Tại sao cung điện của hoàng đế gọi là 'Tử Cấm Thành'?

Tử Cấm Thành được xây dựng bởi Vĩnh Lạc Đế, từ tên gọi đến hình thức đều làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng “Thiên – nhân hợp nhất” và tinh thần “kẻ thuận theo Trời thì tồn tại” trong văn hoá Thần truyền.

Tháng 7 nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 của nhà Minh, Minh Thành Tổ Chu Đệ ra lệnh xây dựng cung điện Bắc Kinh, trải qua 15 năm, hoàn tất vào tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 19.

Trong “Địa lý chí – 1” của Minh Sử có ghi chép: “Tháng 7 nhuận năm Vĩnh Lạc thứ 4 hạ chỉ xây cung điện Bắc Kinh, sửa tường thành. Hoàn thành vào tháng giêng năm 19. Chu vi cung điện 6 lý 16 bước, còn gọi là Tử Cấm Thành” (Theo “Tôn Tử toán kinh” thì 1 lý = 300 bước chân, tương đương với 415,8 mét. 6 lý tương đương 2.494,8 mét).

Nhưng tại sao tòa thành trở thành cung điện của các hoàng đế trong hai triều đại Minh và Thanh này lại được gọi là “Tử Cấm Thành”? Tên gọi này được đặt trên nguồn gốc cơ sở nào? Được biết, “Tử Cấm Thành” truyền đạt cội nguồn của tư tưởng văn hóa Trung Hoa.

* Chữ “Tử”

Trước tiên chúng ta sẽ nhìn lại những cách nói trong Sử Ký. Theo như “Thiên Quan Thư” trong Sử Ký, trên trời “ngôi sao có ba tầng thượng trung hạ”; Trung Quốc thời xưa chia bầu trời làm tam thiên lớn, gồm Thượng cung, Trung cung và Hạ cung. Trong đó “Trung cung” còn được gọi là “Tử cung”. Theo như “Sử Ký chính nghĩa” giải thích, Tử cung là nơi ở của Thiên hoàng đại đế.

“Tử Cấm Thành” truyền tải cội nguồn tư tưởng văn hóa Trung Hóa. Cố cung trong tranh vẽ của nhà Minh.

Trương Hoành là nhà thiên văn học và là thái sử lệnh của Hậu Hán, ông sáng tác ra “Linh Hiến”, trong đó giải thích rõ về các ngôi sao và các chòm sao trên bầu trời, ông nói: “Tử cung là nơi ở của hoàng đế”, “ngôi sao, thể sinh tại đất, tinh thần phát triển trên trời. Tử cung là nơi cư trú của hoàng đế”, lại nói “Khu vực Tử cung có 15 ngôi sao… trong đó có một ngôi sao gọi là Tử vi, cũng là chỗ ngồi của thái đế, là nơi thường trú của thiên tử”.

Trương Hoành nói rằng, “Tử cung là nơi ở của hoàng đế”, “nơi thường trú của thiên tử”. Theo như Trương Hoành, giữa tinh tú trên trời và mọi chuyện dưới đất luôn đối ứng tương thông với nhau, các ngôi sao mà con người nhìn thấy không chỉ đơn giản là thiên thể, nó “thể sinh tại đất, tinh thần phát triển trên trời”, có nghĩa là thiên thể là sự tồn tại của vật chất, nhưng tinh thần của nó là ở trong không gian “trên trời”, vật chất và tinh thần là một thể liên kết. Vì vậy, từ góc độ văn hóa truyền thống mà giải thích, Vĩnh Lạc Đế xây dựng “Tử Cấm Thành” tại Bắc Kinh, là đối ứng với “Tử cung” trên trời, cũng tức là nơi ở của hoàng đế trên trời, phát huy được quan niệm vũ trụ truyền thống và quan niệm sự sống trong văn hóa Trung Hoa, là một loại biểu hiện “Thiên – nhân hợp nhất” về mặt tinh thần.

* Chữ “Cấm”

Những ghi chép trong tài liệu lịch sử kể trên cho thấy chữ “Tử” trong “Tử Cấm Thành” là đối ứng với “Tử cung”, đối ứng với nơi ở của hoàng đế trên trời. Vậy thì “cấm” mang ý nghĩa đặc biệt gì?

Cung điện của thiên tử chính là nơi mà thiên tử “phụng thiên thừa vận”, “phụng thiên thừa vận” nghĩa là thiên tử tuân theo ý trời mà kế thừa vận khí mới của giang sơn thiên hạ. Vì vậy cung điện của thiên tử là một nơi vô cùng quan trọng và trang nghiêm, cho nên không được tự ý ra vào, là một “cấm thành” được canh giữ nghiêm ngặt.

