Tổng đốc thời chưa hiển quý vận mệnh rất trắc trở, gặp được một đạo sĩ kỳ dị chỉ điểm cho ông, cho đến một ngày, một tia sét đánh xuống, sự tình cấp tốc biến chuyển, dụng tâm của đạo sĩ cuối cùng đã bị nhìn thấu.
Vào thời kỳ nhà Thanh, ở một địa phương nọ có một vị tổng đốc từ nhỏ đã mất cha, gia cảnh bần cùng, nhưng ông phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận. Tổng đốc vào những năm đầu đời gặp nhiều trắc trở bất bình, đến hơn 20 tuổi, ông thậm chí còn không thể vượt qua kỳ thi tú tài. Bằng hữu thân thích nhìn thấy ông trong bộ quần áo rách rưới, liền đi đường vòng để tránh. Tuy nhiên, ông rộng lượng cởi mở, không hề bận tâm điều đó, nhưng mọi người trái lại đều cho rằng ông không biết xấu hổ, càng chế nhạo công kích ông nhiều hơn.
Ông từng tham gia kỳ thi đồng tử nhưng không trúng, trên đường về nhà, ông đi ngang qua một ngôi miếu cổ, gặp một vị đạo sĩ. Vị đạo sĩ này có bộ râu màu tím, lỗ mũi hướng thiên, tướng mạo phi thường khó coi, ngồi xếp bằng đả tọa trên mặt đất. Đạo sĩ thấy ông đi tới, vội vàng đứng lên hành lễ, mỉm cười nói với ông: “Bần đạo đợi quý nhân ở đây đã lâu rồi.” Nghe vậy, ông kinh ngạc trợn mắt nhìn vị đạo sĩ, trong chốc lát không biết nên trả lời thế nào. Đạo sĩ nói tiếp: “Bần đạo họ Vạn, đạo hiệu là Thuế Vân, là từ núi Nga Mi vân du đến đây, người đã gặp rất nhiều, nhưng bàn về phú quý phúc trạch thì không ai có thể sánh được với ngài. Bởi vì chúng ta quá khứ từng có duyên hương hỏa, do đó hôm nay mới có thể gặp nhau ở đây.”
Tổng đốc nghi ngờ đạo sĩ đang chế giễu mình, nên cười nói: “Tôi chỉ là một người tầm thường, thật may mắn được tiên sư chiếu cố. Như tiên sư đã nói, ngài chẳng phải là rất tinh thông tướng thuật của Cô Bố Tử Khanh sao?” Đạo sĩ nói: “Không dám nói tôi có bản sự của Cô Bố Tử Khanh, nhưng tôi tin rằng khả năng phân biệt người hiền thì một chút cũng không sai.” Tổng đốc nói: “Nếu đúng như vậy, thỉnh tiên sư hãy xem vận mệnh của tôi từ nhỏ xem như thế nào.”
Đạo sĩ bấm ngón tay và nói: “Ngài năm này nhập vận, năm này nhập học, năm này liên tiếp thi đỗ tiến sĩ, vào Hàn lâm viện, năm này ra làm quan thị học ở đất Thục, tiếp theo lại thăng lên chức thị ngự, xuất nhập giám tư, đi ngoại tỉnh đảm nhiệm quan chức cao, làm quan đến hiệp biện đại học sĩ. Còn hưởng thọ mệnh trăm tuổi, vợ chồng bạc đầu giai lão, con cháu hiển quý.” Đạo sĩ tính toán chi tiết năm này qua năm khác, yêu cầu ông ghi nhớ kỹ để sau này xác minh chính xác hay không.
