Giấc mơ là một chủ đề cực kì phổ biến, bởi vì ai cũng đều nằm mơ. Từng có thống kê rằng, tổng thời gian nằm mơ trong đời người có thể lên đến 6 năm. Vì sao đời người ta lại mất nhiều thời gian nằm mơ như vậy?
Mọi người thường nói: “Ngày nghĩ gì, đêm mơ đó”, nhưng có một loại giấc mơ không liên quan đến “suy nghĩ ban ngày”, đó chính là thác mộng hay báo mộng. Báo mộng không giống với những giấc mộng thông thường, khi chúng ta y theo cảnh trong giấc mơ đó thì sẽ đạt được những kết quả bất ngờ, mọi người gọi đó là những giấc mơ thần bí. Dưới đây là một số câu chuyện có liên quan đến giấc mơ:
Sử thi “Thần Khúc” của Dante suýt chút nữa là không thể hoàn thiện
Tranh vẽ Dante đang cầm tác phẩm Thần khúc, và cảnh báo con người về những gì mà họ sẽ gặp phải tại Địa ngục, 1465, họa sĩ Domenico di Michelino.
Bộ sử thi nổi tiếng nhất thời kỳ Phục Hưng mang tên “Thần Khúc” (tiếng Ý: Divina-Commedia), là tác phẩm của một nhà thơ người Ý tên là Dante Alighieri. Dante sáng tác bộ sử thi này từ năm 1307 đến năm 1321, trong bộ sử thi dài hơn 14.000 dòng này, Dante đã mô tả chân thực chuyến đi của mình đến địa ngục, thiên đường và nhiều cảnh đối thoại của những nhân vật nổi tiếng khác.
Có thể nói rằng đây là một tác phẩm thần truyền vĩ đại. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng “Thần Khúc” của Dante được ra đời theo sự dẫn lối của một giấc mơ huyền bí, và chỉ thiếu chút nữa thì tác phẩm này đã không thể được hoàn thiện.
Chuyện kể rằng, khi về già Dante sống ở Ravenna, khi “Thần Khúc” vừa được viết xong bản thảo, ông đã đến Venice để làm việc, và không may bị nhiễm sốt rét. Không lâu sau khi quay lại Ravenna, ông đã qua đời vào ngày 14/9/1321. Ông đã không thể hoàn thành việc xuất bản “Thần Khúc” khi còn sống, và bản thảo đó vẫn được đặt tại nhà.
Sau khi hai con trai của Dante là Jacob và Peter chôn cất cha xong, họ đột nhiên phát hiện một phần bản thảo của “Thần Khúc” đã biến mất. Anh em họ đã tìm kiếm khắp ngôi nhà, tìm cả trong mớ tài liệu mà cha để lại, họ kiên trì tìm kiếm hàng tháng trời nhưng vẫn không thể tìm thấy chúng. Hai anh em biết rằng vấn đề này rất quan trọng nên vô cùng lo lắng.
Vài tháng sau đó vẫn không thể tìm thấy, họ gần như tuyệt vọng. Bỗng dưng một ngày nọ, Jacob đột nhiên có một giấc mơ, trong mơ anh thấy cha mình đang mặc một chiếc áo choàng trắng, xung quanh là hào quang. Anh vội hỏi cha đã hoàn thành “Thần Khúc” chưa? Dante gật đầu và chỉ cho đứa con vị trí của tấm bản thảo ở trong phòng.
Jacob đã mời một luật sư đến làm chứng, và đi đến nơi Dante đã chỉ trong giấc mơ, quả nhiên nhìn thấy một bảng khắc chữ ở trên tường. Anh ta đẩy cái bảng ra thì thấy một số bản thảo cũ và một vài trang giấy đã bị mốc trong đó. Họ cẩn thận nhặt các bản thảo, phủi sạch bụi bẩn, và đọc kỹ phần văn bản ở trên đó, đó đúng là phần bản thảo còn thiếu trong “Thần Khúc”.
Giấc mơ huyền bí này đã giúp hai anh em Jacob thực hiện được di nguyện của cha, hoàn thành việc xuất bản tác phẩm, một bộ sử thi thần thánh hoành tráng, và “Thần Khúc” của Dante đã được ra đời một cách nhiệm màu như vậy.
