Thời đại ngày nay, nhiều bậc làm cha làm mẹ xem việc theo đuổi sự giàu có và quyền lực là mục tiêu duy nhất trong cuộc đời, cho nên chỉ lo rằng con cái của mình tương lai khi bước vào xã hội sẽ trở thành một trong số những người thuộc nhóm yếu thế, không tiền tài không quyền lực, rất dễ bị người ta ức hiếp.
Phần đông các bậc cha mẹ trong xã hội hiện đại đều tin tưởng rằng: Họ không thể để cho con cái của mình thua kém người khác ngay tại vạch xuất phát. Vậy nên, dù là người có tiền hay không, cũng đều dốc sức đầu tư cho những đứa trẻ nhà mình. Nhiều bậc cha mẹ thậm chí không hề xem xét đến ý nguyện của con cái mà bắt buộc chúng phải tham gia vào đủ loại lớp học phụ đạo khác nhau. Những người có quyền thế từ sớm đã trù tính sẵn toàn bộ tương lai cho con của mình, thậm chí là kế hoạch cuộc đời của cháu chắt họ cũng đều đã được sắp đặt ổn thỏa. Tuy nhiên, liệu mọi thứ có thể diễn ra giống như tâm nguyện của các bậc làm cha làm mẹ hay không, bất cứ ai cũng chẳng thể biết trước được, điều đó vẫn là một ẩn số.
Có câu ‘Sống chết do mệnh, phú quý nhờ trời’, dẫu sinh ra trong núi vàng núi bạc, nếu số mệnh của một người không có những thứ đó thì họ cũng chẳng cách nào hưởng thụ. Điều gì quyết định phúc phận của một người, điều gì sẽ làm tổn hại nó? Con người khi làm việc xấu sẽ phải nhận ác báo, cuối cùng tự mình hủy đi những điều tốt đẹp vốn sẽ có được. Ngày nay xuất hiện rất nhiều quan viên vì dục vọng và lòng tham của bản thân mà phạm phải những tội nặng không thể tha thứ. Họ không chỉ khiến cho chính mình vùi thân nơi lao ngục, mà còn làm liên lụy đến người thân cùng con cháu trong gia đình.
Vậy, như thế nào mới có thể để lại phúc báo cho đời sau? Có lẽ mẩu chuyện văn hóa truyền thống sau đây sẽ phần nào giúp ta giải được vấn đề này.
Đào Chú, tự là Tử Lâm, là người huyện An Hóa thuộc tỉnh Hồ Nam dưới triều Thanh. Nề nếp gia đình ông thuần hậu, chất phác, nhiều thế hệ đều lấy việc hành thiện làm vui.
Tổ tiên của Đào Chú là Bá Hàm công (Đào Bá Hàm) rất thích việc hành thiện tích đức. Thời đó, tại quê nhà của ông, những kẻ trộm cắp trong làng nếu bị bắt được, đều sẽ bị ném xuống sông cho chết đuối. Một ngày nọ, Bá Hàm công đang lúc đi ngang qua trên bờ, thì nhìn thấy một tên trộm sắp bị ném xuống. Hắn cố gắng vùng vẫy, hướng về phía ông cầu cứu: “Xin ngài cứu tôi với, tôi thề từ nay về sau sẽ không trộm cắp nữa.” Bá Hàm công động lòng thương xót, bèn thỉnh cầu những người có mặt tại đó thả tên trộm đi. Ông còn vì lo lắng tên trộm sẽ lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục làm điều ác nên đã tặng cho anh ta một con thuyền nhỏ, để anh ta có thể dựa vào việc chở khách qua sông tìm kế sinh nhai. Những tình huống tương tự như trên trong suốt cuộc đời của Bá Hàm công xuất hiện không ít lần. Ông đã tặng đi tổng cộng 8 chiếc thuyền nhỏ như vậy, những người nhận được thuyền của ông sau này toàn bộ đều cải tà quy chính.
Để tránh cho người đi đường bị những mảnh sứ vỡ gây thương tích, Bá Hàm công luôn mang theo bên mình một chiếc giỏ nhỏ mỗi khi ra ngoài. Ông nhặt tất cả những mảnh đồ sứ vỡ vụn trên đường vào chiếc giỏ của mình rồi mang về nhà. Những mảnh sành sứ vỡ được ông gom vào trong một căn phòng trống đã tích lũy được thành một đống lớn, cao ngang nhà.
