Người xưa rất tin vào số mệnh, họ thường giảng rằng: “Sống chết có số, phú quý do Trời”, hoặc như “Một miếng ăn, một hớp nước, chẳng gì là không định sẵn” (Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định). Thuyết thiên mệnh, thuật bói toán, những lời tiên tri của các bậc cao nhân là những minh chứng sống động nhất, nếu vận mệnh không phải đã được định sẵn, thì tại sao lại có thể được tiên đoán một cách chuẩn xác đến như vậy? Bởi vì cuộc đời mỗi người, sinh lão bệnh tử đều đã được định mệnh từ trước. Vậy nên, những cao nhân, những người có công năng có thể trực tiếp nhìn thấy tất cả.
Người xưa tin tưởng sâu sắc rằng rất nhiều chuyện hệ trọng trong cuộc đời là do Trời Đất định đoạt, là vận mệnh, Thiên mệnh định sẵn. Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều chuyện xảy ra vượt quá tầm kiểm soát và dự đoán của con người.
Thông thường, khi xuất hiện kết quả không như ý nguyện, đa số người ta cho rằng đó là “ngẫu nhiên”. Nhưng đôi khi chúng ta thật sự phát hiện ra rằng: “Trên đời này dường như không có chuyện gì là ngẫu nhiên cả, mọi thứ tất có nhân quả, điều gì trong mệnh đã được định là có thì nó sẽ đến, còn như trong mệnh không có, dù có cưỡng cầu cũng cầu không được, nếu vì quá chấp trước truy cầu mà làm điều xấu thì tất sẽ bị báo ứng”. Trong lịch sử có ghi lại rất nhiều những trường hợp như vậy, dưới đây xin giới thiệu với mọi người một vài câu chuyện:
Trương Điền là người Đan Dương (nay thuộc tỉnh Giang Tô phía nam) sống vào thời nhà Thanh, giỏi xem tướng số và có thể đoán được kỳ hạn chết của con người. Một hôm, Trương Điền đang nói chuyện với khách thì đứa trẻ nhà hàng xóm đến trả tiền đã nợ. Trương Điền không nhận tiền, mà bảo cậu ta mau mau về nhà đi.
Sau khi đứa trẻ rời đi, vị khách nghi ngờ hỏi Trương Điền đã xảy ra chuyện gì? Trương Điền nói: “Đứa trẻ này sắp chết rồi”, ông lại phán thêm câu: “Nó không thể đi quá miếu Thái Úy”. Quả nhiên con trai của người hàng xóm đi đến miếu Thái Úy thật sự đã ngã xuống đất và chết.
Không chỉ vậy, Trương Điền cũng nói ra thời điểm tử vong của con trai mình. Ông có một người con trai làm nghề mua bán và kinh doanh, có lần chuẩn bị qua sông mua hàng. Ngày khởi hành này, Trương Điền đã chuẩn bị rượu thịt để tiễn con trai mình. Khi đó, vợ Trương Điền thấy rượu thịt trên bàn thịnh soạn hơn trước rất nhiều thì không khỏi đau lòng.
Biết vợ nghi ngờ, Trương Điền nói với vợ rằng: “Con mình đi chuyến này sẽ rơi xuống nước và chết. Ân tình một kiếp cha con, làm sao có thể không từ biệt đây?”.
Người vợ lo lắng nói: “Vậy tại sao anh không ngăn nó lại?”.
Trương Điền nói: “Đây là số kiếp của nó, sao có thể trốn thoát được đây?”.
Người vợ nghe xong rất lo lắng, sao có thể thấy con trai mình chết mà làm ngơ được, bà lập tức ngăn cản con trai không cho ra ngoài làm ăn. Mấy ngày sau, người con trai bất ngờ sảy chân lộn đầu xuống vại nước lớn và chết đuối. Trong mệnh đã định anh ta phải chết trong nước, nước sông đổi thành nước trong vại, tai họa khó tránh khỏi, đời người có định số, làm sao có thể kéo dài thông qua ý muốn con người được đây?
Trong cuốn “Triều Dã Thiêm Tải” có ghi chép lại một câu chuyện như sau:
Ngụy Trưng là một vị quan can gián Hoàng đế nổi tiếng, góp phần vào sự thịnh vượng của những năm Trinh Quán thời hoàng đế Đường Thái Tông.
Khi Ngụy Trưng còn nhậm chức Bộc xạ (chức vị ngang với Tể tướng), có hai người làm việc dưới quyền của ông. Một lần, Ngụy Trưng thấy hai người này đang đứng ở dưới cửa sổ và nói chuyện với nhau.
Nguỵ Trưng là vị quan can gián Hoàng đế nổi tiếng (ảnh: Sohu).
Một người trong họ nói rằng: “Chức sắc của chúng ta đều là do lão tiên sinh ấy quyết định cả đấy!”.
