Giá trị của một người không nằm ở giàu sang phú quý hay cơ hàn nghèo khổ, mà nằm ở năng lực và tố chất bản thân. Dưới dây là 10 năng lực mà bất cứ ai cũng cần có để ung dung tự tại trong đời.
1. Độc lập - Tam thập nhi lập
Khổng Tử từng giảng: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc”. Ý rằng, 15 tuổi ta lập chí học tập, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi đã có thể không bị mê hoặc bởi sự vật bên ngoài.
Trong “Tam thập nhi lập”, thì “lập” là độc lập trên tư tưởng, có thể vì nghĩ cho người khác mà thay đổi thái độ, cách thức đối nhân xử thế trong cuộc sống trở nên tốt hơn.
Vào thời Đông Hán, có một chàng trai nghèo khó phải làm việc sao chép sách để nuôi sống gia đình. Một ngày nọ chàng dừng bút, cảm thán than rằng: “Việc một đại trượng phu nên làm là ở trên sa trường”. Khi bị người khác chê cười, chàng đã nói: “Những người không biết sao có thể hiểu được chí hướng của bậc tráng sĩ?”. Sau đó, quả thật chàng trai này đã đầu quân, chinh chiến sa trường, lập nhiều công lao to lớn, lưu danh ngàn thu.
Mục tiêu của một bậc chính nhân quân tử là khi gặp bất kỳ chuyện gì đều có chủ kiến của riêng mình, khi làm việc cũng có nguyên tắc riêng.
2. Thành tín Ngôn nhi hữu tín
“Ngôn nhi hữu tín” là lời nói phải đáng tin, đúng với sự thật.
Từ xưa tới nay những người làm nên chuyện lớn đều là người tôn trọng chữ tín, giữ đúng lời hứa.
Vào cuối thời nhà Tần, đất Sở xuất hiện một vị anh hùng hào hiệp, tính tình chính trực, trượng nghĩa, thích ra tay giúp đỡ người khác, đó chính là Quý Bố. Cho dù là việc khó khăn lớn đến mấy, chỉ cần Quý Bố nhận lời thì nhất định sẽ tận lực làm cho bằng được. Từ đó bách tính lưu truyền rằng: “Đạt được trăm cân hoàng kim cũng không bằng có được một lời hứa của Quý Bố”. Câu nói “lời hứa đáng giá ngàn vàng” cũng xuất phát từ đây.
Thành tín không chỉ là không nói dối, thành thực với mọi người, nói được làm được, mà còn là thành thật đối mặt với chính bản thân mình, không vì bản thân mà tìm lý do biện bạch.
3. Tự kiềm chế bản thân — Ai nhi bất thương
“Ai nhi bất thương” là nói, bi ai nhưng không bi thương, buồn rầu nhưng không đau khổ, cũng chính là chỉ tình cảm có sự tiết chế.
Trong Luận Ngữ giảng rằng: “Lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (Vui vẻ nhưng không chìm đắm, bi ai nhưng không bi thương). Tuân Tử cũng từng nói: “Nộ bất quá đoạt, hỉ bất quá dữ” (Giận dữ cũng không thể xử phạt người khác quá mức, vui mừng cũng không thể thể hiện quá mức với người khác).
Tự kiềm chế là một loại năng lực mà con người bắt buộc phải có trong cuộc sống. Trên con đường đời có vô số cám dỗ, tự kiềm chế sẽ là rào cản an toàn giúp bạn vượt qua từng vách đá vực sâu cám dỗ. Khi nước Ngô công đánh nước Việt, Việt Vương phải đến hoàng cung nước Ngô làm trâu làm ngựa suốt ba năm ròng rã. Sau khi được trở về nước, Việt Vương chưa từng dám quên những lúc nằm gai nếm mật, cuối cùng tiêu diệt được nước Ngô, trả sạch nợ nước thù nhà.
Người có thể khống chế bản thân thì mới có thể nắm bắt được vận mệnh của mình.
4. Khoan dung - Ký vãng bất cữu
Là nói, không nên tự trách hay hối tiếc về những chuyện đã qua…
Phàm những chuyện đã có kết cục thì không cần phải nhắc đến; phàm những chuyện làm xong thì không cần phải sửa lại, không cần phải vãn hồi; phàm những chuyện đã qua đi thì không nên tự trách hay hối tiếc. Quá khứ hãy để nó qua đi, nếu như cứ níu kéo không buông, thì không cách nào bước tới được tương lai. Thù hận hay oán than đều chỉ khiến cho ánh sáng mặt trời không thể tiến vào lòng bạn được.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Tưởng Uyển kế nhiệm trở thành phụ chính đại thần cho nhà Thục. Có người nói Dương Hý lời nói chậm chạp, ấp úng bất kính với Tưởng Uyển. Tưởng Uyển nghe xong chỉ cười đáp: “Đây chính là điểm đáng tin cậy của hắn”. Đây cũng là câu chuyện nói về sự khoan hồng độ lượng của một vị tể tướng.
Khoan dung là động lực tiến về phía trước của con người, và buông bỏ những đám mây ảm đạm trong quá khứ.
5. Phản tư - Nhất nhật tam tỉnh
Là nói, một ngày cần phải tự phản tỉnh ba lần.
