Nét đẹp cho tín ngưỡng thờ Mẫu

Từ xưa, các đạo sĩ người Việt đã kết hợp và sáng tạo tài tình ra tục thờ Mẫu như một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam. "Quang Minh Tam Thánh" cùng với đạo Phật đã đưa hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh lên tối thượng. Các nhân vật Thánh, Chúa, Thần, Tiên, được tôn thờ trong hàng Tứ phủ cũng chính là các nhân vật lịch sử của dân tộc. Đơn cử, hàng ngũ vị Quan lớn có: Quan lớn Tuần Tranh (có tên là Quan Đệ Ngũ) chính là Cao Lỗ - một danh tướng thời An Dương Vương (có nơi lại coi ông là một võ tướng nhà Trần). Quan Đệ Nhị - tương truyền là Lê Sát đã từng chém đầu Liễu Thăng. Hàng Chầu Bà có Chầu Lục - tương truyền là con gái Tản Viên Sơn Thánh. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái…

Đặc biệt, mấy ai không biết đền Suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang) nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn (tương truyền là công chúa Quế Mỵ Nương thời Vua Hùng dựng nước). Xuân thu nhị kỳ, khách thập phương ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn và các nơi khác nườm nượp về đây để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh". Đây cũng là nghi lễ không thể thiếu của những người "làm tôi Bốn Phủ". Theo quan niệm của một số người, đó là "căn số" nên phải đi tìm thầy để tổ chức lễ trình đồng, mở phủ. Giải thích về căn số nặng, nhẹ thế nào thì cũng chỉ tựu trung là những người gặp cảnh đời không thuận như hay ốm đau, tâm thần điên dở, vận hạn liên miên, tình duyên trắc trở… Họ tin có một lực lượng siêu nhiên, thần bí nên đã theo "hầu bóng" để giải trừ vận hạn cho cuộc sống hanh thông.

 

Hiểu thế nào cho đúng?
Nhìn về góc độ văn hóa, chúng ta nhận thấy "hầu bóng" là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp mang đậm bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam, trong đó có âm nhạc, văn học, vũ đạo, kịch câm, mỹ thuật… hòa quyện với nhau. Một vấn hầu Thánh (gọi nôm na là chương trình biểu diễn nghệ thuật tâm linh) thì diễn viên là "thanh đồng", các nhạc công là cung văn. Một điều đặc biệt, các thanh đồng, cung văn không cần phải tập luyện để khớp với nhau mà hoàn toàn diễn theo ngẫu hứng. Có những giá hầu "bốc đồng" làm cho khán giả dự hầu cùng vỗ tay nhún nhảy vui nhộn như mình đang trong vai diễn. Để đánh giá khách quan về "hầu bóng", chúng ta phải nhìn bằng góc độ văn hóa và khoa học.

Về giá trị tinh thần, mỗi lần tổ chức đi hầu Thánh, các "Đồng anh, Lính chị" trong cơ cánh "nhà đồng" có dịp được họp mặt, để cùng nhau gửi gắm nguyện ước vào cõi tâm linh, mong được giải hạn, trừ tai ương. Đi "hầu" ở nơi xa còn được cùng nhau du ngoạn các di tích, danh lam thắng cảnh của đất nước, được thưởng thức "văn nghệ tâm linh" cho tinh thần được thoải mái hơn sau những ngày lao động vất vả. Như vậy có thể nói hầu Thánh chính là một cuộc chơi mang đậm chất văn hóa, văn nghệ dân gian.

Tin bài liên quan