William Blake – Một trải nghiệm báo mộng diệu kì
Tác phẩm “Oberon, Titania và Puck với những nàng tiên đang nhảy múa” của William Blake.
William Blake (1757 – 1827) là nhà thơ và họa sĩ đệ nhất nước Anh vào thế kỷ 18, cả đời ông đã tạo ra nhiều tác phẩm vượt trội để xây dựng một tôn giáo có nội hàm, một cảnh giới thống nhất giữa thần thoại và thơ ca hội họa.
Các tác phẩm quan trọng của ông bao gồm các bộ sưu tập thơ như “Eternal Gospel” (Phúc âm vĩnh hằng), “Innocence and Experience Song” (Bài ca về ngây thơ và kinh nghiệm), “Prophet” (Sách tiên tri), “Phadra, hoặc Four Gods” (Bốn vị thần)… “Jerusalem” là hiện thân thành tựu nghệ thuật của William Blake.
Blake sinh ra trong một gia đình dệt kim nghèo khó ở London, ông chưa từng nhận được sự giáo dục chính thức. Năm 14 tuổi ông học việc điêu khắc, sau đó ông theo học mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh vào năm 1779.
Cuộc đời ông đã kinh qua một trải nghiệm hết sức độc đáo, đó là vào năm ông 4 tuổi đã nhìn thấy các cảnh tượng tôn giáo, ông đã từng thấy các nhà hiền triết cổ xưa được chôn cất trong các nhà thờ ở Westminster, và ông đã vẽ lại những bức tranh về họ.
Hầu hết các bức tranh của ông đều tái hiện lại những nhân vật mà ông đã nhìn thấy trong khi nhập tĩnh, ví dụ như bức tranh minh họa của ông trong bài thơ “Châu Âu: Một lời tiên tri” (Europe: A Prophecy) chính là như thế.
Trong bức tranh này có thể thấy, sự hỗn loạn buổi sơ khai, có một ông lão khỏa thân, mái tóc trắng, hàng râu trắng bay phất phơ, bao quanh ông là một vòng tròn có viền ngoài màu vàng và phía trong màu đỏ, ông lão giơ tay trái cầm một cái com-pa cực lớn để đo từng mảng bóng tối ở bên dưới. Ông lão này rõ ràng là Đức Jehovah trong “Kinh Thánh”. Trong “Kinh Cựu Ước” có một đoạn về “trí tuệ” có thể minh chứng cho điều đó.
Từ khi còn là một đứa trẻ, có lần ông đã bị ngã ở trong vườn, sau đó người mẹ liền bế ông lên, thì ông hét rằng: “Con thấy trên cây đầy các thiên thần”. Các tác phẩm nghệ thuật từ thơ ca cho đến hội họa của Blake đều thể hiện lại những gì ông đã thấy.
Ngoài ra, Blake còn là một nhà điêu khắc. Ông muốn sử dụng chính những phát minh của mình để viết thơ và tranh vẽ trên các tấm đồng, và sau đó sử dụng các tấm đồng này để in thành các trang giấy rồi tô màu chúng.
Nhưng việc sáng tác trên bề mặt đồng vô cùng phức tạp và tốn rất nhiều tiền, mà Blake lại không thể gánh vác được các chi phí này. Tuy nhiên ông luôn tìm cách, trong lòng lúc nào cũng suy nghĩ về chuyện này. Chính vào lúc đó, người em trai quá cố của ông là Robert Tome đã báo mộng với ông, trong giấc mộng người em trai đã mô tả chi tiết việc sản xuất các bức tranh đồng.
Sáng hôm sau khi tỉnh giấc, Blake đã đưa cho vợ một nửa đồng curon và bảo cô hãy mua những vật liệu mà người em trai đã dặn dò trong giấc mơ. Trước đó, ông không biết gì về kỹ thuật khắc đồng cả, nhưng sau khi mua được vật liệu về thì tự nhiên tranh đồng được thực hiện.
Giấc mơ kỳ diệu đã giúp Blake có thể kết hợp thơ với các bản in đồng. Blake đã phối hợp thơ ca và tranh đồng thành một thể thống nhất, phản ánh lẫn nhau, từ đó thể hiện một cách hoàn hảo cảnh giới nghệ thuật thống nhất thơ ca hội họa, và trở nên nổi tiếng.
Cô gái bị chết oan trở về báo mộng cho người mẹ
Vào năm 1827, ở London nước Anh có một cặp vợ chồng trẻ đính hôn với nhau là Cordea và Jasmine, họ sắp sửa bước vào một cuộc sống hạnh phúc trong sự chúc phúc của tất cả mọi người.
Tuy nhiên chính vào lúc này thì Cordea đã cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống nông thôn, thậm chí không còn muốn kết hôn với Jasmine, cũng không muốn sống ở mảnh đất nhỏ bé kém phát triển này nữa. Nhưng anh ta không thể bỏ đi một mình, đặc biệt là vì anh ta đã có một vị hôn thê.
Vài ngày sau, anh ta tuyên bố sẽ tổ chức một đám cưới bí mật với Jasmine, rồi sẽ đi xa lập nghiệp. Vào tối ngày 18/5, Cordea tổ chức một bữa tiệc sinh nhật, rồi lặng lẽ đưa Jasmine đến một nhà kho màu đỏ trong nhà, và nói với cô rằng không được cho người khác biết cô ở đâu, nếu không thì đám cưới bí mật này sẽ không còn thú vị nữa.
Jasmine ngay lập tức trốn vào nhà kho, và Cordea đã chờ sẵn ở đó. Sau khi thấy Jasmine đến, anh ta đã bắn chết cô và chôn ngay tại chỗ đó.
Sau khi rời xa quê để đến đảo Wilder và kết hôn với một người phụ nữ địa phương, sống trong một cuộc sống hạnh phúc, cùng với sự hỗ trợ của người vợ này, anh ta đã trở thành hiệu trưởng của một trường nữ sinh. Anh thỉnh thoảng vẫn gửi thư về nhà báo rằng mình và Jasmine đang sống một cuộc sống rất hạnh phúc.
Một đêm nọ, sau khi con gái đi mất, bà Mordin – mẹ của Jasmine đã gặp một giấc mơ, trong mơ bà đã nhìn thấy con gái mình bị bắn và máu vương vãi trên nền đất, sau đó lại nhìn thấy lưng của kẻ sát nhân đang đào mộ và ném Jasmine xuống đó, rồi lấp đất giấu đi. Bà Mordin nhớ rất rõ nơi diễn ra chuyện này là nhà kho màu đỏ tại nhà con rể mình.
Sau khi tỉnh giấc, bà Mordine liền đánh thức chồng và kể với ông về giấc mơ khủng khiếp này. “Ôi! Vợ thân mến, bà nhớ con gái của bà quá đó! Nó mới kết hôn thôi mà!”. Rồi người chồng tiếp tục lăn ra ngủ.
Tuy nhiên, giấc mộng này cứ lặp đi lặp lại trong ba ngày liên tiếp khiến bà Moratin bắt đầu lo lắng, sợ hãi, sợ rằng con gái yêu của mình đã gặp phải chuyện chẳng lành, nhưng lá thư của Cordea đã gửi đến, giải trừ hết nỗi nghi hoặc của bà.
Thời gian dần trôi qua, ác mộng cũng không xuất hiện nữa. Nhưng vào một ngày nọ, khi bà đi ngang qua nhà kho màu đỏ của Cordea, vô tình nghe nói rằng đây từng là nơi hò hẹn của con gái và con rể, với trực giác của một người mẹ, bà cho rằng cơn ác mộng kia nhất định là ẩn chứa một điều gì đó. Thế là bà đã yêu cầu chồng mình hành động, và với sự đồng ý của cha mẹ bên con rể, cùng với các nhân viên điều tra, họ đã đến nhà kho này.
Mặc dù bà Mordine chưa bao giờ đến đây, nhưng bà lại chỉ ra được chính xác vị trí thi thể của con gái mình. Nhân viên điều tra đã ra lệnh dời tất cả đồ đạc ra khỏi phòng để bắt đầu khai quật, đầu tiên là đào thấy chiếc khăn choàng của Jasmine, sau đó là tìm thấy thi thể ở độ sâu 46cm.
Dựa vào y phục, hàm răng và đồ trang sức của người chết, có thể xác nhận rằng thi thể chính là Jasmine, thế là sự thật đã được sáng tỏ, oan tình đã được phân giải. Câu chuyện về sự báo mộng của những oan hồn ở châu Âu vào thế kỷ 18 đến nay vẫn còn được lan truyền rồng rãi.
Tuệ Tâm, theo KNY