Tại sao thầy bói nói với ông rằng: Sau khi chết thì vận may mới đến?

Chỉ có người tài ngàn vàng mới xứng đáng có được của cải ngàn vàng! Thực sự có chuyện này sao?

Nhân gian hay nói nhân quả, phú quý, quyền lực kiếp này chính là phúc báo của những bố thí ở kiếp trước, không thể cưỡng cầu. Ngay cả thứ phúc phận trân quý như quyền lực cũng vậy, đạt được một chút cũng phải trả giá, vậy cái giá đó lớn bao nhiêu?

Có một người tên Lệ Tử Nguyên, cả đời lăn lộn chỉ mong làm giàu nhưng đều uổng công vô ích. Lúc nhỏ, anh ta gặp một thầy bói. Ông thầy xem bát tự của anh ta và nói rằng: “Số mệnh này chỉ có thể cơm đạm áo thô cả đời, trong nhà chẳng thể tích cóp được của cải, nếu như tích cóp được quá 100 lượng vàng cẩn thận kẻo gặp tai họa lớn. Đáng mừng là sau khi anh chết vận may kéo đến, sẽ có nhiều vinh quang hơn khi còn sống”.

Lệ Tử Nguyên nghe câu “sau khi chết mới có vận may” thì trong lòng chán nản, buồn rầu nói: “Chết thì cũng chết rồi, còn vận may gì nữa? Có vinh quang vẻ vang thì cũng có ích gì nữa đâu?”. Anh mở một cửa tiệm buôn bán nhỏ, mặc dù cố hết sức kinh doanh, nhưng thu nhập không bao giờ quá trăm lượng. Một hôm, anh gặp một người bán quần áo cũ, người này nói với anh: “Mẹ tôi qua đời rồi, tôi phải về quê lo tang lễ cho mẹ, trên người còn một ít đồ không tiện mang theo, giá trị khoảng hơn 200 lượng vàng, tôi bán rẻ cho anh, được không?”.

Lệ Tử Nguyên mừng thầm, cho rằng vận may tìm đến cửa, lòng tham làm mờ mắt, anh ta sớm bỏ ngoài tai lời cảnh báo của thầy bói ngày nào. Anh mua lại số hàng của người nọ với giá cực thấp chỉ 50 lượng, sau đó bán lại thu lãi gấp 3, nhất thời của cải tích lũy tăng mạnh, vượt quá trăm lượng vàng.

Nào ngờ tai họa cũng theo đó mà tới! Thì ra, kẻ kia là một tên trộm khét tiếng, hắn đã nói dối và bán cho anh ta tang vật trộm cắp. Sau vụ trộm, tên trộm đã bị bắt, quan phủ truy tìm nơi cất giấu tang vật, sau đó cũng bắt luôn Lệ Tử Nguyên. Anh ta không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn phải giao nộp lại số tiền đã bán tang vật. Hậu quả là sau tai họa này, Lệ Tử Nguyên trở thành trắng tay, ngay cả tiền vốn cũng chẳng còn, đành phải cùng vợ cày cấy trồng trọt lấy thóc lúa rau cỏ sống qua ngày.

Một hôm, khi đang cuốc đất, họ bỗng cuốc phải một phiến đá lớn, lật phiến đá lên, bên dưới có 6 chiếc hũ rất lớn bên trong đựng đầy bạc trắng. Hai vợ chồng mừng rỡ, vừa định thò tay chạm vào hũ bạc đột nhiên rùng mình, tay chân mềm nhũn không còn sức lực, giống như mất hồn, không cử động được. Bấy giờ, họ chỉ còn cách đậy lai phiến đá, rồi lấy đất lấp lại như cũ.

Đêm hôm đó, hai vợ chồng cùng mơ thấy một vị Thần hiện ra nói với họ rằng: “Đồ trong hũ kia là của “Phán Trụ”, sao các ngươi dám tự ý động vào! Hai ngươi phải trông coi cho cẩn thận, 20 năm sau tự sẽ nhận được lợi ích, tuyệt đối không được tiết lộ cho người khác, hãy nhớ phải cẩn thận!”.

Sau đó, vợ Lệ Tử Nguyên sinh con, suốt 3 ngày vẫn chưa sinh hạ được thai nhi. Cô lấy tay bám vào cột giường, gắng sức, cuối cùng đứa bé cũng chào đời, thế là hai vợ chồng đặt tên con là “Phán Trụ”.

20 năm trôi qua, hai vợ chồng luôn ghi nhớ những lời vị thần kia đã dặn, họ đưa con trai “Phán Trụ” ra ruộng đào những hũ bạc lớn. Hũ còn, bạc cũng còn. Hai vợ chồng dùng tay cầm lên, kỳ lạ là 20 năm trước còn chưa kịp động vào đã rùng mình vô lực nhưng hôm nay lại bình an vô sự. Hai vợ chồng và Phán Trụ chuyển bạc về nhà, mua nhà mua đất, bỗng chốc trở thành phú hộ.

Chẳng được vài năm, vợ chồng Lệ Tử Nguyên lần lượt qua đời, người ta nói rằng hai người đó mệnh bạc, không chịu được phú quý giàu sang. Phán Trụ là người con hiếu thảo, đã lo liệu tang lễ cho cha mẹ mình cực kỳ long trọng. Lúc trước thầy bói nói Lệ Tử Nguyên khi chết đi mới gặp vận may, được vẻ vang hơn lúc sống, quả thật đã ứng nghiệm!

Điều này cho thấy rằng ngay cả khi là một người cha, Lệ Tử Nguyên cũng không thể chiếm hữu tiền của con trai mình, chứ đừng nói đến người khác? Của cải bên ngoài không thể mong có được, dù miễn cưỡng đạt được cũng không thể hưởng thụ, chân lý của số mệnh trên người Lệ Tử Nguyên đã rõ như ban ngày.

Người xưa nói rằng thế gian nhiễu nhương, công danh tài lộc là thứ khiến con người ngày đêm vướng bận nhất. Vậy thì người cầu lợi phúc mỏng không chịu được, còn kẻ cầu quan thì thế nào?

Đầu thời nhà Đường, Vương Hiển là bạn cũ khi còn trẻ của Đường Thái Tông. Vương Hiển có 3 người con trai, sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, 3 người con này đều được phong chức quan ngũ phẩm, nhưng bản thân Vương Hiển lại không được phong quan.

Khi Vương Hiển xin Đường Thái Tông phong quan cho mình, Đường Thái Tông đã nói với ông: “Thật ra là do ngươi không có tướng mạo phú quý, chứ ta sao lại keo kiệt một chức quan?”.

Vương Hiển đáp lại: “Sáng ra được phú quý thì đến tối có chết cũng vừa lòng”.

Đại thần Phòng Huyền Linh góp ý với Đường Thái Tông: “Sao bệ hạ không thử cho ông ấy một chức quan?”.

Thế là Đường Thái Tông đã phong cho Vương Hiển một chức quan tam phẩm, đồng thời còn ban cho ông áo tím đai vàng tượng trưng cho phú quý tột cùng. Quả nhiên, đúng như ý nguyện của Vương Hiển, ông chết ngay buổi tối hôm nhậm chức.

Dù là danh hay lợi thì đó đều là phúc báo, đều không thể cưỡng cầu. Hai câu chuyện kể trên đều cho chúng ta thấy hậu quả của việc cưỡng cầu, cái giá phải trả quá lớn đến mức chẳng còn sự cân bằng được mất. Sinh mệnh là kho báu vô giá, nhưng thế nhân mấy ai hiểu được điều đó đây?

Quỳnh Chi.

Tin bài liên quan