Người kia phản bác lại rằng: “Không đúng! Là do ông Trời quyết định mới đúng”.
Ngụy Trưng nghe vậy, trong đầu khởi một niệm. Thế là, ngày hôm sau, Nguỵ Trưng nảy ra ý định kỳ lạ. Ông viết một phong thư rồi sai người mà tin rằng mệnh của mình là do “lão tiên sinh ấy (ý chỉ Ngụy Trưng) quyết định” đưa đến phủ Thị lang. Nội dung trong lá thư này là: “Ban tặng cho người mang lá thư này một chức quan tốt”.
Người này không biết trong lá thư viết gì, ngay sau khi ông ta bước ra khỏi cửa thì cảm thấy bị đau ngực, vì vậy ông tìm người còn lại, nhờ mang lá thư đi hộ. Ngày hôm sau, người tin vào số Trời định đã được ban cho một chức quan tốt.
Khi Nguỵ Trưng biết về sự việc này, ông không khỏi cảm thán mà thốt lên rằng: “Chức sắc, bổng lộc của một người quả thực là do Trời định”.
Trong “Thái bình nghiễm ký” cuốn 146 có ghi chép một câu chuyện về tể tướng nhà Đường là Địch Nhân Kiệt như thế này:
Địch Nhân Kiệt là tể tướng nổi danh thời nhà Đường. Một lần Địch Nhân Kiệt bị giáng hạ chức và phải rời khỏi kinh thành. Lúc ông đi qua Biện Châu, Khai Phong thì muốn ở lại nửa ngày để trị bệnh. Thế nhưng, huyện lệnh của Khai Phong là Hoắc Hiến lại nhất quyết không đồng ý cho ông ở lại, mà yêu cầu Địch Nhân Kiệt phải ra khỏi địa phận trong ngày. Địch Nhân Kiệt không có cách nào khác đành phải rời đi, cảm thấy rất giận vị huyện lệnh này.
Chẳng bao lâu sau, Địch Nhân Kiệt lại quay trở về làm tể tướng. Lúc này, Hoắc Hiến cũng đã làm đến chức Lang trung. Địch Nhân Kiệt luôn nhớ chuyện cũ, canh cánh trong lòng.
Võ Tắc Thiên bấy giờ lệnh cho Địch Nhân Kiệt lựa chọn người làm chức Ngự sử trung thừa. Nhiệm vụ của chức quan này là duy trì trật tự của quan lại trong triều nên có quyền hành rất lớn. Võ Tắc Thiên đã từng hai lần hạ đạt chỉ lệnh nhưng Địch Nhân Kiệt mặc dù đã nhận lệnh mà vẫn chưa làm.
Mấy ngày sau, Võ Tắc Thiên hỏi lại Địch Nhân Kiệt về chuyện này. Bởi vì bất ngờ chưa chuẩn bị nên Địch Nhân Kiệt rơi vào thế luống cuống. Hơn nữa thường ngày ông cứ canh cánh trong lòng chuyện Hoắc Hiến nên trong bất giác, Địch Nhân Kiệt thuận miệng tấu: “Hoắc Hiến là người có thể”. Cuối cùng, Võ Tắc Thiên đã cho Hoắc Hiến làm Ngự sử trung thừa.
Về sau Địch Nhân Kiệt thấy Hoắc Hiến thực sự xứng đáng với chức vị ấy, liền cảm khái nói với Hoắc Hiến: “Ta trước đây oán hận ông, nhưng lại trong bất tri bất giác mà tiến cử ông. Thế mới biết đều là Thiên mệnh, con người có thể làm chủ được đâu?”.
Qua câu chuyện có thể thấy rằng, không chỉ số mệnh sống chết mà ngay cả chức sắc, bổng lộc mà một người được nhận trong đời cũng là đã được định sẵn từ trước! Vậy thì chúng ta tranh tranh đấu đấu để làm gì? Nhiều người còn vì tranh vì đấu mà hao tổn tâm sức, ăn không ngon ngủ không yên, mệt mỏi thân tâm, một chút thanh thản bình yên trong tâm cũng không có được. Cả đời tranh đấu ngược xuôi, cuối cùng cũng chỉ để hiểu rằng, danh lợi là thứ phù du hư ảo.
Kẻ giác ngộ biết mệnh số do Trời chỉ chuyên tâm sống sao cho đúng Đạo, cái gì của mình sẽ là của mình, cái gì không phải của mình thì muốn cũng chẳng được. “Đạo Đức Kinh” có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, đạo Trời không nể tình riêng nhưng thường giúp đỡ người lương thiện. Sống thuận theo Thiên lý, tu tâm hướng thiện chẳng phải là lựa chọn của bậc trí giả, của người giác ngộ hiểu thấu lẽ đời hay sao?
Vũ Dương.