Chuyện Kinh Thánh: Giải mã câu chuyện con thuyền Noah và đại hồng thủy

Chuyện Kinh Thánh là tác phẩm văn học nổi tiếng của nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng đạt giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Từ tác phẩm Kinh Thánh, bà đã chọn lọc, sắp xếp các câu chuyện theo trình tự thời gian, rồi thổi hồn vào đó, chấm phá những nét khóc cười của nhân vật để khiến truyện gần gũi mà vẫn tôn trọng nguyên tác.

Chuyện Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về với đức tin nguồn cội của dân Do Thái, cũng là của cả loài người. Là nhịp cầu tâm linh nối tâm hồn con người với Đấng Cao Cả. Tác phẩm được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như người đọc phổ thông, cả trong và ngoài đạo Thiên Chúa.

Vì lấy cảm hứng từ Kinh Thánh – cuốn sách ẩn chứa nhiều huyền cơ và những hàm nghĩa uyên thâm – nên tác phẩm của Pearl Buck cũng mang trong mình nhiều giá trị lớn lao. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tiểu mục dài kỳ Chuyện Kinh Thánh bao gồm các câu chuyện trong nguyên tác. Cũng trong loạt bài viết này, người viết mạn phép chia sẻ những hiểu biết và thể ngộ nông cạn của bản thân, rất mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận.

Con tàu Noah và nạn hồng thủy là câu chuyện đã quá nổi tiếng. Ở đây, người viết chỉ xin có chút chia sẻ cá nhân có phần nông cạn, mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận. Mục đích chính của bài viết là khơi gợi chút quan tâm của độc giả với những giá trị truyền thống và rút ra những bài học từ lịch sử và huyền sử cho cuộc sống hôm nay.

Ta hãy quay lại chuyện nhà Adam và Eva.

Abel bị Cain giết, nên Adam và Eva đã sinh ra Seth, giống hệt với Abel. Noah là dòng dõi của Seth, và nhờ có Noah thì loài người không bị tuyệt diệt. Cho nên, bằng việc giết Abel, Cain đã làm xáo trộn những sắp đặt của Thiên Chúa vào Abel. Nếu Abel còn sống, thì Noah có thể là hậu duệ của Abel. Nên Seth có thể là một tái sinh của Abel, một câu chuyện luân hồi. Đó có thể là một giả thuyết không lạ lẫm trong thế giới đa thông tin hiện nay, nhưng đối với niềm tin của Ki-tô hữu thì sao?

Gợi mở về thuyết luân hồi trong Cơ Đốc giáo

Tuy nhiên, luân hồi có phải là điều mà các tín hữu Cơ Đốc đặt niềm tin hay không? Đây là một điều gây nhiều tranh cãi. Người thì nhất quyết bảo không, người ta chỉ có thể sống một đời. Sau đó tùy theo việc sống lành hay dữ, thì sẽ đến Thiên Đường hay Địa Ngục. Có người bảo rằng trong những lời dạy xưa của Đức Chúa Jesus đã từng nói đến luân hồi, nhưng sau này bị thất lạc mất.

Thế giới ngày nay, thông qua nhiều câu chuyện người thực việc thực về tái sinh hết sức kỳ lạ nhưng rất thuyết phục và khó phản bác, người ta đang dần chấp nhận khái niệm luân hồi. Tuy nhiên, tác giả bài viết này chỉ nêu ra một ý kiến cá nhân về luân hồi qua những lời giảng của Thiên Chúa và kinh sách của Thiên Chúa giáo, bạn đọc xin hãy cân nhắc và tự tìm hiểu thêm.

Sau nạn hồng thủy, Thiên Chúa nói với Noah rằng: “Bất cứ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại, vì Thiên Chúa đã làm nên người như hình dáng của Ngài” (Sáng Thế Ký, Chương 9, Thánh Kinh tiếng Việt bản hiệu đính).

