Đại đa số người xưa đều tin vào số phận, nhưng người ngày nay thì lại không như vậy, họ nghĩ rằng những thứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường, hay không được khoa học xác thực đều không tồn tại. Nhưng trong vũ trụ bao la rộng lớn này, còn biết bao nhiêu bí ẩn mà con người không thể hiểu được?
Cuộc đời của một người giàu có nhiều hay ít, từ trong tối tăm đã sớm có định số rồi, sự nỗ lực phấn đấu trong cuộc đời này chỉ có thể thay đổi một phần rất rất nhỏ mà thôi, và điều này được gọi là “phú quý do trời”. Nếu trong đời nhất định sẽ có, thì tại sao phải cưỡng cầu làm gì? Nếu trong đời không có, thì cưỡng cầu cũng không có ích chi, có muốn thay đổi số phận cũng rất khó.
Phật giáo nhấn mạnh nhân quả ba đời – kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, sự luân hồi chuyển thế xảy ra liên hồi bất tận. Nếu chúng ta sống quá keo kiệt trong kiếp trước mà chưa bao giờ bố thí gì cả, vậy thì ngay cả khi chúng ta được thừa kế số tiền hàng trăm triệu ở kiếp này, thì cũng chưa chắc chúng ta có phước để hưởng nó; nếu ở kiếp trước chúng ta đã từng bố thí nhiều, kết được nhiều thiện duyên, thì cho dù kiếp này chúng ta có phải sinh ra trong một gia đình nghèo khó thì sau khi trưởng thành, chúng ta vẫn có thể được phước lành.
Ngày xưa, có một người đã tích lũy rất nhiều phước lành trong kiếp trước, thế là kiếp này anh ta được sinh ra làm một vị hoàng tử cao quý. Nhưng một người nọ thì rất tham lam keo kiệt trong kiếp trước, vì vậy kiếp này anh ta đã trở thành một tên ăn xin nghèo hèn.
Do những thói quen tốt được tích lũy nhiều ở kiếp trước, nên từ nhỏ hoàng tử đã hào phóng rộng lượng, luôn mở lòng bố thí, thậm chí ngài đã tặng châu báu của cải trong quốc khố cho nhiều người dân nghèo. Vị vua thấy vậy không thể chấp nhận được, nên trong lúc bực tức đã đuổi hoàng tử ra khỏi cung điện.
Hoàng tử lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, không có cơm ăn áo mặc, chỉ có thể sống được bằng cách xin ăn. Sau đó thì ngài đã gặp tên ăn xin kia, rồi cả hai trở thành những người bạn tốt, họ đã đi cùng nhau lưu lạc đến khắp mọi nơi.
Ở một đất nước láng giềng, nhà vua nơi đó đột nhiên qua đời, nhưng không có người con trai nào có thể kế thừa ngai vàng, các vị đại thần vô cùng lo lắng nên bắt đầu đi tìm kiếm khắp nơi, hy vọng rằng sẽ tìm được một người xứng đáng để thừa kế ngai vàng và quản lý đất nước. Vào một ngày nọ, hoàng tử và tên ăn xin đã lưu lạc đến đất nước này, hoàng tử đã mệt rã người, nằm dưới gốc cây lớn để nghỉ ngơi, tên ăn xin thì đi ra ngoài xin ăn.
Lúc này, mấy vị đại thần đi ngang qua đây, và họ trông thấy hoàng tử đang ngủ dưới bóng râm của cây, đồng thời cũng nhìn thấy một cảnh tượng kỳ diệu: Mặc dù mặt trời vẫn di chuyển vị trí như thường lệ, nhưng bóng râm của cây lại luôn không di chuyển khỏi chỗ của hoàng tử, mà lại luôn ở yên che nắng cho ngài. Các vị đại thần thấy vậy liền vô cùng vui mừng, và khẳng định ngay rằng, hoàng tử là một người có phúc đức lớn, thế nên họ đã đánh thức ngài dậy và mời ngài vào cung làm Quốc vương.
Sau khi hoàng tử trở thành vua, ngài luôn đau đáu nhớ đến tên ăn xin, ngài muốn anh ta có được một cuộc sống thịnh vượng, nhưng nhất thời lại không tìm được anh ta, thế là hoàng tử đã nghĩ ra được một cách: Ngài đã làm một vài chiếc bánh kép, và bí mật giấu vàng trong một chiếc bánh, rồi sai một thuộc hạ lấy đi số bánh này để tìm người bạn ăn xin nọ, ngài đặc biệt căn dặn thuộc hạ phải đưa bánh tặng cho anh ta.