Tổng đốc nói: “Tiểu sinh gia cảnh bần hàn, mẹ tôi còn thiếu cơm thiếu áo, tôi muốn bỏ học, chuyển sang buôn bán mưu sinh, sao dám quá phận kỳ vọng vào tương lai?” Đạo sĩ vội vàng xua tay nói: nói: “Nhất thiết đừng làm như thế! Đừng làm như thế! Nếu ngài lo lắng không thể tự nuôi thân, thì bần đạo có chút tích lũy, hy vọng có thể giúp ngài làm chi phí cầu học.” Theo đó đạo sĩ liền lấy từ trong tay áo ra một phong thư vàng đưa cho tổng đốc và nói: “Ngài tương lai phú quý, xin chớ quên tôi.”
Nhưng tổng đốc từ chối nhận, nói rằng: “Vô công nhận lộc, đây không phải là chuyện quân tử nên làm.” Đạo sĩ thấy ông kiên quyết từ chối, bèn nói: “Nếu không muốn nhận lễ vật, ngài có thể mượn tạm rồi trả sau, không có gì sai cả.”
Tổng đốc nói: “Làm như vậy thì tốt hơn, nhưng hiện tại không có chứng cứ thì phải làm sao?” Đạo sĩ đáp: “Quân tử dùng miệng làm bằng chứng, tiểu nhân dựa vào bằng chứng để chứng minh. Quân tử dù không lập bằng chứng, cũng sẽ không mắc nợ không trả, tiểu nhân dù lập bằng chứng, cũng sẽ vi bội không trả. Phụ bạc hay không phụ bạc là do người ta, bằng chứng thì có ích chi!”
Tổng đốc thấy đạo sĩ nói như vậy, mới bái tạ và nhận, rồi hỏi về kỳ hạn trả, cũng nói: “Nếu đúng như những gì tiên sư đã nói, ngày đó tôi làm quan trong quan trường, liệu còn có rủi ro nào khác không?” Đạo sĩ trầm mặc hồi lâu, rồi mới nói: “Sau này khi tiến vào quan trường, tất cả những điều nói trên sẽ ứng nghiệm. Chỉ có khi đến ngày này tháng này năm này, sẽ có một tai họa nghiêm trọng không ngờ tới, đến lúc đó, chính bần đạo sẽ đến cứu ngài, ngài không cần lo lắng.” Nói xong, tổng đốc bái tạ, vị đạo sĩ cũng rời đi.
Sau khi tổng đốc trở về nhà, đối với những lời đạo sĩ nói, ông bán tín bán nghi, âm thầm hạ quyết tâm chờ xem sau này liệu có ứng nghiệm. Ông lấy số vàng đổi thành lương thực và quần áo để tránh đói và rét, rồi từ đó càng khổ công nỗ lực học hành hơn nữa. Sau đó quả nhiên ông vào năm đó nhập học phủ, đến năm nọ trong khoa cử lại thi cử liên tiếp thăng cấp, được Từ Quán tiến cử quan chức, thanh danh vang xa trong ngoài quan trường, hết thảy đều y như lời vị đạo sĩ đã tính. Tiếp theo, ông nhậm lệnh làm tổng đốc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, lấy vợ rồi sinh được hai người con trai. Công tử trưởng 19 tuổi đã vào Từ Quán, công tử thứ mới 15 tuổi đã được phong hiếu liêm (tức cử nhân), đang chuẩn bị tham gia kỳ thi hội được cử hành vào mùa xuân. Lúc đó, thái phu nhân (mẹ tổng đốc) vẫn còn sống liền phái người nghênh đón về nhà phụng dưỡng, cả gia đình được đoàn tụ trong niềm vinh dự lớn lao.
Một ngày nọ, lính canh đến báo rằng có một đạo sĩ tên là Vạn Thuế Vân đến cổng cầu kiến. Tổng đốc vui mừng khôn xiết, vội vàng sai người mở cửa chào, nắm lấy tay vị đạo sĩ, hỏi thăm tình huống thế nào. Tổng đốc nói: “Những sự tình tiên sư nói trước đây đều đã ứng nghiệm, nhưng không biết sau này sẽ gặp tai họa lớn bất ngờ là như thế nào?”
