Tìm hiểu đền Mẫu Hoa Dương - Linh thiêng về cầu duyên, cầu con

Đền Mẫu, còn gọi là đền Hoa Dương, toạ lạc ở phố Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên, được xây dựng vào thời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279), được dân gian tín là linh thiêng có tiếng.

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ XIII khi quân Nguyên xâm lược nhà Tống, vua và hoàng tộc nhà Tống (Trung Quốc) xuống thuyền tháo chạy về phương Nam lánh nạn. Vì không chịu khuất phục trước sự truy bức của quân Nguyên, vua Tống và một số người trong hoàng cung nhảy xuống biển tự vẫn. Thi thể của Dương Quý Phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được người dân nước Việt Nam chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ, lập nên làng Hoa Dương. Khi thái giám họ Du mất, dân làng tôn làm Thành Hoàng làng, mộ ông được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến.

Tam quan của đền được xây theo kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, xây cửa vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự ghi kiểu chữ triện: “Dương Thiên Hậu - Tống Triều” và bức chữ Hán: “Thiên Hạ Mẫu Nghi”.

Đền Mẫu có năm cung thờ. Cung thứ nhất là cung thờ Phật, được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ XX do yêu cầu của người dân muốn bái Phật. Cung thứ hai thờ Quan lớn Đệ Nhất. Cung thứ ba thờ vọng Quan lớn Đệ Tam cùng với ban thờ Công Đồng. Cung thứ tư thờ Mẫu, tại cung này có bức hoành phi Mẫu Nghi Thiên Hạ. Cung thứ năm là cung cấm, còn gọi là hậu cung, cung này thờ Dương phi, một bà phi nhà Tống, cùng hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị. Dưới ban thờ có dấu tích một cái giếng nhỏ. Tương truyền giếng vốn là “rốn biển”, khi biển lùi xa để lại dấu tích cùng với hồ Bán Nguyệt cho nên nước giếng luôn đầy vơi theo nước hồ. Bên trái trục dọc này có ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, bên phải có ban Cô, ban Cậu.

Trong đền lưu giữ nhiều di vật quý như kiệu võng, long đình, long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ 18, 19 và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, cùng nhiều bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi tấm gương trung trinh tiết liệt của Dương Quý Phi.

Giữa sân đền có cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, cây được kết hợp bởi ba cây sanh, đa, si quấn quýt lấy nhau tạo thế chân kiềng vững chắc bao trùm toàn bộ ngôi đền. Đây là cây cổ thụ độc đáo nhất ở Bắc Bộ, đã có tuổi gần bảy trăm năm.

Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi ở thành phố Hưng Yên được dân gian ca tụng là một trong những ngôi đền linh thiêng ở miền Bắc về cầu tình duyên, cầu con cái và cầu của cải.

Lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, sân đền tổ chức thi đấu cờ, thi đấu tổ tôm, chọi gà; buổi tối hát chầu văn, hầu đồng. 

.....................

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006).

Tin bài liên quan