TUẦN TRIỆT và những dấu hỏi

TUẦN TRIỆT và những dấu hỏi

Trong Tử Vi, khi luận bàn về ảnh hưởng của các sao, người luận giải thường lúng túng khi gặp 2 sao Tuần - Triệt bởi lẽ quan điểm của cổ nhân về 2 sao này bất nhất về ngũ hành và cường độ, thời gian ảnh hưởng nên còn rất nhiều tranh cãi và nghi vấn khi luận giải lá số.

Chính vì sự bất nhất đó mà người coi số phải lưỡng lự rất nhiều khi đưa ra lời kết luận trong nhiều trường hợp.

Dù sao thì đây cũng là hai sao đặc biệt quan trọng trong các sao của Tử Vi vì Triệt - Tuần không chỉ chi phối các cung mà còn chi phối các sao, biến tốt thành tương đối xấu, xấu thành bớt xấu... nên Triệt - Tuần cần được cân nhắc cẩn trọng khi đưa ra lời luận giải.

Có 4 quan điểm về ngũ hành của Triệt - Tuần:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Triệt hành Kim (đới Thủy), Tuần hành Hỏa (đới Mộc)

Quan điểm thứ hai cho rằng: Triệt - Tuần không mang hành cố định mà phụ thuộc vào hành của cung mà Triệt - Tuần án ngữ.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Triệt hành Kim, Tuần hành Thủy.

Quan điểm thứ tư cho rằng: Triệt hành Hỏa, Tuần hành Thổ.

Trong 4 quan điểm trên thì phần nhiều người xem số chọn quan điểm thứ nhất cho Triệt hành Kim, Tuần hành Hỏa, sau đó là quan điểm thứ hai cho rằng Triệt - Tuần mang hành của cung án ngữ, còn quan điểm thứ ba, thứ tư rất ít người chọn (nhất là quan điểm thứ tư).

Trong phạm vi bài viết này, người viết trình bày sơ lược một số điểm về Triệt - Tuần mà người học Tử Vi cần lưu ý.

1. ẢNH HƯỞNG CHUNG CỦA TUẦN - TRỆT:

Tuần, Triệt án ngữ hai cung và có cường độ ảnh hưởng lên hai cung khác nhau theo nguyên tắc được ước lượng như sau: 

Người Dương Nam, Dương Nữ thì cung Dương bị ảnh hưởng hơn cung Âm, cụ thể cung Dương chịu 70%, cung Âm chịu 30% cường độ. 

Người Âm Nam, Âm Nữ thì cung Âm bị ảnh hưởng nhiều hơn cung Dương, cụ thể ước lượng cung Âm chịu 70%, cung Dương chịu 30% cường độ.

Khi bị ảnh hưởng mạnh thì ta thường nói bị đương đầu, bị ảnh hưởng yếu thì ta nói bị chận (chặn) đuôi. 

Triệt ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời gian 30 năm đầu, tùy theo Cục mà có khác biệt (như Thủy nhị cục thì 32 năm đầu), sau đó thì từ từ yếu đi nhưng không thể coì là không có ảnh hưởng. Tại các cung Kim, Triệt có tác động mạnh nhất.

Tuần thì ngược lại, ảnh hưởng không đáng kể vào khoảng 30 năm đầu, nhưng sau 30 tuổi sẽ mạnh dần lên nhưng không ảnh hưởng mạnh mẽ bằng ảnh hưởng của Triệt khi Triệt ở 30 năm đầu. Tại các cung Hỏa, Tuần có tác động mạnh nhất.

Cường độ ảnh hưởng của Tuần Triệt tạm sắp xếp theo thời gian như sau: 

Dưới khoảng 30 tuổi:

1. Triệt đương đầu: Mạnh nhất 

2. Triệt chặn đuôi: Mạnh nhì 

3. Tuần đương đầu: Yếu nhì 

4. Tuần chặn đuôi: Yếu nhất 

Trên khoảng 30 tuổi:

1. Tuần đương đầu: Mạnh nhất 

2. Tuần chặn đuôi: Mạnh nhì 

3. Triệt đương đầu: Yếu nhì 

4. Triệt chặn đuôi: Yếu nhất 

Trong từng trường hợp trên cũng có biến động riêng, bởi quá trình thay đổi của Tuần Triệt là quá trình biến đổi: Tuần thì từ từ mạnh lên, Triệt thì từ từ giảm xuống. Như vậy trong trường hợp nếu Tuần chặn đuôi thì nhẹ nhất vào lúc 1 tuổi và mạnh nhất vào khoảng 30 tuổi, còn Triệt đương đầu thì mạnh nhất vào lúc 1 tuổi và giảm dần ảnh hưởng theo thời gian, đến ngoài 30 tuổi thì ảnh hưởng của Triệt giảm đáng kể.

2. ẢNH HƯỞNG CỦA TUẦN - TRIỆT VỚI CÁC CUNG:

Thông thường khi đóng tại cung nào thì Tuần - Triệt sẽ gây trục trặc cho cung đó bất kể là đương đầu hay chặn đuôi, trừ khi đóng tại cung Vô Chính Diệu trong trường hợp không có hung tinh đắc địa hoặc tại cung Tật Ách thì lại tốt. Chưa cần coi các sao trong cung, chỉ cần căn cứ vào sự án ngữ của Triệt - Tuần người coi số cũng có thể nêu sơ lược được vài điểm trong cuộc sống của đương số.

