Thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo: "Binh Thư Yếu Lược" luận phẩm chất của bậc làm tướng

“Cất người hiền dùng người tài, không kể ngày giờ nào mà việc đều lợi; sáng pháp luật tỏ hiệu lệnh, không phải bói toán mà được tốt lành; quý người có công, nuôi người khó nhọc, chẳng cầu đảo mà được phúc. Lại nói: thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Thánh nhân ngày xưa, cẩn thận việc người mà thôi” – Trích “Binh Thư Yếu Lược”.

1. Vị tướng duy nhất của Việt Nam để lại Binh thư

Có trời đất thì có núi sông, có dân thì có nước, nước nào có địa phận nước ấy. Bảo vệ người dân, giữ gìn giang sơn gấm vóc là bảo vệ thiên lý. Đối với nước ta, bảo vệ thiên lý có lẽ bắt đầu từ truyền thuyết Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, sau khi thắng giặc hiển Thánh bay về trời. 

Lịch sử xoay vần theo bốn mùa xuân hạ thu đông, nước có lúc thịnh lúc suy, nước suy chủ yếu là do quân vương bất tài vô đức, buông lỏng kỷ cương, đảo lộn cương thường, dẫn đến xã hội rối loạn, nhân dân lầm than cơ cực, là mầm mống chiêu mời giặc ngoài nhòm ngó giang sơn.

Khi xã hội rối loạn, nhân dân lầm than, thuận theo thiên ý sẽ xuất hiện các bậc quân vương nhân đức gánh vác sứ mệnh lập lại kỷ cương, bảo vệ giống nòi chấn hưng dân tộc, các bậc tướng tài cũng đồng thời xuất sinh hội tụ về phò giúp.

Tính từ thủa dựng nước, số tướng tài nổi tiếng ở nước ta có đến vài chục người như: Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu (đời Lý), Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư (đời Trần) và nhiều vị tướng các đời sau, nhưng chỉ có Trần Hưng Đạo để lại hệ thống tư tưởng quân sự ở Binh Thư Yếu Lược. Binh Thư Yếu Lược có thể coi là lời của bậc “Thần võ”, vì xuyên suốt tác phẩm là lấy đề cao đạo đức và nhân phẩm làm tiêu chuẩn huấn luyện binh sĩ. Có lẽ đây là một trong những lý do ông là người duy nhất trong lịch sử được dân gian gọi là Đức Thánh Trần.

2. Tiêu chuẩn của người làm tướng

Dân là gốc của nước, có dân thì mới có nước, dân muốn sinh cơ lập nghiệp thì phải dựa vào đất đai để sinh sống, canh tác, vì thế đất đai là tài sản quý giá nhất của một nước. Giữ gìn đất đai lãnh thổ chính là giữ gìn văn hóa và bảo tồn nòi giống. 

Sự phát triển của một nước không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vì thế phải có quân đội để duy trì trật tự trị an ở bên trong và đề phòng nguy cơ xâm chiếm kẻ địch từ bên ngoài. Nhiệm vụ của quân đội là để ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ người dân thoát khỏi cảnh binh đao, do đó dùng binh cũng phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ chính nghĩa.

Bàn về nguyên tắc dùng binh, Trần Hưng Đạo viết “Phàm binh không đánh thành không lỗi, không giết người không tội. Kẻ ra giết cha anh người ta, cướp của người ta, bắt con gái người ta, đó đều là trộm cướp. Cho nên binh là giết bọn bạo loạn và cấm điều bất nghĩa. Binh đến đâu thì người cày không bỏ ruộng, người buôn không bỏ hàng, sĩ đại phu không bỏ chức”.

* Nhân, Nghĩa, Trung, Tín

Binh phải do tướng chỉ huy, dẫn dắt, bàn về người làm tướng, Trần Hưng Đạo viết: “Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lý, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ, không ai địch được…”

Đây là tiêu chuẩn của tướng: đủ Nhân, Nghĩa, Trung, Tín mới đủ uy đức chấn hưng sơn hà xã tắc, mang lại thiên hạ thái bình, đủ khả năng phò vua giúp nước, bên trong thì an bang, bên ngoài thì kính nể.

