Quách Nguyên Chấn, tự là Phù Chân, nguyên quán ở Dương Khúc – Thái Nguyên, là một người tất rộng lượng hào phóng, giúp người mà không cần đòi hỏi báo đáp, cuối cùng đã khẳng định được đạo lý này, chỉ cần làm những điều tốt đẹp, thì nhất định sẽ gặp được may mắn.
Quách Nguyên Chấn lúc còn trẻ hào sảng phóng khoáng, đối xử với người khác rất rộng lượng. Khi 16 tuổi, ông vào học ở phủ Thái Học, là bạn đồng môn với Tiết Tắc và Triệu Nhan Chiêu. Một ngày nọ, cha mẹ của Quách Nguyên Chấn sai người hầu gửi đến cho ông tiền học phí tổng cộng 40 vạn.
Lúc này, đột nhiên có một người mặc áo tang đến gõ cửa, người đó nói với Quách Nguyên Chấn rằng: “Năm đời tổ tiên nhà tôi vẫn chưa được an táng, quan tài của họ không ở cùng một nơi. Bây giờ tôi muốn làm điều lớn lao này, nhưng mà không có điều kiện kinh tế. Nghe nói rằng gia đình cậu đã gửi học phí tới, cậu có thể giúp tôi một chút được không?”.
Quách Nguyên Chấn nghe xong, không màng hỏi tên người đó, mà đã đưa ngay cho anh ta toàn bộ số tiền của mình, không chừa lại một đồng nào. Bạn cùng lớp của ông là Tiết Tắc, Triệu Nhan Chiêu cười nhạo, nghĩ rằng ông quá ngu ngốc. Quách Nguyên Chấn bình tĩnh nói: “Giúp anh ta chôn cất tổ tiên, đó là một việc lớn, có gì mà đáng cười chứ?”.
Quách Nguyên Chấn đỗ tiến sĩ khi ông 18 tuổi. Vào thời điểm đó, những người trẻ tài năng đều lấy làm vinh dự khi được nhậm chức quan “Hiệu thư”, “Chính tự” (tên chức quan vào thời nhà Đường, như thư ký, bậc quan từ cửu phẩm trở lên, chủ yếu làm công việc hiệu đính và chuyên môn thu thập tài liệu sách vở), nhưng Quách Nguyên Chấn thì khác, ông yêu cầu được điều ra bên ngoài để cai quản địa phương. Ông làm việc không câu nệ tiểu tiết, thường có những hành động khiến người khác phải kinh ngạc, do vậy mà vang danh bốn phương.
Trong năm Trường An đầu tiên (năm 701), các liên minh Thổ Phồn và Đột Quyết xâm lược, tấn công hàng chục khu thành và bao vây Lương Châu. Quách Nguyên Chấn với quyền là Đô đốc Lương Châu kiêm Lũng Hữu chư quân Đại sứ, đã thống lĩnh 50.000 binh mã xông về Hà Tây.
Quách Nguyên Chấn với quyền là Đô đốc Lương Châu kiêm Lũng Hữu chư quân Đại sứ, đã thống lĩnh 50.000 binh mã xông về Hà Tây. (Ảnh minh họa)
Khi Quách Nguyên Chấn đến Lương Châu, các tướng lĩnh Thổ Phồn đã nghe về uy danh của ông, họ bàn luận với nhau rằng: “Tán Phổ (cách gọi thủ lĩnh của người Thổ Phồn) của chúng ta còn sợ ông ta, chúng ta làm sao có thể đánh bại ông ta chứ?”. Sau đó thì lần lượt đưa quân rời đi.
Sau khi Đường Thái Tông qua đời, thủ lĩnh bộ tộc ở phía Tây Lương Châu là Thổ Phồn, phía Bắc là Đột Quyết đua nhau nổi loạn, cứ liên tục xâm chiếm biên giới. Để giương cao uy thế nhà Đường, Quách Nguyên Chấn đã điều 120 vạn binh mã từ Lũng Hữu đến, đi qua Thanh Hải theo mười nhánh đường, gần như là tiến đến doanh trại của Tán Phổ.
