Nếu đem ra so sánh với các bậc anh hùng Thủy Hử khí thế hào sảng, thì nhân vật này quả thực là nhỏ bé tới mức chẳng đáng được nhắc đến. Thế nhưng, người này cũng lại biết cải tà quy chính, sửa đổi bản thân và báo đáp ân huệ cho người khác.
Lâm Xung – giáo đầu thống lĩnh 80 vạn cấm quân tại Đông Kinh (Biện Lương) của Bắc Tống, vì bị Cao Thái úy – Cao Cầu hãm hại nên phải đi sung quân tới vùng Thương Châu. Khi đang tản bộ trên đường phố Thương Châu, Lâm Xung gặp lại một người quen cũ tên gọi là Lý Tiểu Nhị. Nếu đem ra so sánh với các bậc anh hùng Thủy Hử khí thế hào sảng, cùng cuộc đời ân oán thị phi oanh liệt của họ, nhân vật Lý Tiểu Nhị này trong ‘Thủy Hử truyện’ quả thực là nhỏ bé tới mức chẳng đáng được nhắc đến. Thế nhưng, người này cũng lại là một nhân vật biết cải tà quy chính, sửa đổi bản thân và báo đáp ân huệ cho người khác.
Câu chuyện giữa Lâm Xung và Lý Tiểu Nhị bắt đầu khi Lâm Xung còn đang là một giáo đầu nức tiếng tại vùng Đông Kinh. Ngày đó có cửa tiệm mướn về một người làm tên gọi Lý Tiểu Nhị – chuyên phụ trách các việc lặt vặt trong quán như bán rượu, v.v… Có một lần, Lý Tiểu Nhị thừa dịp không ai chú ý đã lén lút lấy trộm tài sản của chủ tiệm. Sau này bị người phát hiện, tang chứng vật chứng đầy đủ cả, chủ tiệm liền muốn mang anh ta giao nộp cho quan phủ hỏi tội. Lâm Xung nghe được việc này, bèn giúp Lý Tiểu Nhị giải vây, bảo anh ta thành thật xin lỗi chủ tiệm. Ông còn thay Lý Tiểu Nhị bồi thường lại cho chủ tiệm toàn bộ số tiền đã bị tổn thất. Bởi vì Lâm Xung khi đó là giáo đầu của 80 vạn cấm quân kinh thành, là một vị quan rất có thân phận, nên chủ tiệm cuối cùng đã nể mặt Lâm Xung mà bỏ qua cho Lý Tiểu Nhị.
Căn cứ theo luật pháp về hình phạt của Đại Tống dành cho người phạm tội ăn cắp ăn trộm: nếu như khoản tiền hoặc vật bị lấy trộm có tổng giá trị từ 5 xâu tiền trở lên sẽ bị xét vào tội tử hình (một xâu là một nghìn văn tiền). Nếu như tổng giá trị của cải bị lấy trộm không đến 5 xâu tiền, kẻ phạm tội sẽ phải chịu phạt 20 trượng, và bị sung quân đi lao dịch khổ sai trong vòng 3 năm. Đến thời Tống Thần Tông, người phạm tội vẫn phải chịu mức phạt tử hình như cũ; ngoài ra, cả vợ con của người phạm tội cũng bị liên đới theo, phải đi lưu đày nghìn dặm.
Trong truyện Thủy Hử, nhờ có Lâm Xung đứng ra bảo lãnh, Lý Tiểu Nhị tránh thoát được một lần kiện cáo, cũng tránh thoát được một kiếp lao tù. Tuy nhiên, lần trộm cắp này đã khiến cho tiếng xấu của Lý Tiểu Nhị nhanh chóng truyền xa, không có bất cứ cửa tiệm nào muốn thuê anh ta nữa. Cả một vùng kinh thành rộng lớn cũng chẳng có chỗ cho Lý Tiểu Nhị dung thân. May mắn thay, Lâm Xung biết được bèn cấp cho anh ta một chút lộ phí đi đường, bảo Lý Tiểu Nhị đi tới nơi khác tìm kế sinh nhai.
Được Lâm Xung giúp đỡ, Lý Tiểu Nhị rời khỏi Đông Kinh, lặn lội vất vả tìm đến vùng Thương Châu, rồi tới làm thuê cho một cửa hàng bán rượu. Từ đó trở đi, Lý Tiểu Nhị đổi tính đổi nết, cải tà quy chính, không còn giở thói trộm cắp nữa. Anh ta ngày đêm làm lụng cần cù chăm chỉ cho quán rượu của nhà họ Vương, bởi thế nên rất được chủ tiệm yêu quý. Thấy anh ta là người siêng năng lại cẩn thận, chủ tiệm họ Vương bèn gọi Lý Tiểu Nhị tới, ngỏ ý muốn anh ta làm con rể của mình, rồi sau đó gả con gái cho anh ta. Sau khi bố mẹ vợ tuổi già sức yếu qua đời, hai vợ chồng Lý Tiểu Nhị thừa kế quán rượu và tiếp tục công việc buôn bán.
