Là dân Việt Nam, hẳn không ai là không biết đến ông, người được mệnh danh là vị vua hiền minh nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Dưới thời ông trị vì, nước nhà thịnh trị, lân bang thần phục, quân sự hùng mạnh với binh uy áp chế bốn cõi, ngay cả nhà Minh cũng không dám vọng động. Trí tuệ của ông gồm cả quân sự, chính trị, kinh tế, thi ca…, không gì không thông hiểu, không gì không làm được. Vì sao ông có thể thành tựu được nhiều việc vĩ đại đến vậy?
“Quân quyền Thần thụ”, thiên tử chính là con Trời, là thụ mệnh Trời mà cai trị nhân gian, nên một vị chân mệnh thiên tử lẽ tự nhiên phải có trí tuệ và hiểu lòng Trời thì mới có thể giữ cho triều đại của mình thịnh trị lâu dài. Lê Thánh Tông chính là một vị vua như thế. Ông tuân theo Đạo Trời, tôn kính Thần Phật, nên triều đại của ông là triều đại cường thịnh nhất và cũng là giai đoạn ghi nhận nhiều giai thoại liên quan đến Thần Tiên và linh giới nhất. Tương truyền, Lê Thánh Tông là tiên đồng thác sinh từ thiên giới xuống trần gian trị vì nước Nam. Trong loạt bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm về gốc gác Thần Tiên của ông, xem có thấu hiểu được thiên cơ thú vị nào không nhé.
Trong lịch đại đế vương nước Việt ta, hầu hết đều là hạng thiên tư dĩnh ngộ, học thức uyên thâm, rất nhiều là những thi nhân tài năng, từng câu đều là nhả ngọc phun châu, đều có vẻ tiên phong đạo cốt. Nhưng so sánh tận cùng thì không ai bằng vua Lê Thánh Tông, vốn là người Tiên chuyển sinh mà thành.
Nói đến thơ của ông, nhiều người chỉ biết đến loại thơ “khẩu khí” của đế vương, mượn sự vật tầm thường mà nói lên cái chí lớn của mình, nhưng nhận xét này lại vô tình hạ thấp giá trị trí tuệ của bản thân nhà vua siêu phàm này. Vì thơ khẩu khí là chữ Nôm, trong khi Thánh Tông tinh thông cả 2 loại Hán – Nôm và thơ chữ Hán của ông đã đạt đến trình độ rất cao.
Nên nói rằng trong lịch đại đế vương nước Việt ta, hầu hết đều là hạng thiên tư dĩnh ngộ, học thức uyên thâm, rất nhiều là những thi nhân tài năng, từng câu đều là nhả ngọc phun châu, đều có vẻ tiên phong đạo cốt. Nhưng so sánh tận cùng thì không ai bằng vua Lê Thánh Tông, vốn là người Tiên chuyển sinh mà thành.
Xưa có câu “ý tại ngôn ngoại”, những điều cao siêu thoát tục thực sự chỉ có thể nhận thức được bởi những tâm hồn đồng cảnh giới. Nên người đời nay với nội hàm nông cạn, không am hiểu Hán ngữ điển cố mà lại muốn đánh giá thi tài của ông thì khác nào thầy bói mù sờ voi. Sao cho khỏi nhận xét phiến diện được.
Tiền thân Thánh Tông vốn từ thiên thượng nên lẽ dĩ nhiên, văn thơ ông không nên và không thể cảm nhận bởi đa số độc giả được. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích một số bài thơ tiêu biểu để phần nào rõ thêm tiền thân cao quý của ông nhé.
Thơ chữ Hán tả Tâm thoát tục
Do tiền thân không tầm thường nên dẫu kiếp này đắm chìm nơi trần thế trong tột đỉnh vinh quang cũng chưa làm Tâm đạo lu mờ. Một số vần thơ của ông có thể thể hiện một trạng thái nội tâm thanh cao mà tĩnh tại hiếm có ở người thường.
Đề đạo nhân vân thủy cư kỳ 2
Huy huy chu nhật trúc âm lương,
Tam ngũ thiền thanh hạ ảnh trường.
Nhất chẩm bắc song trần lự đoạn,
Hà hoa kinh khởi thuỵ uyên ương.
Chữ Hán:
題道人雲水居其二
暉暉周日竹陰涼
三五蟬聲夏影長
一枕北窗塵慮斷
荷花驚起睡鴛鴦
Tạm dịch:
Trúc râm nắng hạ chan hoà
Tiếng ve rộn rã, ngày dài triền miên
Ngủ bên song, trút ưu phiền
Gió lay sen động, chim uyên giật mình.
