Tướng tự tâm sinh: 'Ngũ quan hài hòa, thấy ngay vận hạn', thực ra ý nghĩa vô cùng sâu xa

Tướng tự tâm sinh: 'Ngũ quan hài hòa, thấy ngay vận hạn', thực ra ý nghĩa vô cùng sâu xa

Thuật xem tướng số, xem tướng mặt của người Á Đông, còn gọi là nhân tướng học đã có lịch sử hàng ngàn năm. Nó cũng là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của thuật Âm Dương – Ngũ Hành, có thể xét đoán số mệnh sang hèn, sướng khổ của đời người. Sự chính xác và khoa học của nhân diện học khiến nó được đông đảo công chúng mến mộ, quan tâm,...

Thế nhưng cổ nhân từng thấm nhuần một nền văn hóa Thần truyền sâu dày hàng mấy nghìn năm, vốn không coi trọng tiền tài, cớ sao để lại cho hậu thế một môn học chuyên dùng để dự đoán giàu nghèo sang hèn, thoạt nghe chẳng có vẻ gì cao quý như vậy? Rốt cuộc thì giá trị căn bản của nhân tướng học là gì? 

Người viết kiến thức có hạn, mong muốn trong khuôn khổ bài viết ngắn này mang lại cho độc giả một góc nhìn khác hơn về những di sản của tiền nhân. Nếu ai chỉ muốn dùng nhân tướng học để kiếm tiền hay chăm chăm muốn xem vận mệnh mình giàu sang hay nghèo khó ra sao thì xin hãy nghĩ lại. Vì bài viết này muốn đem lại cho quý vị nhiều hơn thế nữa. 

Đầu tiên, xin tặng quý vị một chữ “Tâm” và bài thơ này để có thể lĩnh hội các phần sau dễ dàng hơn:

Hữu tâm vô tướng
Tướng tự tâm sinh
Hữu tướng vô tâm
Tướng tùng tâm diệt.

Dịch nghĩa

Có tâm không có tướng. Tướng từ tâm sinh ra. Có tướng mà không có tâm. Tướng theo tâm mà diệt mất. 

Cũng muốn tặng quý độc giả thêm một chữ nữa, là chữ “Cải” (tức là thay đổi). Vì tất cả các môn đạo thuật lý số (kể cả tướng thuật, thuật tướng số) vốn không phải dùng để kiếm tiền hay coi biết vận hạn tốt xấu mà chính là để lại những bài học, qua đó con người có thể cải đổi một phần số mệnh của mình thông qua cải biến tâm tính, tu thân dưỡng đức, hành thiện.

***

Thuật xem tướng người cổ xưa trong đó xem tướng mặt chia mặt con người từ trên xuống thành 3 phần gọi là: Thượng Đình (từ trán xuống đến chân mày); Trung Đình (từ chân mày xuống đầu mũi) và Hạ Đình (dưới đầu mũi xuống miệng và cằm). Ba phần này tượng trưng cho thuyết “Tam tài” thời xưa, trong đó có: Trời (Thượng Đình), Đất (Hạ Đình) và Người (Trung Đình).

Tại sao trên mặt người lại có Trời, Đất và Người? Chính vì quan niệm của người xưa xem con người là một tiểu vũ trụ nên gương mặt cũng phải phản ánh sự liên kết của nó đến vũ trụ xung quanh. Con người không thể tồn tại một mình, đơn độc lẻ loi được.

Nói một cách khác, con người sống trong vũ trụ thì phải hòa hợp với Đạo của vũ trụ, phải “thuận thiên hành sự” (theo lẽ trời mà hành xử) nếu không sẽ không xứng là người. Ngay từ cách gọi tên các bộ vị trên khuôn mặt, cổ nhân đã giảng cho chúng ta một bài học làm người sâu sắc. 

Thượng Đình chủ Tâm, tâm an thì mệnh lành

Có câu: “Thiên đình cao tủng, thiếu niên phú quý khả kỳ”, nghĩa là: Trán cao rộng, có thể trông chờ phú quý từ lúc thiếu niên. Người xưa rất tôn trọng Trời, đấng tự nhiên tối cao linh thiêng và ban phúc cho con người. Phần cao đẹp nhất trên gương mặt chính là phải tượng trưng cho Trời. Trời ban cho người ta phúc lộc cũng như quan vận, nên vầng trán tượng trưng cho quan vận và địa vị. 

