Táo Thần giải mê hoặc, giúp người thay đổi nhân sinh thê thảm

Táo Thần giải mê hoặc, giúp người thay đổi nhân sinh thê thảm

Vào đêm giao thừa ở tuổi bốn mươi bảy, Du Đô cùng người vợ mù lòa và con gái thức thâu đêm. Giữa bốn bức tường tiêu điều vắng vẻ, người nhà ai cũng cảm giác thê lương. Đột nhiên vang lên tiếng gõ cửa...

Vào thời nhà Minh, có một người tên Du Đô, tự Lương Thần, quê Giang Tây, sinh vào đầu những năm Gia Tĩnh, là tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ năm. Gia cảnh hai nửa cuộc đời của ông khác biệt như trời và đất. Trước năm bốn mươi bảy tuổi, ông than khóc cho vận mệnh bạc bẽo của mình, ông tự nghĩ mình không phạm tội gì lớn, vì sao mà cứ bị ông trời trừng phạt thảm thương như vậy. Mãi cho đến thời khắc giao thừa năm đó, Táo Quân bỗng hiện thân, triệt để giải khai mê hoặc bấy lâu của ông, khiến ông thốt nhiên đại ngộ…

Du Đô vừa đa tài vừa bác học, 18 tuổi nhập hương học, thành tích học tập rất tốt, mỗi kỳ khảo thí đều đạt thứ hạng cao. Gia đình Du Đô rất nghèo, thời trai trẻ ông mưu sinh bằng nghề dạy học. Ông cùng hơn mười bạn học cùng thành lập Văn Xương xá, lập quy ước, phóng sinh, giới dâm, giới sát sinh, giới khẩu quá (kiêng nói quá), thực hành trong nhiều năm liên tục. Trong thời kỳ này, ông trước sau đã bảy lần thi hương, nhưng đều không trúng. Ông và vợ sinh được 5 người con trai, thì cả 4 người bị bệnh mà chết, người con trai thứ 3 rất thông minh, dưới lòng bàn chân trái có nốt ruồi kép, hai vợ chồng rất trân quý bảo bối. Tuy nhiên, khi được sáu tuổi, cậu con trai đang chơi trong làng thì đi lạc, biến mất không dấu vết. Họ sinh bốn cô con gái, cũng chỉ một người là sống sót. Người vợ thương con khóc đến chết đi sống lại, đến nỗi bị mù cả hai mắt. Du Đô quanh năm khốn đốn, cuộc sống càng thêm túng quẫn.

Ông tự ngẫm, bản thân chưa hề phạm phải tội lớn, sao lại bị ông trời trừng phạt thê lương như vậy? Ngày ngày tháng tháng cứ trôi qua mà không có câu giải đáp. Bắt đầu từ năm bốn mươi tuổi, hàng năm ông đều làm lễ cúng Táo quân vào tháng mười hai Hoàng lịch. Nhiều năm như vậy trôi qua, ông vẫn chưa nhận được bất kỳ hồi ứng nào.

Vào đêm giao thừa ở tuổi bốn mươi bảy, Du Đô cùng người vợ mù lòa và cô con gái thức thâu đêm. Giữa bốn bức tường tiêu điều vắng vẻ, người nhà ai cũng chỉ thấy cảm giác thê lương.

Đột nhiên vang lên tiếng gõ cửa. Du Đô cầm nến ra mở cửa, liền nhìn thấy trước cửa một người đàn ông mặc đồ đen, thắt khăn ngay ngắn, râu tóc đã bạc quá nửa.

Đối phương vái chào rồi ngồi xuống, nói: “Đệ họ Trương, từ phương xa trở về, nghe nói nhà huynh mọi người sầu thán, liền tới đây an ủi.”

Du Đô đối với người đàn ông họ Trương lạ mặt này rất cung kính, liền mở lòng kể: “Tôi bình sinh chỉ đọc sách tích thiện, vậy mà đến nay công danh chưa đắc, vợ thì mù cả hai mắt, cả nhà bữa đói bữa no. Đã mấy năm nay tôi luôn thắp hương đốt sớ khấn Táo quân, xin ngài ấy vì tôi mà truyền đạt tâm ý gửi Thiên đình.”

Trương quân nói: “Tôi đã biết chuyện gia đình huynh từ rất lâu rồi! Huynh chấp niệm quá trọng, cầu cạnh hư danh. Cả tờ sớ toàn lời oán thán, bất kính với Thần linh, nếu thượng trình lên Thiên Đế, e rằng sẽ bị trừng phạt nhiều hơn thế này.”

Du Đô sửng sốt nói: “Ta nghe nói trong u minh, rằng sám hối hành thiện tất có thể lên Thiên đình. Ta và tất cả thư sinh đồng xá đã phát thệ làm việc thiện, tuân phụng quy củ bấy lâu nay, lẽ nào hết thảy đều chỉ là hư danh sao?”

