiến. Ngày tháng qua đi, mưa dầm thấm lâu, nhờ việc làm này của mẹ mà Khổng Tử đã thuộc lòng các nghi thức tế lễ. Và ông cũng thường thực hiện các nghi thức ấy trước mặt mọi người…

Bà Nhan Chinh Tại còn muốn con trai học tập các loại lễ nghĩa của nhà Chu để tương lai trưởng thành có thể phụ tá minh quân, giúp ích cho dân chúng và đất nước. Sinh ra là con của nhà trí thức uyên bác nên ngay từ nhỏ bà đã được cha trực tiếp truyền thụ kiến thức và dạy dỗ. Nhờ vậy mà bà đã tích lũy được lượng kiến thức học vấn và tu dưỡng phong phú. Sau khi trở về Khúc Phụ, bà Nhan Chinh Tại đã dành ra một gian trong ba gian ở của hai mẹ con để làm thư phòng, học đường. Khi Khổng Tử bắt đầu tròn 5 tuổi, bà đích thân dạy con học tập.

Trước tiên, bà Nhan Chinh Tại mở lớp, soạn lại những sách cha bà để lại, thu nhận năm học trò nhỏ tuổi vừa để dạy dỗ, vừa để con có bạn học, vừa để lấy chút học phí nuôi sống hai mẹ con. Bà không chỉ dạy học trò học chữ học hát mà còn dạy chúng nghi thức lễ tiết và đạo đức làm người. Khi Khổng Tử gần 6 tuổi thì bắt đầu theo các bạn lên lớp học. Nhờ Khổng mẫu khổ tâm bồi dưỡng và dạy dỗ cẩn thận nên Khổng Tử dù chưa đến 10 tuổi đã hoàn thành xong toàn bộ khóa học vỡ lòng.

Theo phép tắc lúc bấy giờ, những bé trai tròn 10 tuổi sẽ theo học ở một ngôi trường nào đó. Bà Nhan Chinh Tại quyết định đóng cửa học đường, đưa Khổng Tử đến trường tốt nhất ở bên trong thành theo học. Ở đây, Khổng Tử học thơ ca, đọc sách cổ, học lịch sử…, những môn mà người đời sau gọi là “thi, thư, lễ, nhạc”. Lúc ấy trường mà Khổng Tử theo học được gọi là “Tường”, là trường quốc học. “Tường” tập trung những người thầy giỏi nhất nước Lỗ và dạy dỗ phi thường nghiêm khắc.

Năm Khổng Tử 17 tuổi thì bà Nhan Chinh Tại qua đời, hưởng thọ khoảng 34, 35 tuổi. Có lẽ bà là một trong những bà mẹ vĩ đại nhất Trung Hoa cổ đại nhưng lại ít người biết tới. 

Mẹ của Đào Khản

Đào Khản là người học rộng, tài cao, làm người chính trực, công bằng, tuân thủ pháp tắc. Từ một trưởng quan, ông được phong làm Thái úy, Đô đốc đại tướng quân, Trường sa quận công. Ông trở thành một người tài đức, một vị quan gương mẫu trong lịch sử. Người đời sau nhận định rằng, hết thảy những thành tựu mà ông đạt được trong cuộc đời đều là thành quả từ cách giáo dục trí tuệ của mẹ ông – Đào mẫu.

Đào mẫu, tên thật là Trạm Thị. Nhờ vào lòng khoan dung đối đãi cùng phương pháp dạy con của bà mà người đời sau gọi bà là một trong những bậc lương mẫu nổi tiếng. Đào Khản mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh vô cùng bần hàn. Đào mẫu đã một mình chịu đựng vất vả, dựa vào dệt vải may áo kiếm sống, nuôi con ăn học.

Vào một hôm tuyết rơi đầy trời, bạn của Đào Khản là Hiếu Liêm Phạm Quỳ ở Bà Dương đến chơi nhà. Năm đó, Đào Khản tuổi còn trẻ, vì nhà quá nghèo không có gì tiếp đãi khách nên trong lòng vô cùng lo lắng. Đào mẫu thấy vậy liền an ủi con trai, nói: “Con cứ lo việc giữ khách ở lại, mẹ sẽ nghĩ cách để tiếp đãi bạn con”.