Ông cố của Đào Chú – Văn Hành công (Đào Văn Hành) – là người vô cùng khoan dung, nhân hậu. Vào buổi tối một ngày trời mưa lớn, nhà Văn Hành công bị người lấy trộm gạo, ông bèn lần theo dấu vết dưới trời mưa một đường đuổi theo tìm kiếm. Cuối cùng, ông phát hiện, hóa ra người lấy trộm gạo nhà mình lại là một người mà ông quen biết. Sau khi sự việc bại lộ, Văn Hành công cũng không hề rêu rao, lan truyền chuyện này cho người khác mà ngược lại, ông chỉ lặng lẽ trở về nhà, từ đó không còn nhắc đến chuyện mất trộm gạo nữa. Thẳng đến 30 năm sau, vợ của Văn Hành công tình cờ nói với con trai về việc này. Lúc đó, người trong nhà mới biết chuyện, nhưng tất cả mọi người đều cố ý giấu đi tên họ của người trộm gạo, không truyền ra ngoài. Điều này cho thấy sự khoan dung, độ lượng cùng tấm lòng nhân từ của cả gia tộc nhà Đào Chú.
Vào tháng 9 năm thứ 5 dưới thời Hoàng đế Khang Hy, nhà hàng xóm của Văn Hành công bốc cháy. Tất cả đồ đạc trong nhà đều bị thiêu rụi chẳng còn gì. Nhưng, lạ lùng thay, nhà của Văn Hành công ở ngay bên cạnh lại vẫn bình an vô sự.
Càng khó tin hơn là, kho thóc nhà Văn Hành công ở liền sát nhà hàng xóm, vậy mà cũng chẳng hề bị tổn hại chút nào. Những người khi đó đến giúp đỡ dập lửa kể lại: Lúc ngọn lửa còn đang bừng bừng bốc cháy, họ phát hiện có một người mặc y phục đỏ đứng trên tường, tay áo dài, trong tay cầm một chiếc quạt phẩy về phía ngọn lửa, tức thì ngọn lửa đang tiến về phía tường nhà Văn Hành công liền dừng lại, không tiếp tục lan ra nữa. Cả bức tường khi ấy đều bị thiêu đến đỏ hồng. Tất cả những ai biết chuyện đều bảo, đó là do thường ngày người Đào gia hay làm việc thiện tích đức, nên mới được thần tiên bảo hộ. Sau trận hỏa hoạn, nhà hàng xóm của Văn Hành công bị thiêu sạch chẳng còn gì, vợ của Văn Hành công bèn mang lương thực trong kho thóc nhà mình chia hết cho người hàng xóm.
Ông nội của Đào Chú là Dần Lượng công trời sinh tính tình đạm bạc, không màng danh lợi, trong nhà cũng chẳng hề giàu có, sung túc. Ngày đó, Dần Lượng công vô tình nhặt được một số tiền bên sông. Ông liền đứng đợi ở đó cả một ngày mới nhìn thấy một người xông tới, sắc mặt tái nhợt, cúi đầu như đang tìm kiếm thứ gì trong sỏi. Dần Lượng công đi qua hỏi anh ta đang tìm gì, người đàn ông ấy đáp: “Tôi đã ở bên ngoài làm thuê cho người ta vài năm rồi chưa về. Trong nhà vẫn còn mẹ già cần tôi chăm sóc, nên hôm nay tôi liền mang theo số tiền tích cóp được mấy năm qua trở về quê để phụng dưỡng mẹ, nhưng nào ngờ lại làm mất hết cả rồi”.
Nghe xong, Dần Lượng công lại hỏi anh ta làm mất bao nhiêu tiền, người đó trả lời trùng khớp với số tiền mà ông nhặt được. Vì thế, Dần Lượng công bèn đem toàn bộ số tiền đó trả lại cho anh ta. Để tỏ lòng biết ơn, người đàn ông khăng khăng muốn đưa một nửa số tiền của mình cho Dần Lượng công, nhưng bị ông từ chối. Ông đáp lại rằng: “Tôi nếu như ham muốn số tiền mà anh chia cho, vậy thì ngay từ đầu tôi đã chẳng ở lại đây để đợi anh rồi”. Nói xong, ông mỉm cười thúc giục anh ta nhanh chóng trở về, người đàn ông vâng lời, dập đầu bái tạ Dần Lượng công rồi mới rời đi.
Ngoài những nhân vật trong gia tộc Đào Chú đã kể ở trên, những câu chuyện hành hiệp trượng nghĩa của Hương Hiền công – cha của Đào Chú – cũng được ghi lại không ít.
Đào Chú vốn là người xuất thân trong dòng dõi bần hàn, gia cảnh nghèo khó nhưng sự nghiệp của ông lại một đường thuận lợi, vinh hiển. Năm Gia Khánh thứ năm, Đào Chú trúng tuyển kỳ thi Hương, hai năm sau đó thì trở thành tiến sĩ, rồi được tuyển chọn làm Thứ cát sĩ trong Hàn Lâm viện. Sau này, Đào Chú làm Tổng đốc Lưỡng Giang và được ban tặng chức vị Thái tử Thái bảo (thái bảo: một chức quan trong triều đình Trung Quốc, được thiết lập từ thời nhà Chu, phụ trách việc giám hộ và phụ tá vị vua trẻ tuổi).
