Là cung điện hoàng thất của hai triều Minh – Thanh, các bức hoành phi trong Cố Cung Bắc Kinh nhiều không kể xiết. Khi ngắm nhìn các bức hoành phi này, bạn sẽ thấy những dòng chữ như: “Chính đại quang minh”, “Trung chính nhân hòa”, “Hoàng Kiên hữu cực”, “Doãn cấp quyết trung”… Đằng sau mỗi dòng chữ ấy đều là những hàm nghĩa sâu xa.
Hoành phi là một bộ phận tất yếu của các công trình kiến trúc thời kỳ cổ đại, được ví như đôi mắt của công trình kiến trúc đó.
Từ ‘hoành phi’ nguyên nghĩa là bảng nằm ngang: ‘hoành’ là ngang, ‘phi’ là phô bày. Vào thời cổ đại, người ta thường treo hoành phi tại các vị trí trang trọng bên ngoài các gian thờ tại đình chùa, từ đường… Nội dung các bức hoành phi là thể hiện lòng tôn kính với tổ tông, bề trên, thần thánh, v.v. Trên đó có các câu phổ thông như: “Dữ nhật nguyệt” – Mãi sáng với mặt trăng, mặt trời; “Hộ quốc tí dân” – Bảo vệ đất nước, che chở nhân dân; “Tích thụ kim hoa” – Cây xưa nở hoa nay, v.v.
Nội dung điêu khắc trên các bức hoành phi thường là tứ phú thơ văn và thư pháp. Nó cùng với các công trình kiến trúc nghệ thuật trở thành thể thống nhất, từ chữ viết, điêu khắc, cho đến màu sắc, được coi là tinh hoa văn hóa trong phong tục và tập quán độc đáo của người Hoa Hạ.
Các hoàng đế Trung Hoa đa phần đều là những bậc văn võ song toàn, tài hoa tuyệt đỉnh. Trong đó, thư pháp cũng là niềm đam mê của các vị hoàng đế. Trong lịch sử, ta biết đến rất nhiều tên tuổi của các thư pháp gia hoàng đế như Tống Huy Tông, Đường Thái Tông, Càn Long, v.v. Bút tích của những vị vua yêu thư pháp còn để lại khá nhiều. Bài viết này mong giới thiệu với độc giả một số bức hoành phi là ngự bút của các hoàng đế nhà Thanh tại khu di tích Cố Cung, đồng thời giải thích để bạn đọc tiện thưởng thức thư pháp và ý nghĩa của những bức hoành phi đó.
Cung Càn Thanh nằm trong tổ hợp 3 điện lớn: Càn Thanh, Khôn Ninh và Giao Tất, là chính điện của hoàng cung, cũng là tẩm cung và là nơi xử lý chính sự của mười sáu vị hoàng đế thời Minh – Thanh. Bức hoành phi “Chính đại quang minh” là ngự bút của vua Thuận Trị.
“Càn” là trời, “Khôn” là đất, trời đất giao hòa thì gọi là “Giao Tất”. “Càn” biểu thị cho trời đất to lớn (chính đại), mặt trăng mặt trời rực rỡ (quang minh) là tượng trưng cho quyền lực tối cao, có thể thi hành đạo của Thiên Địa, nhật nguyệt. Vì thế bức hoành phi viết 4 chữ: “Chính đại quang minh”.
“Chính đại quang minh” cũng xuất xứ từ câu: “Chí nhược phạm công chi tâm, tắc kỳ chính đại quang minh, cố vô túc oán, nhi quyền quyền (quán) chi nghĩa, thực tại quốc gia” trích trong “Chu Văn Công Văn tập – quyển 38 – Đáp Chu Nghĩa Công” của bậc thầy lý học nổi tiếng thời Tống tên là Chu Hi. Ý nghĩa là lòng giữ sự ngay thẳng, lời nói việc làm nghiêm túc đúng đắn.
Liên quan tới bức hoành phi này còn có câu chuyện về việc tranh đoạt ngôi vị xảy ra vào thời Minh – Thanh. Để làm dịu mâu thuẫn này, bắt đầu từ thời Ung Chính đã áp dụng biện pháp cất giữ bí mật. Khi các bậc thiên tử còn tại thế, họ không công khai lập thái tử mà bí mật lập hai bản di chiếu để lựa chọn người kế thừa vương vị. Một bản để bên cạnh hoàng đế, bản còn lại để trong “Kiến trữ hạp” đặt phía sau bức hoành phi “Chính đại quang minh”. Sau khi hoàng đế băng hà, các quan đại thần sẽ lấy bức di chiếu trong “Kiến trữ hạp” ra đối chiếu với di chiếu mà hoàng đế luôn mang bên mình, sau khi đối chiếu chính xác mới công bố người kế thừa vương vị.