(Phụng Hà)
“Tam ngũ thiền thanh” không chỉ đơn giản là tiếng ve kêu ngày hè. Nếu lấy ra 3 chữ “tam ngũ thiền” thì nó trùng hợp với Đạo gia lúc tu luyện có nói đến “ngũ tâm triều thiên” khi thiền định và “tam bảo” của người tu Đạo là Tinh Khí Thần. Phải luyện 3 thứ ấy cho đến khi nhập vào trạng thái thanh tĩnh vô vi. Có khi phải nhập định suốt ngày, nên 4 chữ còn lại nên hiểu là “thanh hạ ảnh trường” – nghĩa là ngày hạ dài mà thanh tĩnh, chứ không chỉ là tiếng ve kêu ngày hạ dài theo bề mặt chữ viết. Không thiền định sao có ngày dài mà thanh tĩnh đây.
Câu kế nói thêm về phương pháp ngọa thiền của Đạo gia, nên “trần lự đoạn” nghĩa là khi nhập định rồi thì tất cả ưu phiền trần gian đều cắt đứt, chỉ có người tu Đạo mới làm được điều này. Người thời nay nằm xuống ngủ mà trong não lúc nào cũng mộng mị khiến cho ngủ không ngon nên dễ dẫn đến bệnh tật.
Câu cuối cùng mới là tuyệt nhất khi mà một cơn gió nhẹ lay hoa sen, làm động đến đôi uyên ương đang ngủ. Duyên trần chưa dứt nên khi đang thanh tĩnh nhập định nơi thiên đình lại chợt động đạo tâm. Vì sao là gió mà không phải thứ khác? Không phải người tu hành thì “bát phong xuy bất động” (tám gió thổi chẳng động) sao? Và vì sao là uyên ương mà không phải giống nào khác? Kinh Thi có câu:
“Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu”.
Chắc là ẩn sâu trong lòng kia còn chưa liễu giải chữ Tình nên ngọn gió kia nơi nhân thế mới có thể khiến cậu tiên đồng phải nhận mệnh xuống nhân gian?
Ngoài thơ chữ Hán, Thánh Tông còn làm thơ Nôm mà người đời hay gọi là thơ “khẩu khí” rất nổi tiếng. Có người không thích kiểu thơ này và cho rằng nó ít có giá trị nghệ thuật, chỉ là sự khoe khoang bản lĩnh của nhà lãnh đạo mà thôi. Nhưng không đơn giản như vậy, những bài thơ này lại ẩn giấu những câu chuyện Tiên giới có lẽ nằm sâu trong ký ức xa xưa của ông mà nhân lúc tùy hứng thuận duyên lại viết ra chăng?
Vịnh cây chổi
Lời chúa vâng truyền xuống ngọc giai,
Cho làm lệnh tướng quét trần ai.
Một phen vùng vẫy, trời tung gió,
Bốn cõi tung hoành, đất sạch gai.
Ngày vắng dủ mây cung Bắc Hán,
Ðêm thanh tựa nguyệt chốn lâu đài.
Ôm lòng gốc rễ, lâu càng dãi,
Mòn mỏi lưng còn một cái đai.
Chỉ là tả một cây chổi mà thôi, nhưng nó lại giống như miêu tả cuộc đời của ông từ khi vâng mệnh Ngọc Đế xuống trần. Thay mặt trời cao mà bình định thiên hạ “quét trần ai”, trời hộ cho làm nên đế nghiệp “bốn cõi tung hoành, đất sạch gai”. Nhưng lúc quốc gia đại định rồi thì dẫu có cung vàng điện ngọc, ngắm trăng lầu cao thì lòng cũng nhớ về thượng giới xa xôi. “Mòn mỏi lưng còn một cái đai”, đai tượng trưng cho địa vị. Ngai cao vị cả kia giờ trở thành nghiệp chướng quấn thân làm thân ai kia không thể quay về sự thanh cao kia nữa, giống cây chổi cùn xơ xác nhuốm đầy bụi trần, khác gì tấm thân tiên thiên giờ đã trở nên ô trọc. Thật ngậm ngùi thay.
Cái diều giấy
Gió hiu hiu nhẹ cánh hồng,
Nhang dọc dầu ta cao lướt không.
Đỉnh núi phau phau mờ thức bạc,
Giữa trời lồ lộ dãi vầng hồng.
Chín lần lèo rủ, dầu thong thả,
Bốn biển lòng vui phỉ ngóng trông.
Có thuở liệng chơi ngoài lục hợp
Hư không, loài ác rẽ đùng đùng.
