Đạo mẫu và tín ngưỡng Thờ Tam Phủ, Tứ Phủ qua trật tự các giá hầu

Đạo thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời và rất thuần Việt. Nói đến Đạo Mẫu người ta có thể liên tưởng ngay đến việc tôn vinh những vị nữ thần tối cao mà người ta tôn là Thánh Mẫu hay Quốc Mẫu, tuy nhiên trong đạo thờ Mẫu, người ta không chỉ thờ riêng các vị Mẫu mà còn tôn thờ cả một hệ thống các vị thánh với một trật tự chặt chẽ (thể hiện trong các giá hầu đồng khi thỉnh các vị Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu...).

Nét đẹp cho tín ngưỡng thờ Mẫu

Từ xưa, các đạo sĩ người Việt đã kết hợp và sáng tạo tài tình ra tục thờ Mẫu như một tín ngưỡng bản địa của dân tộc Việt Nam. "Quang Minh Tam Thánh" cùng với đạo Phật đã đưa hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh lên tối thượng. Các nhân vật Thánh, Chúa, Thần, Tiên, được tôn thờ trong hàng Tứ phủ cũng chính là các nhân vật lịch sử của dân tộc. Đơn cử, hàng ngũ vị Quan lớn có: Quan lớn Tuần Tranh (có tên là Quan Đệ Ngũ) chính là Cao Lỗ - một danh tướng thời An Dương Vương (có nơi lại coi ông là một võ tướng nhà Trần). Quan Đệ Nhị - tương truyền là Lê Sát đã từng chém đầu Liễu Thăng. Hàng Chầu Bà có Chầu Lục - tương truyền là con gái Tản Viên Sơn Thánh. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái…

Đạo Mẫu và tục hầu đồng ở Việt Nam

Từ thuở lập quốc đến nay, dân tộc Việt vẫn coi mình là con rồng cháu tiên, với người mẹ có công sinh thành là Âu Cơ. Trải qua quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, người Việt và một số tộc người khác hình thành nên tục thờ Nữ thần, thờ Mẫu và Tam phủ - Tứ phủ (gọi là Đạo Mẫu). Đạo Mẫu, từ bao đời nay là tín ngưỡng riêng của người Việt, có vai trò, vị trí đặc biệt, đáp ứng nhu cầu, khát vọng trong đời sống thường nhật của một dân tộc sinh ra và phát triển trong nền văn minh lúa nước.