Những đạo lý của huyền thoại kinh doanh Inamori Kazuo giúp bạn tới đỉnh núi thành công

Lớp trẻ ngày nay thường mang hoài bão to lớn, muốn mưu đồ sự nghiệp vĩ đại, tuy nhiên cổ ngữ có câu: “Kiến tha lâu ắt có ngày đầy tổ”...

Inamori Kazuo được mệnh danh là huyền thoại kinh doanh tại Nhật Bản, ông cũng là người sáng lập tập đoàn Kyocera. Ông đã nghiên cứu các đặc tính của đất sét trong luận án tốt nghiệp của mình. Ở tuổi 23, ông gia nhập tập đoàn công nghiệp Songfeng và đầu tư vào phát triển công nghệ gốm sứ đặc biệt, khiến bộ phận của ông trở thành hoạt động chính của công ty. Ở tuổi 27, ông cùng những người bạn đồng sáng lập Công ty Gốm sứ Kyoto (gọi tắt là Kyocera), không chỉ kiếm được lợi nhuận hàng năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, mà còn trở thành một trong số 500 công ty hàng đầu thế giới.

Năm 52 tuổi, ông thành lập công ty điện lực thứ hai (sau đổi tên thành KDDI), trở thành công ty viễn thông lớn thứ hai tại Nhật Bản và cũng theo cách tương tự, nó nhanh chóng lọt vào top 500 công ty hàng đầu thế giới. Ở tuổi 78, ông nhận được sự ủy thác điều hành kinh tế của chủ tịch Japan Airlines đang trong tình thế phá sản, và chỉ trong vòng 1 năm ông không những đã vực được lại tập đoàn mà còn đem về lợi nhuận.

Tư tưởng “Kính trời mến người” của ông đã trở thành một triết lý kinh doanh phương Đông được cả thế giới ngưỡng mộ.

Bí quyết nào giúp ông thành công nhanh chóng và vang dội như vậy? Trong cuốn “Triết lý kinh doanh của Inamori Kazuo”, ông đã đưa ra 8 đạo lý làm việc của mình dưới đây. Chúng ta muốn thành công trên con đường công danh sự nghiệp, nhất định phải thấu hiểu được sự tuần hoàn của 8 đạo lý này:

1. Niềm vui trong công việc là không gì có thể thay thế

Nhớ lại những năm tháng đã qua, tôi cứ mải miết chìm đắm trong công việc. Có người hỏi tôi cuộc sống cả ngày trôi qua trong công việc có cảm thấy vô vị hay không? Nguyên nhân là vì có nhiều người cho rằng hứng thú và tiêu khiển là điều không thể thiếu. Tuy nhiên theo tôi nhìn nhận, muốn có được niềm vui sướng thực sự chỉ có duy nhất là làm việc.

Chỉ khi có một tiền đề công việc thật tốt mới có thể cảm nhận được vị ngọt của sự hứng thú và niềm vui. Nếu như bạn lãnh đạm với công việc và chìm đắm trong niềm vui của sự hưởng lạc, có thể bạn sẽ nhận được sự thỏa mãn nhất thời nhưng cuối cùng vẫn không thể nào hưởng thụ được niềm vui thực sự xuất phát từ nội tâm.

Niềm vui trong công việc không phải là thứ cảm hứng nhất thời nông cạn trên bề mặt mà là một loại cảm giác “khổ tận cam lai”. Nói một cách khác, niềm vui trong công việc chính là khoảnh khắc bạn chinh phục khó khăn, vượt qua quan ải. Và cũng chính vì điều ấy nên niềm vui trong công việc là điều không gì có thể thay thế.  

Thế nhưng có nhiều lúc bạn vùi đầu trong công việc, nỗ lực hết mình cũng không có được thành quả mà mình mong muốn. Lúc đó, cảm giác thành tựu cũng chẳng có, đã vậy còn dễ dàng hủy đi nhiệt huyết của bạn. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, loại quan ải khó khăn này chính là lúc để hoàn thiện chính mình, là cơ hội để tu dưỡng bản thân bước lên một tầm cao mới.

