Mẹ chồng – nàng dâu, đây có thể là mối quan hệ oan nghiệt, cũng có thể là cội nguồn của những điều tốt đẹp nhất, phần nhiều phụ thuộc vào tấm lòng hiếu thuận chân thành của người con dâu. Người xưa nói: “Con dâu hiền quý hơn con gái”, lại cũng nói: “Gia đình có nàng dâu hiếu thảo thì hưng thịnh ba đời”.
Trong suốt chiều dài lịch sử, triều đại nào cũng đều ghi lại những tấm gương nàng dâu hiếu thảo cảm động lòng người.
Khương Thi, sinh vào đời nhà Hán, có vợ là Bàng Thị, hai vợ chồng đều rất hiếu thảo với mẹ.
Mẹ chồng muốn uống nước sông, Bàng Thị hằng ngày đi gánh nước sông ở thật xa đem về để dành cho mẹ dùng.
Mẹ muốn ăn cá tươi, Khương Thi không nề hà rét mướt, đi bắt cá đem về làm món ăn dâng lên mẹ.
Thấy mẹ ở nhà một mình, sợ mẹ buồn bực, hai vợ chồng thường đến nhờ hàng xóm qua chơi, chuyện trò với mẹ cho vui tuổi già.
Về sau, bên cạnh nhà tự nhiên sinh ra một dòng suối ngọt, nước suối có mùi vị y như nước sông và hằng ngày lại có 2 con cá chép từ suối nhảy ra. Khương Thi bắt được cá đủ làm bữa ăn dâng lên mẹ dùng và Bàng Thị cũng khỏi đi gánh nước sông ở xa nữa.
Người ta cho rằng, lòng hiếu thảo của vợ chồng Khương Thi làm cảm động lòng Trời nên Trời khiến sinh ra suối và cá như thế.
Vào đời Đường, nhà họ Thôi có con dâu là Đường Thị, thờ mẹ chồng rất hiếu thảo. Người mẹ vì tuổi đã cao nên rụng hết răng, ngay cả cơm rất mềm cũng không nhai được. Đường phu nhân hằng ngày chải tóc, tắm rửa sạch sẽ cho mẹ chồng, và còn cho mẹ chồng uống sữa của mình. Nhờ đó, mẹ chồng không ăn gì mà vẫn no.
Để cảm ơn nàng dâu hiếu thuận, lúc sắp chết, bà gọi tất cả con cháu lại và nói: “Bao nhiêu năm tháng qua, ta đã được săn sóc tận tình bởi đứa con dâu này. Ta không biết lấy gì để đền đáp tấm lòng hiếu thảo ấy. Ta khấn nguyện trời cao cho con cháu dâu nhà họ Thôi ngày sau, ai ai cũng đều hiếu thảo như Đường Thị vậy”.
Quả nhiên về sau, tất cả các con cháu dâu của nhà họ Thôi đều noi gương Đường Thị, học tập lẫn nhau, ai ai cũng đều hiếu thuận. Nhà họ Thôi vì thế mà được hưng thịnh.
Triều Tống có một người phụ nữ hiền lương là Trần Thị, năm 20 tuổi xuất giá về nhà chồng, sống một cuộc sống hết sức vui vẻ, tràn đầy hạnh phúc. Ngờ đâu chưa được một tháng sau, người chồng đã phải sung vào quân ngũ, lên đường ra trận. Tình cảnh vợ chồng vừa mới cưới đã ly biệt, thật buồn rầu ủ rũ biết dường nào. Trước lúc chia tay, người chồng ân cần nắm tay vợ nói:
– Sau khi ta đi rồi, nhờ nàng ở nhà chăm sóc phụng dưỡng mẹ già thay ta!
Trần Thị cố tỏ ra cứng rắn, ôn tồn an ủi chồng, hứa là sẽ hết lòng chăm sóc nuôi dưỡng mẹ già.
Sau đó không bao lâu thì nàng nhận được hung tin, người chồng không may tử trận. Trần Thị đau buồn khôn xiết kể, những muốn quyên sinh theo chồng, nhưng vẫn phải gắng gượng sống để còn lo chăm sóc nuôi dưỡng mẹ.
