Tâm sự bí ẩn nghìn năm của Gia Cát Lượng qua thi phẩm Lương Phủ Ngâm

Một buổi chiều nơi ngoại thành Tương Dương.

Lúc này đang giữa ngày đông tháng giá, trời lạnh tái tê, gió bấc thổi như dao cắt vào mặt. Dòng suối bên dưới cây cầu nhỏ đã đóng thành băng, trên mặt đất nơi nơi cũng ngưng tụ một lớp băng mỏng, không trung tuyết bay phơi phới, mây xám nghịt trời, núi tựa ngọc gieo, rừng như bạc rắc.

Giờ phút này, những dân thường nơi thôn quê đã đóng cửa cài then, vui với bếp lửa hồ rượu, chăn ấm nệm êm và thê tử quây quần.

Vậy mà vẫn có ba tráng khách cưỡi tuấn mã, đứng bên cửa giậu ngoài khuôn viên của một ngôi nhà tranh. Ba người đàn ông này hình vóc dũng mãnh, dáng vẻ phong trần. Người đàn ông lớn tuổi nhất vẻ mặt đăm chiêu, đôi mày khẽ nhíu lại, hình như đang cố nén tiếng thở dài.

Họ vừa lên ngựa từ biệt chủ nhà, gia chủ đã muốn quay vào, khách dường như lại có ý lưu luyến. Ba con ngựa cũng rậm rịch không yên, chúng đã định theo đường cũ về nhà, nhưng rốt cuộc vẫn loanh quanh nơi bờ giậu, mũi miệng thở phì phì xịt khói trắng toát. Còn trên y phục của khách đã lấm tấm hoa tuyết.

Thì đúng lúc ấy, phía bên kia của một cây cầu nhỏ trước nhà, có một người đội mũ ấm trùm đầu, mặc áo hồ cừu màu vàng, cưỡi một con lừa, theo sau là một tiểu đồng áo xanh, tay xách bầu rượu đang rẽ tuyết tiến đến, người chưa đến nơi, đã nghe tiếng ngâm thơ sang sảng:

Nhất dạ bắc phong hàn,
Vạn lý đồng vân hậu.
Trường không tuyết loạn phiêu,
Cải tận giang sơn cựu.
Ngưỡng diện quan thái hư,
Nghi thị ngọc long đấu.
Phân phân lân giáp phi,
Khoảnh khắc biến vũ trụ.
Kỵ lư quá tiểu kiều,
Độc thán mai hoa sấu!

Tạm dịch là:

“Một đêm gió lạnh lùng
Muôn dặm mây đỏ ối
Bời bời hoa tuyết bay
Nước non hình sắc đổi
Ngẩng mặt trông trên trời
Tưởng là rồng ngọc chọi
Vây mai tua tủa bay
Một lát khắp bốn cõi
Cưỡi lừa qua cầu con
Than vì mai gầy cỗi”

(Phan Kế Bính dịch)

Người khách lớn tuổi nhất dáng vẻ mừng rỡ, nói:

“Đây hẳn là Ngọa Long rồi!”

Bèn nhảy ngay xuống ngựa, tiến đến chào:

“Tiên sinh xông pha rét mướt, nhọc mệt lắm nhỉ? Bị này đợi mãi tiên sinh”.

Người kia vội xuống lừa đáp lễ. Chủ nhà lại đứng sau nói:

“Đây là Hoàng Thừa Ngạn, ông nhạc anh tôi đó, không phải Ngọa Long đâu.”

Người khách nói:

“Vừa rồi nghe câu thơ ngài ngâm tất là cao nhã”.

Hoàng Thừa Ngạn đáp:

“Nhân lão phu xem bài “Lương Phủ Ngâm” ở nhà con rể có nhớ được một đoạn. Nay qua cầu nhỏ, chợt thấy cây hoa mai bên rào, nên sực nhớ lại đọc chơi, không ngờ quý khách nghe thấy.”

Khách hỏi:

“Ngài đã gặp lệnh tế chưa?”

Thừa Ngạn đáp:

“Lão cũng đương đến tìm Ngọa Long đây”.

Khách nghe xong, bèn ngậm ngùi cáo biệt chủ nhà Gia Cát Quân và Hoàng Thừa Ngạn rồi lên ngựa ra về. Tuyết càng đổ dữ dội, khách đã thúc ngựa, đi được một quãng rồi còn buồn rầu ngoái lại, chỉ thấy tuyết rơi trắng xóa, mờ mờ mịt mịt, tựa hồ mái nhà tranh ẩn sĩ kia như lùi tít vào một nơi xa xôi lắm không thể với tới.