Vì vậy, tướng trán đẹp phải giống như bầu trời trong xanh, tròn trịa và cao vút, sáng sủa, không gợn chút mây. Trán của người nào cao rộng, tròn đầy, không sẹo, nhẵn mịn và sáng đẹp thì được coi là trán tốt, tượng trưng cho quan vận hanh thông cũng như trí tuệ sâu xa. Hầu như tất cả những người đẹp tướng và thành công đều có tướng trán rất đẹp.

Người ta cũng quan sát thấy rằng hầu hết những người nổi tiếng, doanh nhân thành công, hoàng gia, quý tộc cũng như vua chúa đều có trán tròn đầy, sáng sủa, đại diện cho tài vận hanh thông cũng như một cuộc đời hạnh phúc. 

Nhưng ý nghĩa của trán không chỉ vậy, trán tượng trưng cho trời hay công danh còn có một tầng ý nghĩa sâu xa hơn, chính là thuyết “Thiên mệnh”. Theo đó, con người ta sinh ra đều đã có số mệnh được Trời định sẵn. Vầng trán chính là “tiên thiên” của mỗi người. “Tiên thiên” là những gì người ta thừa hưởng từ cuộc sống kiếp trước, là thứ trời ban cho chúng ta do hành thiện, tích đức hay những gì ta phải gánh chịu do hành ác.

Vì thế, con người ta sinh ra là khác biệt, có giàu, có nghèo, có khôn, có dại. Nhìn vầng trán, ta có thể thấy thiện quả hay ác báo của mỗi cá nhân. Những người có thiện quả chính là có trí huệ tròn đầy, thông minh phúc hậu, địa vị cao sang, may mắn thuận lợi trong đời.

Bài học đầu tiên của nhân diện học thật ra chính là nói đến việc con người cần biết hướng thiện, làm lành tránh dữ. Bởi ngay khi nhìn vầng trán của một người là đã có thể thấy được tiền nhân và hậu quả từ đời trước. Nhân diện học cũng khuyên người ta sống thuận theo lẽ trời, thiên Đạo. Đó mới là con đường làm người đúng đắn nhất.

Trước 30 tuổi, muốn có được hậu vận tốt đẹp thì người ta phải biết hành xử theo lẽ Trời. Nhưng học theo lẽ Trời cụ thể là gì? Ông Trời cũng có nhiều đức tính và đặc điểm mà bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy, đó là:

Vị tha và vô tư:

Trời không chấp nhặt lỗi của bất kỳ ai. Nghìn năm qua có biết bao nhiêu người ngửa mặt lên trời mà than trách nhưng không hề thấy khi nào ông Trời vì giận người ca thán mà trừng phạt nhân loại, đem đến tai ương, thiên tai, nhân họa. Trời đối với vạn vật là chí công vô tư, không hề thiên vị. Vạn vật trong trời đất này đều được chi phối bằng những định luật vĩnh cửu, bởi vậy mới trường tồn.

Mùa xuân vạn vật sinh sôi, hoa cỏ đua tươi, khí hậu đầm ấm, lúc ấy không phải là trời đất có lòng thương hơn. Mùa đông khi sương sa tuyết phủ, lá rụng hoa rơi, mưa phùn gió bấc, khi ấy cũng chẳng phải là trời đất mang dạ oán hờn. Tất cả đều chính là do chu kỳ biến dịch của thiên tượng mà đã tạo nên những hình thái như vậy. 

Vô dục vô cầu:

Chính là làm mà không kể công, không cần ai biết. Khổng Tử nói: “Thiên hà ngôn tai, vạn vật sinh yên, tứ thời hành yên” (nghĩa là: Trời có nói gì đâu mà vạn vật sinh trưởng yên bình, bốn mùa xoay vần yên bình). Trời hóa dục sinh ra vạn vật và bốn mùa xoay vần trong yên lặng mà không kể công, không cần ai biết. Trời làm tất cả điều đó vì quy luật phải thế, là lẽ cần phải thế chứ không phải vì lời khen chê của bất cứ ai.

Cống hiến một cách im lặng, cho đi mà đừng cầu nhận lại điều gì, cực khổ mà không oán thán, vui vẻ làm dẫu có thiệt thòi bản thân, chính là lối sống mà người ta phải nên hướng đến. Nếu làm được điều này, đoán chắc rằng người ta sẽ đạt được nhiều điều kỳ diệu, đạt đến những cảnh giới cao thâm hơn, hạnh phúc hơn trong đời. Điều đó cũng chính là điều căn bản của tướng thuật mà ít người quan tâm đến. 