Các vị vua Càn Long, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong đều áp dụng phương pháp này để bảo đảm việc đăng cơ được công chính liêm minh.
Từ sau thời Ung Chính, tẩm cung của hoàng đế từ cung Càn Thanh đã được di dời tới điện Dưỡng Tâm. Bức hoành phi “Trung chính nhân hòa” nơi đây chính là ngự bút của Hoàng đế Ung Chính.
Ý nghĩa của bức hoành phi là mong muốn các bậc đế vương luôn phải chính trực trung dung, nhân ái dịu hoà. Đây cũng chính là tiêu chuẩn cao nhất cần có trong hành vi cư xử của các vị hoàng đế.
Trong điện Dưỡng Tâm, ngai vàng của hoàng đế được đặt tại chính giữa Minh Gian, còn phía tây Minh Gian là Gác Tây Noãn. Trong đó lại được phân thành rất nhiều phòng có thất phòng nhỏ để hoàng đế đọc và phê duyệt tấu chương cũng như bàn bạc chuyện cơ mật với các đại thần. Bức hoành phi “Cần chính thân hiền” được đặt tại nơi đây.
“Cần chính thân hiền” nghĩa là: chuyên cần chăm lo việc chính sự và gần gũi với bậc hiền tài. Hoành phi này cũng là ngự bút của Hoàng đế Ung Chính. Ông là vị vua hết mực gắng sức trong công việc, làm hết chức trách thiên tử, thương dân như con. Vì thế tại gác Tây Noãn, ông cho đặt bức hoành phi “Cần chính thân hiền” để thể hiện yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân trong suốt đời làm vua của mình, đồng thời để răn dạy những thế hệ kế tiếp.
Tam hy đường là một căn phòng nhỏ nằm bên cạnh gác Tây Noãn của điện Dưỡng Tâm, là nơi Hoàng đế Càn Long thường xuyên lui tới ngắm nhìn 3 tác phẩm thư pháp mà ngài yêu mến. Vì thế nơi này được gọi là “Tam Hy” (Hy: mong hướng tới; Hoàng đế Càn Long rất yêu thư pháp nên luôn muốn mình có thể đạt được trình độ của 3 tác phẩm yêu thích đó).
Ba tác phẩm được Càn Long yêu thích là: “Khoái tuyết thời tình thiếp” của Vương Hi Chi; “Trung thu thiếp” của Vương Hiến Chi; và “Bá viễn thiếp” của Vương Tuân. Ba tác phẩm này được coi là bảo bối của ông. Ngoài ra, “Tam Hy” còn bao hàm cả ý tứ “Thánh hy thiên, hiền hy thánh, sĩ hy hiền” của Chu Đôn Di, nghĩa là: Bậc thánh thì mong tu được đức của trời, bậc hiền thì mong tu được đức bậc thánh, bậc sĩ thì mong tu được đức của bậc hiền. Ý tứ đó thể hiện sự khích lệ bản thân, không ngừng nỗ lực, đề cao tinh thần tu thân của Hoàng đế Càn Long.
Điện Giao Thái nằm giữa cung Càn Thanh và cung Khôn Ninh là nơi sinh sống của vua, hoàng hậu và các phi tần. Tên gọi của điện được lấy từ Kinh Dịch với hàm ý “Thiên địa giao hợp khang thái mỹ mãn”. Hoành phi này do Hoàng đế Khang Hy ngự bút.
“Vô vi” là tư tưởng của Đạo gia. Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” (Đạo thường không làm gì mà không gì là không làm); lại nói: “Thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo” (Bậc thánh nhân thì làm những việc vô vi, mà thi hành sự giáo hóa không dùng lời). Hoàng đế Khang Ky đề hai chữ “Vô vi” là để răn dạy cho các hoàng đế đời sau cần phải thuận theo đạo Trời mà thương xót dân chúng.
Kiến trúc trong Cố Cung phân thành hai bộ phận: ngoại triều và nội triều, những bức hoành phi chúng ta vừa xem đều nằm trong quần thể kiến trúc nội triều. Tiếp theo đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số bức hoành phi ở bên ngoại triều.