Đó là một phân đoạn trong điển cố “Tam cố thảo lư” hay “Ba lần đến lều tranh cầu Gia Cát Lượng” của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Lưu Bị lúc này đã quá nửa đời người, vẫn long đong lận đận, hiện đang bất đắc dĩ làm khách ở đất Kinh Châu của Lưu Biểu nhưng thực ra thân đang trong hiểm cảnh, như bị hổ rình kình đớp. Trong thì lo đối phó với chủ nhà – tức là gia tộc họ Sái và lũ quyền thần của Lưu Biểu, ngoài thì chật vật chống nhau với quân Tào. Thực lực thì: “… trước thua ở Nhữ Nam, đến nhờ Lưu Biểu, quân không đầy một nghìn, tướng chỉ có Quan Trương Triệu…” (1). Quân sư đắc ý nhất mới có được là Từ Thứ thì lại bị Tào Tháo dùng gian kế vô hiệu hóa mất rồi. Nghe tiếng Ngọa Long tiên sinh tài cao, muốn đến cầu hiền thì không rõ vì lẽ gì mà mãi không gặp được. Bao nhiêu lần mừng rỡ tưởng đã gặp được Gia Cát, là bấy nhiêu lần thất vọng. Bữa ấy khí trời thê lương bao nhiêu thì trong lòng Lưu Huyền Đức bồn chồn ảm đạm bấy nhiêu.

Có biết đâu, một người đã biết hết những việc này, những việc đã qua và những việc sắp đến, chính là tác giả của bài “Lương Phủ Ngâm” kia – Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Có người cho rằng: “Nội dung bài thơ này cảm thán về thời Hán mạt, bốn phương loạn lạc, quần hùng tranh cướp ngọc tỷ, giang sơn nhà Hán xưa thay tên đổi chủ, chỉ thương người dân như đóa mai điêu linh trong cơn gió bụi.”

Xem ra, đó mới chỉ là chút ý tứ nằm trên bề mặt mà thôi.

Thơ viết:

Ngẩng mặt trông trên trời
Tưởng là rồng ngọc chọi
Vây mai tua tủa bay
Một lát khắp bốn cõi

Đúng là cái cảnh tuyết đổ trùng trùng từ trời cao xuống, giống như bầy rồng đang tranh ngọc hay là “quần long tranh châu”, gợi ý đến cảnh quần hùng mưu đồ vương bá ở Trung Nguyên, bốn phương anh hùng nổi lên khiến xã tắc điêu linh, sinh linh đồ thán. Nào Viên Thiệu, Viên Thuật tướng mạnh quân đông ở phương Bắc; Tào Tháo o bế thiên tử ở Trung Nguyên; gia tộc họ Tôn hùng cứ ở phương Nam; Lưu Biểu giữ mình ở Kinh Châu, rồi là Lã Bố, Trương Tú v.v. mỗi người cát cứ một phương, chỉ có Lưu Huyền Đức thân cô thế cô lang thang bất định, không tấc đất cắm dùi. 

Nhưng bốn câu đầu của thi phẩm phải chăng là một tiên báo siêu phàm của Gia Cát Lượng về đại chiến Xích Bích sau này:

“Một đêm gió lạnh lùng
Muôn dặm mây đỏ ối
Bời bời hoa tuyết bay
Nước non hình sắc đổi…”

Đêm ấy trên sông Trường Giang, khí trời cũng lạnh căm căm, gió đổi chiều đông nam sau khi Gia Cát cầu phong, khiến một mồi lửa của Chu Du đốt sạch chiến thuyền và 83 vạn quân Tào, “trên mặt sông Tam Giang, gió cuốn lửa bay, trên trời dưới nước đỏ rực như mặt trời mọc” (2), lửa dường như bốc lên tận mây, tàn tro bay trắng xóa, giống như cái cảnh:

“Muôn dặm mây đỏ ối
Bời bời hoa tuyết bay”

Cũng từ trận đánh đó đã định ra cục diện tam phân thiên hạ, là ứng với: “Nước non hình sắc đổi”.

Và chính ở trong cảnh loạn thế ấy, có người ẩn sĩ trẻ tuổi đắc Đạo, vốn đã nắm được huyền cơ, biết số Trời là khó cưỡng, khí số nhà Hán đã hết, song vẫn phải:

“Cưỡi lừa qua cầu con
Than vì mai gầy cỗi”

Hồi Hương tôi vẫn thích câu kết này được dịch là:

“Cưỡi lừa qua cầu nhỏ
Thầm than khóm mai gầy”

Chúng ta hãy đứng ở góc độ văn hóa ẩn sĩ, văn hóa tu luyện may ra mới lý giải được thâm ý của người xưa.

