Đọc “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du, cảm thụ nhân sinh đa đoan, hé lộ mục đích làm người

“Văn tế thập loại chúng sinh”, còn được gọi là Văn chiêu hồn hay Văn tế chiêu hồn, là một sáng tác xuất sắc bằng chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du thế kỷ 19. Bản cổ nhất của bài thơ được phát hiện là bản khắc ván năm 1895 của nhà sư Chính Đại, được tàng trữ ở chùa Hưng Phúc, xã Xuân Lôi, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh.

Chúng ta đã đi qua hai phần của thi phẩm “Văn tế thập loại chúng sinh”, cảm thụ những khổ nạn chất chồng của một kiếp nhân sinh, mà hết thảy, theo Phật gia giảng, đều là do nhân quả, đều bởi con người trong mê theo đuổi dục vọng phù phiếm mà không ngừng tạo nghiệp rồi phải hoàn trả nghiệp. Những kiếp người dường như có một bàn tay vô hình sắp đặt số mệnh, người này đưa đẩy người kia, nếu không là thủ phạm thì cũng thành nạn nhân, hết thảy đều bị cuốn vào bánh xe vô tình của số phận. Thế nhân dường như đều đang nhiệt tình trình diễn một vở kịch nhân sinh bằng chính sinh mạng của mình, dùng chính khổ nạn của mình để giáo huấn thế hệ sau đừng đi theo những sai lầm đó. Tiếp theo, chúng ta sẽ đọc tiếp phần 3 và phần cuối của bài thơ.

Phần 3: Cảnh tượng khốn khổ thê lương của những cô hồn vất vưởng không nơi nào để đi

Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,
Hoặc là nương ngọn suối chân mây,
Hoặc là bụi cỏ bóng cây,
Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ.

Hoặc là nương Thần từ, Phật tự
Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không,
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.

Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,
Gan héo khô dạ rét căm căm,
Dãi dầu trong mấy mươi năm,
Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,
Lặn Mặt Trời lẩn thẩn tìm ra,
Lôi thôi bồng trẻ dắt già,
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe Kinh.

“Gặp phải lúc đi đường lỡ bước, Cầu Nại Hà kẻ trước người sau” – Vong hồn của những kiếp người bất hạnh, kẻ trước người sau lần lượt bước lên cầu Nại Hà. Truyền thuyết kể rằng, người chết xuống Âm phủ phải đi qua một con đường u minh gọi là Hoàng Tuyền lộ để đến sông Vong Xuyên. Trên sông Vong Xuyên có một cây cầu gọi là Nại Hà. Những linh hồn được phép đầu thai cũng sẽ phải đi qua cầu Nại Hà tới Vọng Hương Đài, nơi đó có một bà lão phân phát canh Mạnh Bà cho các vong hồn uống để quên đi kiếp trước.

Bên bờ sông Vong Xuyên, đầu cầu Nại Hà có một tảng đá lớn gọi là “Tam Sinh Thạch”. Tam Sinh là kiếp trước, kiếp này, kiếp sau. Phật gia giảng sinh mệnh vĩnh hằng, cho nên sinh mệnh có luân hồi chuyển thế. Kiếp trước là nhân, kiếp này là quả, kiếp sau là duyên, hết thảy đều được ghi rõ ràng trên tảng đá ba đời “Tam Sinh Thạch”.

Trong Tây Du Ký hồi thứ 11 “Chơi âm phủ Thái Tông về trần; Dâng quả bí Lưu Toàn gặp vợ”, có một đoạn thơ mô tả cầu Nại Hà như sau: “Cầu dài vạn dặm, rộng chỉ ba gang. Trăm thước chiều cao, sâu nghìn dặm thẳm. Trên không tay vịn, dưới có quỷ rình. Gông cùm đè nặng, lên cầu chênh vênh. Trên cầu là Thần binh dữ tợn, dưới sông hồn ác khổ vô cùng…”

Nguyễn Du thông qua thiên mục của một tu hành giả, đã nhìn thấu cảnh tượng khốn khổ của những vong linh hồn xiêu phách tán, mỗi người mỗi nghiệp. Họ lang thang vất vưởng khắp nơi: “Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi, Hoặc là nương ngọn suối chân mây, Hoặc là bụi cỏ bóng cây, Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ. Hoặc là nương Thần từ, Phật tự, Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông, Hoặc là trong quãng đồng không, Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre”, trong cảnh đói rét thê lương, lôi thôi lếch thếch, tạm bợ qua ngày: “Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết, Gan héo khô dạ rét căm căm, Dãi dầu trong mấy mươi năm, Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.” Kỳ thực mọi khổ nạn của sinh mệnh đều là kết quả của nghiệp lực luân báo. Chúng sinh trong nhân gian khổ nạn bao nhiêu, cũng không đáng sợ bằng nỗi kinh hoàng nơi địa ngục; có sung sướng bao nhiêu, cũng không sánh được sự mỹ diệu của Thiên đường. Ai hiểu được điều này mà sống, thì sẽ biết ung dung chịu khổ, coi nhẹ được mất thế gian. 

“Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn, Lặn Mặt Trời lẩn thẩn tìm ra, Lôi thôi bồng trẻ dắt già, Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe Kinh.” – ánh sáng Mặt Trời là biểu trưng của “dương”, là “Hỏa” trong ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, là nguồn năng lượng không thể thiếu cho sự sống của hết thảy sinh mệnh ở dương gian. Thế nhưng, những vong hồn nơi cõi âm lại phải lẩn tránh ánh dương, bồng bế nhau chui lủi trong đêm đen mù mịt… Nhà thơ khuyên nhủ họ: “Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe Kinh”. Kinh Phật có thể mở ra con đường cứu khổ cứu nạn chúng sinh chăng?

Phần 4: Phật Pháp mở ra con đường cho chúng sinh tu hành thoát khỏi vòng luân hồi chuyển thế

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u,
Rắp hoà tứ hải quần châu,
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.

Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyển Pháp Luân tam giới thập phương,
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu “Phật” là gì? “Phật” là gọi tắt của từ “Phật đà”, theo tiếng Phạn là Giác giả, là người thông qua tu luyện mà giác ngộ, giải thoát bản thân khỏi vòng luân hồi chuyển thế, mang phương pháp tu hành và pháp lý vũ trụ mà họ chứng ngộ để phổ độ chúng sinh thoát khỏi bể khổ luân hồi. Chư Phật là chân thật tồn tại, không hề là truyền thuyết hư cấu. Những Giác giả và đồ đệ của họ cả ở phương Đông và phương Tây đã lưu lại trong không ít Kinh sách, Thánh thư, khai sáng cho chúng sinh con đường tu luyện của mình. Họ cũng đã để lại nhân gian không ít những Thánh tích như xá lợi tử, nhục thân bất hoại… giúp thế nhân củng cố niềm tin vào sự hiện hữu của Phật Pháp.

Đọc bốn câu thơ: “Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ, Phóng hào quang cứu khổ độ u, Rắp hoà tứ hải quần châu, Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không”, ta thấy có một điều gì đó phi thường, vượt khỏi phạm vi của quy luật nhân quả. Phật đà thần thông quảng đại, chỉ cần huơ tay một cái thì bệnh tật của nhân loại sẽ không còn, huơ tay một cái, thì tất cả cô hồn sẽ được siêu thoát, nhưng vì sao Ông không làm như vậy? Bởi vì hết thảy đều có duyên cớ, đều là quan hệ nhân quả, đều phải tuân thủ pháp tắc vũ trụ, nếu vi phạm pháp tắc vũ trụ thì bản thân Phật đà cũng bị rớt xuống, vì vậy mà bao lâu nay, Phật luôn từ bi, nhưng nhân loại cứ mãi luẩn quẩn trong vòng nghiệp lực luân báo mà không cách nào nhảy thoát. “Rắp hòa tứ hải quần châu, Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không”, xóa hết mọi nghiệp lực cho chúng sinh quần châu bốn biển, điều đó hẳn phải là một sự canh tân sinh mệnh. Đức Phật vĩ đại nào có thể làm được điều đó, thi triển một sự canh tân vĩ đại trên phạm vi vũ trụ đối với toàn sinh mệnh?

Kinh Thánh “Khải Huyền” nhắc đến, vào ngày tận thế, Cứu Thế Chủ sẽ cứu những chúng sinh vượt qua cuộc Đại Thẩm Phán sang tân thế giới mà Ngài sáng tạo ra. Kinh Phật nhắc đến một vị Chuyển Luân Thánh Vương sẽ hạ thế truyền Đại Pháp cứu độ chúng sinh vào thời kỳ mạt pháp. Từ điển Phật học Việt Nam nói về Chuyển luân Thánh vương như sau: “Vị vua lớn không dùng bạo lực mà dùng Chánh pháp và đức hạnh để trị dân. Chuyển luân là bánh xe chuyển. Xe của đức vua này đi khắp mọi nơi không bị trở ngại, cho nên gọi là Chuyển Luân Vương. Chuyển Luân Vương cũng có đầy đủ 32 tướng tốt như Phật.” Phải chăng điều Nguyễn Du muốn nói đến chính là đức Phật này?

Khổ thơ tiếp theo mô tả cảnh tượng huy hoàng khi đức Phật từ bi ra tay cứu độ chúng sinh: “Nhờ đức Phật thần thông quảng đại, Chuyển Pháp Luân tam giới thập phương, Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương, Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh” – Đức Phật thần thông quảng đại, xoay chuyển Pháp Luân trong thập phương tam giới, theo sau là Tiêu Diện đại vương cầm cờ dẫn đường chúng sinh. Tam giới mà tôn giáo nói đến là 9 tầng hoặc 33 tầng trời, bao gồm các chúng sinh trên trời (thiên thượng), trên đất (địa thượng) và dưới đất (địa hạ), hết thảy các chúng sinh trong tam giới đều phải qua lục đạo luân hồi. Tiêu Diện đại vương là vị Thần hộ Pháp chuyên hàng phục quỷ yêu, bên cạnh trợ tá đức Phật phổ độ chúng sinh.

Hương Thảo.

Tin bài liên quan