Một con diều giấy mà lướt ngang đỉnh núi, ngang dọc giữa trời khác nào du Thần tản Tiên rong chơi nơi thiên ngoại. “Chín lần lèo rủ” chẳng phải Cửu chuyển kim đan là gì, luyện thành mới có thể “dầu thong thả” mà “bốn biển lòng vui phỉ ngóng trông”. Mới có thể “liệng chơi ngoài lục hợp” (mang ý nghĩa thoát khỏi cõi trần – lục hợp ngũ hành tượng trưng cho cõi trần).
Cái xe điếu
Vốn ở lâu đài đã bấy nay,
Khi lên dễ khiến thế gian say.
Lưng in chính trực mười phân thẳng,
Dạ vẫn hư linh một tiết ngay.
Động sóng, tuôn mây khi chán miệng,
Nghiêng trời, lệch đất thuở buông tay.
Dưới từ nội lục trên đền đỏ,
Ai chẳng quen hơi mến đức này.
Cái xe điếu này ắt chẳng phải tầm thường. Nó được miêu tả như một vị Chân Nhân đắc Đạo thành Tiên. Người tu Tiên theo Đạo gia vốn tu theo chữ Chân nên mới có câu “lưng in chính trực mười phân thẳng” và “dạ vẫn hư linh một tiết ngay”, nghĩa là tâm phải chân chính, khi tọa thiền lưng phải thẳng để khai thông kinh mạch, tâm phải trống rỗng “hư linh”. Khi thành Đạo rồi thì biển rung sóng gầm nghiêng trời lệch đất đều là thiên tượng cảm ứng mà báo hiệu với thế gian có người đã tu thành. “Ai chẳng quen hơi mến đức này” nghĩa là công pháp tu nội chân chính ắt là phải trọng đức thì mới là đường chính vậy.
Nhà dột
Lều tiện ba gian trả nắng sương,
Thấy trời dòm xuống, biết trời thương.
Dồi dào đã được nhờ ơn nước,
Soi tới càng thêm tỏ bóng gương.
Đêm có ả trăng làm bạn cũ,
Ngày thì dì gió quét bên giường.
Lại còn một vẻ thanh quang nữa,
Ngọc lộ đầy mâm để uống thường.
Xưa nay những bậc tu hành chân chính thường lấy việc nhiếp phục thân tâm làm chính mà coi tiền tài như ngoại vật, phú quý như mây nổi. Họ còn lấy hoàn cảnh khó khăn mà thành tựu cho Đạo Tâm bất phá như kim cương, sáng trong như trời cao. Luôn luôn an nhiên tĩnh tại trong mọi hoàn cảnh. Bài thơ “Nhà Dột” này quả thực miêu tả Đạo Tâm của một người tu hành đạt đến mức tuyệt xảo.
Ông ta lấy “lều tiện trả nắng sương” chính là hoàn trả nợ nghiệp bằng cuộc sống gian khổ. Nhưng tâm vẫn sáng mà tuân theo Đạo Trời – “biết trời thương”. Vì thế nên ông ta đã tu có thành tựu ngay trong cuộc sống đó. Nhìn bên ngoài thì là một người nghèo rách nát, nhưng cảnh giới bên trong thì đã siêu phàm nhập thánh. Có “ả trăng làm bạn”, “dì gió quét giường” và còn có “ngọc lộ đầy mâm để uống”. Hỏi ai có thể lấy trăng gió làm bạn và uống ngọc lộ hàng ngày, chính là Thần Tiên vậy.
Văn chính là người, những cảnh trí tươi đẹp sẽ dễ gợi lên trong tâm người ta những cảm tưởng bay bổng. Nên các văn nhân xưa hay thích du sơn ngoạn thủy mà tìm thi hứng. Nhưng cảnh sơn thủy trong thơ Lê Thánh Tông lại có một ý vị thanh thoát rất riêng. Nó mang một nỗi tiếc nhớ nhẹ nhàng khi nhìn cảnh đẹp cõi trần mà nhớ lại thượng giới xưa kia.
Đề Hồ Công động
Thần chuỳ quỷ tạc vạn trùng san,
Hư thất cao song vũ trụ khoan.
Thế thượng công danh đô thị mộng,
Hồ trung nhật nguyệt bất thắng nhàn.
Hoa dương long hoá huyền châu truỵ.
Bích động tuyền lưu bạch ngọc hàn.
Ngã dục thừa phong lăng tuyệt đính,
Vọng cùng vân hải hữu vô gian.
Chữ Hán:
題壺公洞
神錐鬼鑿萬重山
虛室高窗宇宙寬
世上公名都是夢
壺中日月不勝閒
花陽龍化玄珠墜
碧峒泉流白玉寒
我欲乗風陵絕頂
望窮雲海有無間
Tạm dịch:
Khuôn thiêng khéo tạc núi muôn trùng,
Cửa động thênh thênh gió dễ thông.