Trung tâm của ngoại triều là điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa, được gọi với tên chung là “Tam đại điện”. Đây cũng chính là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng của triều đình.
Tên gọi Bảo Hòa xuất phát từ Kinh Dịch với hàm ý: “Chí bất ngoại trì, điềm thần thủ chí”, nghĩa là tinh thần ý chí phải chuyên nhất để gìn giữ được sự hài hòa của vạn sự vạn vật trong vũ trụ. Bức hoành phi này là ngự bút của Hoàng đế Càn Long. “Hoàng kiến kỳ hữu cực” có ý nghĩa là phải thật sự trung dung, gương mẫu. Các bậc quân vương cũng như vậy, khi làm việc chính sự cần trung dung, công bằng, vô tư, không thiên vị. Điều này nhấn mạnh rằng các bậc thiên tử cần đặt ra tiêu chuẩn cao nhất, luôn công bằng chính trực khi xây dựng thiên hạ, đồng thời ở đây cũng có ý nhấn mạnh vương quyền của nhà vua.
Điện Trung Hòa nằm giữa điện Thái Hòa và điện Bảo Hòa, đây cũng là nơi nghỉ ngơi trước khi tới điện Thái Hòa tham gia đại lễ và tiếp nhận hành lễ của quan viên. Trong Tam đại điện, đây là căn phòng duy nhất để hoàng đế có thể ở một mình mà tĩnh lặng suy xét. Cái tên Trung Hòa được lấy từ “Lễ Ký – Trung Dung” với ý nghĩa: “Trung dã giả, thiên hạ chi bản dã; hòa dã giả, thiên hạ chi đạo dã”. Tạm dịch: Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hoà là đạo lý thông đạt trong thiên hạ. Đạt tới sự trung hoà thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được phát huy sinh trưởng.
Bức hoành phi “Doãn chấp quyết trung” cũng là ngự bút của Càn Long. Hoàng đế Càn Long rất yêu thích thư pháp, những tác phẩm ngự bút của ông hiện còn rất nhiều, đặc biệt là ở các di tích tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Câu “Doãn chấp quyết trung” được lấy từ Kinh Thư: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung”. Đây là lời nhắn nhủ của vua Thuấn trước khi truyền ngôi cho Đại Vũ, rằng nhân tâm nguy hiểm khó đoán, còn đạo tâm thì lại vi diệu quá thật khó mà hiểu tường tận được, chỉ có tự thân mình phải thành kính, phải nhất tâm mà thi hành cái đạo trung chính, thì mới có thể trị vì quốc gia được.
Thái Hòa điện thường được gọi là điện Kim Loan, là tinh hoa kiến trúc của các cung điện thời Trung Quốc cổ đại và là một trong Tam Đại Điện ở phương Đông. Nó cũng là bộ phận chiếm diện tích lớn nhất trong Cố Cung, là tác phẩm kiến trúc đẳng cấp cao nhất, nhưng không phải là nơi để các hoàng đế thượng triều mà dùng để cử hành các buổi lễ trọng đại quan trọng.
Bức hoành phi này được treo ở chính giữa điện Thái Hòa trung tâm của Tử Cấm Thành, là ngự bút của Hoàng đế Càn Long. Tuy nhiên bức hoành phi đang treo trong Cố Cung hiện nay là căn cứ chép lại vào năm 2002 theo bức ảnh cũ trong “Thanh triều hoàng thất tả chân” năm 1900, bức hoành phi nguyên gốc hiện nay không rõ thất lạc ở nơi nào.
“Cực” là phần cao nhất của xà nhà, tức là cái tột cùng, “Kiến cực” tức là phải xây dựng được sách lược trị quốc đúng đắn theo phép trung chính. “Tuy” là thuận theo, “du” là đạo, “tuy du” tức là thuận theo đạo để trị quốc.
“Kiến cực tuy du” là nói đến bổn phận của bậc thiên tử: Trên phải thể theo đạo Trời, dưới phải thuận theo ý dân, dùng phép “trung chính” để trị quốc.
Bức hoành phi này treo ở điện Thái Hoà là để nói rõ lý tưởng trị quốc của hoàng đế các đời, đồng thời là nơi mà ngày ngày hoàng đế ngước nhìn, cho nên cũng là cái để Thiên tử tự răn mình.
Kiên Định biên dịch.