Theo chuyên gia phong thủy, có một số điều quan trọng không phải gia chủ nào cũng biết khi tiến hành công việc này.
Không đơn giản chỉ để làm sạch ban thờ dịp cuối năm, đây cũng là lúc để con cháu trong gia đình thể hiện sự thành kính, biết ơn của mình đối với ông bà tổ tiên, những người đã khuất.
Người xưa quan niệm phải tắm rửa sạch sẽ trước khi lau dọn ban thờ, phòng thờ. Sau đó thắp hương xin phép thần linh, gia tiên để bắt đầu tiến hành công việc. Ngoài ra, gia chủ phải ăn mặc chỉnh tề, kín đáo, mở cửa sổ hoặc cửa nhà để tạo sự thông thoáng, đón khí vận vào nhà.
Nhiều gia đình cầu kỳ hơn thì chuẩn bị thêm một mâm đựng có phủ giấy đỏ hoặc giấy trắng lên trên. Rồi sau đó, đặt các vật dụng trên bàn thờ lên đó trong lúc dọn dẹp.
Ban thờ là nơi linh thiêng, thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và những người thân đã khuất nên khi lau dọn cần phải giữ sạch sẽ, gọn gàng, tránh sử dụng đồ lau dọn dính bụi bẩn, đang dùng dở chừng.
Nếu dùng chổi, khăn lau dọn chung sẽ mang nhiều tạp uế trần gian, dễ gây ra những điều xui xẻo, không vui vẻ trong gia đình.
Theo quan niệm dân gian, rượu và gừng có thể trừ tà hiệu quả, xóa bỏ vận đen, khó khăn của năm cũ. Do đó, khi dọn bàn thờ vào cuối năm, các gia đình thường sử dụng gừng giã nhỏ pha với rượu để lau bàn thờ.
Việc này sẽ giúp xua tan những xui xẻo đang đeo bám và nhường chỗ cho sinh khí, nguồn năng lượng tốt kéo đến. Ngoài ra, khi ban thờ được làm sạch, tâm trạng của gia chủ cũng phấn chấn, thanh thản để sẵn sàng để đón một năm mới an khang, nhiều tài lộc.
Giống với nước rượu pha gừng, rượu pha tỏi cũng là sự lựa chọn để làm nước lau ban thờ, giúp xóa tan u ám trong gia đình và thu hút may mắn trong năm mới.
Ngoài ra, các gia đình cũng có thể hòa nước ấm với chút muối, giấm hoặc chanh để lau dọn những đồ cúng trên ban như lư hương, chân nến, khay đựng,...
Chuyên gia phong thủy cho hay, khi dọn dẹp, phải lau bài vị trước rồi mới đến bát hương và các đồ cúng khác bày trên ban thờ. Gia đình nào thờ Phật thì lau dọn tượng Phật trước rồi Tới bài vị gia tiên.
Nếu như làm ngược lại sẽ khiến gia đình sẽ bị tổ tiên, người đã khuất quở trách, dễ gặp phải vận xui.
Tương tự khi đặt xuống, cũng phải theo thứ tự đặt bài vị, bát hương của thần, Phật trước rồi mới đến tổ tiên.
Một điều cần lưu ý tuyệt đối không di chuyển vị trí bát hương bởi trong văn hóa tâm linh của người Việt, nếu tùy tiện di chuyển sẽ không thuận lợi cho sức khỏe, công việc làm ăn hay thậm chí còn mang đến những điềm xui xẻo, lục đục trong gia đình.
Vì vậy, gia chủ chỉ cần dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng quanh bát hương là được. Ngoài ra cũng nên hạn chế xê dịch ảnh hoặc tượng trên ban thờ.
Cuối năm cũng là lúc cần bỏ bớt chân hương cũ, thường các gia đình sẽ thực hiện trong ngày ông Công ông Táo trở đi. Khi tỉa bớt chân hương, gia chủ cần lưu ý rút nhẹ nhàng, cẩn thận từng chút một cho tới khi còn số lẻ chân nhang trong bát hương, thường là 3, 5, 7, 9 cây.
Số còn lại sau khi rút tỉa sẽ được mang đi hóa thành tro rồi đổ xuống sông hoặc vùi vào đất.
Tuy nhiên nhiều gia đình có thói quen hóa xong sẽ đem vứt vào thùng rác. Điều này tuyệt đối cần tránh vì thùng rác hay những nơi ô uế sẽ dính nhiều tạp chất, không đảm bảo được tính trang nghiêm, thanh tịnh.
Việc bỏ đi hết tro và chân nhang cũng cần tránh bởi theo quan niệm của người xưa, việc làm này sẽ gây hao tài, tán lộc cho gia chủ.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo.