9 câu chuyện nhỏ ẩn chứa triết lý nhân sinh

Cuộc sống luôn hiện hữu vô vàn các câu chuyện dài ngắn buồn vui khác nhau... Trong đó ẩn chứa nhiều bài học triết lý nhân sinh sâu sắc, giúp chúng ta có thêm chiêm nghiệm và góc nhìn thú vị về cuộc đời...

* Câu chuyện 1: 

Một anh chàng đến công ty xin việc, tới nơi phỏng vấn, đi qua hành lang, anh nhìn thấy mảnh giấy vụn dưới chân và đã nhặt nó bỏ vào thùng rác. Hành động của anh tình cờ được người phỏng vấn đi ngang qua nhìn thấy, vì vậy anh ta đã nhận được việc làm. 

Cảm ngộ: Hóa ra, để đạt được sự đánh giá cao thật đơn giản, chỉ cần dưỡng thành thói quen tốt. Nhiều hành động có vẻ nhỏ nhặt nhưng nó lại phản ánh giá trị của một con người và khiến mọi người xung quanh nể trọng.

* Câu chuyện 2: 

Có một chàng trai học việc tại cửa hàng sửa chữa xe đạp, một khách hàng đưa xe đến sửa, người thợ học việc này không chỉ sửa chữa tốt mà còn lau chùi chiếc xe rất sạch sẽ. Những người khác nhìn thấy thì không khỏi cười nhạo, cho rằng anh đã làm một việc vô ích. Một ngày sau khi người chủ lấy chiếc xe đạp về nhà, ông đã quay lại và mời anh đến công ty của ông để làm việc với mức lương cao. 

Cảm ngộ: Tạo ra sự khác biệt rất đơn giản, chỉ cần làm tốt và làm nhiều hơn một chút. Có những hành động không vụ lợi, mang cái tâm trong sáng, đôi khi sẽ đem lại những điều may mắn trong cuộc sống.

* Câu chuyện 3:

Một em bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ rất đẹp!”

Bà mẹ hỏi: “Ơ, sao con lại khen mẹ như thế?”

Em bé trả lời: “Bởi vì hôm nay mẹ… không nổi giận!”.

Cảm ngộ: Hóa ra để trở nên xinh đẹp lại dễ dàng đến vậy, chỉ cần không nóng giận là đạt được rồi. Vẻ đẹp ngoại hình phụ thuộc vào tâm tính của chúng ta. Nếu một khi nổi giận, tức tối, sẽ làm cho khuôn mặt của bạn cũng ít thiện cảm đi. Vì thế người xưa mới khẳng định rằng: “Tâm sinh tướng”. Bởi vậy muốn để trở nên đẹp hơn thì bạn hãy rèn luyện cho tâm hồn của mình luôn thánh thiện nhé.

* Câu chuyện 4: 

Ông chủ trang trại nói với con của mình rằng cần làm việc chăm chỉ ở trang trại mỗi ngày. 

Bạn bè nói với ông: “Ông không cần bắt bọn trẻ phải vất vả như thế, cây trên nông trại cũng vẫn phát triển tốt mà”.

Ông chủ trang trại trả lời: “Tôi không phải là vì chăm sóc cây nông nghiệp mà làm vậy. Tôi là đang bồi dưỡng thói quen tốt cho các con tôi”. 

Cảm ngộ: Thì ra dạy bảo một đứa trẻ rất đơn giản, để chúng nếm trải một chút vất vả là được rồi. Cách dạy con nên người tốt nhất là để chúng tham gia lao động, để chúng hiểu được giá trị lao động và thông cảm với sự vất vả của cha mẹ chúng.  

* Câu chuyện 5: 

Con ếch sống bên bờ ruộng nói với con ếch sống bên đường: “Ở đây nguy hiểm quá, hãy chuyển đến chỗ tôi mà sống”. 

Con ếch sống bên đường nói: “Tôi ở đây quen rồi, không muốn chuyển đi đâu cả”. 

Mấy hôm sau, con ếch sống bên bờ ruộng đi thăm con ếch ở bên đường thì phát hiện nó đã bị xe cán chết, xác đã khô cả rồi. 

Cảm ngộ: Kỳ thực, nắm chắc vận mệnh rất đơn giản, đó chính là rời xa sự lười biếng. Hãy thực hiện theo những lời góp ý chân thành, đừng để tính lười biếng của bạn làm hại bản thân mình. 

* Câu chuyện 6: 

Cụ già nói với đứa trẻ: “Nắm chặt nắm tay của con lại, nói cho ông biết con thấy thế nào?”

Đứa trẻ nắm chặt tay lại rồi nói: “Hơi mệt ông ạ!”

Cụ già: “Thử nắm chặt một chút nữa xem!”

Đứa trẻ: “Con thấy mệt hơn ông ạ! Có một chút tức thở!”

Cụ già: “Vậy thì con buông tay ra!”

Đứa trẻ thở một mạch: “Thoải mái hơn nhiều rồi ạ!”

Cụ già: “Khi con thấy mệt, con càng nắm chặt con càng mệt, buông nó ra, sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều!”

Cảm ngộ: Đạo lý đơn giản, biết buông tay mới thấy nhẹ nhõm!

* Câu Chuyện 7: 

Nước hoa của công ty bách hóa, 95% là nước, còn 5% là khác nhau, đó đều là nhờ bí mật công thức khác nhau. Con người cũng như vậy, 95% mọi thứ căn bản là như nhau, sự khác biệt then chốt chỉ ở 5% mà thôi, bao gồm sự tu dưỡng, buông bỏ dục vọng – điều này quyết định hạnh phúc hay đau khổ của mỗi người.

Cảm ngộ: Tinh dầu phải sắc 5 năm, 10 năm mới pha chế ra được nước hoa, con người cũng vậy, phải kinh qua phát triển rèn luyện, mới có được “hương vị” độc nhất vô nhị.

* Câu chuyện 8: 

Sư phụ: “Nếu các con muốn nấu một nồi nước sôi, nhóm lửa đến nửa chừng rồi mới phát hiện không đủ củi đốt, các con làm thế nào đây?”

Có đệ tử nói: Phải nhanh đi tìm củi, có đệ tử nói đi mượn củi, có đệ tử nói đi mua…

Sư phụ: “Vậy tại sao các con không đổ bớt nước ra khỏi nồi?”

Cảm ngộ: Chuyện trên đời không phải tất cả đều như ý mình được, có xả bỏ đi mới đắc được.

* Câu chuyện 9: 

Một hôm, người cha lỡ làm lạc mất chiếc đồng hồ đeo tay, ông bực bội lục lọi tìm kiếm khắp nơi, nhưng tìm cả buổi cũng không thấy. Đợi đến khi ông ra ngoài, đứa con lặng lẽ vào phòng, trong chốc lát đã tìm được.

Người cha hỏi: “Sao mà con tìm ra được vậy?”

Đứa con trả lời: “Con chỉ ngồi im lặng, một lát sau có thể nghe được âm thanh tích tắc nho nhỏ, thế là con tìm ra”.

Cảm ngộ: Chúng ta càng nôn nóng tìm kiếm, càng tìm không ra thứ mình muốn tìm, chỉ có bình tĩnh lại, mới nghe được âm thanh tự trong đáy lòng.

San San.

Tin bài liên quan