Cảnh giới của sinh mệnh: Không có đời người như ý, chỉ có cuộc sống nhìn thoáng

“Cảnh giới” là một từ rất kỳ diệu, khi nhắc đến chúng ta sẽ liên tưởng tới: Cảnh giới của đời người, cảnh giới của hôn nhân, cảnh giới của giáo dục, cảnh giới của sinh mệnh... Trong lúc vô thức, chúng ta dường như đều đang theo đuổi một loại cảnh giới nào đó. Vậy thì, thật ra cảnh giới là gì?

Có một câu nói rất hay: “Cảnh giới, là tư tưởng giác ngộ và sự tu dưỡng tinh thần của một người, cũng là một loại năng lực tự mình tu sửa, thể hiện mức độ tu dưỡng và tố chất của một người”.

Bạn đã đạt được bao nhiêu trong số những cảnh giới dưới đây?

* Cảnh giới của đời người

Nén được cơn giận, cong được lưng xuống, ngẩng đầu lên được. Có câu: Lúa chín thường cong lưng, trí giả thường cúi đầu. Nén được cơn giận mới có thể thành đại sự, cong được lưng xuống thì mới có thể ngẩng đầu lên được. Có một nhà văn từng nói: “Một đời người, khổ cũng được, vui cũng được, có cũng được, mất cũng được. Quan trọng là dòng suối trong xanh trong tâm không thể không có ánh trăng”. Đời người có lẽ sẽ thăng trầm lên xuống, nhưng nếu trong lòng luôn yên bình, thì sẽ có thể ung dương mà vượt qua.

* Cảnh giới của niềm vui

Trong lòng có phong cảnh, trong mắt có ánh sáng. Có người nói: “Phong cảnh tuyệt đẹp nhất đời người chính là sự điềm tĩnh và ung dung trong nội tâm”. Niềm vui đích thực không nằm ở thế giới bên ngoài mà là nằm ở trong tâm mình. Trong lòng có cảnh đẹp thì không sợ lạnh lẽo hoang vu, trong mắt có ánh sáng thì mới có thể nhìn thấy hy vọng. Làm một người vui vẻ, cuộc sống mới trở nên càng ngày càng đáng yêu.

* Cảnh giới của hôn nhân

“Nắm lấy tay nàng, cùng nàng đến già” là hình ảnh tốt đẹp nhất trong hôn nhân. Ý nghĩa lớn nhất của hôn nhân nằm ở chỗ hai người cùng nâng đỡ nhau, nắm tay nhau sống đến lúc bạc đầu. Nguyện năm tháng có ký ức đẹp để nhìn lại, nghĩa nặng tình thâm sống đến bạc đầu.

* Cảnh giới của dưỡng sinh

Ăn no, ngủ ngon, nghĩ thông, vui vẻ. Dưỡng sinh đầu tiên phải dưỡng tâm, nếu như tâm thái không tốt thì tất cả đều là hoài công vô ích. Ăn no, ngủ ngon thì cơ thể mới khỏe mạnh; nghĩ thông suốt, vui vẻ được thì tâm trạng mới thoải mái. Giống như có người từng nói: “Nếu đã không nơi nào để trốn, chi bằng cứ vui tươi. Nếu đã không có tịnh thổ, chi bằng làm sạch tâm. Nếu đã không được như ước nguyện, chi bằng buông bỏ”. Cuộc đời còn lại không quá dài, nhất định phải để bản thân mình sống vui vẻ một chút.

* Cảnh giới của giáo dục

Nhìn thấy rõ dưới chân, đến được nơi xa xôi. Dạy học chỉ là hình thức, giáo dục mới là bản chất. Đọc một ngàn quyển sách, thì càng phải đi được một vạn dặm đường. Giáo dục thực sự không phải là đổ đầy một thùng nước, mà là thắp sáng một ngọn lửa. Giáo dục thực sự là giúp con cái nhìn thấy rõ con đường dưới chân, và sở hữu khả năng đi đến nơi xa.

* Cảnh giới của tình bạn

Liên hệ hay không, cũng hông quên nhau. Tình bạn tốt nhất chắc có lẽ chính là “không ở bên cạnh, nhưng ở trong lòng”. Tình bạn thực sự sẽ không bao giờ phai màu vì thời gian, cũng sẽ không vì khoảng cách mà trở nên xa lạ.

* Cảnh giới của tố chất nội tâm

Quần áo sạch sẽ, trái tim chân thành, lời nói hành vi dễ chịu, khuôn mặt dịu dàng. Có một câu nói như thế này: “Không ai có nghĩa vụ thông qua vẻ ngoài luộm thuộm của bạn để phát hiện ra nội tâm đẹp đẽ của bạn”. Ăn mặc sạch sẽ, nói năng dịu dàng, là tố chất nội tâm cơ bản nhất của một người. Gần gũi với người thật sự có tố chất nội tâm, sẽ làm người ta cảm giác như được tắm gió xuân, thân tâm đều thoải mái.

* Cảnh giới của sinh mệnh

Đến trong tiếng khóc, ra đi trong tiếng cười. Khi chúng ta đến với thế giới này, tất cả những người khác đều đang mỉm cười, chỉ có chúng ta đang khóc mà thôi. Khi chúng ta rời khỏi thế giới này, tất cả những người khác đều khóc, nhưng hy vọng là chúng ta sẽ mỉm cười. Cuộc đời của mỗi con người ví như là giọt sương ban mai, ai lại không có đôi chút tiếc nuối chứ, nhưng nếu không biết buông bỏ, thì chỉ làm khổ bản thân mình mà thôi.

Có câu: Không có đời người như ý, chỉ có cuộc sống nhìn thoáng. Cho dù cuộc sống có nhiều trắc trở hơn, cũng phải mang theo nụ cười, thản nhiên đối mặt. Đời người chính là một quá trình tu hành, cái mà chúng ta tu chính là trạng thái của tâm. Nếu tâm yên bình, đời người sẽ tốt đẹp; nếu tâm thấy đủ thì đời người sẽ hạnh phúc; nếu tâm vui vẻ thì đời người sẽ mỹ mãn. Tất cả mọi cảm xúc vui buồn, giận hờn hay bi thương đều xuất phát từ tâm, xuất phát từ cảnh giới tâm linh của chúng ta.

Châu Yến.

Tin bài liên quan