Truyền kỳ về cuộc đời kỳ lạ của Trạng nguyên Giáp Hải

Mảnh đất Việt linh thiêng từng là nơi đản sinh ra rất nhiều nhân vật truyền kỳ trong lịch sử. Thần tích và giai thoại về họ vẫn còn được ghi chép trong sử sách và qua các câu chuyện truyền miệng trong dân gian.

Cuốn sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của tác giả Phan Huy Chú viết về 4 danh nhân thời Lý, 10 danh nhân thời Trần, 18 danh nhân thời Lê và một danh nhân duy nhất thời Mạc là Giáp Hải. Giáp Hải đặc biệt có tài văn thơ và ngoại giao, nhiều lần đi sứ phương Bắc, đư­ợc hoàng đế nhà Minh kính phục gọi là Giáp Trạng Nguyên. Sau này, vua Mạc Mậu Hợp đã tặng ông lá cờ thêu hàng chữ: “Trạng đầu tể t­ướng Đẩu Nam tuấn, Quốc lão, đế s­ư, thiên hạ tôn”, nghĩa là: Đỗ trạng nguyên, làm tể tướng, danh tựa Nam Đẩu. Là quốc lão, làm thầy vua, đư­ợc thiên hạ tôn vinh.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với nhiều giai thoại thú vị, dưới đây một phần trong số đó.

An bài của số phận

Chuyện kể rằng, xưa có một người phụ nữ góa chồng sống đơn độc không ai thân thích, tính tình lại rất mực nhân hậu, đoan chính. Một ngày nọ có thầy địa lý đi ngang qua quán nước của bà và để quên một bọc tiền lớn. Bà góa tuy nghèo khổ nhưng không hề tơ hào một đồng, cũng nhất quyết không nhận tiền hậu tạ. Ông thầy địa lý rất cảm động trước sự chân thật của bà nên vẫn cố tìm cách trả ơn. Ông nói rằng sẽ giúp bà cải táng mộ phần cụ thân sinh ở ngôi đất quý, để con cháu đời sau có thể thăng đến tể tướng, trạng nguyên.

Bà goá không mặn mà lắm nhưng vì cảm kích trước sự chân thành của ông nên bà đành nhận lời. Cải táng mộ phần xong xuôi, ông thầy lại dặn bà phải sống nhân hậu phúc đức thì mới có thể có phúc phận sau này. Bà vốn bản chất tử tế nên vẫn thường xuyên giúp đỡ những người cơ nhỡ, mặc dù cuộc sống của bà rất chật vật chứ chẳng giàu có gì.

Một năm sau, tình cờ có một người đàn ông nghèo khổ đi đánh dậm qua đó xin được vào hàng nước trú mưa, vì trời mưa quá lớn nên ông bị cảm không thể về được. Nhân duyên đưa đẩy, hai người một cô nam một quả phụ, họ trò chuyện vô cùng tâm đầu ý hợp. Bà goá rất cảm động trước hoàn cảnh nghèo khổ của ông, còn ông thì thương cảm cho số phận long đong góa bụa của bà. Cả hai bắt đầu tính chuyện lâu dài, và rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Nhưng không may người đàn ông vừa mắc cảm mạo đã phạm phòng nên đột ngột qua đời, bà góa vừa sợ hãi vừa xót xa, một mình lo hậu sự cho ông. 

Từ đấy, bà hàng nước bắt đầu có mang, rồi chín tháng mười ngày sau sinh hạ được một mụn con trai. Mặc cho thiên hạ lời ra tiếng vào, thậm chí chê cười khinh bỉ, bà vẫn để ngoài tai mọi lời gièm pha, hết lòng chăm sóc cho cốt nhục của mình. Trời thương bà nên dù sống cảnh nghèo khổ nhưng đứa con trai lại rất bụ bẫm kháu khỉnh.

Một ngày nọ, trong lúc bà goá đang bận rộn bán nước, đứa trẻ lang thang một mình rong chơi. Lúc ấy, ở bên mép nước có một chiếc thuyền buôn neo đậu. Người chủ thuyền đang ngồi nghỉ trong khoang, chợt thấy có trẻ nhỏ liền vẫy tay gọi nó đến gần. Lúc đầu, ông gọi đứa trẻ đến chỉ để giải khuây, nhưng sau đó càng nhìn càng thấy yêu nên ông đã bắt cóc mang về.