Thế rồi bà lấy kéo cắt tóc của mình đem đổi lấy rượu và đồ ăn, lấy cỏ khô lót giường cắt nhỏ cho ngựa của Phạm Quỳ ăn. Sau này Phạm Quỳ biết được việc ấy, đã xúc động nói: “Chỉ người mẹ như vậy mới có thể giáo dục ra một người con như vậy.”

So về thứ bậc, Phạm Quỳ là bạn của Đào Khản, có thể nói là người dưới. Tuy vậy Đào mẫu vẫn cắt tóc đổi thức ăn để tiếp đãi, việc này khiến Đào Khản ghi nhớ mãi. Vậy nên, sau này Đào Khản làm quan lớn, ông vẫn luôn ghi nhớ, dùng tâm thái cung kính, đạo đức tốt đẹp và lễ phép để đối đãi với bách tính. 

Khi Đào Khản làm quan ở Tầm Dương, Chiết Giang có thuộc hạ biếu tặng cá cho ông, nhớ đến mẹ ở quê nhà sống rất đạm bạc thanh bần, ông đã nhờ người thuận đường mang cá về biếu mẹ. Thế nhưng, không ngờ, sau khi nhận được hũ cá, Đào mẫu đã lo lắng phong kín hũ lại và viết cho Đào Khản một lá thư. Trong thư bà viết: “Con là quan, lại lấy đồ tặng cho mẹ, như vậy chẳng những không mang lại cho mẹ niềm vui mà trái lại còn làm cho mẹ thêm lo lắng bất an hơn”.

Đào Khản nhận được hũ cá cùng lá thư mẹ gửi kèm thì trong lòng vô cùng chấn động hổ thẹn. Hành động này của Đào mẫu đã để lại cho con trai một bài học vô cùng sâu sắc. Đúng như một vị quan thanh liêm từng nói: “Một tơ một hạt vẫn là danh dự và tiết tháo của ta. Một li một hào vẫn là mồ hôi nước mắt của dân. Cho đi một phân, dân được lợi một phân. Thủ lấy một văn, ta là người chẳng đáng một văn”. Từ đó về sau, trên con đường làm quan của mình, Đào Khản luôn ghi nhớ sự dạy bảo của mẹ, dùng tấm lòng thanh khiết, trong sạch để làm việc, giúp dân.

Mẹ của Âu Dương Tu

Âu Dương Tu là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông mồ côi cha từ năm lên 4 tuổi. Mẹ của ông là Trịnh Thị đã ở vậy thủ tiết nuôi con ăn học. Mặc dù Trịnh Thị chỉ đọc qua mấy cuốn sách cổ nhưng nhờ có ý chí nghị lực phi thường, bà đã trở thành bậc hiền mẫu giáo dục được một người con tài đức, bậc quân tử mẫu mực thời xưa. 

Dưới sự giáo dục của mẹ, Âu Dương Tu đỗ đầu Tiến sĩ năm 24 tuổi. Ông giữ chức quan Hàn Lâm học sĩ, Xu Mật Viện Phó sứ, Tham tri Chính sự. Dưới thời vua Tống Thần Tông, ông giữ chức  Binh Bộ Thượng Thư.

Khi Cha của Âu Dương Tu còn sống, ông là một vị quan thanh liêm, chính trực và hiếu khách ở địa phương, trong nhà lúc nào cũng có nhiều người ra vào thăm hỏi, gia đình lúc đó cũng đủ ăn đủ mặc. Sau khi ông qua đời thì hoàn cảnh gia đình dần trở nên bần hàn túng thiếu. Cô nhi quả phụ lâm vào hoàn cảnh khó khăn không thể tưởng tượng hết được. 

Tuy nhiên, Trịnh Thị là một người phụ nữ mạnh mẽ và có ý chí kiên cường. Bà là người sống trong cảnh nghèo khó nhưng chí không tận. Bà vẫn một lòng cần cù làm lụng nuôi con trai khôn lớn trưởng thành. Đối với vấn đề dạy bảo con, bà luôn lấy chồng làm gương cho con, giáo dục con bằng ý chí kiên cường. 