Người cha của Trần Thị thấy con gái mình tuổi mới đôi mươi đã rơi vào cảnh góa bụa, liền hết lời khuyên nàng nên tính chuyện tái giá. Song Trần Thị kiên quyết nói với cha:
– Thưa cha, con biết cha khuyên như vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho con. Chồng con tuy đã bỏ mình, nhưng mẹ chồng còn đó không người chăm sóc. Nay nếu con bỏ mẹ mà đi lấy chồng khác, đã không vẹn tình nghĩa với chồng, lại không tròn chữ hiếu với mẹ chồng, như vậy chẳng phải là việc làm nhân nghĩa, lại còn để tiếng xấu cho cả gia đình mình đó sao? Xin cha cho phép con thủ tiết thờ chồng, hết lòng nuôi dưỡng chăm lo cho mẹ.
Cha nàng thấy ý con gái đã quyết nên cũng thôi không khuyên con tái giá nữa. Từ đó về sau, Trần Thị siêng năng làm việc, may thuê vá mướn, kiếm được chút tiền nào đều dành dụm lo cho mẹ chồng. Trải qua nhiều năm như thế, trước sau vẫn không một chút lười biếng mệt mỏi. Đến khi mẹ chồng qua đời, nàng còn lo việc chôn cất ma chay đàng hoàng, tươm tất.
Lòng thủy chung với chồng và tấm gương hiếu thảo của người con dâu Trần Thị đã khiến rất nhiều người cảm động và kính phục. Hoàng đế đương thời biết chuyện liền ban thưởng rất nhiều tiền bạc và phong tặng nàng danh hiệu là “người con dâu hiếu thảo”.
Vợ Hạ Thành Minh triều Minh tên là Vương Thị, là một phụ nữ nông dân ở Vô Tích tỉnh Giang Tô, gia cảnh nghèo khổ, lại gặp phải năm mất mùa. Chồng cô đi làm xa, Vương Thị ngày đêm miệt mài dệt vải, dốc hết sức chuẩn bị cơm, thức ăn cho cha mẹ chồng, còn cô thì ăn cám và rau quả dại.
Một lần mẹ chồng tình cờ đi xuống bếp, nhìn thấy những thứ cô đang ăn, không nén nổi nước mắt tuôn rơi. Sau này Vương Thị sống thọ 80 tuổi, không có bệnh tật gì, yên lành ra đi. Người nhà mộng thấy một đoàn người cầm cờ tấu nhạc đến nghênh đón người phụ nữ hiếu hạnh ra đi. Trong xóm có vị cống sinh, mỗi lần đi qua cổng nhà Vương Thị đều nhất định đứng ngoài cổng kính lễ 3 vái, bày tỏ lòng tôn kính.
***
Con gái hiếu thảo với cha mẹ ruột là quý, con dâu hiếu thảo với cha mẹ chồng có lẽ còn quý giá hơn. Bởi lẽ, cha mẹ chồng không sinh thành, dưỡng dục con dâu từ thuở lọt lòng, cũng ít hiểu biết tính tình sở thích của con dâu, vì thế nên mối quan hệ ít nhiều xa cách, dễ dẫn tới xung đột.
Có người con dâu đã tận sức chăm sóc cho cha mẹ chồng nhưng vẫn không nhận được sự công nhận, yêu quý của họ, bèn sinh ra chán nản, phẫn uất. Thực ra, điều có thể khiến cha mẹ chồng cảm động không phải là con dâu làm bao nhiêu việc cho mình, hay sinh được bao nhiêu cháu (trai), mà chính là tấm lòng hiếu kính chân thành của người con dâu ấy. Nếu con dâu làm rất nhiều việc cho nhà chồng, nhưng với cái tâm truy cầu sự công nhận hay báo đáp, thì đó không phải là hiếu hạnh thực sự, sẽ không chạm đến trái tim của cha mẹ chồng.
Những nàng dâu hiếu thảo như Bàng Thị, Đường Thị, Trần Thị và Vương Thị sở dĩ có thể khiến mẹ chồng nước mắt tuôn rơi chính là vì tấm lòng hiếu thảo chân thành, vô tư ấy!
Khiêm Từ.