Tâm không mong cầu, hành thiện tự có phúc báo

Con người trong xã hội ngày nay, sống trong cuộc sống hiện thực đầy tham vọng vật chất, nhìn mọi thứ đều hướng đến tiền, xem tiền là mục tiêu theo đuổi của cuộc đời, trở nên giàu có sau một đêm là giấc mơ lớn nhất của nhiều người. Tuy nhiên họ lại không biết rằng: ‘Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại Thiên’,...

Trong cuộc đời của một người, vận may về phúc lộc tài thọ đều đã được định sẵn từ trước. Duy chỉ có tâm không mong cầu, xem trọng đạo đức và làm việc thiện thì mới có thể thay đổi được.

Không được không mất, vận may vốn là định sẵn từ trước rồi…

Mạnh Tử nói: “Vô hằng sản giả vô hằng tâm” (người không có tài sản lâu bền thì tâm không yên). Trong xã hội thời xưa, tài sản của con người thuộc sở hữu cá nhân, cũng là ông trời dựa theo nhân duyên tiền kiếp của con người mà sắp đặt sẵn cho họ.

Vào thời nhà Tống có rất nhiều người chôn vàng bạc châu báu ở dưới đất trong thành Lạc Dương. Vì vậy trong thời nhà Tống khi giao dịch mua bán nhà cửa, nếu như nền đất của căn nhà chưa từng bị đào bới, thì người mua nhà phải trả thêm một khoản chi phí đào nền đất theo quy định.

Tạ thừa tướng Trương Quán – Trương Văn Hiếu bỏ ra mấy trăm vạn để mua một căn nhà rộng lớn trong thành Lạc Dương, vốn dĩ đã thỏa thuận xong rồi, đột nhiên chủ nhà đề xuất phải trả thêm phí đào nền đất rất cao, nhiều lần nâng giá, cuối cùng phí đào nền đất được nâng lên đến hơn một trăm vạn thì chủ nhà mới chịu.

Trương Quán một lòng muốn mua căn nhà này nên cũng không trả giá, mà đưa tiền luôn. Rất nhiều người cho rằng Trương Quán như vậy là bị lỗ nặng.

Khi cải tạo lại ngôi nhà, Trương Quán đào ra được một cái hộp bằng đá ở dưới nền đất, hộp đá này không to nhưng lại vô cùng tinh xảo đẹp mắt, trên chiếc hộp có chạm khắc rất nhiều hình hoa và chim, nắp hộp còn có hai mươi mấy chữ triện, thư pháp vô cùng kỳ lạ, không ai đọc được cả. Từ văn tự và hình ảnh cho thấy, chắc chắn không phải là đồ cận cổ.

Mở nắp hộp ra xem, bên trong có đến mấy trăm lượng vàng. Gia đình Trương Quán đem số vàng đó đi bán, số tiền bán vàng có được lại vừa đúng bằng với toàn bộ số tiền mua nhà, trong đó bao gồm cả chi phí đào nền đất, không dư không thừa.

Không được cũng không mất! Xem ra vận may đã được định sẵn từ trước, tổn thất ở nhân gian đã có ông trời bù đắp.

Tâm không mong cầu, bỏ tiền ra kéo dài tuổi thọ

Vào thời nhà Thanh, huyện thừa của huyện Tuy Ninh là một người họ Tiền, chuyên quản lý công việc hành chính của huyện. Tại đó có một thông lệ: Trên đất của nhà ai, nếu như có người đi đường, người ngoài chết ở đó (mà không phải vụ án hình sự), thì người sở hữu quyền nhà đất chỉ cần bỏ ra tám ngàn văn tiền giao nộp cho quan phủ, là có thể kết án.

Tại một thôn nọ có một người chết do nhảy sông tự tử, báo cáo lên quan phủ, Tiền huyện thừa đi khám nghiệm tử thi, thấy không có vết thương, nên ra lệnh nhanh chóng chôn cất. Sau đó người hầu mang đến tám ngàn văn tiền của chủ đất giao cho quan huyện. Tiền huyện thừa nhận được tiền thông lệ, mới phát hiện tiền được xâu bằng dây đỏ, cảm thấy khó hiểu, mới hỏi thuộc hạ nguyên nhân vì sao.