Thực tế ta thấy có những kẻ ác đã làm đổ máu nhiều người nhưng lại sống thọ một cách lành lặn. Như vậy, hiểu theo ý Thiên Chúa thì hắn phải bị đổ máu ở một kiếp sống khác.

Trong nhiều đoạn khác nhau của Kinh Thánh, Chúa Jesus đã nhiều lần ngụ ý rằng Thánh John Tẩy Giả trong nhiều kiếp trước đây đã từng là thầy của Ngài. Xin hãy tham khảo thêm trong Sách Tiên tri Malaki 4:5, Tin mừng theo thánh Luca 1:13-17, tin mừng theo thánh Matthew 17:12-13, 11:13-14, 17:3, 27: 46-49, tin mừng theo thánh John 1:21, v.v.

Giáo hội Cơ Đốc thời kỳ đầu đã công nhận thuyết tái sinh. Các bậc Ngộ Đạo, các Giáo Phụ Hội Thánh rất có uy tín thời cổ như Clement xứ Alexandria, Origen, Saint Jerome đều tin rằng họ đã từng có kiếp trước và sẽ có các kiếp sau. Những nhà thần học uyên bác này chính là nền tảng của Hội Thánh trong thời kỳ phải chống đỡ với các tà giáo, dị giáo. Tuy nhiên, lần đầu tiên học thuyết về luân hồi này đã bị Công đồng Constantinopole II tuyên bố là dị giáo vào năm 553, đúng vào thời kỳ Trung Cổ, một thời kỳ được cho là khá ảm đạm của Giáo Hội Công Giáo.

Nguyên nhân có lụt hồng thủy

Nhưng hình như con người càng đông, thì càng ích kỷ và độc địa. Chỉ còn sót lại một ít người sống ngay lành. Đó là Noah và gia đình của ông. Khi quần thể người càng đông, thì cuộc sống xã hội con người càng phức tạp. Trong sự va chạm gay gắt đó, những ai giữ được sự ngay lành, công chính quả là hiếm hoi. Con người ai cũng vì lợi ích vị kỷ mà tranh đoạt, làm nhiều điều bất chính và tội lỗi. Và vì họ sống trong môi trường mà hầu như ai cũng như vậy, nên họ nghĩ việc đó là bình thường. Có lẽ họ nghĩ mình cần thích nghi với hoàn cảnh chung. Xã hội loài người quả là một thùng thuốc nhuộm khổng lồ mà Noah và gia đình ông là những cá nhân hiếm hoi giữ được màu sắc nguyên thủy của Thiên Chúa ban cho loài người. Đó là bản chất tốt đẹp vĩnh viễn không thay đổi bất kể loài người sa đọa đến đâu.

Chính vì giữ được thần khí của Thiên Chúa, con người sống ngay thẳng, lương thiện nên tuổi thọ của loài người thuở hồng hoang mới đến vài trăm năm. Nhưng giờ đây, đạo đức con người sa sút, tâm tính rơi rớt nên Thiên Chúa cảnh cáo: “Với sự độc dữ này, thì tuổi đời con người sẽ không quá một trăm hai mươi năm”.

Phật gia giải thích điều này thế nào? Người ta khi sống làm những việc tệ hại, bất lương sẽ sinh ra nghiệp lực. Kiếp sau của họ sẽ phải trả nghiệp bằng họa nạn, bệnh tật hay tuổi thọ ngắn ngủi. Trả chưa được bao nhiêu đã tích thêm nghiệp mới. Cho nên, khi thế giới con người còn ít tội lỗi, con người sống lương thiện thì tự nhiên tuổi thọ sẽ cao. Ông Bành Tổ, một trong những người phương Đông đầu tiên, tương truyền cũng sống thọ đến 800 tuổi.

Nhưng tội lỗi của con người không chỉ vì họ “quá đỗi vô tâm vô trí tới độ không còn biết cái gì là chính đáng; hoặc hình như họ không cần biết”. Họ còn không cần tin vào Thiên Chúa, đấng đã tạo ra họ. Đối tượng sùng bái của họ giờ đây chuyển sang những của cải vật chất do họ làm ra. Đó là những “Thiên Chúa mới” của họ. Do vậy, họ bất chấp lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Và tiếp tục sống độc dữ hơn.