Tại sao lại “cưỡi lừa qua cầu nhỏ”? Thời xưa, lừa là vật cưỡi của những người tu Đạo ở Trung Hoa. Các đạo sĩ, đạo cô thường cưỡi lừa. Ví như tiên ông Trương Quả Lão cưỡi lừa. Đạo sĩ Trần Đoàn – tác giả của “Tử vi đẩu số” dùng lừa để di chuyển. Trong “Thần Điêu Hiệp Lữ”, đạo cô Lý Mạc Sầu cũng cưỡi một con lừa, hoặc trong “Ỷ thiên Đồ Long ký”, các đạo sĩ của Võ Đang cũng cưỡi lừa, giống như truyền thống của Đạo gia.

Ở phương Tây cũng có điển tích Chúa Jesus cưỡi lừa tiến vào thành Jerusalem trong tiếng tụng ca khải hoàn của nhân dân trong thành, như một lời dự ngôn của các nhà tiên tri. Nếu như con ngựa là biểu tượng của chinh chiến, thì con lừa lại là con vật khiêm nhường, hiền lành, hòa bình… nên được người tu Đạo chọn làm vật cưỡi.

Vậy người cưỡi lừa ấy là một đạo sĩ, cũng là một ẩn sĩ. Còn “cây cầu nhỏ” chính là một biểu tượng ngăn cách chốn tu hành thâm u tịch mịch – ở đây là thảo lư của Gia Cát – với thế giới bên ngoài, nơi quần long đang tranh châu. Thế là Gia Cát Lượng, một đạo sĩ, đành luyến tiếc rời bỏ chốn tu hành ấy để thuận ứng theo thiên mệnh mà diễn một màn kịch đã được Thiên thượng an bài, để lại bài học cho hậu nhân suy ngẫm. Và “khóm mai gầy” không phải là “thương người dân như đóa mai điêu linh trong cơn gió bụi” như ai đó đã viết. Hoa mai trắng nằm trong tứ quý “tùng-cúc-trúc-mai” được mệnh danh là chúa các loài hoa, là loài hoa ngạo sương tuyết, thời tiết càng khắc nghiệt, hoa mai càng đẹp, càng thơm, sắc càng trắng ngần như tuyết, như tấm lòng trinh bạch kiên cường của người quân tử. Chỉ có người quân tử thanh cao mới xứng được ví với hoa mai. Như sau này Chu Thần Cao Bá Quát – người nổi tiếng về thông minh uyên bác và khí phách ngang tàng cũng phải nhận rằng: “cả đời kẻ hèn này chỉ biết bái lạy cành mai”.

Qua “cây cầu nhỏ” này là vĩnh viễn rời thảo lư của người tu Đạo, vĩnh biệt cuộc đời ẩn sĩ thanh nhàn, dấn thân mình vào nơi gió bụi, nên mới “thầm than khóm mai gầy” – như lời tự thán của người quân tử, người ẩn sĩ Gia Cát Lượng.

Chí hướng của họ Gia Cát không phải là giúp Lưu Bị tranh thiên hạ. Hãy xem thi phẩm “Thượng thiên như viên cái – Trời xanh như tán lọng tròn” của ông thì rõ:

“Giời xanh như tán lọng tròn
Đất kia trằn trặn như bàn cờ vuông
Người đời đen trắng đôi phường
Kẻ đi người lại tranh đường nhục vinh
Kẻ vinh chỉ biết mình sung sướng
Người nhục kia vất vưởng vất vơ…
Nam Dương có bậc ẩn cư
Nằm co ngủ kỹ thờ ơ việc đời.”

(Phan Kế Bính dịch)

Chính là mong được làm bậc ẩn cư ở đất Nam Dương, lánh đời tu Đạo, một sớm thành Tiên.

Chí hướng ấy, chẳng phải đến đời này mới thành, mà đã có uyên nguyên từ xa xưa lắm.

Chuyện rằng, thời viễn cổ có Thần thú tên là Phi Hùng, vì muốn tu Đạo thành Tiên nên lên núi Côn Luân bái Nguyên Thủy Thiên Tôn làm thầy. Nhưng động vật muốn tu Đạo thành Tiên đâu có đơn giản, bởi vậy Nguyên Thủy Thiên Tôn nói với Phi Hùng rằng: nếu muốn tu Đạo thì phải đầu thai chuyển thế, phải có thân người mới tu được. Thế là Phi Hùng một mực quỳ dưới núi Côn Luân không dậy, cho đến khi nhục thân tử vong, gió lớn thổi bay hài cốt, hồn nhập địa ngục, sau đó chuyển sinh thành Khương Tử Nha.