Cuộc thế công danh mơ tưởng hão,
Bầu tiên phong nguyệt thú vui cùng.
Hạt châu rơi đất nghi rồng hoá,
Giọt ngọc tuôn trời rõ suối trong.
Muốn cưỡi gió lên chơi đỉnh núi,
Trông mây trông nước tít từng không.
(Nguồn: Thiện Đình, “Tây Đô thắng tích”, Nam Phong tạp chí, số 160)
Một thi nhân vương giả đứng nơi cửa động nhìn ra dãy núi nhấp nhô, vũ trụ rộng lớn mà không khỏi cảm khái kỳ công của tạo hóa. Nơi đứng ấy, cảnh trí ấy phải chăng nửa quen mà nửa lạ, ai có hay có nhớ về nơi động kia từng có kiếp thanh tu? Trải tấm lòng cùng trời đất mới thấy công danh chỉ là hão huyền. Phải chăng ngày nào đã từng cưỡi gió đạp mây mà ngao du tứ hải?
Tự Thuật
Ngũ thập niên hoa thất xích khu,
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,
Lộ ấp đình tiền lục liễu cù.
Bích hán vọng cùng vân yểu yểu,
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.
Bồng Lai sơn thượng âm dung đoạn,
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô.
Chữ Hán:
自述
五十年華七尺軀
剛腸如鐵卻成柔
風吹窗外黃花謝
露浥庭前綠柳癯
碧漢望窮雲杳杳
黃梁夢醒夜悠悠
蓬萊山上音容斷
冰玉幽魂入夢無。
Tạm dịch:
Bẩy thước thân kia đã ngũ tuần,
Lòng như sắt cứng cũng mềm dần.
Gió rung làm héo hoa ngoài cửa,
Sương dãi thêm gầy liễu trước sân.
Tầng biếc trông xa mây thăm thẳm,
Kê vàng tỉnh giấc những phân vân.
Âm dương cách biệt non Bồng vắng,
Băng ngọc hồn thiêng nhập mộng chăng?
(Bản dịch trong sách Đại Việt sử ký toàn thư)
Một đời dẫu vinh quang tột đỉnh đến đâu rồi cũng chỉ là giấc mộng thoáng qua. Khi đến phút cuối mới thấy rằng thảy đều vô nghĩa. Tâm chấp trước danh lợi cứng rắn kia đã rơi rụng “mềm dần” theo năm tháng. Những thanh sắc tuổi xuân từng ham thích giờ cũng héo mòn theo thời gian (“héo hoa ngoài cửa”, “gầy liễu trước sân”). Chợt nhớ về lời dạy năm nào của Chân Sư kiếp xa xưa giờ nơi đâu (“trông xa mây thăm thẳm”), ngài vì muốn ta liễu Đạo mà điểm hóa trong giấc mộng phú quý bên nồi kê. Than ôi, nồi kê còn chưa chín mà phú quý hồng trần đã tan với biết bao niềm ân hận. Giờ lại đã đến lúc phải lên đường, cõi u minh lại rộng cửa lần nữa, kiếp sau sống lại cũng là nhập vào một giấc mộng khác chăng? (“băng ngọc hồn thiêng nhập mộng chăng?”). Dẫu là đế vương thì đã sao, Thánh vương cũng để làm gì? Hồng trần rốt cục chính là giấc mộng dài mà thôi.
Nghĩ đến Tiên nhân hay cảnh Tiên, người ta hay mường tượng ra những gì thanh thoát tiêu sái, không bị nhuốm chút màu trần thế nào. Thế nhưng dù là Tiên xuống trần thì đã sao, cũng phải nhuốm tục lụy mà thôi. Nên những gì chúng ta tìm kiếm là những cảnh giới cao siêu tiêu dao của tư tưởng mà Thánh Tông còn vương vấn gửi lại trong thơ, như hiểu thêm niềm nuối tiếc của ông về một thời tươi đẹp thực sự đã qua. Qua một đời làm vua thiên hạ, dẫu hoành đồ cơ nghiệp vĩ đại thế nào thì nay dẫu có muốn trở về trên kia thì có thể chăng? Vì tục lụy đã nhiều, nghiệp lực quấn thân, đến bao giờ thanh tẩy hết để trở về thiên đình đây. Thật đúng là:
“Thân tâm rửa sạch quê hà hữu,
Giới hạnh vâng đòi giáo Thích Già.
Nói những thiên đường cùng địa ngục,
Pháp sao chẳng độ được mình ta.”
(Giới thiền tăng – Lê Thánh Tông)
Tĩnh Thuỷ.