Nhưng Thiên Chúa không chỉ có ý định xóa sạch loài người, mà kèm theo đó là hầu hết thú vật, côn trùng và chim trời.

“Thiên Chúa phán với Noah: Sự cuối cùng của mọi xác thịt đã đến trước Ta; vì mặt đất đầy dẫy sự hung ác bởi chúng nó. Vậy, Ta sẽ hủy diệt chúng nó cùng đất.” (Thánh Kinh Tiếng Việt bản hiệu đính, Sáng Thế Ký, Chương 6).

Chẳng lẽ động vật, thiên nhiên cũng có lỗi? Điều này nên giải thích thế nào?

Phật giáo có thuyết lục đạo luân hồi. Chúng sinh luân hồi theo sáu đường, trong đó có thể chuyển sinh thành động vật. Nhưng nghiệp lực không vì thế mà mất đi. Do vậy, con người tội lỗi chuyển sinh thành động vật, thì động vật cũng mang nặng nghiệp lực. Bởi thế, chính là con người làm ô nhiễm thế giới trên nhiều phương diện. Cõi trần trở thành nơi cuồn cuộn nghiệp lực. Có lẽ Thiên Chúa muốn dùng nước lớn để rửa sạch mọi dơ bẩn tội lỗi mà loài người gây ra cho thế giới.

Chỉ có những động vật được Thiên Chúa chấp nhận mới có thể lên tàu, và đa số mỗi loài chỉ một cặp, trừ những loài “thanh sạch” theo Kinh Thánh (bản Tiếng Việt) được mở rộng số lượng lên tới 7 cặp. Nhưng loài thanh sạch là loài đủ tiêu chuẩn để hiến tế. Chuyện Kinh Thánh có nói chúng là cừu và gia súc.

Trong cả thế giới loài người lúc ấy, chỉ có Noah và gia đình ông là giữ được tiêu chuẩn đạo đức mà Thiên Chúa đòi hỏi. Do vậy, một người công chính cũng cần phải quản giáo gia đình mình cho tốt.

Noah không thể ngờ rằng Thiên Chúa yêu cầu ông đóng một con tàu to như vậy. Để làm gì? Và dù hơi băn khoăn, ông vẫn tuyệt đối tuân lời Thiên Chúa mà không mắc lại sai lầm của ông bà tổ Adam và Eva của mình. Vì như sau này chúa Jesus đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Là một người thường, tư tưởng của chúng ta không thể hiểu được tư tưởng của Chúa, của Phật hay các sinh mệnh cao cấp khác. Nhưng thái độ đúng đắn của một người ngoan đạo và khôn ngoan là làm theo mà không hề nghi ngờ.

Nhưng làm được vậy không dễ. Noah đã làm được điều đó trong gian khổ. Ông và gia đình đã thực hiện được công việc khổng lồ như thế trong thời gian rất lâu dài và trong sự hồ nghi, chế giễu và có thể là gây khó khăn của những người xung quanh. Và bằng việc tin theo hay phủ nhận Thiên Chúa và các Đấng Cao Cả mà Noah và loài người còn lại đã tự lựa chọn kết cục cho mình.

Những hình ảnh mang tính biểu tượng: Quạ, bồ câu và cây oliu

Không giống như loài quạ hoang dã, chim bồ câu từ thuở đất trời hoang vu đã là bạn của con người. Sau này, hình ảnh chim bồ câu ngậm cành oliu trở thành biểu tượng của hòa bình, niềm tin và hy vọng. Cây oliu lại là biểu tượng của sức sống mạnh mẽ. Chả thế mà nó là loại cây đầu tiên mọc trở lại sau nạn lụt. Loài cây này được dùng để minh họa cho sự thương xót của Thiên Chúa, lời hứa về sự sống lại và cảnh gia đình đoàn viên hạnh phúc. Cây không cao nhưng rễ rất sâu, có thể xuống tới 6m và tỏa rộng. Nó có thể sống trong khi các loài cây khác đã chết vì hạn hán hay úng lụt. Dù có bị đốn thì chẳng bao lâu các chồi non lại mọc lại.