Khương Tử Nha khi 32 tuổi, lên núi bái Nguyên Thủy Thiên Tôn làm thầy, tu Đạo trong 40 năm, nhưng rồi bị biệt phái về cõi trần để giúp nhà Chu diệt Trụ, lập bảng Phong Thần. Thế là Khương Tử Nha đành dở dang sự nghiệp tu Đạo, ném mình vào nơi thế cuộc phiền phức mà đầy lòng luyến tiếc.

Đến khi việc đã xong, Khương Tử Nha quay về núi theo thầy, nhưng Nguyên Thủy Thiên Tôn nói Tử Nha đời này vẫn chưa thể tu thành, phải tiếp tục chuyển thế, tuy vậy phải đợi đến mấy trăm năm sau mới có được một thân thể có trái tim long lanh 9 lỗ, thuận lợi cho việc tu Đạo.

Thế là 700 năm sau, Khương Tử Nha chuyển sinh thành Tôn Tẫn, học trò của Quỷ Cốc Tử.

Quỷ Cốc Tử thấy Tôn Tẫn – lúc đó có tên là Tôn Tân – thông minh và có đức hạnh hơn người, thì quý mến. Tuy vậy, ông biết Tôn Tẫn là Khương Tử Nha tái sinh, vì ở trong cuộc chiến đời ấy đã giết nhiều người, dù là thuận theo an bài của Thiên thượng, nhưng vì thế mà đời này sẽ có kiếp nạn, chính là nạn chặt xương bánh chè. Bởi vậy, khi Tôn Tân xuống núi đã được Quỷ Cốc Tử xem bói bằng hoa và đặt cho cái tên Tôn Tẫn, “Tẫn” là chặt xương bánh chè. Quả nhiên sau này Tôn Tẫn bị bạn học Bàng Quyên mưu hại đúng như thế, từ đó không đi lại được nên phải ngồi xe lăn. Dù sau này quay lại với Quỷ Cốc Tử, Tôn Tẫn đã tu thành Tiên, nhưng không muốn đem nhân dạng ấy đi vào Tiên giới nên quyết định chuyển sinh một lần nữa để tu hành. Cũng lại phải đợi 500 năm nữa mới có thân thể mang trái tim 9 lỗ.

Sang đến đời này, thì Khương Tử Nha hay Tôn Tẫn đã mang một cái họ mới, họ Gia Cát.

Nhưng chú bé Gia Cát Lượng nhà ấy dù thông minh dĩnh ngộ, không gì không tốt, chỉ có điều đến năm sáu tuổi vẫn chưa biết nói, khiến cha mẹ rất lo lắng.

Năm Gia Cát Lượng lên tám tuổi, có vị đạo trưởng đến nhà, nhận sẽ chữa bệnh câm cho cậu, nhưng sau đó phải theo ông lên núi tu Đạo. Cha mẹ Gia Cát Lượng đồng ý, sau đó Gia Cát Lượng đã khỏi bệnh câm, theo đạo trưởng lên núi học thiên văn, địa lý, binh pháp và các đạo thuật khác.

Nhờ có căn cơ lớn vì đã tu hai kiếp trước, nhất là đã tu thành Tiên khi còn là Tôn Tẫn, Gia Cát Lượng nhanh chóng đạt được thành tựu trong tu luyện. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà dù ông còn trẻ, cũng chưa đi ra khỏi đất Nam Dương, mà đã nắm rõ tình thế trong thiên hạ. Lại có thể biết được rõ cơ Trời như ngày thường ông vẫn ngâm nga trong bài thơ “Vô đề”:

“Mơ màng ai tỉnh trước
Bình sinh ta biết ta
Thềm tranh giấc xuân đẫy
Ngoài song bóng ác tà”
(Phan Kế Bính dịch)

Trong giấc mê nhân thế, Gia Cát Lượng lúc này đã thức tỉnh, đã biết được “ta” là ai trong dòng thời gian mênh mang này, hiểu được nguồn gốc Thần thánh của sinh mệnh. Chí hướng của họ Gia Cát là tu đạo thành tiên, chứ đâu phải phò tá chân chúa thống nhất thiên hạ để lưu danh muôn thuở.