Thuộc hạ nói: “Gia đình chủ đất rất nghèo, vì để có tiền giao nộp, bất đắc dĩ phải bán con gái mình cho một người trong thôn làm vợ bé, giá cả là hai ngàn bốn, bởi vì là tiền cưới, nên dùng dây đỏ xâu lại”. Tiền huyện thừa nghe xong, trong lòng nghĩ chủ đất phải bất đắc dĩ mới lấy được số tiền thông lệ này, ta không thể nhận bừa được.

Vì vậy đã cho gọi chủ đất đến hỏi chuyện, chủ đất kể lại đúng sự thật. Tiền huyện thừa lại gọi người mua vợ trong thôn đến nha môn, dùng lý lẽ để thuyết phục: “Ta có được tiền của người khác nhưng lại ép người khác bán con gái, là chuyện bất nhân. Ngươi nhân lúc người ta khó khăn mà mua con gái của họ, là việc làm bất nghĩa. Số tiền thông lệ này ta tuyệt đối không nhận, ngươi cũng mau chóng trả lại con gái nhà lành cho người ta đi”.

Người mua vợ đó miễn cưỡng đồng ý. Tuy nhiên điều tra thêm thì được biết chủ đất đã dùng số tiền còn lại đưa cho quan sứ lo lót vụ án rồi, Tiền huyện thừa liền bảo đám thuộc hạ giao nộp, nhưng số tiền đó đã bị đám người kia ăn uống hết sạch rồi. Thế là Tiền huyện thừa hào phóng mở túi tiền ra, giúp chủ đất trả lại tiền cho người mua vợ, còn chủ đất thì nhận lại con gái của mình. Vụ án cũng kết thúc.

Mấy năm sau, Tiền huyện thừa nổi một cục mụn độc ở lưng (loại mụn gây biến chứng, hoại tử), lúc này ông gần như sắp chết luôn rồi, trong lúc hôn mê, mơ thấy có một người mặc áo màu xanh đưa ông đến một cung điện rộng lớn, có một người có dáng vé giống vua đang ngồi trên cung điện, nói với ông rằng: “Kiếp số của ông đã tận, cũng may từng làm một việc tốt, đủ để ông kéo dài tuổi thọ, ông có biết là việc gì không?”.

Tiền huyện thừa hoang mang không hiểu, người đó lệnh phán quan kiểm tra tìm chuyện Tiền huyện thừa từng bỏ tiền cứu cô gái bị bán làm vợ bé được ghi chép trong sổ sách. Phán quan bẩm báo: “Công đức của việc tốt này rất lớn, theo quy định nên kéo dài tuổi thọ 12 năm, thăng quan lên ngũ phẩm”. Người đó đồng ý với lời phán quan vừa tâu. Sau đó ra lệnh cho người mặc áo xanh đưa Tiền huyện thừa hoàn hồn. Sau khi tỉnh dậy, mụn độc ở lưng của Tiền huyện thừa nhanh chóng được chữa lành.

Quả nhiên sau đó Tiền huyện thừa sống thọ thêm được 12 năm nữa, chức quan của ông cũng được thăng lên đến hàng ngũ phẩm. Tiền huyện thừa một lòng hành thiện, quyên tiền làm từ thiện rất nhiều. Sau 12 năm, mụn độc ở lưng lại tái phát. Khi người nhà đang chuẩn bị hậu sự thì đột nhiên dừng lại, nói: “Vốn dĩ ông làm một chuyện tốt là có thể kéo dài tuổi thọ hơn mười năm, những năm qua ông làm nhiều việc tốt như vậy, chẳng lẽ Diêm vương không kéo dài tuổi thọ cho ông sao?”.

Tiền huyện thừa nói: “Lúc đầu ta làm việc tốt là vì không có mong cầu mà làm, âm ti mới lấy đó làm cơ sở để kéo dài tuổi thọ cho ta, về sau ta làm việc tốt là cố mong cầu mà làm, âm phủ không xem trọng. Nhưng dù sao có ý làm việc thiện và có ý làm việc ác vẫn có sự khác biệt rất lớn, vì vậy còn một khả năng nữa là kiếp sau chắc sẽ có được phước báo tốt”. Vài ngày sau, Tiền huyện thừa quả nhiên qua đời.

Châu Yến.

Tin bài liên quan