2. Điều thực sự định hình nên nhân cách của bạn chính là khổ nạn và khó khăn

Nếu như xem công việc chỉ là phương tiện để có được vật chất hay thứ mà mình muốn, vậy sẽ làm cho con người ta vô cùng khổ sở. Tôi muốn cho lớp trẻ hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của công việc. Bất luận ngành nghề gì cũng đều là con đường hướng tới xã hội mà học tập, đều là vũ đài giúp bản thân trưởng thành. Điều thực sự tạo nên nhân cách của con người không phải là thiên chất hay học lực mà là tất cả những khó khăn khổ nạn mà mình gặp phải.

Ngay cả đứng từ góc độ sinh học mà xét, những vận động viên không ngừng vượt qua những giới hạn của bản thân và khó nạn sẽ là những vận động viên mạnh mẽ, hấp dẫn nhất. Nói một cách khác, khó khăn chính là bàn đạp giúp con người bước lên khán đài thành công.

Vì để nâng cao nhân tính, làm phong phú tâm hồn thì điều cần làm chính là lao động, tôi cho rằng chỉ có chăm chỉ làm việc mới có thể giúp bản thân có được cuộc sống rạng rỡ và niềm vui.

3. Coi nỗ lực là điều quan trọng nhất

Tôi luôn kiên trì nỗ lực, vùi đầu trong công việc, coi sự nỗ lực là đương nhiên cho nên có được thành tựu như ngày nay. Lớp trẻ ngày nay thường mang hoài bão to lớn, muốn mưu đồ sự nghiệp vĩ đại, tuy nhiên cổ ngữ có câu: “Kiến tha lâu ắt có ngày đầy tổ”. Để thực thi bất kỳ một mơ ước nào cũng đều không thể thiếu được sự nỗ lực, nếu như không đi những bước đi vững chắc, thực tế thì cuối cùng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ.

Đường đời của con người không giống như đi thang máy, một bước thăng cao mà là cần từng bước từng bước đi lên, phải dựa vào chính đôi chân của mình mà tiến bước về phía trước. Tuy nhiên, có một số người trẻ lại không cho nó là đúng, họ cho rằng như thế quá chậm, nỗ lực cả đời cũng chẳng thể hoàn thành được mơ ước. Họ không hiểu được sự diệu kỳ của cố gắng, nỗ lực từng bước sẽ tạo thành pháp lực làm nên thành quả, cuối cùng tạo thành sự nhảy vọt.

Thông qua sự tích lũy nỗ lực thì có thể nhận được thành quả, từ đó dựng nên tín tâm, khơi lên ý thức nỗ lực mạnh mẽ. Thông qua sự tuần hoàn như vậy sẽ giúp bản thân nhận được thành tựu một cách vô thức.

Bản thân tôi chính là một ví dụ sống, từ một chàng trai tướng mạo xấu xí, năng lực bình thường ở chốn thôn quê trên đảo Kagoshima lại có được thành tựu to lớn ngày hôm nay.

Tôi nhận thấy, bất luận là học tập hay làm việc, đây là con đường thực thi mơ ước duy nhất không có con đường thứ hai.

“Nỗ lực vùi mình trong công việc”, câu nói này nghe thì có vẻ bình thường nhưng nó lại mang một chân lý nhân sinh. Trên đường đời, công việc hay sinh hoạt, bất kể khó nạn lớn nhỏ ra sao cũng không thể tránh khỏi. Có những khó khăn có thể nhẹ nhàng bước qua, nhưng lại có những khó khăn bế tắc làm cho con người ta thấy sợ. Lựa chọn đối diện nó mà công phá, hay lựa chọn đi đường vòng, lựa chọn khác nhau sẽ mang đến cuộc đời khác nhau.

4. Kiên trì, tiếp tục kiên trì

Chỉ có đột phá chướng ngại mới có thể thành công. Người thành công và người thất bại cũng chỉ khác nhau một trang giấy mỏng. Người không thành công đều là những người lười biếng cẩu thả. Tuy nhiên trong đó cũng có một số người giống người thành công, họ chân thành, nhiệt tình, nỗ lực làm việc, tuy nhiên họ thiếu mất một điều mà người thành công luôn có, đó là sự bền bỉ.