Ý nghĩa của sự khám phá con tàu Noah tại địa điểm Kinh Thánh đã mô tả

Khoa học đã tìm thấy bằng chứng của con tàu Noah trên đỉnh núi Ararat của Thổ Nhĩ Kỳ (đúng như trong Kinh Thánh đã viết) với kích thước gần như y hệt.

Đây là một phát hiện chấn động của ngành khảo cổ.Trong nội dung kỳ này của Chuyện Kinh Thánh độc giả đọc thấy: “Tàu đó cao ba tầng: tầng trệt, tầng thứ hai và tầng thứ ba; và nó phải cao mười bốn thước. Chiều dài một trăm ba mươi bảy thước. Chiều rộng hai mươi ba thước”.

Bản Thánh Kinh Tiếng Việt truyền thống (do nhà văn Phan Khôi dịch) và bản hiệu đính đều có thông tin này: Thiên Chúa hướng dẫn Noah đóng một chiếc tàu “Bề dài tàu ba trăm cu-bít, bề ngang năm mươi cu-bít, bề cao ba mươi cu-bít”. (Một cu-bit ước chừng ½ mét, là khoảng cách từ khuỷu tay cho đến ngón tay dài nhất, đây là đơn vị đo thời cổ). Có nghĩa là kích thước tàu xấp xỉ con tàu được tìm thấy trên thực tế.

John Woodmorappe, tác giả cuốn “Noah’Ark: A Feasibility Study – Con thuyền Noah: Một nghiên cứu khả thi” năm 1996 đã tính toán rằng, với kích cỡ của con tàu của Noah thì liệu có thể chứa được bao nhiêu loài động vật. Woodmorappe ước tính, tàu có thể chứa được 16.000 “loại” động vật. Một số học giả khác thì cho rằng, con số có thể lên tới 25.000. Nhưng dù chính xác là bao nhiêu thì họ đều có chung nhận định rằng có rất nhiều chỗ cho tất cả các động vật trên tàu, cộng với thức ăn và nước có chỗ để dự trữ. Với hơn 1.200 tài liệu tham khảo học thuật về nghiên cứu hàn lâm, cuốn sách của Woodmorappe đã được giới học thuật đánh giá rất cao. Woodmorappe tuyên bố rằng, sau nhiều năm kiểm tra một cách có hệ thống tất cả các câu hỏi được đưa ra, “tất cả các luận cứ chống lại chiếc tàu Noah đều … tìm thấy thiếu sót”. Trên thực tế, đại đa số những lập luận chống lại chiếc tàu Noah, lúc đầu bề ngoài có vẻ hợp lý, nhưng đều bị bác bỏ một cách dễ dàng.

Tuy vậy, bằng chứng về chiếc tàu Noah được tìm thấy có ý nghĩa ra sao đối với loài người? Trong Kinh Thánh đã sớm có câu trả lời. Sách Rô-ma 1:19-20 dạy rằng: “Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi Sáng Thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được”.

Những người hoàn toàn không tin vào việc có những Đấng Sáng Tạo đã tạo ra loài người, hay là những tín đồ của thuyết tiến hóa, thì khó có khám phá nào có thể lay chuyển niềm tin của họ. Trong sách Lu-ca 16:31, Chúa Jesus dạy rằng: “Abraham đáp: ‘Nếu họ không chịu nghe Moses và các nhà tiên tri thì dù có người chết sống lại cũng không thuyết phục được họ’”.

Vì vậy, ta lại nghe văng vẳng đâu đây lời khuyên của Đức Phật: “Vạn sự tùy duyên”…

Bình Nguyên

Tin bài liên quan