Bà goá mất con, khóc mòn mỏi tưởng rằng nó đã ngã xuống nước rồi bị cuốn trôi đi mất. Bà khóc cho đến cạn nước mắt, rồi đêm ngày âm thầm nén nỗi đau vào lòng để sống cho qua ngày.

Người chủ thuyền kia vốn mang họ Giáp, là người làng Dĩnh Kế, cùng trong một tổng với làng Công Luận của bà góa, và hai làng cách nhau cũng chẳng bao xa. Ông là một người lái buôn giàu có, của kho thóc đụn rất nhiều, lại thường xuyên đi đó đi đây nên có đầu óc lanh lợi và hiểu biết hơn người. Khi qua khúc đê ở làng Công Luận, ông thấy đứa trẻ rất đáng yêu nên đã trộm mang về nuôi. Ông nói với người nhà là xin được của một người bạn đông con ở quê xa, lại dặn mọi người từ nay trở đi không được hé răng để lộ tung tích cho đứa trẻ biết. Bản thân ông từ đó cũng đối xử với đứa trẻ rất mực chu đáo, tử tế, coi cậu bé như con trai và đặt tên cho cậu là Giáp Hải.

Năm Giáp Hải lên sáu tuổi thì được cho đi học. Là đứa trẻ thông minh, có trí nhớ đặc biệt nên Hải học hành rất tấn tới. Cả thầy đồ và mọi người đều cho cậu là thần đồng, học một hiểu mười. Càng lớn lên, Giáp Hải lại càng thông tuệ, và đến năm 19 tuổi thì đỗ thứ nhì hội thi Hương. Sau đó ông bố nuôi đã nhờ một cụ nghè danh tiếng dạy học cho Giáp Hải. Giáp Hải khi ấy cũng đã 23 tuổi, là một chàng trai trưởng thành. Cậu tự nhủ phải chăm chỉ học hành để khỏi phụ lòng cha.

Nhân duyên đến thủy cung

Chuyện kể rằng khi ở trọ ở Kinh Đô để chuyên tâm học hành, một lần Giáp Hải tình cờ thấy người đánh cá đang bán một con ba ba có hoa văn trên lưng trông rất đẹp. Cậu vốn là dân miền sông nước nên chẳng lạ gì ba ba, nhưng càng ngắm càng thấy con vật này có điều gì đó thật khác thường nên quyết định hỏi mua. Người đánh cá vốn là tay láu lỉnh hay bắt chẹt khách, đã phát giá đúng bốn quan tiền – số tiền nhiều gấp bốn lần giá một con ba ba bình thường. Hải không một lời kỳ kèo, thản nhiên mở túi trả tiền, rồi mang con vật nhỏ về nhà, trong lòng xiết bao vui sướng.

Từ khi có ba ba, ngày nào đi học về Hải cũng thấy cơm canh dọn sẵn, nhà cửa tinh tươm, cậu không hiểu ai đã nấu nướng giúp mình.

Đến hôm thứ tư, Hải vừa đến lớp được một lúc thì cáo ốm, xin phép thầy cho về nhà sớm. Gần đến cửa Hải rón rén bước vào rồi nấp vào một chỗ, nhìn qua khe hở nhỏ, cậu bỗng thấy hiện ra một người con gái tuyệt đẹp. Cô gái ấy vấn lại tóc mai rồi chuẩn bị cơm nước. Hải khẽ mở khoá rồi đẩy cánh cửa bước vào, nhanh tay nhặt lấy xác ba ba đem cất đi, đoạn bước xuống bếp gặp cô gái.

Cô gái bèn kể rằng nàng vốn là con gái vua Thuỷ Tề thường đội lốt ba ba rong chơi, không may gặp nạn, nay nhờ Giáp Hải mới được cứu sống, nên muốn đền đáp ơn cứu mạng.

Cô gái đã dùng thần thông đưa Giáp Hải xuống Long cung gặp vua cha, chỉ trong chớp mắt Giáp Hải đã tiến nhập vào một không gian hoàn toàn khác. Vẫn là khúc sông ấy, nhưng lạ lùng thay cảnh vật hoàn toàn thay đổi, cung điện của vua Thủy Tề hiện ra ngay trước mắt chàng nguy nga lộng lẫy.

