Đời người giữ được 4 điều này thì ‘không thành công cũng thành nhân’

Đời người giữ được 4 điều này thì ‘không thành công cũng thành nhân’

Cổ nhân giảng, đời người ta cần có 4 loại thủ (giữ) thì ‘không thành công cũng thành nhân’: Thủ ngu, thủ tĩnh, thủ thời, thủ tín. Đây cũng chính là những điều giúp chúng ta có thể phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân. 

1. Thủ ngu – Dung mạo như ngu đần của bậc thánh nhân quân tử

Theo ghi chép trong Sử Ký, có một lần Khổng Tử tới thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử đã nói với Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu” (dịch nghĩa: Một thương nhân có đầu óc thông minh sáng suốt sẽ rất hiểu giá trị ẩn chứa bên trong của tài sản hàng hóa, và coi vẻ bề ngoài của nó không là gì cả. Một người quân tử có phẩm hạnh cao thượng sẽ thấu hiểu ẩn chứa trong họ giá trị đạo đức nội tại cao vời, còn vẻ bề ngoài dường như ngu đần, chậm chạp.) Người ta cần loại bỏ khí chất kiêu ngạo và sự tham lam dục vọng cùng các chủng nhân tâm mới có thể trở thành bậc thánh nhân. Điều này gọi là ‘Đại trí giả ngu’.

Từ xưa tới nay “hồ đồ nan đắc” (sự ‘hồ đồ – giả ngốc’ khó được) luôn là đạo xử thế được sùng bái của những bậc cao nhân. Có rất nhiều người đều mong muốn truy cầu tới trí huệ và cảnh giới “hồ đồ“, cũng chính là điều như Lão Tử giảng “đại trí giả ngu”. Nguyên nhân là bởi khi tài năng được bộc lộ một cách thái quá sẽ dễ bị người khác ghen ghét và càng dễ gây thù chuốc oán hơn.

Hơn 10 năm trước, tại một huyện ở miền Bắc Trung Quốc, có một sự cố xảy ra. Trên phố, một nhóm côn đồ địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh. Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu. Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại.

Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra rằng đây là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng! 

Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: “Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?”. Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: “Những người luyện võ giảng về “võ đức”. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi”. Sau khi nghe điều này, rất nhiều người đã tỏ vẻ kính phục, trong khi những người khác chỉ thầm cười khẩy khi người đàn ông bước đi. 

2. Thủ tĩnh: Tĩnh khí cần có mỗi khi gặp chuyện đại sự

Từ xưa tới nay tĩnh khí luôn là sự tôn sùng của các bậc cao nhân các bậc trí huệ. Trong Đại học. Tử Tư có viết: “Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”.  ( Tạm dịch: Tĩnh rồi mới có thể an định. An định rồi thì sau mới lo nghĩ, mưu sự mà làm thành được việc). Có thể nói, tĩnh là an định, là yên ổn, là cơ sở, là nền tảng giúp ta suy nghĩ và làm thành việc lớn.

Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Tĩnh vi táo quân” (Tạm dịch: Tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy). Tĩnh có thể khắc chế được khí nóng trên thân thể người, làm mất sự nóng nảy)

Một người nếu trong tâm không tĩnh thì thực sự rất khó để suy nghĩ được vấn đề, làm người, làm việc cũng nhất định sẽ ngạo mạn, kiêu căng, xốc nổi. Người có tĩnh khí sẽ cẩn thận quan sát nhận định tình hình, xem xét thời thế, càng dễ dàng suy nghĩ được sâu xa mà tìm được ra biện pháp giải quyết vấn đề hay hiểu được đạo lý nhân sinh.

Chỉ có người thủ vững được tĩnh mới có thể phát hiện được những điều tốt đẹp và hạnh phúc trong cuộc sống. Người kiêu căng, xốc nổi, bước chân vội vàng luôn lỡ bước mà bỏ qua cơ hội gặp gỡ những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Trên đường đời đôi khi ta gặp phải chông gai cũng như khó nạn tưởng chừng không thể vượt qua. Nếu luôn giữ được thái độ và cách sống đạm bạc, thản nhiên, tự tại thì từ trong rối ren ấy lại có thể tìm được con đường đi rộng rãi, lại có thể biểu đạt được sự yên ổn trong tâm. Khi ấy, tất là chúng ta sẽ không bị phiền nhiễu hay gục ngã bởi thế tục, cuộc đời cũng sẽ rộng mở và sáng tỏ hơn.