Thuộc hạ sau khi tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng cũng tìm thấy kẻ ăn xin và tặng số bánh đó cho anh ta. Kẻ ăn xin cầm lấy số bánh, và ước lượng từng cái một, thì phát hiện rằng một chiếc bánh trong đó rất nặng, anh ta không những không biết rằng chiếc bánh ấy có vàng, mà nghĩ rằng chiếc bánh đó chưa chín nên bị sượng, cho nên đã trả lại chiếc bánh này cho người thuộc hạ và nói: “Chiếc này tặng cho anh”.
Vua Ba Tư có một người con gái là công chúa Thiện Quang, nhà vua xem công chúa là viên minh châu trong tay mình. Một ngày nọ, vị vua Ba Tư nói với công chúa rằng: “Con gái à! Con được sinh ra trong gia đình đế vương, được hưởng vinh hoa phú quý như thế, con nên cảm ơn ta mới phải”.
Nhưng công chúa Thiện Quang tin vào Phật pháp, nàng tin rằng tội hay phúc đều là do tự làm tự chịu, cho nên đã trả lời vua cha của mình rằng: “Sở dĩ con được sinh ra là một công chúa, không phải là nhờ vào phước lành của cha, mà là vì những phước lành mà con đã tích lũy được trong kiếp trước của mình”.
Vua Ba Tư nghe xong đã rất tức giận, và để chứng minh quan điểm của công chúa Thiện Quang không đúng, nhà vua đã gả nàng cho một kẻ ăn xin trẻ tuổi. Tuy nhiên, sau khi công chúa Thiện Quang kết hôn với kẻ ăn xin, nàng đã tìm thấy một lượng lớn kho báu dưới ngôi nhà đổ nát của kẻ ăn xin, vinh hoa phú quý sau đó của nàng cũng không thua kém gì so với nhà vua Ba Tư. (Trích từ “Phật thuyết Ba Tư Nặc Vương Thiện Quang duyên kinh”)
Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang trên con đường hành Bồ Tát đạo, ngài đã trải qua quá trình tam đại A Tăng Tỳ tu hành (một tên gọi được dùng trong Phật giáo để chỉ con số 10140). Ngài từng hóa thân thành một vị Thái tử Trí Mỹ Căn Đăng (Zhimei Gendeng). Trí Mỹ Căn Đăng từ khi còn nhỏ đã thích bố thí, không những đem tất cả châu báu vàng bạc cho người nghèo, mà còn mang báu vật Như Ý Bảo độc nhất vô nhị trên thế gian mà vua cha của mình xem như sinh mệnh trao cho nước láng giềng. Sau khi nhà vua phát hiện ra, đã giận dữ cực độ, liền đuổi Trí Mỹ Căn Đăng và vợ con của ngài đi lưu vong.
Trên con đường lưu vong, Trí Mỹ Căn Đăng vẫn tiếp tục bố thí, không những bố thí đi người vợ của mình, mà còn bố thí đi con cái của mình. Rồi đi sống một mình trên núi. Sau đó, có một người đến đòi đôi mắt của ngài, và Trí Mỹ Căn Đăng cũng không ngần ngại mà bố thí đi đôi mắt của mình. Hành vi bố thí chân thành và dũng cảm của Thái tử Trí Mỹ Căn Đăng đã làm Thiên thần cảm động. Thế là Thiên thần xuất hiện trước mặt ngài, và hỏi về mong muốn của ngài là gì, để giúp ngài hoàn thành.
Thái tử Trí Mỹ Căn Đăng trả lời: “Con chỉ có một mong muốn là nguyện cho tất cả chúng sinh đều có thể thoát khỏi bể khổ sinh tử”.
Vị Thần này cảm động vì điều đó nên đã khôi phục thị lực cho Trí Mỹ Căn Đăng, và còn cho ông có thiên nhãn thông, vợ ông, con cái của ông và cả Như Ý Bảo cũng lần lượt được hoàn trả. Sau khi vua cha biết được chuyện này, vừa cảm động vừa vui mừng, liền mời Thái tử về nước và kế thừa ngai vàng.
Milarepa là một vị tu hành Mật giáo nổi tiếng nhất ở Tây Tạng. Đây là một câu chuyện liên quan đến các tranh chấp về tài sản đã được lưu hành rộng rãi ở Tây Tạng – trải nghiệm cuộc sống của Tổ sư Bạch giáo – tôn giả Milarepa.