- Cung MỆNH: Tuần - Triệt đóng tại Mệnh thì thuở nhỏ cực khổ gian nan (nhưng nếu gặp chính tinh lạc hãm thì sẽ đỡ hơn), Tuần - Triệt đóng tại Thân (cung an Thân) thì khi lập nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu, nhưng nếu chặn đuôi thì đỡ hơn. Thân Mệnh đồng cung gặp Tuần - Triệt đương đầu thì nếu trước 30 tuổi đã có sự nghiệp thì tất sự nghiệp đó bị gãy đổ rồi mới bắt đầu lại trong giai đoạn lập thân.

Nhìn chung khi Tuần - Triệt đóng tại Mệnh (Thân) thì đương số là người chật vật trong cuộc sống (hoàn cảnh sống không may mắn, công lao được hưởng không xứng đáng...), hoặc lúc sinh ra mình cha mẹ thường làm ăn vất vả, nghèo hèn (nhất là lá số có Tuần - Triệt liên cung tại Mệnh - Phụ Mẫu). Đồng thời đây cũng là mẫu người lười biếng, kém thông minh, yếm thế, thiếu tự tin, không có ý chí vươn lên trong cuộc sống... nếu không được nhiều cát tinh, văn tinh hội chiếu về Mệnh (Thân) hóa giải.

- Cung QUAN: Tuần Triệt đóng tại Quan thì gây trục trặc cho quan trường, nghề nghiệp như lận đận, hay phải thay đổi, không bền vững, thăng giáng thất thường... Tùy theo bị chặn đuôi hay đương đầu và gặp Tuần hay Triệt mà lận đận nhiều hay ít. 

Vì quan trường có ý nghĩa nổi bật trong giai đoạn lập thân nên cần chú ý phân biệt giữa Tuần và Triệt vì Tuần có tác dụng mạnh hơn về hậu vận còn Triệt chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ giai đoạn trước 30 tuổi nên khi cung Quan gặp Triệt sẽ đỡ hơn gặp Tuần khá nhiều.

- Cung TÀI: Tuần - Triệt đóng tại cung Tài thì tiền bạc tụ tán, lúc có lúc không (trừ khi vào đại vận tốt) và thường bị gặp khó khăn khi kiếm tiền. Cho dù sự hội tụ của các sao thế nào (ngoại trừ trường hợp cung Tài vô chính diệu, được Nhật Nguyệt sáng sủa chiếu về) thì Tuần - Triệt đóng tại cung Tài cũng khẳng định đương số không thể giàu có lớn được, nhất là khi cung tài bị Tuần án ngữ.

- Cung DI: Tuần - Triệt đóng tại cung Thiên Di thì đương số ra ngoài thường không được lợi, tuy nhiên nếu ly hương thì lại tốt hơn nhiều. 

- Cung ĐIỀN: Tuần - Triệt đóng tại cung Điền thì không được hưởng di sản của cha mẹ để lại, phải tự lập và thường bị trục trặc trong vấn đề mua bán điền sản. Cũng như cung Tài, nếu tại cung Điền có Tuần Triệt án ngữ thì chắc chắn đương số không thể có nhiều điền sản lớn được, ngoại trừ trường hợp cung Điền vô chính diệu được Nhật Nguyệt sáng sủa chiếu về. 

- Cung PHÚC: Tuần - Triệt đóng tại cung Phúc thì khiến họ hàng ly tán, không ở gần nhau, thường phải ly hương 

- Cung PHỐI: Tuần - Triệt đóng tại cung Phu Thê thì gây trục trặc cho tình duyên hôn nhân như tình đầu tan vỡ, lập gia đình trễ... Nếu lập gia đình sớm thì gia đạo bất hòa dễ đưa đến chia ly. Tuần - Triệt đóng tại cung Phu Thê cũng là yếu tố đưa đến số phận không chồng không vợ nếu cung Phúc vô chính diệu và hội tụ nhiều sao xấu. 

Cung Phu Thê xấu xa mờ ám thì nên gặp Tuần hơn là gặp Triệt vì nếu gặp Tuần thì về sau gia đạo dễ hạnh phúc hơn gặp Triệt, còn cung Phu Thê đẹp đẽ nếu gặp Triệt thì tuy có bị trục trặc ban đầu nhưng về sau thì vợ chồng cũng sống được với nhau đến đầu bạc răng long ... 

- Cung NÔ: Tuần - Triệt đóng tại cung Nô thì bạn bè, người giúp việc lúc tụ lúc tán, không bền, khó kiếm được người giúp việc trung thành, cũng khó có được những người bạn tri âm tri kỷ. 

- Cung TỬ: Tuần - Triệt đóng tại cung Tử thì gây trục trặc cho đương số về vấn đề con cái như không có con, muộn có con, hoặc sinh con đầu lòng khó nuôi, hoặc con không hợp với cha mẹ…

- Cung BÀO: Tuần - Triệt đóng tại cung Huynh Đệ thì anh (chị) trưởng nếu không đoản thọ thì cũng là người cùng khổ cô đơn, hoặc anh chị em không sống gần nhau, hoặc bất hòa, không giúp được nhau mà còn hại nhau... 

