“Nam Mô A Di Đà Phật” là câu niệm Phật hiệu phổ biến nhất, được nhiều người sử dụng nhất, xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống, phim ảnh, truyền hình, mạng Internet. Nhưng “Nam Mô A Di Đà Phật” có nghĩa là gì thì có lẽ nhiều người còn chưa biết.
Trong Phật giáo, Nam Mô A Di Đà Phật được gọi là Lục tự Hồng danh (Danh lớn 6 chữ). Sáu chữ này lưu truyền rộng rãi, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Ý nghĩa câu Nam Mô A Di Đà Phật như sau:
Cả 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật có nghĩa là: Con nguyện tiếp nhận sức khỏe vô lượng, trí huệ vô lượng, trường thọ vô lượng.
Kỳ thực Nam Mô A Di Đà Phật còn biểu thị sự tôn kính đối với Phật, Bồ Tát, như trong câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”.
Trong “Quán Kinh tứ thiếp sớ” có viết: “Nam Mô nghĩa là quy mệnh, cũng có nghĩa phát nguyện hồi hướng. A Di Đà Phật tức là hạnh của Phật A Di Đà, sức khỏe vô lượng, trí huệ vô lượng, trường thọ vô lượng, với ý nghĩa này, sẽ được vãng sinh”.
Trong “Quán Vô Lượng Thọ Kinh” có viết: “Nam Mô nghĩa là tôn kính, quy kính, quy mệnh. Hai chữ này rất thường gặp, thường đứng trước danh hiệu các Phật, Bồ Tát, như Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát… biểu thị tôn kính và quy y chư Phật, Bồ Tát, có thể được các Ngài phù hộ”.
A Di Đà Phật là một vị Phật (tiếng Phạn là Amitābha), Ngài còn có danh hiệu là Vô Lượng Phật, Vô Lượng Quang Phật, Vô Lượng Thọ Phật, là một trong các vị Phật quan trọng nhất trong Phật giáo. Phật A Di Đà là giáo chủ của Thế giới Tây phương Cực Lạc, là thế giới mà Ngài kiến lập. Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ của Thế giới Ta Bà, tức là thế giới có chúng ta đang sinh sống.
Trong vô lượng kiếp trước, đức Phật A Di Ðà, khi đó là một tỳ kheo có Pháp danh là Pháp Tạng, đã phát 48 đại nguyện. Trong đó có nguyện nói: “Nếu có chúng sinh nào niệm danh hiệu ta, nếu không sinh vào cõi Cực Lạc, ta thề không thành chánh giác”.
Nhưng đâu phải chỉ có niệm Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật liền được vãng sinh cõi Cực Lạc. Nếu chỉ niệm câu này liền được đến thế giới Cực Lạc, thì những kẻ đại ác, không việc ác nào không làm, hắn chỉ niệm một câu là hết tội sao. Hay có những kẻ giả nhân giả nghĩa, giả tu, miệng nam mô bụng bồ dao găm, vẫn chăm đi lễ chùa niệm Phật mà rắp tâm hại người, tranh đoạt quyền thế, danh lợi, tiền tài, cũng sẽ được vãng sinh cõi Cực Lạc chăng? Làm sao có chuyện đó! Luật nhân quả là bất biến, đến Phật, Bồ Tát, các Tôn giả thần thông quảng đại cũng không thể tác động được.
Vậy câu nguyện của tỳ kheo Pháp Tạng, chính là của Phật A Di Đà: “Nếu có chúng sinh nào niệm danh hiệu ta, nếu không sinh vào cõi Cực Lạc, ta thề không thành chánh giác” nghĩa là gì?
Khi niệm Phật hiệu, cần thành tâm niệm, chuyên tâm niệm, không mong cầu sẽ thành Phật hay không thành Phật, cũng không mong cầu sẽ được vãng sinh hay không vãng sinh. Khi niệm Phật hiệu đã chuyên nhất, nhất tâm bất loạn rồi, một niệm thay vạn niệm, trong đầu không còn ý nghĩ gì khác, thì câu niệm Phật hiệu mới chấn động đến thế giới Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, thì mới được Ngài tiếp dẫn vãng sinh vào cõi Cực Lạc. Mà để đạt được niệm Phật hiệu nhất tâm bất loạn là công phu tu trì lâu dài, luôn luôn giữ giới, tu tâm, từ bỏ mọi ý nghĩ xấu dù là nhỏ nhất. Nhiều người phải trải qua nhiều kiếp, nhiều đời tu hành mới đạt được. Tuy nhiên, thường xuyên niệm Phật hiệu cũng là gieo cái nhân kính Phật, Phật sẽ gia trì gặp cơ duyên tu luyện cao thâm, có khả năng đắc Đạo trong đời này hoặc kiếp sau.
Nhất Tâm