Nhưng khi ký ức đã khai mở, ông biết về các kiếp trước và sứ mệnh đời này của mình – ủng Lưu phản Tào. Ông cũng biết việc sẽ không thành, dẫu không thành cũng vẫn phải diễn cho hết vai, không thể cưỡng lại, chẳng được chối từ và hiểu rằng chỉ có một con đường “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” (3). Tâm tình ấy mới khiến người ta phải bi phẫn làm sao. Và chỉ đứng ở góc độ ấy ta mới hoàn toàn lý giải được:

“Cưỡi lừa qua cầu nhỏ

Thầm than khóm mai gầy”.

Xét về nghệ thuật trong truyện, La Quán Trung đã khéo mượn khung cảnh trời đất tương đồng trong lần viếng thảo lư thứ hai của ba anh em Lưu Quan Trương để giấu ý tứ sâu xa của tác giả thi phẩm “Lương Phủ Ngâm” trong một trường đoạn có thể nói là tuyệt bút. 

Xét về nghệ thuật trong bài “Lương Phủ Ngâm”, tác giả kết bài bằng hai câu thơ gợi lên sự nhỏ nhoi, cô tịch: có một ẩn sĩ cưỡi con lừa nhỏ, đi qua một cây cầu nhỏ chon von, có khóm mai nhỏ bé gầy guộc, có tâm sự cô đơn thầm kín… đã tạo nên một sự tương phản đặc biệt với đoạn thơ phía trên; Khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ trên vũ trụ khôn cùng, nơi bầy rồng đang giương vây múa vuốt tranh phong, lại càng làm nổi bật lên cảm giác cô tịch và nhỏ nhoi của một sinh mệnh trên đại địa bao la tưởng như có thể đứng ngoài cuộc, thực ra vốn chỉ như một con ốc bị cuốn theo cả sự chuyển vần vĩ đại của bộ máy Trời. Chỉ có thể tự thương thân, thầm than cho khóm mai bé nhỏ trinh bạch mà thôi.

Kể từ cái buổi bạn cũ Từ Thứ ghé qua nhà gửi gắm chân chúa Lưu Bị, Gia Cát Lượng biết định mệnh đời mình đã đến và những ngày tháng tiêu dao an bần lạc Đạo của người ẩn tu đã hết. Người ta vẫn nói rằng Lưu Bị phải cầu Gia Cát Lượng ba lần mới được gặp là vì Gia Cát muốn thử lòng thành của Lưu Bị. Điều đó không sai. Nhưng phải chăng GIa Cát Lượng cũng có ý muốn cưỡng lại số mệnh, vẫn mong cơ hội lánh đời tu Tiên? Chẳng thế mà ân cần dặn dò em trai Gia Cát Quân: “Em ở nhà, chăm việc cày bừa, ruộng nương không được bỏ hoang, đợi bao giờ thành công anh sẽ lại về đây ẩn dật” (4). Nhưng dù sao đi nữa, để lại cho hậu thế bài học về văn hóa cầu hiền, về lòng trung quân ái quốc, về tinh thần “cúc cung tận tụy đến chết mới thôi”… mới là điều quan trọng nhất được an bài. Và để rồi từ sau khi đã cưỡi lừa vượt qua cây cầu nhỏ trước thảo lư, là mấy chục năm “chiến mã không dừng vó” để báo ơn tri ngộ của Lưu Huyền Đức, cho đến khi người ẩn sĩ Gia Cát Lượng – khóm mai gầy kiên trinh – nhắm mắt xuôi tay ở gò Ngũ Trượng.

Người đời sau có thơ rằng:

“… Ngọa Long vốn là người đại chí
Quân trong tay chia vị chính kỳ,
Nhận lời Từ Thứ khi đi,
Lều tranh ba lượt nằn nì thăm coi.
Tuổi tiên sinh mới hai mươi bảy,
Xếp cầm thư ra khỏi điền viên.
Lấy Kinh rồi lại lấy Xuyên,
Ra tay kinh tế, cán tuyền càn khôn.
Lời đầu lưỡi khua cơn sóng gió,
Mẹo trong lòng sáng tỏ trăng sao.
Rồng bay hổ dữ khác nào,
Xưa nay có một, tiếng cao muôn đời!”

Hồi Hương

Chú thích:

(1), (2) (4): Trích “Tam Quốc Diễn Nghĩa” – bản dịch của Phan Kế Bính

(3): Lời trong “Xuất sư biểu” Gia Cát Lượng tấu lên Hậu Chủ Lưu Thiện khi xuất binh ra Kỳ Sơn để Bắc phạt lần thứ nhất và thứ hai.

Bài viết sử dụng một số đoạn hội thoại (in nghiêng) và thơ trong tác phẩm “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung, bản dịch của dịch giả Phan Kế Bính.

Tin bài liên quan