- Cung TẬT: Tuần - Triệt đóng tại cung Tật Ách bất kể là đương đầu hay chặn đuôi thì đương số suốt đời mạnh khoẻ, ít bệnh tật, ít gặp tai họa, nếu có tai hoạ cũng tránh được họa lớn... Trừ khi có sao kỵ Tuần - Triệt như Thiên Tướng, Tướng Quân thì nếu Đại vận xấu sẽ dễ đưa đến cái chết bất ngờ nhanh chóng. 

- Cung MẪU: Tuần Triệt đóng tại cung Phụ Mẫu thì chắc chắn đương số không hợp với cha hay mẹ, hoặc dễ sớm xa cách cha mẹ do: Hoặc cha (mẹ) mất sớm, hoặc cha mẹ ly hôn, hoặc làm con nuôi nhà khác... Vì Phụ Mẫu có ảnh hưởng trong giai đoạn thiếu niên nên gặp Triệt có khác biệt khi gặp Tuần vì lúc đó Triệt đang mạnh mẽ còn Tuần thì sự ảnh hưởng hầu như không đáng kể. 

- Cung HẠN: Tuần Triệt đóng tại cung hạn thì phải có khó khăn trong hạn đó, nhưng cần phải xét kỹ về thời gian và tỷ lệ ảnh hưởng, nhất là khi Tuần, Triệt đồng cung thì phải nhớ ảnh hưởng tăng gấp đôi và kéo dài hơn chứ không thể suy luận theo quan điểm là Tuần và Triệt tháo gỡ cho nhau trong trường hợp này.

3. ẢNH HƯỞNG CỦA TUẦN - TRIỆT TỚI CÁC SAO:

Theo lý thuyết của Tử Vi thì hai sao Tuần, Triệt sẽ làm thay đổi giá trị ảnh hưởng của các sao đồng cung mà Tuần, Triệt án ngữ. Nhưng cũng cần lưu ý rằng: Tuần - Triệt không làm thay đổi tính chất các sao, mà chỉ làm tăng lên hoặc giảm đi ảnh hưởng của các sao. Thực chất Tuần - Triệt chỉ làm thay đổi cường độ hành khí của sao, sự sáng tối của sao tức là thay đổi tính đắc hãm của sao. Tuy nhiên cho dù sao hãm địa có được sáng lại do ảnh hưởng của Tuần - Triệt thì cũng không được toàn vẹn như một sao bản chất là sáng sủa và ngược lại một sao bị tối đi do ảnh hưởng của Tuần - Triệt cũng không tối tăm như một sao bản chất là tối hãm. 

Sự ảnh hưởng của Tuần, Triệt như thế nào tới các sao ở các cung xung chiếu, tam hợp chiếu vẫn là tranh cãi chưa có lời kết của các tác giả, các nhà nghiên cứu Tử Vi. 

Có quan điểm cho rằng Tuần, Triệt chỉ làm thay đổi sự sáng, tối của các sao đồng cung chứ không đủ sức ảnh hưởng tới các sao ở các cung xung chiếu hoặc tam hợp chiếu, như thế là không tưởng, phi lý (đại diện là tác giả Nguyễn Phát Lộc). Còn quan điểm thứ 2 (đại diện là tác giả Việt Viêm Tử) thì rộng hơn, cho rằng hai sao này còn ảnh hưởng tới cả các cung trong thế hợp chiếu và mức độ ảnh hưởng của Triệt-Tuần còn phụ thuộc vào tuổi Âm hay Dương của đương số. Quan điểm này không nhận được sự ủng hộ của một số tác giả, tiêu biểu là ông Nguyễn Phát Lộc nhưng lại nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu, “thầy Tử Vi”, chẳng hạn như nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm (Ông là nhà nghiên cứu, cũng là người hành nghề coi lá số Tử Vi) nhận xét: Triệt - Tuần là 2 sao đặc biệt trong hệ thống các sao của Tử Vi, nhưng vẫn tuân thủ theo nguyên tắc: Ảnh hưởng tới các cung khác ngoài cung án ngữ và cũng chịu ảnh hưởng lại của các sao, các cung mà Triệt - Tuần trấn thủ.

Qua những tranh luận của các tác giả, và từ thực tiễn kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu về Tử Vi, đặc biệt là kinh nghiệm của những người hành nghề coi lá số Tử Vi.. thì Triệt - Tuần không những ảnh hưởng mạnh tới các sao ở 2 cung án ngữ mà còn ảnh hưởng tới các sao ở cung xung chiếu, tam hợp chiếu. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó chỉ có ảnh hưởng gián tiếp chứ không trực tiếp như ở hai cung án ngữ.

Cũng cần lưu ý thêm rằng: Sao tại cung bị Tuần - Triệt án ngữ bị thay đổi tính chất nên khi chiếu về cung khác cũng khác khi không bị Tuần - Triệt án ngữ. Vì thế khi luận giải phải gia giảm sự tốt, xấu của sao tùy theo sự án ngữ của Tuần hay Triệt và Triệt - Tuần ở thế đương đầu hay chặn đuôi.

