Trong một gia đình tốt, con cháu tôn kính tổ tiên và kế thừa phúc đức từ đời trước để lại. Một nhà với gia phong (*) tốt sẽ tạo nên thế hệ tương lai thành đạt.
Nền nếp gia đình tốt có ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ đời sau, thậm chí quyết định đến thái độ và sự tự tin của con cái khi bước ra ngoài đối nhân xử thế. Những truyền thống gia đình tốt đẹp do tổ tiên chúng ta để lại, mặc dù đã trải qua hơn một nghìn năm, nhưng vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay. Đúng như người xưa từng nói: “Đức trạch nguyên lưu viễn, gia phong thế trạch trường”, ý là: đức trạch được kế thừa từ đời này qua đời khác, gia phong tốt khiến cho phúc của con người thế gian được dài lâu.
Cổ nhân nói: “Người ưa làm việc thiện, phúc dù chưa tới, họa đã tránh xa. Đức dày bao chứa vạn vật, đức dày nuôi dưỡng gia đình”.
Khi Phạm Trọng Yêm còn chưa làm nên sự nghiệp, ông đã từng đến miếu thần xin quẻ xem bói, hỏi rằng liệu sau này ông có thể trở thành tể tướng được không. Thế nhưng, nội dung quẻ bói biểu lộ rằng ông không thể. Sau đó, Phạm Trọng Yêm lại tiếp tục xin quẻ, ông khẩn cầu: “Nếu không thể trở thành tể tướng, tôi nguyện làm một lương y” (lương y: thầy thuốc tài giỏi, nhân hậu), nhưng kết quả vẫn là không được.
Thấy vậy, ông thở dài: “Không thể vì bách tính mưu lợi tạo phúc là điều mà một đại trượng phu không nên làm trong cuộc đời.” Về sau, có người hỏi ông: “Đại trượng phu lập chí muốn làm tể tướng, về lý mà nói, đó là điều đương nhiên. Nhưng ngài cớ sao còn cầu nguyện được trở thành một lương y? Đấy chẳng phải có hơi nhỏ bé, tầm thường rồi chăng?“
Phạm Trọng Yêm trả lời: “Người xưa nói: ‘Thường thiện dụng nhân, cố vô khí nhân, thường thiện dụng vật, cố vô khí vật’ (đại ý là: thông thường giỏi việc dùng người, cốt là để không có ai bị vứt bỏ; giỏi việc dùng vật, cốt là để không vật nào bị bỏ đi). Những bậc trượng phu có tài học dĩ nhiên sẽ ôm nguyện vọng phò tá quân vương anh minh, điều hành đất nước, tạo phúc cho thiên hạ. Khi đó, cho dù có người chẳng thể nhận được ân huệ từ ta, ta vẫn giống như đã đặt họ vào trong tấm lòng thương dân của mình rồi vậy. Chỉ tể tướng mới có khả năng cứu giúp cho khắp bàn dân trăm họ. Hiện tại quẻ bói đã nói ta không thể trở thành tể tướng, vậy muốn thực hiện tâm nguyện tạo phúc cho muôn dân của mình, không có gì tốt hơn là trở thành một lương y. Nếu thực sự trở thành một thầy thuốc tốt với tay nghề cao siêu thì trên có thể chữa bệnh cho hoàng thân quốc thích, dưới có thể cứu nguy cho bách tính nghèo hèn, bên cạnh đó còn có thể tự bảo vệ cơ thể và sức khỏe. Mặc dù thân tại dân gian, lại vẫn mang đến ân huệ cho toàn thiên hạ, ngoài việc làm một lương y ra thì cũng chẳng còn phương pháp nào khác nữa rồi”.
Phạm Trọng Yêm sau này trở thành quan đại thần trong triều đình. Ông cứu tế cho những người đi học, cắt giảm lao dịch, thành lập nghĩa điền, làm việc thiện tạo phúc cho nhân dân. Ông còn sử dụng bổng lộc do mình nhiều năm tích góp được để lập ra nghĩa trang(**) tại quê nhà.
Con cháu của Phạm Trọng Yêm mỗi đời đều tiếp nối những việc thiện của ông, vậy nên trong gia tộc ông có vô số người thành tài, gia nghiệp cũng được duy trì hưng thịnh, phát đạt.
