Chuyển họa thành phúc: Làm thế nào để thay đổi vận mệnh của một con người?

Vận mệnh con người có rất nhiều cách biểu hiện, bao gồm: họa và phúc, trắc trở hay suôn sẻ, giàu và nghèo, cát và hung, sống thọ hay chết yểu,... Tất cả đều là kết quả của báo ứng thiện ác đối với mỗi hành vi của con người.

“Mệnh” là một khái niệm quan trọng trong văn hóa truyền thống. Người xưa thường rất kính Trời tín mệnh, cho rằng: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên”; “Trong mệnh chỉ được 8 phần đấu gạo thì dù có đi khắp thiên hạ cũng không đầy cả đấu”; “Đại phú dựa vào mệnh, tiểu phú dựa vào cần cù”; “Cái chúng ta có được là do may mắn, cái chúng ta mất là do mệnh”; “Một đời đều là mệnh, một chút cũng không phải do người”, v.v… Vậy nên cổ nhân cho rằng mỗi người sinh ra trên đời đều được an bài một vận mệnh khác nhau. 

Vậy “mệnh” rốt cuộc là gì? Trong “Mạnh Tử – Tẫn tâm thượng”, Mạnh Tử nói: “Mạc chi vi nhi vi giả, thiên dã; mạc chi trí nhi chí giả, mệnh dã”. Ý tứ là: Việc mình không cố ý làm nhưng lại thành công, đó là do ý Trời muốn vậy. Thứ mình không mong muốn mà tự nhiên tới, đó là do mệnh trời.

Trong “Hán thư – Đổng Trọng Thư truyện”, Đổng Trọng Thư nói: “Thiên lệnh chi vị mệnh” – Lệnh của Trời được gọi là mệnh. Vì vậy, mệnh và Trời có mối quan hệ với nhau, cũng gọi là “nhân mệnh quan thiên”, mệnh cũng được gọi là “Thiên mệnh”. Tức là, mệnh hoặc thiên mệnh của mỗi người đều có từ lúc nguyên sơ, mới chào đời đã có, khi sinh mang theo đến, hay cũng nói đó là do là trời chú định vậy. 

Trong thuật đoán mệnh truyền thống, người ta thường dựa vào tiến trình thời gian đời người mà đem sự vận hành của sinh mệnh con người phân chia thành: đại vận, tiểu vận, lưu niên. Vận hành của mệnh được gọi là vận mệnh, cho nên mệnh cũng được gọi là vận mệnh. Tức là vận trình của mệnh khác nhau biểu hiện ra vận mệnh cuộc đời mỗi người khác nhau. Tính mệnh mỗi người khác nhau là do vận trình không giống nhau tạo thành. Nó có thể là vận may, hoặc là vận rủi, hoặc là trước may sau rủi, hoặc là rủi trước may sau.

Trong các vận trình khác nhau của sinh mệnh sẽ biểu hiện ra chất lượng của mệnh khác nhau. Chất lượng thông thường của sinh mệnh là biểu hiện qua sự giàu nghèo, sang hèn, tuổi thọ, hạnh phúc, khổ đau, trắc trở hay suôn sẻ… đo lường. Bởi vậy, mệnh hay vận mệnh, trên thực tế chính là quỹ đạo vận hành của sinh mệnh con người vốn đã được trời định sẵn từ trước.

Văn hóa truyền thống Trung Hoa cho rằng, vận mệnh của con người có thể biết trước được, do đó người xưa rất coi trọng việc đoán mệnh, điều này gọi là hiểu về số mệnh con người. Trong “Luận ngữ – Nghiêu viết”, Khổng Từ giảng: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, ý là: Người không hiểu biết về số mệnh thì không phải là người quân tử. Trong “Luận ngữ – Vi chính”, Khổng Tử cũng nói: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” – Con người khi đến tuổi 50 thì hiểu được mệnh trời.