Trong những câu thơ “Triêu giá thủ Cấm Thành” (Sáng sớm canh giữ Cấm Thành) của Nhan Diên Chi thời Nam Tống, hay câu thơ “Đông phong tiết khí cận Thanh minh/ Xa mã tranh lai mãn Cấm Thành” (Tiết trời gió đông sắp Thanh minh/ Xe ngựa tranh nhau đến Cấm Thành) của Trương Tịch thời nhà Đường, và câu thơ “Bách quan bái biểu Cấm Thành khai” (Bá quan dâng tấu Cấm Thành mở cửa) của Diêu Hợp thời nhà Đường… thì từ “Cấm Thành” được nhắc đến trong các câu thơ này đều muốn nói đến hoàng cung của hoàng đế.

Trong hoàng cung, kiến trúc quan trọng nhất chính là Thái miếu và nơi thi hành chính trị của thiên tử, gọi là Minh Đường; Thái miếu ở phía trước, phía sau Thái miếu là Thái thất, hình dạng cấu tạo của nó cũng đối ứng với Tử cung trên trời. Trong “Minh Đường âm dương lục” nói: “Xây dựng Minh Đường, xung quanh hành thủy, trái, xoay bên trái để tượng trưng cho trời, bên trong có Thái thất tượng trưng cho Tử cung”. Mọi người đều biết, bên trong Tử Cấm Thành có sông Nội Kim Thủy chảy xung quanh thành, xoay theo chiều bên trái tượng trưng cho trời, đối ứng với thiên hà, xuyên qua Tử Vi viên trên trời. Bên trong Tử Cấm Thành mà Vĩnh Lạc Đế xây dựng, Minh Đường nằm ở đâu? Minh Đường được xây ở vị trí cao nhất ngay chính giữa.

Phụng Thiên Điện (Thái Hòa Điện) chính là Thái miếu, nằm ở chính giữa hoàng cung, điện đường cao nhất, là nơi mà thiên tử cử hành các nghi lễ lớn, là nơi thiên tử tiếp nhận quần thần hành đại lễ, phía sau có Hoa Cái Điện (đối ứng với sao Hoa Cái trong Tử Vi viên, bị cháy vào những năm Gia Tĩnh, sau đó sửa lại thành Trung Cực Điện, vào năm Thuận Trị thứ 2, đổi tên thành Trung Hòa Điện), chính là Minh Đường thái thất, là nơi thi hành chính trị của thiên tử. Hình dáng cửa sổ của ngôi điện này lấy từ ý tưởng “Minh Đường” được miêu tả trong “Đại Đái Lễ Ký”, đối ứng với Tử cung trên trời, bề mặt hiện ra hình vuông, nóc nhà là mái hiên đơn với mái bốn góc nhọn, trên chóp mái được ốp bằng ngói lưu ly màu vàng, chính giữa là bảo đỉnh đồng mạ vàng. Chiều rộng và chiều sâu của nó là ba gian phòng, bốn mặt đều có hành lang, nền đất lót gạch vàng, bốn phía đều mở cửa. Phía sau là Cẩn Thân Điện (Bảo Hòa Điện).

Thiên tử “Bắt chước Tử Vi viên để ở, xây Minh Đường để ban hành chính trị” không phải chỉ là bắt chước biểu tượng của các ngôi sao trên trời, mà quan trọng hơn là thể hiện được tinh thần cốt lõi của văn hóa Truyền Thần, cũng chính là thuận thiên hành hóa (giáo hóa con người thuận theo lẽ Trời). Nói một cách khác, thiên tử thi hành chính trị cần phải quan sát đạo của vũ trụ để áp dụng vào trong vấn đề thiết lập chức quan và ban bố chính trị, cũng như giáo hóa dân chúng, từ đó thuận ứng Thiên thời, không làm trái đạo của tự nhiên, âm dương điều hòa, mà giáo dục thiên hạ. Trong “Tùy Thư” chí 14 – Thiên Văn Thượng có thể hiện tinh thần này: “Thiên tử nếu bắt chước Tử vi để cư trú, xây dựng Minh Đường ban hành chính trị, dựa vào ranh giới để thống trị đất nước, bắt chước các chòm sao mà dạy bảo các quan, hành động phải thuận theo thời cơ, dạy bảo không trái với vạn vật, thì mới có thể biến thành đạo giáo hóa, kết hợp sự tuyệt diệu  của âm dương”.

Tử Cấm Thành được xây dựng bởi Vĩnh Lạc Đế, bất luận là tên gọi hay là hình thức đều tương ứng với Tử cung, nơi ở của thiên hoàng đại đế ở trên trời, và còn làm nổi bật ý nghĩa của văn hóa Thần Truyền trong truyền thống Trung Hoa cùng với tư tưởng “Thiên – nhân hợp nhất” và tinh thần “kẻ thuận theo Trời thì tồn tại” sáng chói như những vì sao lấp lánh trên bầu trời đêm.

Châu Yến biên dịch.

Tin bài liên quan