3. Thủ tín: Người không tín sao làm nên việc?

Trong Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nguyệt, kì hà dĩ hành chi tai?” (Tạm dịch: Người mà không đáng tin cậy, làm sao làm được việc. Xe lớn mà không có cái đòn lớn, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ, làm sao dùng để đi đây?)

Năm 544 TCN, Quý Trát phụng mệnh đi viếng thăm nước Lỗ. Ông có mang theo một đoàn tùy tùng và xuất phát từ thủ phủ của nước Ngô. Lúc họ đi qua khu vực nước Từ, chứng kiến cảnh dân chúng nước Từ an cư lạc nghiệp, cuộc sống giàu có yên vui thì trong lòng không khỏi ngưỡng mộ: “Vua nước Từ trước tới nay nổi tiếng là dùng nhân nghĩa đối đãi với dân chúng, hôm nay được chứng kiến điều này, quả là danh bất hư truyền”

Quý Trát liền nảy sinh ý muốn tới thăm hỏi vua nước Từ để thổ lộ lòng ngưỡng mộ của mình. Vua nước Từ rất thích thanh bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người, mấy lần ông muốn nói nhưng lại không tiện mở miệng. Quý Trát là người thông minh nên chỉ liếc mắt đã hiểu thấu lòng vua nước Từ, muốn tặng lại thanh bảo kiếm cho vua nước Từ nhưng vì còn phải đi sứ nên ông chỉ tự hứa với lòng mình rằng sau này quay trở lại sẽ tặng lại.

Sau khi Quý Trát quay lại thì vua Từ đã mất. Dù không ai biết lời hứa của Quý Trát nhưng ông vẫn cởi bảo kiếm và treo trên cây, cạnh phần mộ của vua Từ.  Tùy tùng của vua Từ thấy vậy liền ngăn cản và nói: “Thanh bảo kiếm là quốc bảo của nước Ngô, sao có thể tùy tiện đem tặng cho người khác? Huống hồ bây giờ vua Từ cũng đã qua đời, thì cần gì phải tặng cho người thừa kế chứ?”

Quý Trát nghe mọi người nói vậy liền trả lời: “Lần trước trong lúc nói chuyện cùng với vua Từ, ta không tặng bảo kiếm cho ngài là vì còn phải đi sứ nước Lỗ. Nhưng trong lòng ta sớm đã hứa sẽ tặng nó cho vua Từ rồi. Đã hứa rồi, sao có thể vì vua Từ đã mất mà lừa gạt lương tâm của mình đây? Hơn nữa, ta là công tử và sứ giả của nước Lỗ mà lại không coi trọng chữ tín, nếu như điều này truyền đi thì đâu còn mặt mũi nào mà đối mặt với mọi người? Người khác sẽ nhìn chúng ta như thế nào?”

Thủ tín là một loại lực hấp dẫn của nhân cách mà có dùng bao nhiêu tiền cũng không mua được. Đường đường chính chính làm người. Quang minh chính đại làm việc. Vĩnh viễn đừng bao giờ vứt bỏ sự tín nhiệm của người khác đối với bản thân mình. Bởi vì người khác tín nhiệm bạn tức là giá trị của bạn đã nằm trong sự cảm nhận của họ rồi. Thất tín là thất bại lớn nhất của đời người, thủ tín mới có thể được lòng người.

4. Thủ thời: Người quân tử chờ thời cơ

Thủ thời không phải đúng giờ mà là nắm chắc thời cơ. Trong “Chu Dịch” viết: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thì nhi động” (Tạm dịch: Người quân tử cất giấu vũ khí, chờ thời cơ). Có ý nói rằng, người quân tử có tài năng, tài nghệ siêu việt hơn người nhưng họ không khoe khoang mà chờ đến khi thời cơ đến họ đem tài năng, tài nghệ ra thi triển.

Như Lã Thượng gặp Chu Văn Vương chính là như vậy. Lời này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, vào lúc chúng ta còn chưa được ai biết đến, thì phải tăng cường tu dưỡng, chờ khi cơ hội tới mới có thể thi triển ra đầy đủ tài năng của mình.

Thời cơ, thời thế là khách quan, không phải là con người làm ra. Chúng ta không thể sáng tạo ra thời cơ mà chỉ có thể làm tốt những thứ có thể làm, chờ đợi và nắm bắt. Đây chính là “thủ thời”. Một người biết “thủ thời” nhất định sẽ có sự chuẩn bị tốt, kỹ càng và không để thời cơ trôi qua một cách vô ích.

Kiên Định.

Tin bài liên quan