Sự ảnh hưởng của Tuần, Triệt tới các tinh đẩu cũng không giống nhau. Thường thì các chính tinh bị ảnh hưởng mạnh hơn các phụ tinh khi gặp Tuần - Triệt, trong đó Sát - Phá - Liêm - Tham bị ảnh hưởng mạnh nhất 

Về tính chất thì hung sát bại tinh (như Sát, Phá, Liêm, Tham, Không, Kiếp, Kình, Đà, Hỏa Linh, Kiếp Sát, Thiên Không, Kiếp Sát...), tài tinh (Vũ Khúc, Thiên Phủ, Lộc Tồn, Hóa Lộc), quí tinh, quyền tinh (Thiên Tướng, Hóa Quyền, Quốc Ấn...), đào hoa tinh hay dâm tinh (Hồng, Đào, Riêu, Thai...) bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn các tinh đẩu khác như phúc thiện tinh (Quang Quí, Quan Phúc...), trợ tinh (Tả Hữu)...lục bại tinh (Song Hao, Tang Hổ, Khốc Hư)

Xét về phương diện Ngũ hành thì nhìn chung hành Kim, Hỏa và Mộc bị ảnh hưởng nặng nhất, hành Mộc bị ảnh hưởng của Triệt hơn Tuần (vì Triệt (Kim) khắc Mộc trong khi đó Mộc sinh (Tuần) Hỏa) và hành Kim chịu ảnh hưởng của Tuần hơn Triệt (vì Tuần (Hỏa )khắc Kim trong khi đó Triệt (Kim) và Kim đồng hành), hành Thủy ít bị ảnh hưởng hơn (vì Triệt (Kim) sinh Thủy và Thủy khắc (Hỏa) Tuần), hành Thổ bị ảnh hưởng ít nhất (vì Tuần (Hỏa) sinh Thổ và Thổ sinh (Kim) Triệt). 

4. NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CỦA TUẦN - TRIỆT:

1. Chính tinh hoặc hung tinh đắc địa tối kỵ gặp Tuần - Triệt vì gặp Tuần - Triệt làm cho các tinh đẩu bị giảm hết ý nghĩa tốt đẹp hoặc đôi khi trở thành hãm địa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rất cần có Tuần Triệt án ngữ, chẳng hạn như cung Vô chính Diệu hoặc Chính Diệu tọa thủ lạc hãm, xấu xa, ví như trường hợp Liêm - Tham hãm địa tại Tỵ, Hợi nếu gặp Tuần - Triệt án ngữ lại trở nên tốt đẹp, trường hợp này còn được gọi là Phản vi kỳ cách hay Bộ Âm Duơng lạc hãm rất cần gặp Tuần, Triệt để trở thành sáng sủa, thông minh học giỏi. (Trường hợp này nếu thêm Hóa Kỵ đắc địa đồng cung thì thật hoàn mỹ.)

Hoặc Cung gặp nhiều sát tinh hội chiếu nếu được Tuần - Triệt án ngữ sẽ trở thành yên ổn rất nhiều!

2. Chính tinh sáng sủa hợp Mệnh thì không nên gặp Tuần - Triệt vì sẽ đưa đến phá cách nặng, ví dụ như cung sinh sao, sao sinh Mệnh mà gặp Tuần, Triệt thì càng xấu vì sao sinh Mệnh khiến Mệnh tốt lên hẳn mà lại bị Tuần, Triệt phá hỏng. Trong trường hợp này nếu Mệnh không hợp với sao thì gặp Tuần, Triệt cũng đỡ xấu hơn trường hợp trên.

Chính tinh lạc hãm khắc Mệnh thì lại cần được Tuần - Triệt án ngữ, trường hợp này lại hay hơn là được chính tinh lạc hãm hợp Mệnh gặp Tuần, Triệt. Nói chung là nếu càng xấu về vị trí (bị hãm) và tương quan Ngũ hành (bị khắc) thì gặp Tuần, Triệt càng tốt, hễ càng tốt về vị trí và tương quan Ngũ hành thì gặp Tuần, Triệt càng xấu. 

3. Thiên Tướng, Tướng Quân tối kỵ gặp Tuần, Triệt cho dù là đắc địa hay hãm địa. 

4. Thiên Phủ kỵ gặp Tuần hơn gặp Triệt, vì gặp Tuần ví như kho trống không, trong khi gặp Triệt thì chỉ bị hao hụt. Thiên Khôi kỵ gặp Triệt hơn gặp Tuần nhưng cần phối hợp các yếu tố khác khi luận đoán sự tốt xấu của cung đó.

5. Bộ Cự Nhật ở Dần gặp Tuần, Triệt không sợ, vì bản thân Thái Dương miếu vượng ít ngại Tuần, Triệt, trong khi đó Cự Môn vượng lại rất cần gặp Tuần, Triệt để cho Cự Môn được ánh sáng của Thái Dương chiếu vào mà tỏa sáng (Tuần Triệt như sấm sét làm vỡ đá ra).

Bộ Nhật Lương gặp Tuần, Triệt cũng không đáng ngại lắm, tuy nhiên khi gặp Tuần, Triệt rất cần có Tả Hữu Xương Khúc phù trì thì mới vượt qua được sự ngăn cản phá hoại của Tuần, Triệt. 

Bộ Ân Quang Thiên Quý đồng cung (Sửu, Mùi) chiếu về Mệnh hoặc thủ Mệnh thì Tuần, Triệt không còn tác dụng nữa, chỉ là sự cản trở nho nhỏ không đáng kể.

6. Tuần, Triệt đứng bất cứ đâu nếu bản Mệnh là hành kim thì không đáng ngại (hành Hoả cũng đỡ hơn, nếu Triệt lâm Hỏa địa). Ví dụ mệnh gặp Thiên Tướng + Tuần Triệt án ngữ rất xấu xa mờ ám chủ tai nạn hình thương nhưng nếu bản Mệnh thuộc Kim thì không đáng ngại những nguy hiểm do Tuần, Triệt gây ra. 