Đào Chú một đời làm quan thanh liêm, ông kế thừa truyền thống thích làm việc thiện của Đào gia. Trong thời gian đương chức, Đào Chú nhiều lần sử dụng toàn bộ tiền bổng lộc của mình để cứu tế cho dân chúng gặp nạn. Hoàng đế Đạo Quang nghe được việc này đã rất cảm động và khen rằng: “Nếu tất cả quan lại đều có thể trong sạch, liêm chính như Đào Chú, thì còn lo gì thiên hạ không thái bình!”. Sau đó, Hoàng đế hạ lệnh ban thưởng cho Đào Chú ba nghìn lạng bạc. Song, Đào Chú vẫn giữ cuộc sống cơm canh rau cháo qua ngày như cũ, ông không hề sử dụng bất cứ một xu tiền thưởng nào cho bản thân, mà đem tất cả đều sử dụng để giúp đỡ dân nghèo. Ông lập ra 48 trường nghĩa học (trường học miễn phí) ở huyện An Hóa.
Người xưa cho rằng “lấy việc hành thiện làm vui” là một loại đức tính tốt đẹp được Thần Phật thừa nhận. Người ưa làm việc thiện sẽ được trời phật ban phước. Đức tích được càng nhiều, càng lớn thì thế hệ con cháu mai sau sẽ càng có được phúc báo lưu truyền đời đời. Có rất nhiều dòng họ nổi tiếng trong lịch sử đều là nhờ có nhiều âm đức do tổ tiên tích lại mà nhận được phúc báo.
Người già trong quá khứ thường hay nói: “Tích đức, tích đức, tổ tiên tích đức” hoặc “Đời này có khổ một chút, nghèo một chút cũng đừng lo, làm nhiều việc thiện tích đức, đời sau sẽ có được cuộc sống tốt đẹp”, v.v… Những câu này đều rất có đạo lý. Đáng tiếc, con người hiện nay đã chẳng còn nghe lọt tai những lời đó nữa. Họ cảm thấy những điều này không có căn cứ khoa học: Bạn nếu không chạy vạy lo lót, biếu tặng quà cáp thì ai sẽ đề bạt chức vụ cho bạn? Làm gì có chuyện miếng bánh ngon đột nhiên từ trên trời rơi xuống? Bạn nếu không học điều xấu, không tham ô, không hối lộ, không bao bà hai, không cùng với các quan chức cấp cao đương nhiệm thông đồng làm bậy, thì liệu có thể sống yên thân ở chốn quan trường được không? Có thể vơ vét được của cải kếch xù không?
Đây chính là hiện tượng đạo đức hỗn loạn được tạo thành do văn hóa truyền thống 5.000 năm Trung Hoa đã bị phá hoại. Về bản chất, mọi việc đều là do đức của con người nhiều ít ra sao quyết định. Đạo lý ‘thiện ác hữu báo’ từ xưa tới nay vẫn luôn tồn tại. Nếu như tổ tiên của một người không có đức, khiến cho người đó đời này một chút phúc phận cũng chẳng có, thì dù người đó có chạy chọt, hối lộ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ không có bất cứ ai đề bạt chức vụ cho họ.
Con người có được phúc phận là bởi vì có đức, hoặc do tổ tiên đã tích đức để lại cho con cháu. Chỉ có điều hiện nay con người đều đang bị những nhân tố xấu lợi dụng, thêm vào đó là hiện thực giả dối được tạo nên bởi những lời bịp bợm, dối trá. Vì thế, con người mới cho rằng những gì mình có hoàn toàn là do tự mình phấn đấu đạt được, thông đồng giữa quan chức và thương nhân mà đạt được. Kết quả của việc làm này là những người đó không chỉ tổn đức, mà còn đang tạo nghiệp. Rất nhiều người nhà tan cửa nát, mất đi tính mạng cũng chẳng phải ngẫu nhiên. Rất nhiều quan chức bị thẩm tra, bắt bớ, xử phạt, tự sát, hoặc gặp phải các loại thiên tai nhân họa, v.v… cũng không phải là ngẫu nhiên, đó đều là báo ứng họ phải chịu vì đã làm điều xấu.
Bí quyết để tạo phúc cho hậu thế chỉ có thể là thông qua việc làm một người tốt chân chính, chuyên làm điều thiện, giúp đỡ người khác, cứu nguy trợ khó, hành xử phù hợp với phép tắc chuẩn mực. Như vậy không chỉ có thể đem đến phúc báo cho chính bản thân, mà còn lưu lại phúc phận cho con cháu đời đời.
Biên dịch: Trường Lạc.