Một ngày nọ, Lý Tiểu Nhị đang đi trên đường phố Thương Châu thì bất chợt nhìn thấy Lâm Xung. Từ Khai Phong đến Thương Châu phải xa hơn ngàn dặm, làm sao Lý Tiểu Nhị có thể gặp được Lâm giáo đầu tại Thương Châu cơ chứ? Lại nói, cảnh ngộ của Lâm Xung lúc bấy giờ cũng là thập phần oan uổng.
Mọi chuyện bắt nguồn từ một lần Lâm Xung cùng vợ là Trương Thị đi tới Nhạc Miếu để dâng hương cầu nguyện. Bởi vì Lâm Xung là người luyện võ, nửa đường lại nghe thấy có người đang vung gậy diễn võ nên liền đứng nghe tập trung đến xuất thần. Lâm Xung bèn để cho vợ cùng tỳ nữ đi thắp hương trước, còn mình thì đi tìm người đang múa võ kia. Đợi đến khi ông đuổi theo tiếng xé gió đến trên mái hiên trong miếu, liền trông thấy ‘hoa hòa thượng’ Lỗ Trí Thâm đúng lúc đang vung quyền luyện võ. Hai người anh hùng tương kiến chỉ tiếc gặp nhau quá muộn, liền lập tức cử hành nghi lễ kết nghĩa huynh đệ. Đang cao hứng trò chuyện, họ chợt thấy tỳ nữ Cẩm Nhi theo hầu vợ Lâm Xung hớt hải chạy tới tìm. Hóa ra, hai người Trương thị đang đi dâng hương thì bị Cao Nha Nội chặn lại, ý đồ đùa giỡn chọc ghẹo Trương thị. May thay, Lâm Xung hay tin đuổi tới kịp lúc, quát dừng hắn, cứu được Trương thị.
Lại nói, Cao Nha Nội đó là con trai của Cao Thái úy – Cao Cầu. Người này vốn là một kẻ háo sắc, tại kinh đô còn có danh xưng là ‘hoa hoa thái tuế’. Hắn ỷ vào quyền thế của Cao Thái úy mà thường xuyên giở trò gian dâm với vợ con người khác. Hôm đó nhìn thấy nhan sắc của Trương thị – vợ Lâm Xung, Cao Nha Nội quả thực là thần hồn điên đảo. Hắn tìm đến bạn của Lâm Xung là Lục Ngu Hậu hợp tác bày mưu, lấy danh nghĩa Lâm Xung để lừa Trương thị đến Lục gia, sau đó tận lực dụ dỗ Trương thị. Lục Ngu Hậu trước đây dựa vào Lâm Xung giới thiệu mới có thể tới Cao phủ nhậm chức. Lâm Xung đối với hắn ơn trọng như núi, thế nhưng đứng trước lựa chọn giữa thiện và ác, Lục Ngu Hậu lại vì quyền thế và lợi ích của bản thân mà phản bội Lâm Xung, trở thành đồng bọn với Cao Nha Nội.
May thay, Lâm Xung nghe tin, kịp thời chạy đến nhà họ Lục, hét vang một tiếng rồi phi thân lên lầu, cứu được Trương thị. Cao Nha Nội thấy thế sợ đến nhảy tường bỏ chạy trối chết, hắn ta thậm chí còn bị Lâm Xung dọa ra một thân bệnh nặng, nằm liệt trên giường. Sau này, Cao Thái úy biết được nguyên nhân đổ bệnh của con mình, bèn cùng với Lục Ngu Hậu và Phú An bày mưu tính kế hãm hại Lâm Xung. Bọn Cao Thái úy lừa gạt Lâm Xung, lấy việc Lâm Xung cầm đao xông vào Bạch Hổ tiết đường – nơi bàn luận việc quân cơ đại sự – làm cớ để áp giải ông tới phủ Khai Phong, khiến cho Lâm Xung bị phạt sung quân tới Thương Châu.
Tại Thương Châu, Lâm Xung được phân nhiệm vụ canh gác Thiên Vương đường; phụ trách việc đốt hương, quét dọn hằng ngày. Một hôm, Lâm Xung nhân lúc nhàn rỗi liền lên phố tản bộ. Khéo thay, ngày đó Lý Tiểu Nhị cũng phải đi đòi nợ nên vô tình chạm mặt Lâm Xung trên đường. Nhìn thấy ân nhân, Lý Tiểu Nhị vui mừng khôn xiết, nhiệt tình mời Lâm Xung về nhà rồi gọi vợ con ra bái tạ ân công. Song, Lâm Xung nói mình bị kẻ gian làm hại, từ một vị giáo đầu thống lĩnh 80 vạn cấm quân nay sa sút thành tội nhân chịu phạt lưu đày. Đoạn, ông chỉ vết ấn ký khắc trên mặt rồi nói với vợ chồng Lý Tiểu Nhị rằng: thân phận hiện tại của ông chỉ sợ sẽ làm liên lụy đến nhà họ.