7. Tuần, Triệt giải họa Không Kiếp hãm rất mạnh, họa tuy có xảy ra nhưng cũng qua được. Triệt tại bản cung thì không sợ tai họa do Không Kiếp chiếu về. Tuần cũng có tác dụng như vậy nhưng yếu hơn.

Mệnh (Thân) có Không, Kiếp thủ chiếu mà gặp Triệt - Tuần thì không sợ tai nguy. 

8. Mệnh Tuần hay Triệt thì khi đến đại hạn gặp Tuần hay Triệt sẽ tháo dỡ ảnh hưởng của Tuần hay Triệt. 

Tuần, Triệt đồng cung tại tiểu hạn gặp Lưu Tuần, Triệt thì ảnh hưởng của Tuần, Triệt đồng cung sẽ giảm đi. 

Triệt tại tiểu hạn gặp Lưu Triệt thì ảnh hưởng của Triệt tăng lên, Tuần tại tiểu hạn gặp Lưu Tuần thì ảnh hưởng của Tuần giảm đi.

5. NHỮNG CÂU PHÚ VỀ TUẦN - TRIỆT:

- Mệnh Triệt Thân Tuần, tu cần vô hữu chính tinh, vãn niên vạn sự hoàn thành khả đãi. 

Có nghĩa: Cung Mệnh có Triệt án ngữ, cung Thân cũng ngộ Tuần thì không nên có chính diệu mới được xứng ý toại lòng, về già mới được an nhàn, sung sướng và tăng thêm tuổi thọ.

- Mệnh Tuần Thân Triệt, hỷ đắc vân đoàn tương hội, phú quý văn tài cách phát trung niên. 

Có nghĩa: Mệnh có Tuần án ngữ, Thân có Triệt trấn thủ, lại vô chính diệu, rất mừng gặp được văn tinh như Khôi, Việt, Xương, Khúc, Long, Phượng, gặp như vậy là người có văn tài, học vấn và khi đứng tuổi tất sẽ được an nhàn, phú quý.

- Mệnh Tuần Thân Triệt, tối cần Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương miếu vượng, phú quý vinh hoa đến vãn niên. 

Có nghĩa: Mệnh có Tuần, Thân có Triệt án ngữ, rất cần có Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương sáng sủa, tốt đẹp hội họp thì cuộc đời mới được xứng ý toại lòng, nhất là khi về già mới được an nhàn, sung sướng.

- Phúc vô chính diệu, tu cần Không tý, kỵ ngộ Triệt Tinh.

Có nghĩa: Cung Phúc đức vô chính diệu rất cần có sao Tuần án ngữ nhưng lại rất kỵ sao Triệt trấn đóng.

- Phúc tại Tý cung. Đồng Âm Kiếp Tử, Triệt Tuần xâm, hữu học vô lương, tiện yểu cách. 

Có nghĩa: Cung Phúc đức cư tại Tý, có các sao Đồng, Nguyệt, Kiếp, Tử gặp Tuần, Triệt thì đương số là người có học nhưng bất thành danh và là người bất chính, thường là người đa hư tiểu thực, nghèo hèn và chết non.

- Thân cư Phúc vô chính diệu, tối kỵ Kiếp Dương Triệt Sát. Cái ngộ Đà Không thi vị cứu cánh chi tinh.

Có nghĩa: Cung Thân cư Phúc vô chính diệu mà gặp các sao Kiếp, Kình, Triệt, Sát thì rất lo ngại. Nhưng nếu gặp được Đà La, Tuần lại hay, ví như hai vị cứu khổ phò nguy, giải tỏa được các tai biến.

- Tử Phủ đồng cung, Đế vô quyền sở, nan giải tai ương do như Tuần Không xâm nhập.

Có nghĩa: Tử Phủ lâm Mệnh tại Dần, Thân là 2 sao giải cứu được hung nguy khi đáo nhị hạn. Nhưng nếu bị Tuần Không án ngữ, ví như 2 ông vua bị mất hết quyền hành nên không giảm thiểu được tai kiếp khi hạn ngộ sát tinh, cũng như trường hợp Tử Vi đóng ở cung Tý vậy.

- Sát tinh hung diệu, Triệt đầu cư lai bất cập a hành, nan phùng tai ách vận lai.

Có nghĩa: Cung Mệnh dù có tứ sát, tứ hung, lục bại đi nữa, nhưng nếu được Triệt án ngữ tại bản cung cũng không e sợ lũ sát tinh hoành hành vì sao Triệt đủ ảnh hưởng khắc chế được mọi hung nguy.

- Thân cư Thê vị, Tuần Triệt lai xâm, thiếu niên ai lệ nãi thất tình. Nhược gia cát tú, lương duyên mãn kiếp dữ phụ nhân.

Có nghĩa: Thân cư Thê mà bị Tuần, Triệt xâm phạm tất là người tuổi thiếu niên bị tình phụ mà nước mắt buồn rơi khi nhớ tới người xưa. Nếu gia hội cát tinh cũng được mãn kiếp xum vầy với người góa phụ.

- Kiếp Kình Đế Cự suy Triệt lâm Mệnh, Tý hương, ác nhân đãng tử mãn kiếp nan toàn.

