Nguồn gốc độc đáo lễ Vu Lan và tục cúng tế ngày Rằm tháng 7

Ngày lễ Rằm tháng 7 đã có nguồn gốc từ xa xưa, là sự kết hợp hài hòa của Tam giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian.

Lịch âm và cội nguồn văn hóa Á Đông

Nói về nguồn gốc ngày lễ Rằm tháng bảy, phải nói đến nguồn gốc của lịch âm dương, mà chúng ta ngày nay gọi là lịch âm. Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại thì lịch âm dương được cho là do Hoàng Đế sáng chế ra. Hoàng Đế là ông vua đầu tiên thời Ngũ Đế cách hiện nay khoảng 4700 năm.

Tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu, lịch âm dương căn cứ vào chu kỳ mặt trăng định ra tháng ngày, và căn cứ vào chu kỳ mặt trời định ra 24 tiết khí, có các tháng nhuận để hiệu chỉnh lệch chu kỳ mặt trời, mặt trăng. Cách tính lịch pháp này hoàn toàn hợp với nền văn minh lúa nước, với thời vụ gieo trồng, thu hoạch nông nghiệp. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng, thuyết âm dương ngũ hành, lịch âm dương là do người Việt cổ sáng tạo, cũng rất có lý.

Hoàng Đế là người đứng đầu các bộ lạc người Hán, sống ở lưu vực sông Hoàng Hà, sống chủ yếu vào săn bắn, chăn nuôi, du mục. Cùng thời kỳ đó, từ núi Ngũ Lĩnh xuống phía nam, tức miền Nam Trung Quốc hiện nay và miền Bắc Việt Nam hiện nay, là vùng đất thuộc về các dân tộc Bách Việt, do Kinh Dương Vương cai quản, quốc hiệu là Xích Quỷ, còn phía bắc núi Ngũ Lĩnh đến lưu vực Hoàng Hà do Đế Nghi, anh trai Kinh Dương Vương cai quản.

Lịch sử cũng ghi chép Hoàng Đế đánh Xi Vưu, vua nước Cửu Lê, chính là Đế Lai, con của Đế Nghi. Như vậy, cùng với việc người Hán lấn chiếm dần xuống phía nam, họ học văn hóa các dân tộc Bách Việt, bị đồng hóa, rồi coi là của họ, và phát triển lên. Không chỉ người Hán, sau này các nước, dân tộc phía bắc xâm chiếm Trung Quốc, cũng bị văn hóa đó đồng hóa, như người Mông Cổ nhà Nguyên, người Mãn nhà Thanh.

Do đó lịch âm dương mà chúng ta ngày nay gọi là lịch âm, có thể có nguồn gốc từ các dân tộc Bách Việt, mà dân tộc Lạc Việt của các vua Hùng là một trong số đó, sau đó được người Hán tiếp thu và phát triển.

Ngày lễ Rằm tháng bảy là ngày lễ lớn của nhiều nước Á Đông, có nguồn gốc văn hóa truyền thống Á Đông lâu đời, và gắn liền với Tam giáo Phật – Đạo – Nho.

Lễ Vu Lan của Phật giáo

Theo thuyết của Phật giáo, thế giới có 10 cảnh giới gồm: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, Thiên, Nhân, A Tu La, Súc sinh, Ác quỷ và Địa ngục. 4 cảnh giới đầu tiên là những bậc Giác giả đã siêu phàm nhập Thánh, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Còn 6 cảnh giới còn lại cũng được gọi là “lục đạo luân hồi” hay 6 nẻo luân hồi, còn gọi là “lục phàm”, trong đó 3 cảnh giới cuối cùng gọi là tam ác đạo, mà chịu khổ cực nhất là cảnh giới cuối cùng, tức Địa ngục.

Rằm tháng bảy gắn liền với Lễ hội Vu Lan, còn gọi là Vu Lan Bồn. Trong Kinh Đại Tạng có kể về câu chuyện của tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ. Khi Mục Kiền Liên còn là tăng nhân đang theo Phật Thích Ca tu hành, ngài đã tu xuất ra được nhiều thần thông, pháp lực quảng đại. Ngài dùng thần thông, thấy được mẹ ngài, do khi còn sống làm nhiều việc ác như thích sát sinh, thích ăn uống lu bù, thích xa hoa, do đó đang bị đọa ở đạo ngạ quỷ, đói khát khổ sở vô cùng. Đọa vào đạo ngạ quỷ, cổ họng bị biến thành cái ống rất nhỏ, nhưng bụng thì lại to như cái thùng nước, lúc nào cũng đói mà không thể ăn được, nên gọi là ngạ quỷ (tức quỷ đói). Ngài đem thức ăn đến cho mẹ, thức ăn vừa vào miệng đã biến thành ngọn lửa thiêu đốt, khổ cực không tả xiết.