Lúc ấy, vua Thuỷ Tề đang buổi thiết triều, thấy con gái trở về ngài vô cùng mừng rỡ. Khi được biết Giáp Hải là ân nhân của nàng, nhà vua đã cảm ơn và tiếp đãi chàng thật là trọng thị. Tại đây Giáp Hải bái vị trạng nguyên họ Lương của vua Thuỷ Tề làm thầy, ông quan trạng cũng rất hài lòng với cậu học trò thông minh sáng dạ. Vua Thuỷ tề cho chàng ở trong căn phòng tĩnh mịch để chuyên tâm học tập, cơm nước hàng ngày đều có các thị nữ bưng đến, còn vật dụng thì cần thứ gì cũng đều có sẵn cả.

Từ đấy, ròng rã suốt mấy năm trời, Giáp Hải miệt mài với việc bút nghiên. Sách vở đầy ắp trong thư viện, ông thầy kiến thức quảng bác, lại giảng giải cho chàng thật tận tình, nên càng về sau kiến thức của chàng càng được mở mang, trí óc của chàng càng thêm sáng suốt và văn tài thì thật uyển súc… Ở chốn tiên cảnh thủy cung, mọi thú vui cũng thật vô cùng tao nhã.

Một hôm, vua Thuỷ Tề bấm độn biết ở nước Nam sắp có kỳ thi Hội, nhà vua bèn gọi Giáp Hải đến, căn dặn chàng hãy mau mau chuẩn bị cho kịp. Giáp Hải vui mừng khôn xiết đứng dậy cảm tạ ân tình của nhà vua.

Ngày hôm sau, vua Thuỷ Tề đặt đại tiệc để tiễn đưa chàng, cấp cho chàng tư trang và rất nhiều vàng bạc, châu báu, lại cùng hoàng tộc và các đại thần đi tiễn chàng rời khỏi hoàng cung. Khi ra khỏi cổng thành, một vị trong đoàn tùy tùng hóa phép để chàng trở lại chốn trần gian.

Vừa về đến nhà trọ cũ, Giáp Hải đã hay tin nhà vua vừa ra chiếu chỉ cho mở khoa thi Hội mới. Chàng không kịp trở lại quê nhà báo tin, bèn vội chuẩn bị để vào trường ứng thí. Trải qua bốn lần khảo hạch, các bài vở của chàng lời văn đã trau chuốt, ý tứ lại càng sâu xa, thơ phú thì như thần tiên giáng bút. Vì vậy các quan chủ khảo đều rất hài lòng, chấm bút cho chàng đỗ ngay đầu bảng, gọi là Hội nguyên. Trong năm người được chọn thi Đình thì chàng cũng ở ngôi cao nhất, tức tân khoa Trạng nguyên.

Mấy ngày sau, quan tân khoa Trạng nguyên ngồi trên võng điều có tàn lọng che để trở về quê vinh quy bái tổ. Từ ngày chàng rời nhà đi đến nay vừa đúng mười năm, lúc này, Giáp Hải đã 33 tuổi.

Ông bố họ Giáp lúc này cũng đã ngoài bảy mươi. Từ khi nghe tin con rời nhà trọ ở Kinh Đô ra đi mà không biết đi đâu, ông đã cho người tìm hỏi khắp nơi, nhưng đều bặt vô âm tín. Trong thâm tâm, ông đinh ninh chẳng may con ông gặp nạn ở đâu đó, hoặc giả có ai đã nói về nguồn gốc, nên con mới phẫn chí mà vĩnh viễn từ bỏ ông không một lời cáo biệt. Càng nghĩ ông càng rầu rĩ trong lòng, đêm nào cũng than khóc.

Ông tưởng đã tuyệt đường hy vọng thì nay bỗng thấy sai nha đến báo tin, đúng họ, đúng tên, đúng tuổi, đúng quê hương bản quán của con trai. Ông mừng mừng rỡ rỡ, tựa như người chết mà sống lại vậy.

Nhưng cũng ngay trong lễ vinh quy bái tổ, Giáp Hải tình cờ nghe được có người xầm xì bàn tán về thân phận của mình là con nuôi nhà họ Giáp, chàng nhanh chóng cho người đi tìm hiểu.