Có nghĩa: Cung Mệnh an tại Tý, 2 sao Tử Vi hay Cự Môn nếu hội với các sao Kiếp, Kình, Suy, Triệt là người phải chết bởi tai nạn nhưng khi chết rồi thể xác vẫn phải bị mổ xẻ.

- Thân cư Quan, kiến Triệt Tuần Kiếp Kỵ nam nhân phong vân vị tế, hựu phùng cát diệu, vũ lộ thừa ân, khả đãi vãn niên dĩ hậu.

Có nghĩa: Nam nhân có Thân cư Quan, nếu gặp Triệt, Tuần, Kiếp, Kỵ đồng cung, tất phải lận đận, bôn ba thủa thiếu thời vì không gặp thời cơ. Nếu như được cát tinh củng chiếu, cũng phải đợi tới vãn niên mới được hưởng phúc lộc và tạo thành cơ nghiệp.

- Phản Hữu Hồng Loan sắc Không giác ngộ.

Có nghĩa: Thiên tướng nếu hội họp đầy đủ với 2 loại sao là sắc (Đào, Hồng, Hỷ) và Không (Tuần, Triệt, Thiên Không, Địa Không) là người ví như kẻ lạc giữa bụi trần nhơ nhuốc mà tâm tư trong sáng, thường có duyên với cảnh tu hành.

- Quý tinh Tướng Phủ Tuần Triệt lao đao.

Có nghĩa: Thiên Phủ, Thiên Tướng là quý tinh, cư Mệnh rất đẹp, nếu độc thủ cũng không đáng lo ngại lắm khi gặp lũ Kình, Đà, Hỏa, Linh vì tính dung hòa của 2 quý tinh này. Nhưng nếu Phủ, Tướng ở cung âm, gặp Tuần, Triệt (Thiên Không, Địa Không cũng vậy) thì cách đẹp bị phá hết, thành kẻ lao đao, lận đận giữa đời.

- Thân cư Quan Lộc hội sát diệu Triệt Tuần, nữ Mệnh nan bảo thân danh. Gia kiến Tang Bạch cô thân chi nhảnh, chi gia vãn tuế tất thành.

Có nghĩa: Nữ nhân Thân cư Quan Loock, ngộ Triệt, Tuần và sát tinh là người khó bảo toàn được danh tiết. Nếu lại gặp 2 sao Tang Môn, Bách Hổ tất bị phòng loan gối chiếc, phải đến tuổi xế chiều mới thành được gia thất.

- Nhật, Nguyệt Sửu Mùi tối cần Kỵ, Không phả vi đại cát.

Có nghĩa: Nhật Nguyệt đồng cung tại Sửu Mùi là thế hỗn độn, nếu gặp được Không Vong (Tuần, Triệt, Thiên Không, Địa Không) sẽ tạo thành một cách đẹp, nếu thêm cả Hóa Kỵ nữa thì thật là một kỳ cách.

- Thân hội Di cung, Triệt Tuần hãm nhập, vãn tuế hồi hương phương cát. Nhược hữu kiến sát tinh, sự nghiệp viên thành ư ngoại xứ.

Có nghĩa: Người có Thân cư cung Thiên Di gặp Tuần, Triệt hãm địa, tất phải tha hương lập nghiệp cho tới khi tuổi già mới được về quê và hưởng phúc lộc dồi dào. Nhưng nếu Di cung lại bị sát tinh củng chiếu thì chỉ có thể thành cơ nghiệp nơi đất khách quê người.

- Thìn Tuất Không Vong Cơ Lương tăng đạo.

Có nghĩa: Cơ Lương ở Thìn Tuất là rất đẹp nhưng nếu Mệnh ở đấy mà gặp một trong các sao Không (Tuần, Triệt, Địa Không, Thiên Không) thì lại là người thất chí, dễ chán đời đi tu.

- Nhật Nguyệt Tật Ách Mệnh phùng Không yểu dà mục cổ.

Có nghĩa: Mệnh hoặc cung Tật Ách có Nhật, Nguyệt gặp Không Vong (Tuần, Triệt, Thiên Không, Địa Không), tất phải mang tật lưng vẹo, mắt hư.

6. TUẦN - TRIỆT VÀ NHỮNG DẤU HỎI:

Khi coi số, người luận giải sợ nhất trường hợp các cung cường gặp Tuần, Triệt án ngữ bởi lẽ lý thuyết Tử Vi về Tuần, Triệt còn nhiều mơ hồ, chưa có sự thống nhất (thậm chí còn nhiều nghi vấn, nhiều tranh cãi gay gắt)… để làm căn cứ cho việc xem số nên lời luận giải đưa ra thường thiếu cơ sở để khẳng định. Vì thế, người học Tử Vi, người muốn tìm hiểu về Tử Vi đều bất lực trong nhiều trường hợp khi gặp Tuần, Triệt án ngữ, quy tụ lại bởi một số nghi vấn sau:

1. Tuần, Triệt ảnh hưởng tới các sao như thế nào? 

Theo lý thuyết thì Tuần, Triệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các sao đồng cung: Biến tốt thành kém tốt, biến xấu thành bớt xấu nhưng thực tế thì có những trường hợp chỉ chính tinh bị ảnh hưởng còn phụ tinh lại không bị tác động bởi Tuần, Triệt hoặc phụ tinh bị đảo nghĩa khi gặp Tuần, Triệt trong khi chính tinh lại không thay đổi về cường độ, hoặc chỉ một số tinh đẩu bị đảo nghĩa chứ không hẳn tất cả các tinh đẩu đồng cung đều chịu sự ảnh hưởng của Tuần, Triệt... 