Lý Tiểu Nhị mặc dù là dân chợ búa, thân phận thấp kém nhưng chịu ơn huệ của Lâm Xung trong lòng vẫn luôn ghi nhớ, cảm tạ. Lúc này, anh ta một chút cũng không hề để ý đến thân phận hiện tại của Lâm Xung, vẫn nhiệt tình khoản đãi ông. Hai người nói chuyện hàn huyên một mạch đến tận nửa đêm, rồi Lâm Xung mới trở về Thiên Vương đường. Sau ngày hôm đó, Lý Tiểu Nhị thường xuyên tới doanh trại đưa cơm canh nước uống cho Lâm Xung, thuận tiện mang quần áo cũ bẩn của Lâm Xung về nhà sửa lại và tẩy rửa sạch sẽ. Lâm Xung thấy vợ chồng hai người họ thực sự cung kính, chân thành nên thường hay cho họ một chút ngân lượng làm tiền vốn. Ở một nơi đất khách quê người, không thân không thích, Lâm Xung may mắn được vợ chồng Lý Tiểu Nhị chăm sóc, những ngày tháng lưu đày của ông nhờ vậy mà cũng le lói chút tình cảm ấm áp.
Một hôm, Lý Tiểu Nhị đang làm việc trong quán rượu thì vô tình nghe được những người khách đến từ Đông Kinh nhắc tới ‘Cao Thái úy’. Trong lòng anh ta phỏng đoán, nói không chừng là chuyện có liên quan đến Lâm giáo đầu nên bảo vợ mình là Vương thị để ý nghe xem họ nói là chuyện gì. Bởi vì nhóm người kia nói chuyện đều ghé đầu rỉ tai nhau mà nói, vô cùng thần bí nên Vương thị cũng chỉ nghe được vài từ vụn vặt: “Dù thế nào cũng phải … kết quả … tính mạng của hắn”. Vợ chồng hai người trong lòng hoang mang lo lắng, sợ rằng vụ việc này sẽ huyên náo đến mức xảy ra án mạng.
Đang lúc Lý Tiểu Nhị định đi tìm Lâm Xung để báo tin thì trùng hợp thay, Lâm Xung cũng vừa tới quán rượu. Lý Tiểu Nhị liền đem toàn bộ những gì nghe được kể lại cho Lâm Xung. Vừa nghe miêu tả tướng mạo của người đến, Lâm Xung không khỏi đùng đùng nổi giận. Thật không ngờ, Lục Ngu Hậu lại có thể bắt tay cùng Cao Thái úy lập mưu đẩy ông vào chỗ chết. Nhờ Lý Tiểu Nhị cơ trí cảnh giác nên mới kịp thời nhắc nhở Lâm Xung cẩn thận đề phòng kẻ gian tà.
Thì ra, bọn Cao Thái úy âm mưu sắp đặt kế sách hiểm độc: lệnh cho quản doanh ở nơi đó điều Lâm Xung tới quản lý công việc tại địa điểm chứa cỏ khô (thức ăn gia súc) phục vụ quân đội. Sau đó, chúng sẽ phóng hỏa đốt kho chứa cỏ hòng thiêu chết Lâm Xung. Ngay cả khi Lâm Xung không chết, thì chúng cũng có thể lấy cớ kho chứa cỏ bị cháy là do Lâm Xung lười biếng, lơ là chức vụ mà khép ông vào tội tử hình.
Thời vận éo le, kẻ gian ác hãm hại bậc trung lương. Thế nhưng, mắt Thần như điện, lẽ Trời công minh, trong tăm tối Thần vẫn luôn trợ giúp người nghĩa sĩ. Ngày đó, một trận tuyết lớn thổi qua cuốn sập gian chứa cỏ, nên đến khi đêm xuống Lâm Xung phải tới lánh tạm trong một miếu cổ gần đó để nghỉ ngơi, nhờ vậy mà thoát được một kiếp, tránh được lửa lớn do kẻ gian phóng hỏa. Đến lúc ông trở về mới nghe được mưu kế mà bọn chúng tưởng rằng đã thực hiện thành công.
Tức giận, Lâm Xung tự tay chém chết vài kẻ gian tặc muốn hãm hại ông, sau đó rời lên Lương Sơn, mở ra một trang tuyệt tác anh hùng tề tựu giương cao chính nghĩa sau này. Trong vòng tròn nhân quả luân chuyển, ân giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn sau này lại trở thành nghĩa để cứu chính bản thân mình.
Trường Lạc.