Ngược lại, loại “Tướng mà che điều gian giấu điều họa, không nghĩ đến điều quần chúng chán ghét đó là tướng chỉ huy mười người”. Đây là loại tướng ngu dốt, trắng đen lẫn lộn, chính tà bất phân, thấy lợi quên nghĩa. Loại tướng này không đứng về phía quần chúng nếu trao quyền bính sẽ làm cho kỷ cương rối loạn, mất nước chỉ là sớm muộn. 

3. Tướng không lấy cung đao cưỡi bắn làm tài, mà phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi

Tướng trông coi việc phòng thủ đất nước, việc binh đao liên quan đến sinh mệnh con người nên không thể tùy tiện sử dụng. Trong suy nghĩ của những kẻ thích chiến tranh, làm tướng thì phải có công trạng nên dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ là con đường nhanh nhất. Ngược lại, những vị tướng nhân đức đặt sinh mệnh chúng sinh là ưu tiên hàng đầu: “binh là đồ hung khí, tranh nhau là việc trái đức, mà tướng là thần chết, bất đắc dĩ mới phải dùng”. 

Trần Hưng Đạo dạy “tranh nhau là việc trái đức”. Về điểm này, ông xứng là bậc “Thần võ”. Lão Tử dạy “Trời đất sở dĩ dài lâu, là vì không sống cho mình nên mới đặng trường sinh”, “người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo”, vì thế người muốn sống yên thì phải hợp với đạo trời, thuận theo quy luật, có lợi cho mọi người xung quanh. Người tranh nhau là sống cho mình, không tranh là lợi cho vạn vật nên ông tránh xa việc tranh nhau, nhưng để ngăn cản sự tranh nhau thì phải có thực lực để răn đe. Quân đội có sức mạnh răn đe lớn nhất, nếu có rối loạn xảy ra thì quân đội có khả năng lập lại trật tự nhanh nhất, vì thế dùng binh là lựa chọn cuối cùng. 

Quân đội chính nghĩa là để đề phòng và ngăn chặn chiến tranh, dùng để thảo phạt kẻ có tội. “Cung đao cưỡi bắn” chỉ dùng ở trong thời điểm nhất định nên không lấy việc giỏi các kỹ năng này làm tài. Sức mạnh bên trong của quân đội là ở tư tưởng bảo vệ chính nghĩa, binh là để trừng trị kẻ ác. Người có trình độ thì mới ban hành pháp lệnh hợp với chính đạo, thi hành quân kỷ thưởng phạt nghiêm minh, do đó tiêu chuẩn người tướng phải “phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi”. Người thông suốt cổ kim thường là những người chăm đọc sách, hiểu lẽ phải trái, lựa chọn đi con đường chính đạo, không dễ bị lời gian tà xúi giục, vì lợi quên nghĩa.

Tướng giữ vị trí trung tâm, chỉ huy ba quân, giữ tính mạng của nhiều người, đòi hỏi người làm tướng phải sáng suốt trong xử trí. Nếu người làm tướng “Coi thiện ác ngang nhau thì hiền ngu lẫn lộn, thưởng phạt rối loạn thì kỷ cương tan tành”. Người làm tướng có sứ mệnh giúp vua răn đe không để kẻ gian tà, bất trung, bất nghĩa bên trong làm loạn, đề phòng giặc bên ngoài. Do đó phải thiện ác rạch ròi, phải trái phân minh, mới phục được người từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, kẻ địch nghe tiếng mà sợ oai.

4. Trọng đãi hiền tài, pháp lệnh nghiêm minh

Người làm tướng nắm trong tay quyền lực rất lớn, tướng càng cao quyền càng lớn, đôi khi lấn át cả vua. Quyền lớn không đi liền với đức độ thì dễ loạn, quân loạn thì nước nguy, vì thế làm tướng có tám điều tệ cần tránh là: (1) lòng tham không chán; (2) ghen người hiền, ghét người tài; (3) tin lời gièm, ưa lời nịnh; (4) Xét người không xét mình; (5) do dự không quả quyết; (6) say đắm rượu và sắc đẹp; (7) thích xảo trá mà lòng nhút nhát; (8) nói dối mà không theo lễ. Tám điều tệ của người làm tướng là quy chuẩn để cả thiên hạ dựa vào mà phân biệt thật giả, hiền ngu. Nội hàm có nhiều tầng ý nghĩa.