Mục Kiền Liên dù thần thông quảng đại cũng không có cách gì cứu mẹ được, ngài đành tìm đến Phật cầu cứu. Phật Thích Ca thuyết pháp cho ngài cách cứu mẹ, sau mọi người gọi là Kinh Vu Lan Bồn. Theo lời Phật dạy, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, tôn giả Mục Kiền Liên và các tăng nhân dùng trăm loại thức ăn gồm ngũ quả, đồ cúng chay để cúng chúng sinh ở địa ngục, rồi cùng tăng đoàn đọc kinh, niệm chú. Nhờ vậy những ngạ quỷ đói khát lâu ngày kia mới được ăn. Từ đó các tín đồ Phật giáo học theo, làm lễ Vu Lan để báo hiếu với ông bà, cha mẹ người thân đã mất.

Lễ Trung Nguyên của Đạo giáo

Theo Đạo giáo, Ngọc Đế phái 3 vị quan xuống cai quản thế gian, trông coi các việc thiện ác chốn nhân gian, gồm có Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan, gọi chung là Tam Quan. Ngày sinh của 3 vị quan đó lần lượt là 15 tháng giêng, 15 tháng 7 và 15 tháng 10, do đó, 3 ngày này còn gọi là Tam Nguyên.

Tam Quan cai quản việc ban phúc, xá tội, giải hạn cho con người chốn nhân gian. Các ngài pháp lực vô cùng lớn, thường tuần tra chốn nhân gian, xem con người đạo đức tốt hay xấu. Người đạo đức tốt được các ngài ban phúc, người đạo đức xấu sẽ bị giáng tội. Tuy nhiên các ngài rất nhân từ, nên hàng năm vẫn xem xét xá tội, giảm tội cho những người biết ăn năn hối cải.

Ngày 15 tháng 7 được gọi là Trung Nguyên, chính vào ngày Địa Quan xá tội. Tương truyền vào ngày này, Địa Quan cầm cuốn sổ dày, căn cứ vào biểu hiện của chúng sinh mà xá tội, miễn hình phạt cho từng người. Vào ngày này, các tín đồ Đạo giáo thường tập trung lại cùng nhau đọc Đạo Đức Kinh, tác phẩm của Lão Tử, người được coi là ông tổ của Đạo giáo. Chính vì tập quán này nên xưa những tín đồ Đạo giáo làm quan, thường có kỳ tích là “Quanh năm chỉ vui chơi gảy đàn mà bách tính an vui, thịnh trị”.

Nho giáo và tín ngưỡng dân gian

Theo Nho giáo, con người sau khi chết thành ma, còn gọi là quỷ. Trong “Lễ ký – Tế nghĩa” có viết: “Chúng sinh thì ắt phải chết, sau khi chết thì trở về với đất, đó gọi là quỷ”.

Nho giáo coi trọng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng người chết, sách “Luận ngữ” viết: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ”, nghĩa là: “Cần cẩn thận làm tang lễ với người chết, với người chết đã lâu (ông bà tổ tiên) thì nên luôn ghi nhớ và tế lễ, như vậy người dân sẽ quy thuận theo, đạo đức xã hội tăng lên, thuần hậu, trung thực”.

Khổng Tử cũng nói: “Tế như tại, tế Thần như Thần tại”, nghĩa là: “Khi tế lễ, thờ cúng người đã mất, thì cung kính như họ đang ở trước mặt; khi tế lễ Thần, thì thành kính như Thần đang ở trước mặt”.

Tháng 7 còn gọi là tháng cô hồn. Theo tín ngưỡng dân gian, từ ngày 1 tháng 7, Diêm Vương hạ lệnh mở cửa địa ngục, để các oan hồn các cô hồn dã quỷ ra khỏi địa ngục, được chút tự do thoải mái, hưởng đồ ăn ở chốn nhân gian. Người dân cũng vì thế mà làm các lễ cúng cô hồn dã quỷ, giúp họ được ăn uống, được siêu độ. Đồng thời, người dân cũng coi tháng cô hồn là tháng không may mắn, nên không thực hiện các việc hỷ như cưới xin, xây nhà, dọn nhà, khai trương, mở cửa hàng… Trong tháng cô hồn thì ngày rằm là ngày lễ chính, dân gian có câu: “Tháng 7 đêm rằm, xá tội vong nhân”.