Đạo sĩ trả lời: “Những sự tình trước đó đều đã ứng nghiệm, hậu sự có thể tưởng tượng. Tai họa sẽ xảy ra vào ngày mai, tôi là đặc ý vì điều này mà đến.” Tổng đốc xem thư phê mệnh, quả nhiên là có ghi chép chuyện này, vội hỏi nên xử lý thế nào?
Đạo sĩ nói: “Đại nhân kiếp trước học đạo ở núi Thanh Thành, đạo hành rất cao, phát thệ lập chí phóng sinh, nhưng lại vô tình giẫm chết một con ếch. Quá trưa ngày mai, sẽ bị sét đánh khiển trách, lấy đó để trả nợ nghiệt. Tôi và ngài là sư huynh đệ trong tiền kiếp, do đó không dám không báo trước cho ngài.” Tổng đốc nghe xong kinh ngạc, bèn hỏi biện pháp giải cứu. Đạo sĩ cười nói: “Bần đạo đã nghĩ ra phương pháp đối ứng, xin ngài đừng lo.” Sau đó ông rót vào tai tổng đốc phương pháp giải cứu.
Ngày hôm sau, theo sự sắp xếp của đạo sĩ, tổng đốc từ sáng sớm đã mặc quan phục, ngồi trước đại sảnh cầm quan ấn. Ông còn triệu tập tất cả các văn võ quan viên thuộc hạ, mọi người đều mặc quân phục, tay nâng quan ấn, ngồi quanh đại sảnh. Hôm đó là Tết Trung Thu, không khí thanh mát, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Khoảng ba, bốn giờ chiều, bỗng mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm, cuồng phong gào thét, mưa như trút nước. Những tiếng sấm đùng đoàng bao quanh phủ tổng đốc, làm rung chuyển ngói trên mái nhà và bốn bức tường. Tổng đốc ngồi thẳng lưng, sắc mặt tái nhợt như chết, các quan viên thuộc hạ cũng không biết chuyện gì đang xảy ra, nhìn nhau bất an. Trong lúc hoảng sợ, một tì nữ đột nhiên chạy tới báo cáo: “Không ổn! Không ổn! Thái phu nhân bị sét đánh trúng rồi!”
Tổng đốc nguyên là một người rất hiếu thuận, nghe vậy không nghĩ nhiều, liền cầm ấn cấp tốc chạy đi kiểm tra, các quan viên thuộc hạ cũng đuổi theo. Vào đến phòng ngủ, nhìn thấy thái phu nhân và các con dâu đang chơi mạt chược, bình an vô sự. Tổng đốc đang kinh ngạc, thì đột nhiên nghe thấy một tiếng sét như núi lở đất động. Bộc nhân đến báo cáo, nói: “Đại sảnh bị sét đánh sập rồi, đúng nơi chủ nhân vừa ngồi xuất hiện một cái hố lớn sâu khoảng một thước. Một con bọ cạp khổng lồ lớn hơn người bị sét đánh đã chết bên trong.”
Tổng đốc vô cùng kinh ngạc, vội vàng phái người đi tìm vị đạo sĩ nhưng không tìm thấy ở đâu. Lúc này ông mới nhận ra, đạo sĩ nguyên là một con bọ cạp thành tinh, muốn mượn quan uy của tổng đốc để tránh khỏi kiếp nạn sấm sét hôm nay. Xem ra, hắn đã bắt đầu âm mưu tà ác này từ mấy chục năm trước, đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng tinh vi, thủ đoạn áp dụng cũng có thể gọi là siêu phàm! Tuy nhiên, uy lực của thần linh là quảng đại vô biên, sẽ có cách ứng biến, dù yêu nghiệt này rất xảo quyệt, nhưng làm sao có thể thoát khỏi sự trừng phạt của ông trời.
Hương Thảo biên dịch.