Phật gia giảng một đời tích của cải chẳng bằng hành thiện, nếu được vừa tích của cải vừa làm hành thiện, tích phúc báo. Không có phúc báo làm gì cũng khó và dễ hỏng, đi xin ăn cũng chẳng ai cho. Vậy làm sao để tích được phúc báo cho mình
Mạnh Thường Quân (tên thật là Điền Văn (田文) người nước Tề và làm quan trong triều đình Tề), sống ở thời Chiến Quốc, nổi tiếng nghĩa khí, thích kết giao, tấm lòng bao la quảng đại. Người ta nói ông thường nuôi trong nhà đến hơn 3000 môn khách. Bất cứ ai tìm đến, dù chỉ là để xin chén cơm, miếng nước, Mạnh Thường Quân cũng đều chăm lo khoản đãi thịnh tình. Mỗi bữa ăn, ông đều ngồi dùng bữa và cùng chia sẻ chung với họ.
Môn khách của ông có nhiều hạng và được chia làm 3 hạng chính. Hạng thứ nhất là “Đại xá”, có thể thay mặt Mạnh Thường Quân nên hưởng chế độ đặc biệt: Ăn cá thịt, đi xe ngựa. Hạng thứ hai là “Hạnh xá”, gặp việc có thể dùng được, cũng ăn cá thịt nhưng không được đi xe ngựa. Hạng cuối cùng là “Truyền xá”, không có tài năng gì, chủ yếu đến nương nhờ kiếm miếng cơm, manh áo. Khách hạng ba này chỉ ăn cơm xoàng, đi hay ở cũng không ai để ý.
Tuy nhiên cũng có lúc hạng “Truyền xá” này trở nên hữu dụng không ngờ nhờ những tài lẻ độc đáo của mình. Sau đây là một câu chuyện đã trở thành điển tích nổi tiếng với những vị khách của ông:
Năm 298 TCN, Mạnh Thường Quân được cử đi sang sứ nước Tần, mang theo nhiều môn khách sang kinh đô Hàm Dương. Đích thân Tần Chiêu Tương Vương tiếp đãi ông rất hậu. Mạnh Thường Quân tặng cho vua Tần một chiếc áo lông thú rất đẹp. Vua Tần rất trân quý, bèn sai quân hầu cất kỹ vào kho riêng của mình.
Mến mộ tài năng của Mạnh Thường Quân, vua Tần có ý muốn giữ ông lại làm Tướng quốc. Thế nhưng có kẻ gièm pha rằng Mạnh Thường Quân không thực bụng quy phục và nên giết đi để trừ hậu hoạ. Vua Tần không nỡ ra tay mà chỉ giam lỏng ông, không cho quay về Tề nữa.
Mạnh Thường Quân rất lo lắng, không nghĩ ra kế nào để thoát thân. Một hôm, có người vào mách với ông rằng nên mang vàng bạc đến đút lót cho người thiếp yêu của vua Tần để cầu cứu. Mạnh Thường Quân cho người đến ra mắt người thiếp đó. Nàng nói: “Nói giúp trước mặt đại vương thì không khó nhưng ta muốn có một chiếc áo lông thú”.
Mạnh Thường Quân băn khoăn: “Vốn có một chiếc áo lông thú thì đã tặng cho Tần vương, lẽ nào bây giờ đòi lại?”. Một môn khách đi cùng bước ra nói: “Tôi có cách lấy được chiếc áo đó trong kho vua Tần”. Ngay trong đêm, môn khách đó mặc quần áo nguỵ trang thành hình nguỵ trang, vượt tường, trèo vào kho nhà vua, giả làm tiếng chó sủa để binh lính chủ quan. Sau đó, đợi khi lính canh đã ngủ say, người đó bèn cậy khoá, lẻn vào ăn trộm được chiếc áo lông thú mang về. Mạnh Thường Quân đem tặng lại áo cho người thiếp yêu của vua. Người thiếp đó xin vua Tần tha cho Mạnh Thường Quân về nước và vua Tần đồng ý.
Như người chết đuối vớ được cọc, Mạnh Thường Quân thu dọn hành lý tức tốc lên đường ngày đêm không nghỉ, chỉ sợ Tần vương đổi ý. Nhưng đến cửa Hàm Cốc ở biên giới nước Tần thì trời vừa đúng nửa đêm. Vốn nước Tần quy định phải đến buổi sáng sớm, nghe tiếng gà gáy mới được mở cửa quan để dân chúng đi lại.
Mọi người bối rối chưa biết làm sao thì có một môn khách khác đứng ra: “Tôi có chút tài mọn, xin được giúp chúa công”. Người đó bèn giả làm tiếng gà gáy, gáy lên mấy tiếng vang lớn. Gà ở vùng xung quanh nghe tiếng gáy tưởng trời đã sáng, đều đồng thanh gáy lớn. Binh sĩ canh giữ cửa Hàm Cốc liền vội mở cửa thông quan. Mạnh Thường Quân nhờ đó mà thoát thân. Tần vương quả nhiên về sau nghĩ lại, phái binh đuổi gấp nhưng đến nơi mới biết Mạnh Thường Quân đã đi khỏi rồi.
Về sau, điển tích Mạnh Thường Quân hai lần được môn khách cứu nạn được người đời gọi là: “Kê minh cẩu đạo” (nghĩa là: gà gáy, chó trộm). Nếu không có lòng hào hiệp, khoan dung, sẵn sàn cưu mang môn khách không kể vẻ ngoài trông tầm thường, Mạnh Thường Quân có lẽ đã không thể trở về Tề quốc nổi.
Người xưa quan niệm, bao dung, rộng lượng là một phẩm chất của người quân tử. Người biết bao dung có tấm lòng thực sự giống như biển cả, có thể thâu góp nước từ muôn nghìn con sông. Họ giúp đỡ người khác xuất phát từ lòng nghĩa hiệp, thiện tâm mà không cầu được báo đáp, đền ơn. Dù là không cầu báo đền nhưng người có lòng bao dung tất sẽ có phúc báo. Đó gọi là “gieo nhân gì, gặt quả nấy”. Cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn, khi bản thân gặp chuyện rắc rối, chắc chắn sẽ được trả ơn.
Giả sử, nếu Mạnh Thường Quân chê bai mà không dung những môn khách thuộc hạng thấp kém như “gà gáy, chó trộm” trên kia, thử hỏi trong lúc nguy cấp ấy làm sao tìm được lối thoát? Và nếu chẳng vì cảm kích tấm lòng trượng nghĩa của Mạnh Thường Quân, liệu những môn khách kia có thể liều mình vì chủ như thế được chăng?
Hữu Bằng