Có một niềm vui ta đừng bao giờ quên lãng: Niềm vui có Mẹ

Thương tặng những ai còn có Mẹ nhân ngày lễ Vu Lan. Và cả những ai chẳng may đã không còn Mẹ…

“Một bông hồng cho em

Một bông hồng cho anh

Và một bông hồng cho những ai

Cho những ai đang còn Mẹ

Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn

Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi

Như đóa hoa không mặt trời

Như trẻ thơ không nụ cười

Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm

Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”

Giai điệu êm đềm sâu lắng của bài hát “Bông hồng cài áo” như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà khắc khoải cho tất cả chúng ta, bởi vì ai cũng từng có một người Mẹ.

Mỗi người chúng ta đều được sinh ra bởi một người Mẹ. Hạnh phúc thay cho những ai được Mẹ chăm bẵm, nuôi nấng, dạy bảo từ thuở lọt lòng. Khi bước ra đời, vấp váp đã nhiều, ta mới nhận ra, Mẹ là người tốt với ta nhất thế gian.

“Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi, mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ”. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ: thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ” (Đoản văn “Bông hồng cài áo” – Thích Nhất Hạnh).

Bi kịch cuộc đời là thế: Cái gì quý, chúng ta lại phải đợi đến khi mất đi thì mới biết tiếc thương, trân trọng. Nhưng hỡi ôi, đợi đến ngày Mẹ mất thì khốn khổ cho ta biết chừng nào! Nhớ chuyện Vương Thôi thời Tam Quốc, mẹ mất rồi chỉ còn biết ra nấm mồ mẹ khóc mà thôi.

Mẹ Vương Thôi lúc sinh thời hay sợ sấm, cho nên khi mẹ mất rồi, hễ khi nào trời mưa có sấm chớp, ông lại ra mồ mà khấn rằng: “Có con đây rồi” cốt để cho mẹ khỏi sợ:

“Từ mẫu phạ văn lôi.

Băng hồn túc dạ đài,

Át hương thời nhất chấn.

Đáo mộ nhiễu thiên hồi”.

Nghĩa là:

“Mẹ hiền sợ nghe tiếng sấm.

Hồn thơm đã nằm dưới suối vàng,

Khi nghe thấy tiếng sấm động,

Đến mồ mẹ đi quanh nghìn lần”.

Mỗi khi ông giảng sách cho học trò đến thiên Lục Nga trong Kinh Thi có câu: “Phụ hề sinh ngã”, ông nhớ đến cha rồi tự nhiên nước mắt tuôn rơi, học trò đều cảm động và bỏ thiên Lục Nga không dám đọc nữa.

Hiếu thảo như Vương Thôi là quý lắm, nhưng chớ nên đợi đến lúc cha mẹ khuất rồi mới tiếc thương. Nếu như ngày Vu Lan năm nay, ta còn được cài lên áo một bông hồng đỏ biểu thị rằng ta còn có Mẹ, thì ta hãy tận hưởng trọn vẹn niềm vui ấy, và cũng để Mẹ tận hưởng niềm hạnh phúc như ta.

“Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu, nhìn thật lâu

Rồi nói, nói với Mẹ rằng “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không?”

– Biết gì? “Biết là, biết là con thương Mẹ không?”

Chỉ một lời thủ thỉ chân thành ấy thôi, cũng đủ làm Mẹ ta vui sướng biết chừng nào. Đừng đợi đến khi ta tài giỏi thành danh mới báo hiếu Mẹ. Bởi vì, hiếu đạo là con đường đi của cả cuộc đời, chứ không phải của một giây lát mà thôi. “Hiếu Kinh” thuật lại lời Khổng Tử nói với Tăng Tử:

Này đây, Hiếu là căn bản của Đức, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu.

Một người con hiếu thảo, trước thì biết chăm lo sức khoẻ thân thể của bản thân để mẹ cha yên lòng, sau lại biết tu dưỡng đức hạnh, mang về tiếng thơm cho cha mẹ. Những việc ấy đâu cần phải nhiều tiền nhiều của mới có thể làm? Từ em bé thơ đến người đầu bạc, ai cũng có thể thực hành chữ Hiếu.

“Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em

Thì xin anh, thì xin em

Hãy cùng tôi vui sướng đi

Hãy cùng tôi vui sướng đi…”

 

Xuất phát từ sự tích “cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ” của Bồ Tát Mục Kiền Liên (là một trong mười vị để tử xuất chúng của Thế Tôn). Vu Lan là ngày đại lễ hằng năm nhằm tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ – cha mẹ của kiếp này và các kiếp trước nữa.

Theo kinh Phật Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên sau khi đã tu luyện được Lục Thông, Tuệ Nhãn liền tưởng nhớ đến mẹ mình. Ngài đã dung Tuệ Nhãn nhìn khắp bốn phương, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ rất đói khổ. Đâu xót khi nhìn thấy mẹ trong cảnh đó, Ngài đã vận dụng Thần Thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ, do tâm mẹ Ngài tham lẫn từ đời trước quá nặng, sợ những người ở ngạ quỷ thấy xin, cho nên bà một tay che bát cơm, một tay bốc cơm ăn. Than ôi, cơm chưa tới miệng đã hóa thành than lửa không thể ăn được.

Báo hiếu cha mẹ là việc mà ta nên làm hằng ngày, đó có thể là những hành động hay sự quan tâm lo lắng đối xử với cha mẹ mà ta không thể thiếu sót khi mỗi một ngày đến. Nhưng bạn sẽ làm gì vào những dịp đặc biệt mà hằng năm chỉ có 1 lần như Lễ Vu Lan Báo Hiếu? Món quà tri ân nhỏ cho công lao lớn mà cha mẹ đã cho ta liệu có phải là xa xỉ?

Thanh Ngọc.

Tin bài liên quan