Vào thời điểm này, đã xảy ra một chuyện, tể tướng Tống Sở Khách bất hòa với Quách Nguyên Chấn, nên đã mách với Võ Tắc Thiên, vu khống rằng Quách Nguyên Chấn có dã tâm. Thế là các vị trọng thần trong triều gồm 25 vị có Địch Nhân Kiệt, Ngụy Nguyên Trung, Lý Kiệu, Tống Cảnh, Diêu Sùng, Trương Thuyết… đều dâng tấu lên nguyện lấy cái chết để đền tội, họ đảm bảo rằng Quách Nguyên Chấn tuyệt đối không có bất kỳ dã tâm nào, do vậy Võ Tắc Thiên mới yên tâm.
Đội quân của Quách Nguyên Chấn tiến vào lãnh địa của Tán Phổ, Tán Phổ sợ hãi trước uy phong của quân đội nhà Đường, nên đã quỳ gối xin hòa, tiến cống 30.000 miếng vàng, 3.000 con ngựa tốt và vô số gia súc dê bò. Quân đội nhà Đường thể hiện sự yếu đuối bấy lâu nay cuối cùng đã nêu cao được sức mạnh, thu phục được Tây Nhung và dẹp yên Bắc Địch, ngay cả người Đột Quyết hung hãn cũng khuất phục, dâng lên 2000 con ngựa, và thả tự do cho tất cả những người Lương Châu đã bị bắt cướp trở về biên giới. Khi Quách Nguyên Chấn cai quản ở Lương Châu, đã dẹp loạn khắp các thị trấn ở phía Tây.
Quách Nguyên Chấn cai quản Lương Châu được 5 năm, đã ra lệnh cho quân đội canh tác. Bởi mỗi năm đều bội thu, nên quân đội không cần phải phụ thuộc vào triều đình, và đã tích lũy được số lương thực có thể cung cấp cho quân đội trong vài chục năm. Quách Nguyên Chấn sống hào sảng, Lương Châu lúc bấy giờ, người dân sống trong hòa bình, ngoài phố không có người hôi của; luật pháp nghiêm minh, người ngoại tộc được tôn trọng, và biên giới yên ổn.
Sau đó, triều đình gọi ông trở lại kinh thành để vào chầu. Mặc dù Quách Nguyên Chấn là một trọng thần, nhưng ông không có nhà cửa cho riêng mình, sau khi trở về kinh thành thì ở tạm nhà của bạn bè, chờ đợi thời gian vào chầu trong triều. Một ngày nọ khi ông ra ngoài đi dạo, đột nhiên có ai đó đến trước ngựa của ông gửi một bức thư rồi vội vàng rời đi. Quách Nguyên Chấn mở ra xem, thì thấy rằng trong bức thư đó chỉ ghi địa chỉ và số lượng danh sách các vật phẩm, mà không để lại tên.
Ông y theo bức thư chỉ dẫn, đi đến dưới một gốc cây, thì nhìn thấy hơn 20 con ngựa, và 3.000 tấm vải lụa. Ông suy nghĩ một lúc lâu, cuối cùng nghĩ rằng: “Đây chắc không phải là người trước đây ở phủ Thái Học đã nhờ mình giúp anh ta an táng tổ tiên mang đến tặng mình đó chứ?”.
Khi ấy Quách Nguyên Chấn hào phóng khảng khái, không mong được hồi đáp, cũng không hỏi họ tên người đó, nên bây giờ người đó cũng dùng cách như vậy, để báo đáp lại lòng tốt của ông. Thế là Quách Nguyên Chấn đã dùng số tài sản này để mua nhà, và ổn định gia đình của mình. Tiết Tắc và Triệu Nhan Chiêu khi xưa cười giễu ông, nay nghe được chuyện này thì đã không ngớt thở dài.
“Cứ làm chuyện tốt, không cần đòi hỏi”, chuyện mà vị danh tướng nhà Đường Quách Nguyên Chấn này gặp phải, đã khẳng định được đạo lý này, chỉ cần làm những điều tốt đẹp, thì nhất định sẽ gặp được may mắn thôi.
(Trích: Trương thuyết “Binh bộ thượng thư Đại quốc công tặng thiếu bảo Quách công hành trạng”)
Tuệ Tâm.