Các thuật sĩ thời nhà Nguyên thấy trước đại sự quốc gia, được hoàng đế trọng vọng

Các thuật sĩ thời nhà Nguyên thấy trước đại sự quốc gia, được hoàng đế trọng vọng

Trong “Dĩ ngược biên” của nhà Minh có ghi chép rằng, một vị hoàng đế triều Nguyên từng triệu một thuật sĩ nổi tiếng vào cung, hỏi vận hạnh quốc gia thế nào. Thuật sĩ trả lời: “Vận nước còn dài, sẽ không có gì phải lo lắng, sẽ không có ưu hoạn cho đến khi nhật nguyệt song hành.” Sau này, đúng như thuật sĩ đã nói, khi quân Minh nhập cảnh, nhà Nguyên kết thúc. Vận nước của nhà Nguyên tuy mới 97 tuổi, nhưng đã có nhiều vị thuật sĩ có thể dự ngôn trước sự hưng suy của đất nước và những sự kiện trọng đại khác. Bài viết này cũng sẽ giới thiệu hai vị khác trong sử sách.

Thuật sĩ Mông Cổ A Vinh có thể dự trắc thời điểm khoa cử bị đình chỉ

A Vinh, tự Tồn Sơ, là người Mông Cổ, sinh ra trong một gia đình quan đại thần danh giá. Ông từ bé đã phụng sự bên thân Nguyên Võ Tông, được phong chức hộ vệ Cấm quân khi thành niên. Hoàng đế trọng vọng ông, nhiều lần thăng quan và bổ nhiệm ông vào các chức  trách địa phương. Khi ông giữ chức phó sứ đạo tuyên úy ở Hồ Nam, trưởng quan cũng thập phần tín nhiệm ông. Việc gì dù lớn nhỏ, đều tin tưởng giao cho ông đi làm.

Một năm nọ, ở Hồ Nam xảy ra nạn đói lớn. A Vinh lo lắng cho trăm họ, nên đã rút bổng lộc của mình ra, trước tiên cấp cháo cứu đói, rồi tặng thực phẩm để giúp đỡ những nạn dân. Nhiều người sắp chết đói cũng nhờ điều này mà sống sót.

Không lâu sau, một nhóm đạo tặc hung hãn xâm chiếm Quảng Tây khiến người dân địa phương khốn khổ. Sau khi A Vinh nghe tin, ông lập tức đến đó, đánh đuổi bọn lưu manh. Sau đó, ông kêu gọi quan chức địa phương tăng cường phòng ngự kịp thời. Từ đó trở đi, bọn tặc phỉ không bao giờ xuất hiện nữa.

Sau này hoàng đế Nguyên Văn Tông lên ngôi, A Vinh không ngừng được đề bạt. Sau khi nắm giữ những chức vụ quân sự và chính trị trọng yếu ở địa phương, ông được hoàng đế triệu vào cung, từ đó trở thành bề tôi thân cận, tham gia thảo luận đại sự quốc gia. A Vinh luôn trung thành tuyệt đối, tận lực phò tá.

A Vinh từng là một võ quan danh giá, nhưng khi rảnh rỗi, ông thích nghiên cứu kinh điển Nho học. Khi thấy những kẻ bất trung bất nghĩa bất hiếu trong ghi chép của các triều đại trước, ông sẽ buồn bã nói: “Thân là một nam tử hán, đại trượng phu, thực sự không nên làm như thế!” A Vinh thân phận hiển quý, nhưng lại nguyện ý kết giao với những thư sinh xuất thân bần hàn. Họ thường cùng nhau đi du lịch, ngâm thơ, sáng tác thơ, hình thành tình bạn sâu sắc.

A Vinh làm quan nhiều năm, giỏi cả văn lẫn võ, nhưng tinh thông nhất lại là thuật số. Ông có thể dự trắc những sự việc trong tương lai, chiêm bốc họa phúc cát hung cho mọi người đều rất linh nghiệm. Vào mùa xuân năm thứ ba Thiên Lịch (1330), triều đình tổ chức khoa thi lớn. Ông gặp Ngu Tập, học sĩ của Khuê chương các thị thư bên ngoài phòng thi, hai người bắt đầu trò chuyện. Ông nói: “Khoa thi này được tổ chức thêm một kỳ nữa thì sẽ bị đình chỉ. Nhưng sau khi bị đình chỉ hai kỳ, lại sẽ khôi phục lại. Đến lúc đó, triều đình sẽ có hiền tài khả dụng.” Không đợi Ngu Tập hồi đáp, A Vinh lại nói tiếp: “Trường cảnh tương lai, đại nhân sẽ tận mắt nhìn thấy, nhưng tôi không thể nhìn thấy!”