Thứ nhất, là người thì đều bị các ham muốn, dục vọng dẫn động, nếu không có điểm dừng dễ làm ra các việc bất chính. Đối với người làm tướng, khi nắm quyền để thỏa mãn các dục vọng cá nhân thì dễ hơn người bình thường, do đó phải có sự kiểm soát ham muốn quá mức bên trong thì phải có tiêu chuẩn đạo đức ước thúc bên ngoài, phải có luật để chế ước các hành vi lạm quyền. Tám điều tệ chính là ranh giới ước thúc người làm tướng không được bước qua. 

Thứ hai, vua phải có tướng phò giúp, tám điều tệ là tiêu chuẩn để quyết định cất nhắc người tướng tài đức để trao quyền, làm căn cứ để quyết định thu hồi khi những vị tướng dưới quyền phạm vào tám điều tệ. 

Thứ ba, là thước đo để ba quân, người dân nhìn nhận về vị tướng của mình, từ đó có lời can gián cho đúng, nếu không tự quy chính thì có thể tố lên các cấp cao hơn xử lý theo pháp. 

Thứ tư, là tiêu chuẩn để hậu thế đàm luận công lao, đóng góp của một người tướng, phân biệt hiền tướng hay ngu tướng để tôn vinh cho đúng.

Tướng chỉ huy ba quân, bên dưới có các cấp trung gian giúp quản lý và huấn luyện binh lính nên phải có nguyên tắc cất nhắc bổ nhiệm người dưới quyền: “Cất người hiền dùng người tài, không kể ngày giờ nào mà việc đều lợi; sáng pháp luật tỏ hiệu lệnh, không phải bói toán mà được tốt lành; quý người có công, nuôi người khó nhọc, chẳng cầu đảo mà được phúc. Lại nói: thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Thánh nhân ngày xưa, cẩn thận việc người mà thôi”. 

Nước yên hay nguy có quan hệ ở một người tướng, ông chia làm hai loại: “Ở trong bốn cõi, những việc của trăm họ do tướng văn chịu trách nhiệm; ở ngoài bốn cõi, những việc của nước địch do tướng võ chịu trách nhiệm. Tục ngữ nói: Tướng võ tướng văn sáng suốt thì nước nhà không có việc binh”. 

Nội hàm xuyên suốt của Binh Thư Yếu Lược là lấy đề cao đạo đức và nhân phẩm làm tiêu chuẩn để xây dựng quân đội theo giá trị truyền thống “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Trung, Dũng, Liêm”. Điểm này cho thấy Binh Thư Yếu Lược là sự hội tụ của Nho gia làm tiêu chuẩn đạo đức để đào tạo binh lính và Đạo gia trong mưu lược dùng binh. Lịch sử thế giới có thể sẽ viết lại qua hai câu đối hậu thế dành cho Trần Hưng Đạo:

Nguyên văn tiếng Trung của câu đối là:

地 轉 我 種 越 居 北 方, 歐 洲 境 內 無 蒙 騎 樅 橫 千 萬 里
天 生 此 良 材 於 宋 室, 中 國 史 前 免 元 朝 都 護 一 百 年

Dịch Hán Việt là:

Địa chuyển ngã chủng Việt cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý.

Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên Triều đô hộ nhất bách niên.

Diễn nghĩa là:

Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm.

Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm.

Câu đối khái quát tầm vóc, công trạng của bậc “Thần võ”, ba lần cùng quan quân nhà Trần lãnh đạo người Việt đánh bại quân Nguyên – Mông, điều mà cả châu Âu và Trung Quốc không ai làm được.

Tĩnh Văn.

Tin bài liên quan