Trong các phong tục tập quán của người Mông thì việc cưới xin để lại những dấu ấn bản sắc mang tính truyền thống của người Mông nhiều hơn cả. Đám cưới của người Mông thường được tổ chức vào mùa xuân hay cuối đông vì đồng bào kiêng những tháng có sấm chớp. Hôn nhân của nhười Mông cũng tuân theo những lễ nghi như dạm hỏi, ăn hỏi (hẹn cưới) và lễ đón dâu.
Lễ dạm hỏi bắt buộc phải có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, giúp nhà trai sang nhà gái làm các thủ tục dạm hỏi hẹn ngày đón dâu. Đám cưới người Mông bao giờ cũng phải có phù rể. Phù rể sẽ cùng chú rể quỳ lạy tổ tiên nhà gái trước khi rước dâu đi. Sau khi hoàn tất các thủ tục cô dâu được hai người anh em trong gia đình dắt tay ra cửa trao cho người đón dâu. Đám đón dâu đi lẻ về chẵn, theo phong tục người nhà gái không đưa dâu đến nhà trai. Quãng đường đón dâu về dù ngắn hay dài cũng nhất thiết phải nghỉ giữa chừng, ăn cơm nắm do nhà gái chuẩn bị sẵn. Cô dâu về tới trước cửa nhà trai còn phải làm một nghi lễ nhập ma nhà chồng mới được vào cửa.
Trước đây người Mông rất phổ biến tục “bắt vợ”. Khi chàng trai Mông ưng một cô gái nào đó thì tổ chức đón đường, “bắt” cô gái về làm vợ mình. Cô gái bị “bắt” về được nhà trai “dùng gà trống đánh dấu nhập nhà” buộc phải lấy chàng trai cho dù có đồng ý hay không. Trong xã hội cũ, tục bắt vợ thường diễn ra là do những gia đình nhà trai có quyền thế ép buộc các cô gái về làm vợ. Khi các cuộc cưỡng hôn này tan vỡ thì thường người con gái chỉ biết tìm đến cái chết. Bởi lẽ sau khi đã “nhập ma” nhà trai, cô gái có tự ý bỏ về thì bố mẹ cô cũng không thừa nhận nữa. Hiện nay, ở một số nơi vẫn còn tồn tại phong tục này nhưng đã khác hẳn về tính chất, thường là có sự thoả thuận từ hai phía cô gái và chàng trai, để đặt gia đình hai bên vào một “sự đã rồi”. Hoặc giả, lễ cưới đã được hai bên gia đình chuẩn bị, còn việc “bắt vợ” chỉ là làm tăng thêm phần thi vị cho đôi lứa mà thôi. Suy cho cùng, tục “bắt vợ” của người Mông khi gạt bỏ những thủ tục lại khẳng định cho tình yêu mãnh liệt và niềm khát khao hạnh phúc, khao khát hôn nhân tự do đã bị chế ngự và kìm hãm từ bao đời.
Ngoài ra người Mông còn có tục "háy pù", tức là trong trường hợp trai gái yêu nhau, cha mẹ thuận tình nhưng kinh tế khó khăn, trai gái hò hẹn nhau tại một địa điểm. Từ địa điểm đó chàng trai dắt tay cô gái về làm vợ.
Ngày nay hôn nhân của người Mông chủ yếu theo tập quán tự do kén chọn bạn đời. Những người cùng dòng họ không lấy nhau. Vợ chồng người Mông rất ít bỏ nhau, họ sống với nhau hòa thuận, cùng làm ăn, cùng lên nương, xuống chợ và đi hội hè...
Cưới thường
Là nghi lễ cưới đơn giản nhất, được diễn ra đối với gia đình nghèo. Chàng trai kéo cô gái về nhà, hai người lấy nhau nhưng nghi lễ cưới chỉ trong phạm vi lễ tổ tiên và sinh hoạt ăn uống trong góc độ gia đình.
Cưới trung
Là nghi lễ vừa phải - lễ cưới kiểu này được diễn ra như một lễ cưới to những giai đoạn mối hỏi không có. Vì rằng đầu tiên, chàng trai kéo cô gái về nhà mình nên khi ông mối sang nhà trai liền không được tiếp. Theo quan niệm của người Mông, người con gái bị kéo về đã bị mất giá phần nào cho nên thủ tục ban đầu thiếu, đám cưới không thể coi là đám cưới to được.
Đại cưới
Là nghi lễ cưới mang đầy đủ mọi thủ tục và nghi lễ. Cô gái không bị kéo mà do mối hỏi đến tận nhà đặt vấn đề. Đám cưới này vẫn diễn ra 3 ngày ở nhà gái, 3 ngày ở nhà trai và một ngày chuẩn bị ở nhà trai. Tổng số ngày diễn ra là 7 ngày mới hoàn chỉnh đám cưới. Đám cưới này trước kia chỉ dành cho con nhà giàu, khá giả.