Khi công việc có chút bất lợi họ liền nhanh chóng buông xuôi, có nghĩa là họ có nỗ lực nhưng chưa đủ, khi gặp khó khăn, họ dễ bị chán nản, viện đủ lý do để an ủi chính mình, để ngừng cố gắng, buông bỏ mục tiêu.

Khi thấy một việc khó lòng thực thi, điều cần thiết trước tiên chính là sự bền bỉ, tính kiên trì, nỗ lực kiên trì cho tới thành công. Nhất thiết phải đột phá giới hạn bản thân, không ngừng nhắc nhở chính mình: “Mình nhất định làm được”. Loại quan niệm này là nguồn sức mạnh giúp con người ta từ một người bình thường bước đến cảnh giới người siêu thường.

Sự tự tin đột phá chướng ngại có thể điều chỉnh nhân cách của một người, giúp tăng thêm sức mạnh bản thân, và cũng nhờ đó mà tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân phẩm đi tới thành công.

5. Biến hy vọng lên cao thành niềm tin cực độ

Tôi cho rằng con người không nên bị chi phối bởi thế giới bên ngoài, càng không nên thành người manh động mù quáng. Manh động mù quáng ở đây là nói đến những điều chúng ta dự định thực thi nhưng lại bị những giả tướng của biến động của xã hội như kinh tế, chính trị tạo thành cảm giác khó khăn rồi từ đó trở thành người dễ dàng buông bỏ. Những người lý giải về trạng thái xã hội càng sâu thì càng dễ có cảm giác không có khả năng, họ dễ dàng đưa ra kết luận như vậy.

Ngược lại, một người xuất phát từ nội tâm “Mình muốn làm gì đó”, họ là người có đầy đủ nguyện vọng mãnh liệt. Bất luận là hoàn cảnh xung quanh có khó khăn cỡ nào, vì để thực thi nguyện vọng, họ tìm phương nghĩ cách, vắt óc suy nghĩ. Cuối cùng họ trở thành người không ngừng sáng tạo.

Trong một hoàn cảnh môi trường khốc liệt, người manh động mù quáng lại thường chỉ có cái nhìn lý giải về phương diện bất lợi, cuối cùng điều lĩnh ngộ được chỉ là những giả tướng khiến bản thân có cảm giác mơ ước của mình khó có thể thực thi.

Nhưng còn một kiểu người khác, với một niềm tin cao độ xuất phát từ chính nội tâm, họ gia tăng tín niệm vào nguyện vọng của mình một cách mãnh liệt. Điều họ nghĩ chính là làm sao để giải quyết vấn đề, họ bắt đầu nỗ lực, bắt đầu nghĩ cách, bắt đầu sáng tạo, lấy hết dũng khí của mình tiến về phía trước, dũng cảm tiến lên.

Tôi cho rằng trong cuộc sống, những người quyết tâm đạt được tiến bộ và đạt được kết quả xuất sắc, những người đã nhiều lần gặp phải khó khăn, và những người bình thường, khoảng cách giữa họ là ở đây.

6. Muốn thành tựu sự nghiệp cần phải có trạng thái “điên rồ”

Làm người nếu như không tích cực thử thách chính mình trong lĩnh vực mới, vậy thì sự nghiệp cũng vậy, cuộc sống cũng thế, đều không có được một tương lai tốt đẹp. Nhưng khi tiến vào một lĩnh vực mới, bất luận là nghiên cứu kỹ thuật hay mở rộng thị trường đều là những việc cực kỳ gian nan. Những điều đợi chờ chúng ta đều là những khó khăn chưa từng trải qua, những chướng ngại vượt quá sự tưởng tượng của mình. Vậy nên để có thể vượt qua được chướng ngại, đột phá khó khăn đều cần một năng lượng lớn mạnh.

Ngay từ trước đây rất lâu, tôi đã nói rằng để thành tựu được sự nghiệp thì cần phải có một loại trạng thái “điên rồ”. Nguyên nhân ở đây là để vượt qua chướng ngại khó khăn, bạn cần phải có một năng lượng to lớn để đột phá nó.