Vì vậy ngày Rằm tháng 7, mỗi gia đình người Việt thường làm 2 lễ: lễ cúng gia tiên và lễ cúng thí thực chúng sinh”. Ngoài ra, những người theo Phật giáo còn làm lễ cúng trong chùa trước 2 lễ cúng ở nhà.

Có thể thấy, ngày lễ Rằm tháng 7 đã có nguồn gốc từ xa xưa, là sự kết hợp hài hòa của Tam giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian.

Cúng Rằm tháng 7 và đốt vàng mã

Ngoài ra, do ảnh hưởng của Vu giáo, tức những người đồng bóng, thầy mo, thầy phù thủy, họ thường dùng bùa chú, hình nhân thế mạng cúng lễ rồi đốt, nên có hiện tượng đốt vàng mã. Đây là hiện tượng dị đoan của tà đạo, tiểu đạo thế gian, trong tín ngưỡng chính giáo chân chính không hề xuất hiện những việc như thế này.

Những năm gần đây, hiện tượng đốt vàng mã đang phát triển trở lại với mức độ báo động đáng lo ngại. Không chỉ còn là vàng tiền, hình nhân thế mạng như xưa, mà giờ đây họ đốt cả nhà lầu, xe hơi, quần áo giày dép, lại còn xuất hiện đốt Iphone, Ipad và mấy “cô chân dài” vàng mã nữa, đã phát triển đến mức nực cười.

Đốt vàng mã đã xảy ra các tai nạn cháy nhà, cháy chợ, cháy kho xưởng, cháy xe bồn chở xăng, cháy rừng… rất nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra nhiều năm nhưng tình hình đốt vàng mã vẫn chưa giảm. Ngày 22 tháng 2 vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPHVN) vừa ra công văn số 31, đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo nhằm loại bỏ dị đoan.

Tuy nhiên, vấn đề là ở nhân tâm. Khi con người vẫn còn niềm tin rằng trần sao âm vậy, đốt vàng mã cúng ông bà tổ tiên, quỷ Thần thì được ông bà tổ tiên quỷ Thần phù hộ. Một niềm tin thiếu cơ sở, xuất phát từ Vu giáo, đồng bóng, các thầy mo, phù thủy, thầy pháp tiểu đạo thế gian, đa phần là để trục lợi, kiếm tiền, nhưng vẫn rất nhiều người tin theo.

Tín ngưỡng Thần Phật là chánh tín, là chính Đạo, giúp con người giữ được đạo đức, tránh ác hành thiện, giúp con người nâng cao cảnh giới tinh thần. Còn những niềm tin thiếu cơ sở, dựa vào những tưởng tượng của con người, thì đó là mê muội, là công cụ bị kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền mà thôi.

Ngày Rằm tháng 7 còn được gọi là ngày lễ cúng cô hồn hoặc ngày xá tội vong nhân. Đây là một dịp lễ quan trọng đối với nhiều gia đình Việt Nam.
Vào ngày này, các gia đình chuẩn bị mâm lễ cúng cho Đức Phật, gia tiên và cô hồn. Mục đích là để thể hiện lòng thành kính lên đức Phật, chư vị thần linh, báo hiếu gia tiên và đồng thời phát lộc cho các vong hồn được xá tội.
Do vậy, vào ngày cúng Rằm tháng 7, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.

Các nhà đình đều cúng Rằm tháng 7 trong khoảng thời gian từ ngày 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7 Âm lịch. Lý giải về tập tục này, chuyên gia phong thủy Lê Thái Bình (chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt, viện Nghiên cứu tiềm năng con người) đã có những chia sẻ đáng chú ý trên báo Người đưa tin.
“Qua ngày mùng 1 sang canh ngày 2/7 - 14/7 là ngày các vong hồn được về với dương giới theo quan niệm dân gian. Và những vong hồn có tội thì có thể được xá tội trong những ngày này, Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để những linh hồn này có thể trở về trần gian và được thọ hưởng những lễ vật ở trần gian do người dương thế cúng tế. Đây là một quan niệm dân gian, từ trước đến giờ tục lệ người dân Việt vẫn thường cúng tế vào những ngày này”, chuyên gia phong thủy Lê Thái Bình nói.
Theo quan niệm dân gian, những vong hồn có người cúng tế thì được về trần gian thọ hưởng vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Trong khi đó, những vong hồn không có con cháu dương trần cúng tế thì sẽ phải trở về vào ngày 14/7. Do vậy, nhiều gia đình cúng rằm tháng 7 và cúng cô hồn trước ngày 15/7 âm lịch.

Nam Phương.

Tin bài liên quan