Để trả lời cho câu hỏi này, chưa có sách Tử Vi nào đề cập đến nên sự luận giải đôi khi trở nên mơ hồ, võ đoán.

Đấy là nói về các sao đồng cung, còn những sao ở tam hợp chiếu, xung chiếu thì sao?

Về vấn đề này vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa có sự thống nhất hoặc quan điểm vẫn còn mơ hồ, không cụ thể. 

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tuần, Triệt chỉ ảnh hưởng tới các sao đồng cung chứ không đủ sức để ảnh hưởng tới các sao ở các cung xung chiếu, tam hợp chiếu. 

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tuần, Triệt không những ảnh hưởng trực tiếp tới các sao đồng cung mà còn ảnh hưởng gián tiếp tới các sao ở các cung khác như xung chiếu, tam hợp chiếu... nhưng lại không chỉ ra sự ảnh hưởng gián tiếp ấy cụ thể như thế nào? Và đây cũng là điểm mơ hồ cố hữu trong hệ thống lý thuyết của Tử Vi.

2. Tuần, Triệt có chịu sự khắc chế, ảnh hưởng của các sao khác không?

Lý thuyết Tử Vi không đề cập đến sự ảnh hưởng hay khắc chế của các sao khác tới cường độ của Tuần, Triệt như thế nào nên vô hình chung đã đẩy Tuần, Triệt lên vị trí tối quan trọng, cao hơn tất cả các tinh đẩu trong hệ thống các sao của Tử Vi, khiến người coi số như xuống biển mò kim mà trở nên lúng túng, bế tắc khi đưa ra lời luận giải. 

Trong thực tế, không phải mọi tinh đẩu đều chịu ảnh hưởng của Tuần, Triệt như nhau: Có sao chịu ảnh hưởng nhiều, có sao chịu ảnh hưởng ít và thậm chí có sao không hề bị ảnh hưởng ... Vậy thì tại sao lại có sự khác biệt đó? Phải chăng do Tuần, Triệt cũng chịu ảnh hưởng của các tinh đẩu khác mà sức ảnh hưởng của Tuần, Triệt mới không đồng đều, không đủ mạnh? Sách Tử Vi không đưa ra lời giải đáp khiến người coi số bị hụt hững, phân vân vì thiếu cơ sở lý thuyết nên dễ đưa ra những lời luận giải rơi vào ngộ nhận, không chính xác. 

Một số nhà nghiên cứu Tử Vi, hoặc những người coi số Tử Vi cho rằng Tuần, Triệt cũng chịu sự ảnh hưởng, tác động của các sao khác như những sao khác nhưng không chỉ ra được Tuần, Triệt chịu ảnh hưởng từ các sao khác như thế nào? Những sao nào sẽ vô hại khi gặp Tuần, Triệt, thậm chí còn tác động, làm thay đổi cường độ ảnh hưởng của Tuần, Triệt? Đây chính là nghi vấn, dễ gây ra sự ngộ nhận khi luận giải lá số.

3. Tuần, Triệt có làm thay đổi được cung an Mệnh khi ở thế bại địa, tuyệt địa?

Chúng ta đều biết lý thuyết Tử Vi cho rằng Tuần, Triệt làm thay đổi cường độ ảnh hưởng của các sao chứ không làm thay đổi tính chất của các sao, có nghĩa một sao thể hiện sự gian tà, độc ác thì khi gặp Triệt, Tuần sẽ vẫn là kẻ gian tà, độc ác nhưng ở mức độ thấp hơn, nhẹ đi chứ không thể trở thành người nhân hậu, bác ái. Hay một cát tinh khi hãm địa được Tuần, Triệt án ngữ cũng chỉ làm cho cát tinh đó tốt hơn lên chứ không thể biến cát tinh hãm địa đó đẹp bằng cát tinh khi đắc địa được.

Chúng ta cũng biết lý thuyết Tử Vi chỉ rằng: Tuần, Triệt chỉ gây trục trặc, cản trở cho cung Tuần, Triệt án ngữ chứ không thể làm thay đổi tính chất ngũ hành của cung, càng không làm thay đổi bản chất của cung: Sinh - khắc hay bình hoà với hành bản Mệnh (Thân)? Phù trợ như thế nào cho Mệnh (Thân)?...

Nhưng khi coi số, nếu gặp trường hợp cung an Mệnh ở vào thế lợi địa, tuyệt địa…mà gặp Tuần, Triệt án ngữ ở đó thì luận giải sao đây? Không thể đưa ra lời khẳng định nếu cung an Mệnh ở thế lợi địa mà gặp Tuần, Triệt án ngữ sẽ trở thành bại địa, hoặc cung an Mệnh ở thế bại địa khi gặp Tuần, Triệt án ngữ sẽ trở nên vượng địa vì thực tế ngay cả các sao đồng cung Tuần, Triệt còn không đủ sức ảnh hưởng đồng đều thì làm sao ảnh hưởng, thay đổi tính chất lợi địa hay tuyệt địa của cung an Mệnh được. Hơn nữa, lý thuyết của Tử Vi về Tuần, Triệt cho rằng Tuần, Triệt chỉ gây trục trặc, cản trở một phần, một giai đoạn cho cung án ngữ nên càng khó đưa ra lời luận giải cho những trường hợp như thế này.