Cái được gọi là năng lượng ở đây chính là sự nhiệt tình của bản thân đối với sự nghiệp, nhiệt huyết bùng cháy, tinh thần phấn đấu tuyệt vời và niềm tin bền bỉ, nó là nguồn năng lượng để phá vỡ các rào cản và cũng là điều kiện cần thiết để vượt qua thử thách.

Để đạt được cái gọi là “điên rồ” thì phải đạt được trạng thái tràn đầy năng lượng mạnh mẽ. Con người vốn dĩ có loại năng lượng này, và sự bùng nổ của năng lượng này là sự đảm bảo cơ bản cho sự thành công trong các lĩnh vực mới.

7. Bất luận thế nào, nhất định phải thành công

Đề tuy khó nhưng bất luận thế nào cũng phải giải, tuyệt đối không được chạy trốn khó khăn mà cần phải đối diện với nó. Lúc này cần một loại cảm giác gấp gáp, trăm phương nghìn kế, bất luận thế nào cũng phải giải quyết nó theo cách hiệu quả và chân chính nhất. Nó cũng giống như tu dưỡng, giống như trạng thái tu hành của các cao nhân.

Một mặt, phải có đủ đầy nguyện vọng “bất luận thế nào cũng phải thành công”; mặt khác, khi đối diện với gian nan càng lớn thì càng cần phải tĩnh tâm, phải có một tâm thái thận trọng, cẩn mật quan sát tình thế xung quanh.

Làm được như vậy thì những điều thiết yếu, những thứ bị bỏ sót trước đây sẽ dần hiện ra trong mắt bạn, tôi gọi điều này là “sự gợi ý thầm lặng của Thần”. Chỉ có một thái độ chân thành, chỉ có một tâm thái gấp gáp ngàn cân treo sợi tóc mới có thể giúp bạn sáng tạo. Nếu muốn đạt được sự linh cảm siêu việt, tất nhiên phải có đủ tư thái điềm nhiên đối diện với khó khăn.

8. Chọn lựa con đường khó khăn hơn nữa

Sau khi tốt nghiệp tôi đi làm không lâu, khi đó tôi chỉ là một công nhân bình thường, tôi và công ty xảy ra xung đột trong công việc, lại bị sự đả kích của mọi người, bản thân nhất thời rơi vào trạng thái cô độc, hoàn cảnh ‘tứ cố vô thân’. Khi ấy, tôi nghĩ bản thân mình giống như đang dẫn dắt một nhóm người trèo lên đỉnh núi nguy hiểm mà bản thân không hề có kinh nghiệm, lại không nắm vững kỹ thuật nhưng tôi vẫn cứ thử sức mình leo lên vách núi thẳng đứng, cao to sừng sững. Vách núi hiểm trở trước mặt, có người e dè, có người sợ hãi, có người tụt lại phía sau. Vậy nên xung quanh tôi chỉ toàn là những âm thanh chỉ trích.

Tiền bối khuyên tôi “Nên thỏa hiệp”, nói cách khác chính là khuyên tôi nên chọn một con đường bằng phẳng khác dưới chân núi làm lại từ đầu, dẫn dắt mọi người đi theo con đường đó mà lên núi.

Tôi biết bản thân là một người yếu đuối, nếu như nghe lời tiền bối, lựa chọn một con đường nhẹ nhàng để leo lên dần dần, trước khi đến được đỉnh núi, sợ rằng tôi đã buông xuôi mất rồi. Mặt khác, nếu lựa chọn con đường an toàn, đối với những người đồng đội tin tưởng tôi mà nói, họ sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, lựa chọn con đường đó sẽ chẳng thể mang lại được cho họ niềm vui và hạnh phúc thực sự.

Nếu như tin tưởng bản thân là đúng, vậy thì những chỉ trích bên ngoài cũng vậy, những gian nan phía trước cũng thế, đều chẳng là gì cả. Tôi hạ quyết tâm, mắt nhìn đỉnh núi, thẳng đường mà tiến. Vì để cùng với mọi người leo lên đỉnh núi, tôi đối với bản thân cũng vậy, đối với mọi người cũng thế, đều rất nghiêm khắc, tôi cho rằng như thế tuyệt đối không có gì sai.

Minh Vũ.

Tin bài liên quan