Làm cha mẹ nên lấy mình làm gương cho con cái, có như vậy mới có thể giáo dục con cái được tốt.
Trong cuốn ‘Cách ngôn liên bích’ có câu: “Công chính nghiêm minh, thị tác gia trưởng đệ nhất pháp”, nghĩa là: làm người chính trực, công tư phân minh, chính là chuẩn tắc đầu tiên để làm cha mẹ.
Vào thời Đông Tấn, có một viên quan huyện lệnh đã lợi dụng chức vụ của mình, lấy cá được cung cấp cho nhà quan làm của riêng, sau đó sai người mang về cho mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo.
Sau khi biết con cá kia không phải được mua về mà là do con mình tham ô của công, người mẹ đã vô cùng tức giận, không chỉ đem cá gửi trả lại mà còn viết một bức thư cho viên huyện lệnh. Trong thư viết: Thân là quan viên, dựa vào quyền lực trong tay lấy đồ công làm của riêng, đây là hiếu thuận sao?
Nhìn bức thư của mẹ và con cá được trả về, viên quan cảm thấy rất tự trách, từ đó trở nên chăm chỉ, gắng sức làm một vị quan thanh liêm. Ông ấy chính là Đào Khản – một viên tướng nổi danh dưới triều Đông Tấn.
Trên đời không có bậc cha mẹ nào là không yêu thương con cái của mình, nhưng cũng không thể vì tình yêu mà quá nuông chiều con cái.
Nếu mưa quá nhiều, vạn vật sẽ bị tổn hại, nếu từ ái quá mức, con cháu sẽ gặp tai ương.
Trẻ nhỏ phạm lỗi, dung túng nhân nhượng, việc ác nhỏ qua thời gian dần tích thành việc ác lớn, khó có tương lai.
Sự tồn tại của các quy tắc gia đình hoàn toàn không phải để hạn chế quyền tự do của trẻ nhỏ, mà là để thiết lập một giá trị quan đúng đắn nhất ở độ tuổi phù hợp nhất của chúng.
Thời Bắc Tống nổi tiếng có “Tam Tô” – ý chỉ ba cha con nhà họ Tô. Cả ba người đều được liệt vào danh sách “Bát đại gia Đường – Tống” (tám nhà văn lớn thời Đường – Tống) và đều sở hữu tài văn chương người người nể phục. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, một trong những nguyên nhân khiến ba cha con nhà họ Tô có thể đạt được thành công như vậy chính là nhờ có người vợ của Tô Tuân – Trình Tuyết Mai.
Khi Tô Tuân lâm vào hoàn cảnh túng quẫn nhất, Trình Tuyết Mai luôn ở bên ông không rời không bỏ, giữa hai người có sự phân chia công việc rõ ràng: người vợ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng và phụ trách công việc buôn bán, dệt vải; còn Tô Tuân sẽ vừa đọc sách tự học, vừa dạy dỗ con cái. Nhờ đó, cuộc sống của họ càng ngày càng trở nên hưng thịnh, phát đạt.
Vợ chồng mỗi người nếu đều có thể làm tròn trách nhiệm, đều có thể cùng nhau chia sẻ công việc thì cuộc sống đời thường sẽ ngập tràn hạnh phúc. Khi gặp phải chuyện gì cũng có thể cùng nhau thương lượng tìm cách giải quyết, hỗ trợ và thông cảm cho nhau, như thế giữa hai người sẽ ít đi gián cách, nhiều lên những khoảnh khắc vui vẻ, hài hòa.
Chú thích:
(*) Gia phong: là tập quán và giáo dục trong gia tộc, nề nếp riêng của một gia đình. Gia phong là một từ dùng để chỉ chung cho văn hóa, cách nghĩ, cách ứng xử của gia đình, gia tộc.
(**) Nghĩa trang: là một phong tục xã hội của Trung Quốc cổ đại, đây là vùng đất thuộc sản nghiệp của gia tộc. Phạm Trọng Yêm đã dùng bổng lộc tích góp được để mua đất, sử dụng phương thức cho thuê đất để kinh doanh, lấy tô thuế thu được từ mảnh đất đó chu cấp cho người trong tộc và củng cố dòng họ. Bên trong nghĩa trang được bố trí nghĩa trạch – là nơi ở cung cấp có những người trong tộc có thể mượn để ở nhờ.
Trường Lạc.