Dẫu cho Thượng Đình (vầng trán) của bạn có đẹp xấu ra sao thì phương cách đúng đắn nhất để có một cuộc sống hạnh phúc thật sự trong tương lai chỉ có một, chính là sống Thiện, thuận theo lẽ Trời.

Mắt hiển thần quang, lo gì họa phúc

Ngay bên dưới vầng trán cao, đôi mắt chính là điều khiến chúng ta chú ý nhất khi nhìn nhận tướng mạo một người. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Chúng tiết lộ trí tuệ, sự cao thượng, phẩm chất lãnh đạo và sức sống của bạn. Vì sao đôi mắt lại tiết lộ nhiều điều như vậy?

Trước hết, xin nói sơ qua về phần Trung Đình trên gương mặt. Phần này tượng trưng cho con người sống trong vũ trụ, giữa trời và đất. Nó cũng đại diện cho vận mệnh của con người trong khoảng từ 30 tuổi cho đến khi về hưu, tức là trong những năm xây dựng sự nghiệp, những năm tháng quyết định đời người. Trung Đình cũng có ngũ quan: mắt, mũi, miệng, tai và lông mày, chính là tượng trưng cho Ngũ hành, cũng là biểu hiện cho các đức tính của con người. 

Quan trọng nhất trong Trung Đình chính là đôi mắt, còn gọi là Giám Sát quan. Mắt có thể nói là bộ phận quan trọng nhất trong nhân tướng học, có vị trí đặc biệt hơn tất cả các bộ phận khác. Bởi đây chính là cơ quan duy nhất thể hiện được nội tâm của con người, thể hiện được cái thần của một cá nhân.

Cái thần chính là thần thái, phong thái, là điều chân chính nhất, đặc điểm cơ bản nhất thể hiện rõ bản chất một cá nhân. Do đó nói rằng, thần có thể quyết định vận mệnh của người ta. Bạn thử nói xem nó có quan trọng hay không? Tất cả các loại tướng khác có thể giả được nhưng “Nhãn thần” (thần thái của ánh mắt) thì không. Bản chất người ta thế nào chỉ cần nhìn ánh mắt là đã nói lên tất cả. 

Kể cả bạn có một tướng mạo xấu xí đến thế nào mà sở hữu một đôi mắt đẹp, một nhãn thần uy lực, đẹp đẽ, trong sáng, hiền lành thì chắc chắn số mệnh của bạn cũng không hề tầm thường. 

Nhãn thần tốt chính là phản ánh một người có tinh thần mạnh mẽ, có đạo đức và lối sống cư xử tốt đẹp với mọi người xung quanh.

Tư duy và cách sống của những người này cũng luôn hợp với lẽ Trời. Trời cũng sẽ ban cho họ một trí tuệ rất sáng suốt, chân thành, tạo được thiện cảm cũng như tin tưởng với những người xung quanh. Bạn nghĩ xem người như vậy có phải chịu một cuộc đời bất hạnh hay không? 

Ngũ quan hài hòa, thấy ngay vận hạn

Phần trên người viết đã trình bày 2 bộ phận quan trọng nhất trong tướng diện học. Tuy nhiên để nhìn xem người đó có vận mệnh như thế nào về sau, ngoại trừ quan sát thần và khí của Mắt và Thượng Đình (rất khó và đòi hỏi trình độ cao) thì quý vị cũng có thể dùng cách quan sát phổ biến sau đây để có thể đưa ra một số phán đoán chính xác.

Cách quan sát này thì lại chia gương mặt thành “Tứ Độc” và “Ngũ Nhạc”. Tứ Độc là 4 con sông lớn gồm có: Mắt, mũi, tai, miệng. Ngũ Nhạc là 5 quả núi lớn gồm có: Cằm, trán, 2 gò má và mũi. Cách chia này nhìn gương mặt giống một mảnh đất đẹp có núi, có sông rất nên thơ hữu tình.

Xem phong thủy hay tướng mặt là cùng một thuật loại, chỉ là áp dụng với các đối tượng khác nhau mà thôi. Thực ra, chúng có cùng một bản chất, đều là xuất phát từ thuyết Âm Dương và Ngũ Hành vậy. 

