Thuật nhìn người của cổ nhân: Là quân tử hay tiểu nhân, nhìn thái độ đối đãi ba người này là biết

Trên đời không có người quân tử bất biến, cũng không có kẻ tiểu nhân cố định. Hôm nay có thể quang minh chính đại thì là quân tử, ngày mai tối mắt vì lợi thì là tiểu nhân; hôm nay nguyện ý xả thân vì người thì là quân tử; ngày mai lại vì mình mà không từ thủ đoạn thì là tiểu nhân.

Từ đây có thể thấy, tiêu chí để phân biệt quân tử và tiểu nhân phụ thuộc vào lời nói và hành vi của người đó có hợp tình hợp lý hay không; chứ không phải nhìn nhận một cách hời hợt rằng ai trông có vẻ hung hiểm, gian trá thì đó chính là kẻ tiểu nhân; người nào đứng ngồi nghiêm chỉnh, ngũ quan đoan chính thì đó chính là người quân tử.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân nói: “Lấy đồng làm gương soi có thể sửa y phục cho ngay ngắn; lấy lịch sử làm gương soi có thể biết sự hưng vong của một triều đại; lấy người làm gương soi có thể biết là được hay mất”. Kỳ thực, khi nhìn nhận con người, chúng ta cũng có thể dùng phương pháp “lấy người làm gương”, tức là thông qua thái độ của một người đối đãi với người khác, mà có thể đánh giá phẩm chất cao thấp của một người.

Nhân phẩm của một người thế nào, là quân tử hay là tiểu nhân, chỉ cần nhìn xem thái độ của anh ta đối đãi với 3 loại người này, nhìn một cái là rõ ngay!

1. Thái độ đối đãi với “kẻ yếu”

“Tăng Quảng Hiền Văn” có nói: “Vẽ hổ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng”, chính là nói con người rất giỏi ngụy trang. Có những người trước mặt người quen cư xử rất có văn hóa, có học thức, ngụy trang rất khéo. Tuy nhiên, khi đối mặt với “kẻ yếu”, thì không biết cảm giác tự cao tự đại từ đâu đến, khiến bản chất của họ vô tình bị phơi bày hoàn toàn.

Thái độ của một người đối với kẻ yếu phản ánh sự giáo dưỡng thật sự của chính  anh ta. Ví như nói, một người khi nói chuyện với nhân viên phục vụ, nhân viên bảo vệ, tiểu thương mà biết tôn trọng người khác, hòa nhã thì có nghĩa là người này có giáo dưỡng cao, nhân phẩm tốt, là người quân tử; ngược lại nếu một người vênh mặt hất hàm đối với kẻ yếu thuộc tầng thấp của xã hội, tự cho rằng mình cao cao tại thượng mà coi thường người khác, điều đó chứng tỏ giáo dưỡng và nhân phẩm của người này đều thấp kém, thuộc loại “tiểu nhân”.

2. Thái độ đối với người quyền quý

Mạnh Tử nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, tức là giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không chịu khuất phục, đây mới gọi là đại trượng phu. Đúng vậy, khí tiết của một người như thế nào có thể được nhìn thấy rõ nhất từ ​​thái độ của anh ta đối với kẻ quyền thế: không kiêu ngạo không siểm nịnh, ấy là người quân tử; khom lưng uốn gối, a dua nịnh nọt, đó rõ ràng là kẻ tiểu nhân.

Trong “Thái Căn Đàm” có nói: Những kẻ thích chạy theo cơm ngon áo đẹp, đa số họ đều sẵn sàng quỳ gối làm nô lệ. Ngược lại, những người giữ vững tiết tháo băng thanh ngọc  khiết, vui lòng với cuộc sống thanh bần, thì sẽ không chịu hạ mình để lấy lòng người khác. Người quân tử giữ vững khuôn phép đạo đức, tuy nhất thời cô độc, nhưng phẩm hạnh đoan chính, một đời không thẹn với lòng, được người đời kính trọng; kẻ tiểu nhân cậy thế cậy quyền, tuy nhất thời được lợi, nhưng tiết tháo mất sạch, chết rồi chẳng ai thương tiếc.

Khi Tô Tần còn nghèo túng, cha mẹ và anh trai đều không ngó ngàng gì đến ông, chị dâu thấy ông cũng coi như không quen biết, vợ ông cũng không làm cơm nấu nước cho ông. Về sau, Tô Tần du thuyết chư hầu, thành lập Liên minh hợp tung, và cũng đeo ấn quan của sáu nước, khi áo gấm về làng, xe ngựa chở đầy hành lý, cha mẹ, anh trai, chị dâu và vợ của ông quỳ mọp trên mặt đất không dám ngẩng đầu nhìn ông.

Tô Tần hỏi chị dâu: “Ngày trước, thái độ của chị rất kiêu ngạo, còn hôm nay sao lại cung kính như vậy?”. Chị dâu ông trả lời: “Bởi vì bây giờ chú có địa vị cao và có rất nhiều tiền!”. Từ vụ việc này ta có thể nhìn ra, chị dâu của Tô Tần chính là mẫu hình tiểu nhân khom lưng uốn gối trước người quyền quý.

3. Thái độ đối với cha mẹ

Tục ngữ có câu: “Trăm thiện hiếu đứng nhất, vạn ác dâm đứng đầu”, làm người không thể quên nguồn cội, làm người phải biết đền ơn đáp nghĩa. Cha mẹ sinh ra ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn, ân đức này lớn hơn cả trời biển, cũng cần chúng ta dùng cả một đời để báo đáp. Trong giới tự nhiên đều có “Dê con quỳ bú còn biết hiếu, Quạ hiền mớm nuôi hiếu mẹ cha”, huống chi chúng ta là con người có máu có thịt thì càng phải biết cảm ân cha mẹ hơn!

Một người không biết hiếu thuận với cha mẹ, chỉ biết một mực đòi hỏi, lại còn cho rằng tất cả đều là tự nhiên; nếu cha mẹ không thể thỏa mãn yêu cầu của mình, thì tùy ý quát mắng, hờn dỗi cha mẹ, hoàn toàn không biết tôn trọng bề trên; loại người này chính là làm người đã quên mất gốc rễ, là kẻ tiểu nhân vô ơn bạc nghĩa.

Một người thường luôn ôm giữ tâm thái biết ơn cha mẹ, sợ cha mẹ vất vả, luôn quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cha mẹ; cố gắng làm được cảnh giới hiếu thảo cao nhất như Khổng Tử đã nói – đối đãi với cha mẹ vẻ mặt lúc nào cũng vui vẻ ôn hòa, loại người này là người quân tử biết cảm ân.

Kết luận: Lấy người làm gương soi thì có thể biết rõ được và mất; lấy người làm gương soi thì cũng có thể đánh giá nhân phẩm và giáo dưỡng của một người là cao hay thấp. Từ thái độ của một người đối với ba loại người này, thông qua chi tiết để nhất biết một người, là quân tử hay tiểu nhân, chỉ cần nhìn cái là biết ngay!

Vũ Dương.

Tin bài liên quan