Con người không thể thiếu sự phê bình và tự phê bình bản thân, bởi vì thiếu đi điều này thì con người khó có thể tiến bộ. Nên đối mặt với bản thân, tự mình phản tỉnh, tự nhận thức bản thân, đây là một biện pháp hiệu quả để tu dưỡng và học tập nhiều điều trong cuộc sống.
Hàn Dũ từng nói: “Trạc thanh tuyền dĩ tự khiết” (rửa nước trong khiết tất sẽ tự sạch). Chỉ cần đặt bản thân mình trong một nhóm người, sau đó phản tỉnh, xem xét bản thân, mới có thể chân chính nhìn thấy thiếu sót và khuyết điểm của mình.
6. Hành động - Nột ngôn mẫn hành
“Nột ngôn mẫn hành” tức là hành động nhanh nhẹn, nói năng chậm rãi.
Nói mà không làm cũng bằng như không, con đường chẳng phải nói ra liền có, mà ta phải đi thì mới xuất hiện. Thành công cũng vậy, cũng không phải vì nghĩ ra liền có, mà phải thực sự từng bước thực hiện mới dẫn đến thành công.
Những kẻ chỉ nhanh ở lời nói, chậm ở hành động, thao thao bất tuyệt thì dù nói lời tốt đẹp đến mấy chẳng qua cũng giống như giấc mộng tốt đẹp, quay đầu liền hóa hư không. Những người chỉ biết dùng miệng nói mà rất ít khi thực sự đi làm, chỉ là kẻ giả nhân giả nghĩa.
Ruộng tốt dựa vào người cày, thuyền nhanh nhờ vào người thiết kế, có cho đi mới có hồi báo. Nói một nghìn lượt cũng không bằng chân chính đi làm một lần.
7. Học hỏi - Ôn cố tri tân
Không có một khắc nào thời gian ngừng lại, không có một giây nào để học hỏi đình trệ. Học hỏi là một kỹ năng không thể thiếu của con người.
Lã Mông là đại tướng thời Tam Quốc, ban đầu không ham mê học hỏi, dưới sự khuyên nhủ của Tôn Quyền, ông bắt đầu đọc sách. Sau này khi bàn bạc chính sự cùng với Lỗ Túc, Lã Mông đã khiến Lỗ Túc kinh thán: “A Mông, hôm nay ngươi nêu lên tài mưu lược, thật khiến ta vô cùng bái phục!”. Câu chuyện về “lau mắt mà nhìn” (nhìn bằng cặp mắt khác so với từ trước đến nay) cũng từ đây mà có.
Học hỏi không giới hạn ở thời học sinh, xã hội hiện đại không ngừng tiến bộ, tin tức chạy vọt, chỉ cần một khắc không học tập ta liền bị thời đại bỏ rơi. Có người đã nói một câu như thế này: “Con người cần phải mãi mãi học hỏi, khi chúng ta mất đi mới chính là lúc chúng ta được tốt nghiệp”.
8. Tổng kết - Kiến hiền tư tề
“Kiến hiền tư tề” nghĩa là, gặp được người hiền tài thì nên học hỏi và coi trọng.
Khi một người có thể tổng kết được một cái thiện, vận khí thường không quá kém. Tổng kết không phải tính toán, mà là đốc thúc và khích lệ chính bản thân mình.
Con người chỉ có thông qua tổng kết mới có thể đem những thứ đã từng trải qua biến thành kinh nghiệm. Tổng kết giống như một loại tích lũy, một dạng lắng đọng, tổng kết bản thân có những gì không đạt, tìm đúng vị trí của chính mình, mới có thể giúp bản thân đứng vững trong cơn giông bão sắp tới.
Người không biết tổng kết, thì cần rất lâu mới có thể tiến bộ.
9. Lạc quan - Lậu hạng đan biều
“Lậu hạng đan biều” là nói đến cuộc sống vô cùng nghèo khổ khó khăn.
Nhà nhỏ sơ sài, một giỏ cơm, một bầu nước, chính là toàn bộ cuộc sống. Một cuộc sống như vậy, có hay không sẽ làm bạn cảm thấy ảm đạm không ánh sáng, khiến mặt mày ủ dột? Một cuộc sống như thế vừa khớp với cuộc sống trong miêu tả của Nhan Hồi. Khi người khác nghĩ rằng Nhan Hồi sẽ ưu sầu trước cuộc sống khốn khổ này, thì trái lại Nhan Hồi tâm thái như ánh dương, lạc quan vui vẻ mà sống.
Niềm vui không phải nằm ở sự việc, mà là nằm ở chính chúng ta.
10. Thân thiện hòa đồng - Văn chất bân bân (văn chất đều nhau)
Người hòa đồng là người có phúc khí, bởi thân thiện hòa đồng giống như gió tháng Năm, có thể ủ ấm vạn vật. Một người thân thiện hòa đồng thường sẽ bất tri bất giác mở rộng con đường nhân sinh của chính mình.
Bất luận nghèo khó hay phú quý, con người đều cần có đầy đủ mười loại năng lực nói trên. Mười loại năng lực này cũng giống mười bậc thang, có những bậc thang ấy mới có thể đi càng vững vàng, càng bước càng xa hơn.
Khải Phong biên dịch