Thực may, quán nước vẫn còn nguyên chỗ cũ, bà hàng bây giờ đã là một bà lão ngót nghét tuổi tám mươi, mắt mờ, lưng còng, tay chân gầy guộc, đi lại vất vả, lại côi cút một thân một mình. Giáp Hải cảm thấy rất chạnh lòng…

Bà lão cho biết trước kia có sinh được một mụn con trai, nếu bây giờ còn sống thì đã ngoài ba mươi tuổi. Bà nói: “Năm ấy, thằng bé mới ba, bốn tuổi, không rõ bị rơi xuống sông bị nước cuốn đi hay là bị mẹ mìn bắt cóc”. Bà lão vừa nói vừa sụt sịt, nói xong lại oà lên nức nở…

Giáp Hải nghe câu chuyện thấy như có gì đó cứa vào tim mình. Tuy vậy, cậu không để lộ tình cảm ra bên ngoài mà chỉ ngỏ ý đón bà về nuôi, bà lão tuổi đã cao nay lại gặp người tốt bụng chân thành nên cũng vui vẻ bằng lòng.

Từ công sở ở Kinh Bắc, Giáp Hải đưa thẳng bà lão về Kinh Đô trong tư dinh của mình. Tại đây, bà được chăm sóc chu đáo và có một người hầu gái luôn luôn túc trực ở bên cạnh.

Qua thời gian, hai mẹ con dần dần nhận ra nhau, lúc ấy bố nuôi cũng đã cao tuổi rồi. Họ đều thông cảm và tha thứ cho bố nuôi, Giáp Hải cũng nguyện lòng báo đáp công ơn của cả hai người. 

Cuộc đời làm quan của Giáp Hải từ đấy thăng tiến dần dần. Mẹ thân sinh và bố nuôi già yếu rồi cũng nối nhau lần lượt qua đời, chàng lo tận hiếu khi cha mẹ sống cũng khi cha mẹ gần đất xa trời…

Gặp con trai ở không gian khác

Trải qua nhiều năm, đến khi triều đình mở khoá thi Hương, Giáp Hải được bổ làm quan chánh chủ khảo của trường thi Sơn Nam. Chánh chủ khảo là người trực tiếp ra đề thi của cả bốn kỳ, cũng là người chấm phúc khảo. Trách nhiệm ấy thật nặng nề, ấy là phải làm sao để chọn được những người có tài có đức. Nghĩ mình xưa kia phải mất 28 năm miệt mài đèn sách, cho nên Giáp Hải đã ra những đầu bài thi thật khó và có ý định chỉ lấy đỗ những người có thực học. 

Nhưng có điều, đại đa số các sĩ tử lúc ấy đều học rất chiếu lệ, khuôn sáo, chứ không chịu nghiền ngẫm nghĩa lý sâu xa. Bởi vậy, chỉ mới đọc xong đầu bài của kỳ thứ nhất họ đã nhao nhao lên phản đối: Nếu quan chánh chủ khảo không ra đề thi lại thì họ sẽ phá trường thi.

Không thể đem binh lính bắt hết các sĩ tử nổi loạn được, nhưng cũng không thể tự ý bãi miễn cuộc thi, bởi vậy Giáp Hải đành phải nhượng bộ. Nhưng trong khi các sĩ tử làm bài thì lại có kẻ chủ mưu ngầm phá hoại. Quan chánh chủ khảo lập án, khép người này vào trọng tội, phải lĩnh hình phạt tử hình.

Rủi thay, phạm nhân lại là con một, cha mẹ cậu ta vào gặp Giáp Hải, khóc lóc van xin thế nào cũng không được giảm án…

Giáp Hải cũng có một cậu con trai, năm ấy 18 tuổi, tên gọi Giáp Phong. Khi người sĩ tử kia thụ án được mấy ngày thì Giáp Phong bất ngờ mắc cảm mạo nặng rồi đột ngột qua đời.