Ngu Tập nghe xong liền an ủi A Vinh và nói: “Triều đình có thể tuyển chọn những người hiền năng trong số các thư sinh, thực sự là một đại hảo sự. Hiện nay văn trị đang hưng, triều đình rất trọng thị việc tuyển chọn nhân sĩ, khoa cử chưa thể bị đình chỉ. Ngoài ra, các hạ là một trọng thần triều đình, luôn phò tá bên cạnh hoàng đế, đối với văn từ chương pháp lại càng tinh thông. Khoa cử ba năm mới tổ chức một lần, thiếu một lần làm sao được? Tại hạ tuổi đã cao, đến lúc đó có đến trường thi, thì cũng không khởi tác dụng gì!” A Vinh trả lời: “Đây chính là số mệnh!” Ngu Tập nghe xong hỏi: “Các hạ làm sao biết được?” A Vinh không trả lời nữa.

Quả nhiên, đến năm 1333, khoa cử lại được tổ chức một lần nữa, nhưng lúc này A Vinh đã qua đời. Ba năm sau đó (1336), khoa cử bị đình chỉ. Sau khi bị đình chỉ hai kỳ, nó lại được khôi phục lại vào năm Thuận Đế lên ngôi (1341). Đây chính xác là những gì A Vinh đã nói.

Ẩn sĩ Trương Khang có thể dự trắc những việc chẳng lành trong kinh đô

Trương Khang, tự Nhữ An, hiệu Minh Viễn, là người Hán. Ông mồ côi từ rất sớm, từ khi còn nhỏ đã chỉ thích đọc sách. Khi lớn lên, ông bắt đầu nghiên cứu thuật chiêm bốc. Vào cuối thời Nam Tống, ông làm phụ tá trong dinh thự của một số vị quan đại thần, nhưng sau khi cải triều hoán đại, ông luôn sống ẩn cư trên núi Hoành.

Khi Nguyên Thái Tổ Hốt Tất Liệt lên ngôi, từng nghe người ta bàn tán về ông, nên phái một vị ngự sử đi tìm tung tích ông. Quan ngự sử có một người anh làm quan ở Hồ Nam, từ miệng anh trai biết được Trương Khang tu hành trên núi Hoành. Ông ấy là một cao nhân ngoại thế mà thiên văn địa lý không gì không biết. Quan ngự sử nhanh chóng trở về tâu hoàng đế, ngay sau đó Trương Khang được vời vào cung. Hoàng đế tra khảo học vấn của ông, cảm thấy rất xuất sắc, lập tức phong cho ông chức tả lang.

Sau này, mỗi lần ông được triệu kiến, hoàng đế đều dùng lễ nghi quy cách cao để tiếp đãi ông, còn gọi ông bằng danh hiệu “Minh Viễn”. Chỉ cần hoàng đế hỏi ông việc tương lai, ông sẽ nói cho hoàng đế biết tất cả những gì ông biết. Vào năm Chí Nguyên thứ mười tám, ông nói với hoàng đế: “Hạ thần dùng Thái Ất thần số tính ra, vào mùa xuân năm Nhâm Ngọ (năm thứ mười chín Chí Nguyên) sẽ có quân phỉ tấn công, nguy hiểm sẽ tăng lên một cấp.” Đến tháng 3 năm sau, phỉ họa quả nhiên đại náo kinh thành, tể tướng A Hợp Mã cũng bị bọn phỉ giết chết.

Cũng trong năm đó, hoàng đế dự định chinh phạt Nhật Bản lần thứ ba, nên đã mệnh lệnh cho Trương Khang dùng Thái Ất thuật số để xem hung cát. Ông nói với hoàng đế: “Bên kia Nam Tống vẫn đang chuẩn bị ra tay, binh lực chinh phạt Nhật Bản năm ngoái vẫn đang trong quá trình huấn luyện, như nay xét trên quẻ tượng Thái Ất, xuất binh có thể là hung đa cát thiểu!” Sau khi nghe điều này, Hốt Tất Liệt không còn nhắc đến chuyện khai chiến nữa.

Trương Khang tu hành trong núi nhiều năm, từ lâu đã xem tiền tài rất đạm bạc. Thái sử viện nơi ông nhậm chức được hoàng đế ban thưởng rất nhiều lượng vàng, viên chủ sự tính lấy một ngàn lượng thưởng cho Trương Khang, nhưng ông một xu cũng không lấy. Từ đó về sau, các quan viên càng kính trọng ông.

Hương Thảo.

Tin bài liên quan