Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature của nhóm học giả đến từ Đại học Nottingham, Việt Nam xếp chót bảng về tính trung thực.
Kết quả này đến từ một khảo sát khách quan trên 2.586 thanh niên (sinh viên) đến từ 23 quốc gia đại diện, dựa trên thí nghiệm đổ xúc xắc. Những quốc gia xếp cuối bảng về tính trung thực gồm có Tanzania, Marốc, Trung Quốc và Việt Nam. Bài báo cho hay: “Các thể chế và di sản văn hóa yếu kém” không chỉ trực tiếp gây ra những hậu quả kinh tế bất lợi, mà còn có thể làm giảm tính trung thực nội tại của mỗi cá nhân.
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có bề dày lịch sử văn hoá mấy nghìn năm, kết tinh rực rỡ các giá trị đạo đức của Nho, Phật, Đạo. Nho gia coi trọng “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, trong đó bao hàm đức tính trung thực. Phật giáo đề ra năm giới cấm, bao gồm “không nói dối”. Còn Đạo gia thì đặt trọng điểm tại chữ “Chân”, nói lời chân, làm việc chân, đi trên con đường phản bổn quy chân.
Những tinh hoa phương Đông này được toàn thế giới ngưỡng mộ. Theo lời sử gia Durant, Voltaire và một vài triết gia người Pháp khác nữa đã sẵn sàng “phong Thánh” cho Đức Khổng Tử, nhà hiền triết “đã dạy cho dân chúng những nguyên lý đạo đức 500 năm trước khi Thiên Chúa giáo ra đời”. Trong khi đó, triết gia kiêm toán học gia Leibniz lẫy lừng của Đức thì rất cảm phục lý thuyết về vũ trụ mà Kinh Dịch đã làm sáng tỏ.
Theo đó, di sản văn hoá của chúng ta vô cùng giàu có trác tuyệt, không hề “yếu kém”. Con người Việt Nam và Trung Quốc hôm nay lẽ ra phải thật thà, thành thực, trung tín, chứ tại sao lại xếp cuối bảng về lòng trung thực như vậy?
Ngôn ngữ là phương tiện mang chở văn hoá, là tấm gương phản ánh thế giới tâm hồn của dân tộc. Người Việt Nam xưa lưu truyền những câu tục ngữ, ca dao ca ngợi phẩm chất thật thà: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, “Thật thà là cha quỷ quái”, hay: “Người gian thì sợ người ngay/ Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo”. Tuy nhiên thời hiện đại, người ta lại lưu truyền câu nói toàn chữ T: “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt”. Không biết tự bao giờ, quan niệm tốt xấu của người Việt đã thay đổi.
Không biết tự bao giờ, người ta đã quen với những thứ giả dối đầy rẫy trong xã hội: Thuốc giả, thực phẩm giả, cho đến bằng giả, đạo đức giả. Người ta nói dối cũng không còn ngượng miệng nữa. Cho tới suy nghĩ cũng trở nên vòng vo, không thẳng ngay nhanh gọn như trước. Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phải chua xót đặt ra câu hỏi: “Tính trung thực giờ bán được nhiêu?”.
Bản thân câu hỏi ấy đã phản ánh bi kịch của đất nước. Khi giá trị đạo đức thiêng liêng bất khả xâm phạm bị đem lên bàn cân, để lượng giá, để trao đổi, thì khi ấy chủ nghĩa duy lợi ích kỷ đang ngạo nghễ cười đắc thắng. Nó phản ánh cả một lớp người chỉ chạy theo lợi. Nhân nghĩa, gia đình, tự trọng, v.v… đều không quan trọng bằng một chữ “Lợi”.
Có một thời, các chuẩn mực đạo đức văn hoá truyền thống bị chụp mũ là “tàn dư phong kiến”, tín ngưỡng vào Thần Phật và thiện ác hữu báo bị bài xích là “mê tín”, “lạc hậu”. Tinh thần đấu tranh được coi là “tiến bộ”, là động lực của “phát triển”, và để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm người ta buộc phải đè nén lương tri, công kích người khác, phải tạo cho mình vỏ bọc giả tạo. Có lẽ từ đó, xã hội Việt Nam và Trung Quốc đã chặt đứt cái gốc làm người.
Tư Mã Quang, danh thần triều Tống từng nói: “Tiền bạc không là gì so với danh dự, trung thực là cái mà chúng ta không thể đánh mất”. Trung Quốc và Việt Nam hiện đại dường như đang giàu có lên, nhưng rất có thể chúng ta đang đánh mất danh dự và lòng trung thực, hai báu vật vô giá trong di sản tinh thần của dân tộc.
Trong khi đó, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, những quốc gia châu Á với cùng thể hệ văn hoá truyền thống như Việt Nam và Trung Quốc, vừa phát triển kinh tế thịnh vượng, vừa nổi tiếng thế giới với phẩm chất thành thực, thành tín. Điểm chung của các quốc gia này là sự kính ngưỡng sâu sắc và phát huy văn hoá truyền thống, chú trọng giáo dục đạo đức từ thuở ấu thơ. Tưởng Giới Thạch, nhà lập quốc Đài Loan từng nói: “Đất nước bị diệt vong rồi còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt”.
Hi vọng một ngày, Việt Nam không chỉ trở thành con rồng châu Á về kinh tế, mà còn khôi phục lại dáng dấp của thành Thăng Long văn hiến nghìn năm xưa.
Thanh Ngọc