Vậy, vì sao cần phải hiểu biết về số mệnh con người? Bởi vì người xưa cho rằng, việc gì được chuẩn bị trước thì cũng sẽ thành công, không được chuẩn bị cẩn thận thì thường dở dang. Từ xưa đến nay, cầu lợi tránh hại, cầu may mắn tránh nguy hiểm là bản năng của con người. Biết được vận mệnh của con người thì có thể ứng phó được với những điều nguy hiểm xảy ra trên đường đời phía trước. Vậy nên, người xưa giảng rằng: bằng lòng với mệnh trời thì không lo lắng.

“Kinh Dịch” trong “Tứ Thư Ngũ Kinh” được đặt ở vị trí số một trong các kinh thời cổ đại. Hơn nữa, “Kinh Dịch” trên thực tế là một bộ sách về bói toán, trong đó “Hệ Từ” – các quẻ bói toán, lại được viết đầu tiên. Khổng Tử cũng đã dành cả đời để nghiên cứu về bộ “Kinh Dịch” này, cho nên trình độ đã đạt đến “Vi biên tam tuyệt” – Khổng tử đọc Kinh Dịch khiến lề sách đứt ba lần. Cuốn “Dịch truyện” chính là những nhận thức tâm đắc trong nghiên cứu “Kinh Dịch” của ông. 

Đạo gia Trung Quốc có thuật đoán mệnh vô cùng phong phú; bao gồm Lục Hào, Mai Hoa Dịch Số, Tứ Trụ Bát Tự, Kỳ Môn Độn Giáp, Lục Nhâm, Thiết Bản Thần Số, tướng mặt, tướng tay, v.v. Vì sao lại gọi là đoán mệnh? Bởi vì văn hóa truyền thống Trung Hoa cho rằng: hết thảy vạn sự vạn vật đều có định số. Đoán mệnh chính là căn cứ theo dịch số, mệnh số mà suy đoán vận mệnh của con người. Trong sử sách của Trung Quốc có ghi chép rất nhiều cao thủ tinh thông về thuật số đoán mệnh, ví như: Khương Tử Nha, Gia Cát Lượng, Viên Thiên Cang, Lý Thuần Phong, Lưu Bá Ôn, v.v… Trong tu luyện của Phật gia còn xuất hiện một loại công năng kỳ diệu gọi là “túc mệnh thông”. Người có được loại công năng này có thể dùng thiên mục mà trực tiếp nhìn thấy được quá khứ, hiện tại, tương lai, thậm chí đời trước kiếp trước, nhiều kiếp nhiều đời…

Vận mệnh của con người tuy là trời định, là đã được chú định sẵn từ trước, nhưng không phải là không thể thay đổi được. Đạo gia xưa có cách nói: “Ngã mệnh tại ngã bất tại thiên”, ý tứ là mệnh của mình do mình định đoạt chứ không phải do trời, một người có thể thông qua nỗ lực cố gắng thì có thể thay đổi được vận mệnh ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cũng có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nếu như con người không ngừng làm việc xấu thì không những không thể khiến cho vận mệnh tốt lên mà còn xấu đi, cuối cùng sẽ gặp bất hạnh. Vậy nên dưới tình huống thông thường, con người chỉ có năng lực tuân theo thiên mệnh, làm hết bổn phận, tùy kỳ tự nhiên, thuận theo số phận. 

Nếu con người muốn thay đổi vận mệnh cho tốt hơn thì chỉ có một cách là hành theo đạo trời, như vậy sẽ được Thần Phật và các sinh mệnh cao cấp trên thiên thượng an bài lại mới. Vậy họ căn cứ vào điều gì để có thể an bài đường đời cho một người? Họ căn cứ vào hành động thiện ác cùng tỷ lệ nghiệp đức đã tạo từ trong những kiếp trước, tùy theo lớn nhỏ mà an bài. Người làm việc thiện sẽ nhận về thiện quả, người hành ác sẽ gặt quả ác báo, đây cũng gọi là “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Vận mệnh con người có rất nhiều cách biểu hiện, bao gồm: họa và phúc, trắc trở hay suôn sẻ, giàu và nghèo, cát và hung, sống thọ hay chết yểu… Tất cả đều là kết quả của báo ứng thiện ác đối với mỗi hành vi của con người. Vì vậy, vận mệnh của con người là do Thần Phật chủ trì, dựa theo thiên lý hay quy luật của vũ trụ mà sắp đặt đường đời cho mỗi người. Mệnh là thể hiện của quy luật hoặc phép tắc của vũ trụ trong tiến trình sinh mệnh đời người. 