Cha của tôn giả là một thương nhân thành công, gia cảnh khá giả và có rất nhiều tài sản. Lúc nhỏ, tôn giả đã sống một cuộc sống hạnh phúc với cha mẹ và em gái mình. Thuở thơ ấu, cha của Milarepa không may bị ốm nặng, và trước khi qua đời, ông đã để lại một lá thư, giao phó tài sản cho người bác và người cô của tôn giả quản lý hộ, và yêu cầu họ giao lại cho tôn giả khi ông đến tuổi trưởng thành.
Bác và cô của tôn giả ngoài mặt thì đồng ý, nhưng trên thực tế, họ không những không làm theo ý muốn trước khi mất của cha tôn giả, mà còn tự ý phân chia tài sản cho bản thân, rồi còn đuổi gia đình ba người của tôn giả đến căn nhà nhỏ xíu đổ nát, buộc họ phải làm việc liên tục từ sáng đến tối.
Họ làm công việc của trâu ngựa, ăn thức ăn của chó mèo, phải chịu bao đau khổ và bắt nạt. Trong hoàn cảnh không thể chịu đựng được, mẹ của tôn giả luôn muốn trả thù, cho nên mang số tài sản cuối cùng của mình đưa cho tôn giả rời khỏi quê hương, đi đến nơi xa tìm học Tru pháp (là một pháp môn tiêu diệt cái ác để cứu chúng sinh).
Sau khi tôn giả trải nhiều gian khó, cuối cùng cũng đã học được Tru pháp. Vào ngày nọ, con trai của người bác làm lễ kết hôn, nên người bác đã tổ chức tiệc mời đến rất nhiều khách, tất cả những người trước đây từng ức hiếp gia đình 3 người của tôn giả đều có mặt ở đây. Khi hôn lễ đang diễn ra, thì Milarepa đã thi triển Tru pháp theo lời căn dặn của mẹ mình, khiến cho cả ngôi nhà đổ sụp xuống, giết chết 35 người ngay tại chỗ. Sau đó, tôn giả lại làm phép đổ mưa đá, làm cho lúa mì của dân làng đó không thể thu hoạch được.
Sau khi thực hiện xong những chuyện ác này, Milarepa nhanh chóng rời khỏi quê nhà. Mặc dù mối thù lớn đã trả xong, nhưng trái tim của tôn giả mang đầy sự hối hận, và rất sợ gặp phải báo ứng nhân quả. Vì vậy, sau nhiều lần dằn vặt, Milarepa đã trông cậy dựa vào vị thầy vĩ đại Mã Nhĩ Ba để tiến vào con đường khổ hạnh tiêu trừ tội lỗi.
Sau đó, dưới sự hướng dẫn của vị thầy Mã Nhĩ Ba, Milarepa đã sống một mình trong hang núi, không ăn không mặc, ngài sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt mà người bình thường không thể chịu được, sau khi trải qua tất cả những giày vò khó khăn, cùng sự tu hành chăm chỉ, cuối cùng ngài cũng đạt được thành tựu chí cao vô thượng, đó là trở thành Phật. Sau khi Milarepa đắc quả, không những đã siêu độ cho mẹ và em gái của mình, mà còn siêu độ cho những kẻ thù mà ông đã từng giết chết bằng Tru pháp.
Sau khi đọc xong 4 câu chuyện trên, chúng ta có thể đã có được một quan niệm chính xác về tiền tài. Đối với tiền tài chúng ta không nên tham lam quá độ, càng không nên vì tiền tài mà vứt bỏ đạo đức. So sánh với tiền tài, thì đạo đức quan trọng hơn, bởi vì đạo đức là nền tảng của tiền tài, là nguồn cội của phúc báo.
Nếu như chúng ta hiếu thuận với cha mẹ, đối xử rộng lượng bao dung với người khác, luôn luôn lo lắng suy nghĩ cho người khác, xem chuyện làm lợi cho người khác là nguyên tắc đối nhân xử thế, thì chúng ta chắc chắn sẽ thu về được một kho phúc báo lớn vô cùng, và đạt được thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp.
Tất cả mọi thứ trên cuộc đời này đều vô thường như thế, khi mà mọi thứ đều hóa thành hư không, thì bạn còn nắm giữ được điều chi nữa? Thanh xuân, tiền bạc, danh lợi, người yêu? Từ đó, chúng ta cũng có thể nhận ra được một điều, đó chính là sự giàu có thật sự, không nhất định phải nhìn vào số dư trong tài khoản ngân hàng, đất đai, nhà cửa, vàng bạc; nhân sinh duy chỉ khi có tín ngưỡng, biết đủ, sống lạc quan, nhân duyên, bình an, sức khỏe… thì mới được xem là thực sự giàu có.
Tuệ Tâm