Đây chính là khó khăn và thách đố với những ai muốn tìm hiểu, ứng dụng kiến thức của Tử Vi vào cuộc sống.

4. Thời gian và cường độ ảnh hưởng của Tuần, Triệt như thế nào?

Mặc dù lý thuyết Tử Vi cho rằng: Tuần ảnh hưởng nhẹ hơn Triệt và mạnh dần ảnh hưởng sau 30 tuổi, còn Triệt ảnh hưởng mạnh những năm đầu đời và giảm dần hiệu lực sau 30 tuổi. Nhưng Tử Vi không chỉ ra sự mạnh dần (Tuần) hay giảm dần (Triệt) diến ra như thế nào? Cường độ nặng nhẹ là bao? Nên người coi số rất khó đưa ra lời phán đoán. Hơn nữa, những khái niệm về cường độ ảnh hưởng của Tuần, Triệt tưởng như rất cụ thể mà lại rất mơ hồ, trừu tượng nên người coi số thật khó luận giải. Chẳng hạn, sách Tử Vi nói: Người Dương nam, Dương nữ khi gặp Tuần, Triệt thì ở cung Dương sẽ chịu 70%, còn cung Âm chịu 30% cường độ, nhưng 100% cường độ được thể hiện như thế nào? Ảnh hưởng ra làm sao? Để qua đó hiểu được mức nặng nhẹ của 70% hoặc 30% cường độ thì rất tiếc không thấy sách Tử Vi nào đề cập đến.

Hoặc bàn về sự ảnh hưởng của Tuần, Triệt tới số phận con người cũng nhiều ý kiến trái chiều, bất nhất. Ví dụ ở người Mệnh Kim, có 3 quan điểm:

- Quan điểm 1: Mệnh Kim không sợ Tuần, Triệt.

- Quan điểm 2: Mệnh Kim vô hại khi gặp Triệt, còn gặp Tuần thì vẫn bị ảnh hưởng như các tuổi khác, tuy nhiên cũng không đáng lo ngại lắm. 

- Quan điểm 3: Mệnh Kim nên tránh xa Tuần, Triệt vì nếu gặp sẽ thiệt thòi nặng hơn so với các tuổi khác.

Trong 3 quan điểm trên thì phần lớn những người coi số Tử Vi đồng nhất với quan điểm thứ nhất: Mệnh Kim không sợ gặp Tuần, Triệt nhưng sự bất nhất về lý thuyết, đặc biệt khi sự bất nhất đó lại có nội dung đối lập 100% như quan điểm 3 với quan điểm 1, thì vẫn gây khó khăn, nghi vấn cho người luận giải lá số.

5. Vấn đề Tuần, Triệt đồng cung thì thế nào?

Đây cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi trong lý thuyết của khoa Tử Vi.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tuần, Triệt đồng cung không tháo gỡ nhau mà cộng hưởng cả mặt tốt, mặt xấu và ảnh hưởng sâu rộng hơn tới cuộc đời của đương số. 

Quan điểm thứ hai lại cho Tuần, Triệt tháo gỡ nhau nếu khi đồng cung, làm giảm cái xấu và tăng cái tốt cho đương số.

Mặc dù quan điểm thứ nhất là quan điểm của số đông, được nhiều người chấp nhận vì tính thực tiễn nhưng sự không đồng nhất về quan điểm như thế trong hệ thống lý thuyết của Tử Vi sẽ gây khó khăn rất lớn cho người tiếp cận.

LỜI KẾT:

Tuần - Triệt là hai sao còn rất nhiều nghi vấn về giá trị, phạm vi và mức độ ảnh hưởng tới số phận con người mà người nghiên cứu Tử Vi khó tìm được câu trả lời thỏa đáng, càng đặc biệt và thách đố với những người muốn ứng dụng kiến thức Tử Vi vào cuộc sống. 

Khi biên soạn về ảnh hưởng của Tuần - Triệt tới lá số (cung, sao), người viết rất băn khoăn, lo lắng vì kiến thức và kinh nghiệm về Tử Vi của người viết chỉ ở mức mày mò tự học trong khi môn học Tử Vi đòi hỏi người tiếp cận phải có kiến thức uyên bác về Dịch lý, về Âm - Dương Ngũ hành... mới có thể truyền tải được những cốt lõi mà linh hoạt và thỏa đáng về hiệu lực của Tuần, Triệt nên những kiến giải của người viết trong bài sẽ không tránh khỏi sự phiến diện, chủ quan và nông cạn, khiến những bậc cao minh sẽ cau mày vì phải đọc những kiến giải “ngây ngô” của kẻ “ếch ngồi đáy giếng”...

Dù thế nào thì người viết vẫn hy vọng bằng những cố gắng của mình sẽ giúp ích ít nhiều cho những ai lần đầu làm quen và tiếp cận với kiến thức mênh mông mà tinh tế, linh hoạt đến phức tạp... của khoa Tử Vi sẽ bớt khó khăn và thời gian tìm hiểu. 

Nếu được vậy, người viết mãn nguyện lắm rồi.

-----------

 (Trích từ: TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Thanh Hóa xuất bản lần đầu năm 2009.)

Tin bài liên quan