Ngũ Nhạc thuộc Ngũ Hành tượng trưng cho phần Âm trong khi đó Tứ Độc vốn luôn vận động tượng trưng cho Dương. Tuy là hai mặt nhưng chúng luôn tương hỗ nhau. Triết học của người xưa rất coi trọng chữ “Hòa” trong “Nhân hòa”. Âm Dương hài hòa mới đạt đến cảnh giới của Đạo, tướng mặt con người Tứ Độc và Ngũ Nhạc cũng phải hài hòa. Vấn đề không phải là to hay nhỏ, khuyết hãm hay tròn đầy mà là hài hòa.

Mũi tượng trưng cho tiền tài, đối với phụ nữ còn tượng trưng cho người chồng. Nếu mũi thô ngắn, hếch hay cánh mũi hẹp, xương mũi nhỏ yếu thì có thể biết rằng người này sẽ phải lấy một người chồng tầm thường, tiền bạc cũng bấp bênh. Nhưng nếu mũi quá to, nẩy nở mà các bộ vị khác như lưỡng quyền (gò má), cằm lại khuyết hãm và thấp (đặc biệt là đàn ông) thì người này có tham vọng về địa vị tiền tài rất lớn nhưng không đủ năng lực (các bộ vị khác khuyết hãm) và chỉ có thể bất đắc chí cả đời. 

Vậy chúng ta nên làm sao, đâu phải ai cũng có ngũ nhạc cân đối hài hòa? Quý vị xin hãy nhớ lại 2 chữ ở phần đầu bài viết mà người viết đã hứu ý đưa vào là “Tâm” và “Cải”.

Con người là anh linh vạn vật nên duy nhất con người có khả năng tu luyện, sửa đổi chính mình. Bí quyết thay đổi vận mệnh không ngoài việc phải tu tâm dưỡng tính, phản bổn quy chân, rũ bỏ tâm phàm.

Bí quyết thay đổi vận mệnh không ngoài việc phải tu tâm dưỡng tính, phản bổn quy chân, rũ bỏ tâm phàm.

Quay trở lại ví dụ trên, nếu một người có mũi quá to và ngũ quan khuyết hãm, chính là cái tâm và dục vọng tiền tài của anh ta quá lớn, đánh giá bản thân quá cao nhưng năng lực thực tế lại không được như vậy. Cách duy nhất để người này thay đổi hoàn cảnh chính là bỏ cái tâm tiền tài xuống, bỏ sự tự mãn bản thân đi. Nếu được như thế, vận mệnh sẽ lại hanh thông, hạnh phúc sẽ lại đủ đầy. Cổ nhân dạy người đơn giản là như vậy. 

Lấy một ví dụ nữa là tướng miệng. Nếu tướng miệng không đẹp thì sửa thế nào? Chính là cũng phải sửa tâm mình, sống ngay chính và tu khẩu, nói lời khiêm tốn, hòa ái và không gây lời thị phi, lời ác độc. 

* Thay lời kết

Người xưa trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, để lại một kho tàng trí tuệ và văn hóa vô giá cho hậu thế. Nhân tướng học cũng là một loại tinh hoa văn hóa như thế. Tinh hoa ấy há lại có thể đem dùng làm cần câu cơm hay phương tiện phát tài, sống khỏe hay sao?

Cổ nhân chính là mong mỏi hậu thế dùng đạo thuật của mình để nhìn ra vận mệnh tốt xấu, rồi chọn cách sống phù hợp nhất để không gây thêm nghiệp báo, để bản thân tìm được chân phúc mà con cháu đời sau cũng không phải gánh thêm hậu quả.

Điểm cốt yếu của nhân tướng học không phải là làm lành tránh dữ mà chính là sống hợp lẽ Trời. Không cần đặt nặng chuyện lành dữ, trời cao sẽ tự có an bài. Từ trong tận cùng đau khổ mà có thể nhẫn nại vượt qua không oán thán, vén mây đen nhìn thấy mặt trời. Lúc ở trên đỉnh cao sự nghiệp mà không phóng túng, cần kiệm liêm khiết, ức chế dục vọng cá nhân và tích đức cho bản thân. Đó mới chính là giá trị chân chính của nhân tướng học vậy.

Trăm năm đời người như bóng câu lướt qua cửa sổ, hãy tự nhìn lại bản thân và tìm ra lời giải cho mình. Thay vì chạy theo danh lợi vốn chỉ là mây gió thoảng qua, hãy sống một đời thiện lành, an nhiên.

Thực là: 

Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng
Xuân cõi còn dư một tiếng chim.

(Sơn phòng mạn hứng – Trần Nhân Tông)

* Thông tin chỉ mang tính tham khảo.

Tĩnh Thủy.

Tin bài liên quan