Năm Âu Dương Tu 6 tuổi, bà Trịnh Thị bắt đầu dạy con trai học chữ, đọc sách. Bà cũng dạy con đạo lý làm người. Bởi vì nhà nghèo không có tiền mua giấy bút nên bà đã dùng cây sậy làm bút, lấy cát làm giấy rồi viết từng chữ để dạy cho con. Đây cũng là nguồn gốc của câu tục ngữ nói về bậc hiền mẫu này: “Dùng sậy viết chữ mà dạy con nên người.”

Khi Âu Dương Tu lớn hơn, bà Trịnh Thị đã đưa con trai đến nhà người hàng xóm để mượn sách về đọc, đôi khi còn sao chép lại nội dung của những cuốn sách ấy. Thời gian trôi qua, Âu Dương Tu cũng dẫn trưởng thành, cậu vừa học chữ đọc sách vừa tận sức giúp đỡ mẹ việc nhà. Mặc dù là người hiểu chuyện nhưng  Âu Dương Tu không biết được vì sao mẹ ông lại có quyết tâm và sức mạnh lớn như vậy để nuôi dưỡng mình. 

Một lần, Âu Dương Tu đem thắc mắc này đến hỏi mẹ. Bà Trịnh Thị đã tình cảm nói: “Sau khi cha con mất, mẹ có thể ở vậy nuôi con là bởi vì muốn cho con biết phẩm đức cao thượng của cha con. Mẹ thương cha con, cũng yêu thương con nên quyết tâm nuôi dưỡng con thành người có phẩm đức như cha của con vậy. Vì con, khổ hơn nữa mẹ cũng có thể chịu được”.

Bà ân cần kể lại cho con trai nghe: 

“Lúc mẹ được gả về nhà họ Âu Dương, bà nội của con đã qua đời. Nhưng từ những kỷ niệm của cha con về bà nội, mẹ biết cha con là người hiếu thảo. Cha con ở nhà tôn kính người lớn, ở bên ngoài làm quan thì luôn công chính nghiêm minh. 

Ông không bao giờ làm việc qua loa, đại khái. Cha con ban ngày làm việc, ban đêm xem án kiện đến đêm khuya mới ngủ. Đối với những người bị phán tội chết, cha con thường xem đi xem lại bản án nhiều lần. Bởi vì ông cho rằng mạng người là có liên quan đến Trời, không thể qua loa. Về sau này, bởi vì mệt nhọc quá độ mà mắc bệnh.

Cha con trước lúc lâm chung nói: “Ta không thể nhìn thấy con trai trưởng thành, hy vọng nàng sau này có thể nói với con trai rằng: ‘Làm người không thể tham tài cầu lợi, trong cuộc sống đừng truy cầu quá phận, phải hiếu kính người lớn và có một tấm lòng lương thiện’.” Đây là di ngôn của cha con để lại”.

 Âu Dương Tu nghe xong những lời của mẹ liền trào nước mắt nói: “Con nhất định sẽ làm theo lời di huấn của cha để lại. Nhất định sẽ làm một người có phẩm đức cao thượng”.

Cứ như vậy, Trịnh Thị vừa nuôi dưỡng con vừa lấy phẩm đức của chồng làm tấm gương sáng cho con học tập. Quả nhiên, về sau Âu Dương Tu khi làm quan luôn nhớ lời di huấn và noi theo tấm gương đạo đức của cha. Ông làm việc công chính vô tư và luôn trợ giúp người khác, giúp ích cho xã tắc.

Chúng ta không thể lựa chọn cha mẹ của mình, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể nỗ lực tu dưỡng phẩm đức để trở thành cha mẹ mẫu mực. Nhờ không ngừng hoàn thiện những thiếu sót của bản thân mà trở thành người có khuôn mẫu, tầm nhìn và hiểu biết, sau đó truyền lại cho con trẻ để chúng có một nền tảng tốt trước khi bước vào đời. Thực tế thì giáo dục con trẻ là hành trình tự tu dưỡng của cha mẹ với hy vọng giúp cho mỗi đứa con trở nên tốt hơn.

San San.

Tin bài liên quan