Tín ngưỡng thờ Tứ pháp tại đồng bằng bắc bộ

Tứ pháp là danh từ để chỉ các nữ thần trong tín ngưỡng Việt Nam gồm: Mây, Mưa, Sấm, Chớp, đại diện cho các hiện tượng tự nhiên có vai trò quan trọng trong xã hội nông nghiệp. Sau này khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì nhóm các nữ thần này được biến thành Tứ pháp với truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương.

Liên quan đến tín ngưỡng thờ nữ thần còn có hệ thống các chùa gọi là Tứ Pháp, hiện chỉ thấy trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Các vị nữ thần đó gồm: Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Lôi (thần sấm) và Pháp Điện (thần chớp)

Trong các chùa thờ những nữ thần này, tượng của các nữ thần được tạc với kích thước to lớn hơn rất nhiều so với các tượng Phật. Hệ thống chùa Tứ pháp là chứng tích cho sự kết hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thủy ở Việt Nam.

Tương truyền:

Hơn hai nghìn năm trước, có nhà sư Khâu Đà La lập am truyền đạo ở bờ sông Đuống. Khi ấy ở làng Mãn Xá, kề bên sông Dâu, có vợ chồng ông Tu

Định hiền lành phúc hậu sinh hạ được một con gái đầu lòng đặt tên là Man Nương. Khi Man Nương 15 tuổi, ông bà Ta Định cho con tới thụ giáo nhà sư họ Khâu. Một hôm, sau khi hành pháp trở về, Khâu Đà La thấy Man Nương ngủ trước cửa phòng, nhà sư bước qua người nàng mà vào phòng, và cũng từ đấy Man Nương có thai. Đúng giờ ngọ ngày mùng 8, tháng Tư Âm lịch, Man Nương sinh được một con gái và bế sang chùa trả cho nhà sư.

Nhà sư ẵm đứa bé đến một cây dung thụ già, gõ vào thân cây đọc một bài kệ. Cây dung thụ bỗng nứt ra làm hai và nhà sư đặt đứa bé vào thân cây. Cây liền khép lại và nở hoa.

Mấy chục năm sau, cây dung thụ bị bão đổ, trôi ra bến sông Dâu, đến huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) nơi nàng Man Nương ở thì dừng lại. Trai làng gọi nhau ra kéo cây vào bờ, nhưng cây đứng yên không nhúc nhích. Đến khi Man Nương ra sông thì cây tự rẽ sóng vào bờ. Dân làng lấy làm lạ, gọi thợ làm 4 khúc pho tượng Phật. 

Khi xin duệ hiệu cho pho tượng thứ nhất, thấy mây ngũ sắc, mới đặt là Pháp Vân rước thờ ở chùa Thiền Định (chùa Dâu), nên gọi là bà Dâu.

Đến khi xin duệ hiệu cho pho tượng thứ hai, thấy mưa mới gọi là Pháp Vũ, rước thờ ở chùa Thành Đạo (chùa Đậu), nên gọi là bà Đậu.

Đến khi xin duệ hiệu cho pho tượng thứ ba, thấy sấm mới gọi là Pháp Lôi, rước về chùa Phi Tương (chùa Tướng), nên gọi là bà Tướng.

Đến khi xin duệ hiệu cho pho tượng thứ tư, thấy chớp mới gọi là Pháp Điện rước về thờ ở chùa Phương Quan (chùa Dàn), nên gọi là bà Dàn. 

Còn Man Nương được tôn là Phật Mẫu, thờ ở chùa Phúc Nghiêm. Từ đó thành lệ, hàng năm cứ đến ngày mùng 8/4 Âm lịch, các chùa tứ pháp lại mở hội, gọi là Hội Dâu, là một hội lớn ở tỉnh Bắc Ninh xưa và nay.

Ngoài ra, hệ thống chùa thờ Tứ Pháp còn ở một số vùng Bắc Bộ như:

Ở Hà Nội:

- Chùa Keo (Sùng Nghiêm) Gia Lâm thờ Pháp Vân, nên gọi là bà Keo 

- Chùa Nành (Ninh Hiệp) xã Ninh Hiệp thờ Pháp Vân, gọi là bà Nành 

- Chùa Sét (Đại Bi) thờ cả Tứ pháp 

- Chùa Pháp Vân, chùa Pháp Vũ ở Thanh Trì.

Ở Hưng Yên:

- Xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm: Chùa Thái Lạc thờ Pháp Vân, chùa Hồng Cầu thờ Pháp Vũ, chùa Nhạc Miếu thờ Pháp Lôi, chùa Hồng Thái thờ Pháp Điện. 

- Xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm: Chùa Lạc Đạo thờ Pháp Vân, chùa Hoằng thờ Pháp Vũ, chùa Hướng Đạo thờ Pháp Lôi, chùa Tân Nhuế thờ Pháp Điện. 

Ở Hà Tây: (Nay thuộc về Hà Nội)

- Chùa Pháp Vân thờ Pháp Vân 

- Chùa Đậu (chùa Thành Đạo) thờ Pháp Vũ 

 Ở Hà Nam:

- Chùa Quế Lâm (chùa Bến, nên gọi là bà Bến), chùa Do Lễ, chùa Thôn Bốn, chùa Tiên thờ Pháp Vân. 

- Chùa Trinh Sơn, chùa Bảo Sơn (chùa Bà Đanh nên gọi là bà Đanh) thờ Pháp Vũ.

- Chùa Đặng Xá, chùa Nứa thờ Pháp Lôi

- Chùa Bầu thờ Pháp Điện (gọi là bà Bầu) 

Đặng Xuân Xuyến.

Tin bài liên quan