Đã là như vậy, con người muốn thay đổi đường đời hay vận mệnh của mình từ xấu trở nên tốt cần tuân theo quy luật vũ trụ, trọng đức hành thiện, gắng sức sửa chữa lỗi lầm trước đây và tránh làm điều ác. Bởi vì đạo của Trời là ban thưởng cho cái thiện và trừng phạt cái ác. Đây chính là tu luyện chân chính, chỉ có tu luyện mới có thể thay đổi vận mệnh trở nên tốt hơn. Thông qua tu luyện mà thay đổi vận mệnh được gọi là tu mệnh. Viên Liễu Phàm tác giả của cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” chính là một tấm gương điển hình của việc tu mệnh thành công. Cái gọi là: “Đoán mệnh không bằng chấp nhận số mệnh, chấp nhận số mệnh không bằng tu mệnh”, đạo lý chính là ở chỗ này.

Căn bản của tu mệnh chính là tu tâm. Tâm là căn nguyên của mọi hành vi mà con người biểu hiện ra. Người có thiện tâm thì hành vi rất thiện, người có ác tâm thì hành vi cũng sẽ ác. Tu tâm chính là dựa vào Phật pháp và Đạo pháp mà thay đổi hết thảy những tư tưởng, quan niệm và hành vi không phù hợp của bản thân. Chỉ có tu tâm mới có thể thay đổi được tận gốc rễ những thứ không tốt trong vận mệnh của con người. Người xưa có câu: “Nhất thiết phúc điền, bất ly phương thốn”, là có ý nói rằng hết thảy ruộng phúc không ở đâu xa mà ở ngay gần lòng người. Nói về mối quan hệ giữa tâm và mệnh, bài “Tâm mệnh ca” viết rằng: “Mệnh tốt tâm cũng tốt, phú quý mãi đến già. Mệnh tốt tâm không tốt thì sẽ thất bại giữa đường. Tâm tốt mệnh không tốt, trời đất cuối cùng cũng bảo hộ cho. Tâm mệnh đều không tốt, nghèo khó cùng phiền não”. Cổ ngữ cũng lại có câu: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Tu tâm có thể bù đắp được hết những thiếu sót trong vận mệnh đã được an bài từ trước, tu tâm có thể triệt để thay đổi và cải biến vận hạn trong đời.

Thực tế thì không phải cứ người có vận mệnh không tốt mới cần tu tâm, mà người người đều cần tu tâm sửa tính. Người dù có vận mệnh tốt cũng không tránh khỏi quy luật “sinh lão bệnh tử”. Phú quý danh lợi khi sinh không mang theo đến, khi tử không mang theo đi. Sau khi hưởng hết phúc phận, con người không tu luyện lại tiếp tục nhập lục đạo, luân hồi trong tam giới không dứt. Vì vậy, đoán mệnh để cải biến vận mệnh mà con người bình thường nói đến, trên thực tế chỉ là thay đổi một chút cho cuộc sống tốt hơn mà thôi. Người muốn triệt để cải biến vận mệnh, bảo trì sinh mệnh vĩnh viễn thì chỉ có phát đại thệ nguyện, khởi tâm tinh tấn, gian khổ tu luyện mới có thể đạt thành chính quả, thoát ly khỏi lục đạo luân hồi trong tam giới. Có thơ rằng:

Nhân sinh như sóng cuộn
Tan giữa biển vô thường
Muốn trở về Cố Hương
Đừng quên: Chân-Thiện-Nhẫn

Sinh mệnh như sóng cuộn
Ngụp lặn kiếp luân hồi
Muốn thăng hoa về Trời
Đồng hóa: Chân-Thiện-Nhẫn…

[Vô danh cư sỹ].

San San.

Tin bài liên quan