Từng nghe câu chuyện như vậy:
Một phụ huynh đưa con đi ăn, trên đường gặp một người ăn xin.
Những cha mẹ bình thường khác có thể sẽ nói: “Con nhớ học hành cho giỏi vào, nếu không, sau này con chỉ có thể giống như họ, không có việc làm, và phải đi xin ăn đầu đường xó chợ đó!”.
Nhưng vị phụ huynh này lại tha thiết nói với con rằng: “Con nhất định phải học hành cho giỏi, để sau này giúp những người này có công ăn việc làm, không phải rơi vào hoàn cảnh đáng thương như vậy, con nhé!”.
Gia đình như thế nào thì sẽ có con cái như thế ấy, loại giáo dục như thế nào thì sẽ có giáp dưỡng như thế ấy. Gia giáo và gia phong sẽ quyết định cuộc đời của một đứa trẻ. Một gia đình nếu phạm phải 2 điều đại kỵ này thì phải hết sức cẩn thận.
Người mà cay nghiệt với bề trên, bất hiếu với cha mẹ, thì con cháu của họ sẽ rất khó có tiền đồ rạng rỡ.
Cổ nhân có câu: “Bạn đối đãi cha mẹ thế nào, thì con cháu đối đãi với bạn như thế ấy”. Cách bạn đối xử với cha mẹ chính là cách con cái sẽ đối xử với bạn trong tương lai.
Xóm tôi trước đây có đôi vợ chồng đối xử rất tệ với cha mẹ mình, hơi một tý mắng mỏ đánh đập, hàng xóm xung quanh thấy vậy đều không chịu nổi. Bây giờ con trai vợ chồng đó đã lập gia đình, điều kỳ quặc là vợ chồng con trai lại rất hiếm khi về nhà thăm nom cha mẹ. Cha mẹ đến tìm anh cũng bị cấm cửa ở ngoài..
Cha mẹ tìm người đứng ra hòa giải, con trai nói, năm xưa họ còn quá đáng hơn tôi nhiều, tôi đây đã là gì đâu. Cha mẹ anh ta nghe vậy đều cứng họng, không nói nên lời.
Cha mẹ là hình mẫu cho con cái, con cái thấy sao sẽ học theo như vậy. Cha mẹ không có tình thương đối với đấng sinh thành, thì thử hỏi làm sao có thể kỳ vọng con trẻ sau này sẽ hiếu thuận, có lòng cảm ân với mình đây?
Một đời này của con người ta chính là một vòng luân hồi, ai cũng có xuất phát điểm là một đứa trẻ, và rồi cũng có lúc làm cha làm mẹ.
Hiện tại của cha mẹ cũng là tương lai của , bạn đối xử với cha mẹ thế nào thì con cái cũng sẽ đối xử lại với bạn như vậy trong tương lai!
Nghe quen tai, nhìn quen mắt, một đứa trẻ từ nhỏ đã không biết cảm ân, bất hiếu với cha mẹ, sau này khi bước ra xã hội, nó còn biết cảm ân ai đây? Cứ thế lâu dần, thử hỏi có ai sẵn sàng hỗ trợ dìu dắt anh ta đây?
Người mà không có bạn bè giúp đỡ, không có quý nhân giúp đỡ thì chỉ càng ngày càng bó hẹp bản thân, rất dễ vì những ham muốn ích kỷ của bản thân mà đi chệch đường, kết quả chỉ có thể hại người hại mình.
Người mà thiếu tôn trọng đối với giáo viên, con cháu đời sau sẽ rất khó giỏi giang lên được.
Trước đây, nhà giáo có địa vị rất cao trong xã hội. Ở trường tư thục, học trò nào cư xử không đúng mực bị giáo viên trách phạt. Ngày hôm sau, phụ huynh sẽ mang quà đến thay mặt con cái nhận lỗi với giáo viên và cảm ơn vì đã quản giáo con cái họ. Do đó, học sinh thường khiêm tốn học hỏi, và ít khi vô lễ với giáo viên.
Ngày nay, rất nhiều gia đình chỉ có một đứa con, con cái từ nhỏ đã được cưng chiều hết mực, trở thành“ông trời con” trong gia đình. Tình hình đột ngột trở nên thay đổi.
Ngày trước, trên mạng có đăng thông tin một đứa trẻ ở trường rất nghịch ngợm, khi đi xuống cầu thang còn cố tình chen lấn, xô đẩy người khác. Giáo viên sợ có học sinh sẽ bị xô ngã, nên đã kéo cậu ta sang một bên và dạy dỗ cậu ta một chập.
Kết quả là, hôm sau mẹ của đứa trẻ đã nghỉ việc đến trường làm ầm lên, nhất quyết yêu cầu giáo viên đó xin lỗi, nói rằng giáo viên đã xử phạt thể xác đứa trẻ, nếu không bà sẽ kiện lên phòng giáo dục.
Cuối cùng, nhà trường và giáo viên đã thỏa hiệp, nhưng từ đó về sau, gần như toàn bộ giáo viên của trường này cũng không quan tâm đến đứa trẻ này nữa.
Ngọc không mài dũa thì không thành vật báu, gỗ không chạm khắc thì không thành món hàng. Ngoài cha mẹ ra, thì giáo viên là người hướng dẫn quan trọng nhất bên cạnh trẻ. Nếu không có sự dẫn dắt của người thầy, thì đứa trẻ rất khó trở thành nhân tài.
Từ xưa đến nay, không có nhân vật thành danh nào lại vô lễ với thầy dạy của mình. Nhạc Phi thuở nhỏ nhà nghèo, Chu Đồng nhận ông làm học trò, truyền dạy võ nghệ, dạy đạo làm người, suốt đời Nhạc Phi không bao giờ quên, đối đãi với ông như cha đẻ của mình vậy.
Tôn trọng thầy dạy, là tôn trọng tri thức, tôn trọng học vấn, cũng chính là tôn trọng tương lai. Một gia đình mà không biết tôn trọng thầy dạy, không coi trọng giáo dục, vậy thì làm sao con trẻ có thể thành công trong tương lai?
Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con trẻ, ngôn truyền thân giáo của họ là tài sản quý giá nhất của con trẻ. Những đứa trẻ ưu tú đều được cha mẹ hun đúc từng chút một ngay từ khi chúng còn nhỏ.
“Bạn là người như thế nào, con cái bạn sẽ là người như thế ấy”. Muốn giáo dục tốt con cái, thì trước tiên mình phải làm gương. Chỉ khi bản thân bạn trở nên tốt hơn, đề cao đức hạnh và tu dưỡng bản thân, việc nuôi dạy đứa trẻ xuất sắc sẽ không còn là điều quá xa vời nữa.
Vũ Dương.