Người Thái sinh sống chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và một số ở Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Dân số khoảng gần một triệu gồm Thái Trắng và Thái Đen. Họ có nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, hội hoa Ban đầu mùa xuân được xem như hội của tình yêu và hạnh phúc.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân, hoa Ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc, hứa hẹn một mùa màng bội thu trên các nương rẫy và trên các khu vườn. Hội hoa Ban mở ra cũng là thời kỳ lúa chiêm đang độ gặp mưa xuân, xanh mơn mởn trên các cánh đồng lúa nước.
Cây Ban giống cây Sim rừng, nơi nào đất núi, đất sỏi là nơi đó có cây Ban mọc và nở nhiều hoa trắng đẹp. Con trai, con gái vùng Sơn La hẹn gặp nhau vào hội chơi núi hái hoa. Hoa Ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa. Theo phong tục của người Thái Trắng trước đây, hội hoa Ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái. Mùa xuân là mùa hoa Ban nở và cũng chính là ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ.
Từ sáng sớm, trên khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Sau khi ăn uống no say, mọi người cùng đổ vào rừng để tìm những cánh hoa Ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa Ban trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.
Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như để bày tỏ lòng biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái, họ kể cho nhau nghe một câu chuyện tình trong sáng nhưng rất thương tâm giữa chàng Khun và nàng Ban xa xưa. Sau đó họ hát cho nhau nghe bản tình ca.
Ta yêu nhau khi Ban còn đơm nụ
Ta yêu nhau khi Ban nở trên cành
Ban sẽ héo, mong Ban trở lại cành
Ban sẽ rụng, mong Ban rụng về gốc
(Tình ca Thái)
Những cuộc hát đối đáp mang một nỗi niềm tâm sự, những mơ ước chân thành về hạnh phúc bình dị.
Hoa Ban nở, hoa Ban tàn
Tình ta đẹp như hoa Ban
Còn dài lâu thì như hoa nào
Hỡi người ta yêu...
(Tình ca Thái)
Trong ngày hội trên dòng Nâm Na, thường diễn ra các cuộc hát giao duyên giữa nam và nữ trên những con thuyền đuôi én. Các cô gái thì cầm ô (dù) ngồi ở mũi thuyền bên cạnh những đóa hoa Ban tươi thắm. Còn các chàng trai thì ngồi ở đuôi thuyền vừa đánh đàn tán gẫu vừa thổi sáo. Tiếng đàn, tiếng hát cứ quyện vào nhau, trôi theo dòng nước lững lờ đi vào cõi mộng. Nếu thuyền tắp vào bến nào, thì chàng trai cô gái sẽ nhảy lên bờ cùng nhập vào dòng người mà đi vào rừng Ban, cùng ca hát, nhảy múa đón năm mới tốt lành. Những cánh hoa Ban đẹp nhất được chọn riêng, xếp cạnh nhau trên bãi. Thế rồi, tiếng khèn và nhịp trống cất lên như mời gọi. Tất cả cùng nắm tay nhau bước vào điệu xòe cứ mỗi lúc mỗi rộng thêm khi có nhiều người nhập cuộc.
Tiếp theo điệu xòe vòng, các cô gái với vải lụa đỏ thắm trên vai duyên dáng trong điệu xòe khăn, rồi tiếp đến xòe quạt, xòe nón... cuốn hút mọi người.
Cuối cùng, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản dự cuộc vui uống rượu cần truyền thống.
Hội hoa Ban cũng là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gởi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống thanh bình, no ấm, đồng thời cũng là dịp lễ để trai gái gần gũi, tìm hiểu nhau qua tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa ngày xuân.