Nỗi đau này quá lớn, Giáp Hải dù không hề muốn nhưng vẫn đành lòng mời thầy đồng cốt về để giúp mình đi gặp con trai. Ông thầy đặt lễ, cầu khấn, làm phép, đọc chú, bắt quyết… Một lúc lâu sau, linh hồn Giáp Hải rời khỏi thân thể rồi bay mãi, bay mãi, cuối cùng dừng lại trước một ngôi lầu ngũ giác, sơn son thếp vàng. Giáp Hải nhìn vào phía trong, thấy kẻ hầu người hạ đi lại tấp nập, còn ở trên chiếc sập kê chính giữa có hai người trai trẻ đang ngồi đánh cờ. Ông mừng quýnh khi nhận ra một trong hai người đích thị là Giáp Phong. Ông định bước vào thì bị môn thần cản lại, nên ông đành đứng nép vào một bên. Một lát sau, có người hầu vào bẩm báo với Giáp Phong, nhưng lạ thay Giáp Phong vẫn thản nhiên đánh cờ, không thèm để ý gì đến sự có mặt của cha mình. 

Đến khi ván cờ tàn cuộc, Giáp Phong và người kia đứng lên, lạnh lùng bước ngang qua nơi linh hồn Giáp Hải đang đứng chờ. Ông nghe thấy tiếng của người kia hỏi Giáp Phong:

– Thế tiên huynh không quen biết cả người này à?

– Có. Tôi có duyên phận với ông ta mười tám năm nay, nhưng rốt cuộc cũng chỉ như người xa lạ…

– Vì sao như thế?

– Có gì đâu, chả là vì ông ta đã lạm sát mất một mạng người.

Nghe đến đây, linh hồn Giáp Hải bỗng thấy choáng váng rồi loạng choạng ngã vật xuống. Đó cũng là lúc linh hồn trở lại thân thể, Giáp Hải cũng bàng hoàng tỉnh lại.

Từ đó trở đi, dù ở công đường hay trong đời thường, ông luôn đối đãi với người bằng lòng bao dung và độ lượng. Ông cũng mời gặp cha mẹ của người tử tù ngày xưa, nói lời an ủi và chu cấp tiền bạc để họ sửa lễ, cầu cúng cho linh hồn anh ta được siêu sinh tịnh độ.

Bài thơ cứu dân tộc khỏi cuộc binh đao

Cả cuộc đời mình, Giáp Hải được thế nhân ca ngợi là một vị quan thanh liêm, chính trực. Ông rất nổi tiếng với bài thơ “Vịnh bèo” đáp trả bài thơ “Bèo thách hoạ” của Mao Bá Ôn triều Minh – một bài thơ ngầm chê nước Nam sức yếu lực nhỏ, mong manh trôi dạt như cánh bèo, nên sớm đầu hàng phương Bắc để tránh tai hoạ. Nội dung như sau:

Bèo thách hoạ

Nguyên văn:

Tùy điền trục thủy mạc ­ương châm
Đáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu căn miêu không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết, cảm sinh tâm

Đồ chi tụ sứ ninh chi tán
Đản thức phù thời ná thứ­c trầm
Đại để trung thiên phong khí ác
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.

Dịch nghĩa:

Mọc theo ruộng n­ước hóp như­ kim
Trôi dạt lênh đênh chẳng đứng im
Nào có gốc sâu, nào có lá
Dám sinh cành nhánh, dám sinh tim

Tụ rồi đã chắc không tan tác
Nổi đó nào hay chẳng đắm chìm
Đến lúc trời cao bùng gió dữ
Quét về hồ bể hẳn khôn tìm. 

Vua Mạc Đăng Dung giao cho Giáp Hải đi sứ. Trong buổi ngoại giao, ông đã đáp lại bài thơ như sau:

Vịnh bèo 

Nguyên văn:

Cẩm lâm mật mật bất dung châm
Đái diệp liên căn khởi kế thâm
Thư­ờng dữ bạch vân tranh thuỷ diện
Khẳng giao hồng nhật truỵ ba tâm

Thiên trùng lãng đả thành nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Đa thiểu ngư­ long tàng giá lý
Thái công vô kế hạ câu tầm.

Dịch nghĩa:

Ken dầy vải gấm khó luồn kim
Rễ lá liền nhau, động vẫn im
Tranh với bóng mây che mặt n­ước
Chẳng cho tia nắng rọi xuyên tim

Sóng dồi muôn lớp thư­ờng không vỡ
Gió táp ngàn cơn cũng chẳng chìm
Nào cá nào rồng trong ấy ẩn
Cần câu Lã Vọng biết đâu tìm. 

Trí tuệ phi phàm của ông khiến nhà Minh biết nước Nam có Thần nhân nên chưa thể công phá được, đành rút binh trở về.

T/H.

Tin bài liên quan