Trương quân liền phân tích sâu xa hơn cho Du Đô:

“Xin huynh hãy lắng nghe tôi một chút, hãy nói về chuyện ‘quý chữ’ (tích tự). Học sinh và những người quen của huynh thường dùng sách cũ để gói đồ, lau bàn rồi đốt đi. Đây có tính là ‘quý chữ’ không? Huynh mỗi ngày đều nhìn thấy những chuyện này, vậy mà huynh không hề nói một câu cảnh giới, nếu huynh chỉ là nhặt một hai mẩu giấy trên đường rồi lại mang về nhà đốt, vậy có ích gì?”

“Lại nói về phóng sinh, nhà huynh vẫn ăn tôm cua, kỳ thực trong tâm chưa hề động niệm từ bi.”

“Tai họa từ miệng, huynh ngôn đàm phản ứng mẫn thiệp, hành cử khéo léo xảo diệu, thường khiến người nghe khuynh đảo. Khi nói chuyện với bạn bè, nói đến mức hả hê lâm li, tùy hứng mà đàm tiếu, thực không hề tiết chế. Cái lưỡi hại người, khiến quỷ thần cũng tức giận, tích lũy âm ác không biết là bao nhiêu, còn có thể nói huynh chất phác đơn giản sao?”

“Còn nữa, khi nhìn thấy mỹ nữ, tất nhiên không bỏ qua, mắt chăm chú không buông, rồi tâm thần cũng động theo! Huynh nói bản thân cả đời không ác niệm, không phạm sắc giới, há có thể thật sự thản nhiên không hổ thẹn với thiên địa quỷ thần? Những thứ này đều là những điều lệ quy tắc mà huynh đã phát thệ nỗ lực thực hành, nhưng huynh vẫn vậy.”

“Huynh năm nào cũng đốt sớ thượng trình Thiên đình, Thượng Đế phái sứ giả hàng ngày đi tra khảo thiện ác của huynh, kết quả không có việc thiện nào thực sự đáng được ghi nhận trong mấy năm qua. Nhưng thấy huynh nơi cô độc, trong lòng đầy tham niệm, dâm niệm, tật đố niệm, hẹp hòi niệm, cầu ân cầu báo phục niệm, còn có niệm coi thường người khác, niệm trông chờ tương lai phúc báo… Trùng trùng những niệm đầu ác ý đó, tích lũy quá nhiều, đến mức bị trời phạt, hiện nay huynh muốn thoát họa cũng đã bất cập, còn có thể mong chờ phúc thọ giáng lâm ư?”

Dư Đô kinh ngạc bàng hoàng, phủ phục xuống đất khóc lóc thỉnh cầu: “Ngài có thể thông tỏ chuyện trên trời dưới đất, nhất định là Thần tôn quý, rủ lòng thương chân thành nguyện ý cứu độ tại hạ!”

Trương quân nói: “Huynh đọc sách minh tỏ thiên lý, cũng biết mộ thiện làm niềm vui cuộc đời. Nhưng cứ nghe một thiện ngôn, nhìn một thiện sự, tâm hoan hỉ lại kích động, mà thuyền qua nước không lưu dấu. Điều này là do huynh tín căn không sâu, ắt dẫn đến tính bền không vững, do đó thiện ngôn thiện hành lúc bình sinh đều là chiếu lệ cho qua, không có việc nào bền chắc. Phóng ra khắp nơi là những niệm ác ý, lại triền miên thất thường, giống như gieo cây gai ở khắp mọi nơi, làm sao có thể kỳ vọng thu hoạch gạo ngon đây?”

“Từ hôm nay trở đi, phàm là có những tạp niệm vọng tưởng tham, dâm v.v., huynh trước hết hãy dùng mãnh lực, bài trừ hết thảy, quét cho sạch sẽ kiền tịnh. Như vậy mới có lực lượng có thể làm việc thiện, không mong hồi báo, không cầu danh, bất luận lớn nhỏ khó dễ, hãy thực thực tại tại đi làm. Thứ nhất cần có tâm nhẫn nại, thứ hai cần có tâm bền bỉ, hết thảy không thể để bản thân an dật đọa lạc, hết thảy không thể tự lừa dối bản thân. Phàm những việc không đủ lực lượng để làm, cũng cần siêng năng chăm chỉ, giúp cho thiện ý viên mãn. Duy trì sự bền bỉ thì hiệu nghiệm ắt tự sinh.”

Cuối cùng Trương quân nói với Du Đô: “Huynh gia tôn trọng ta, cái tâm kiền thành ấy phi thường trong sạch, do đó ta đến đây để hồi báo cho huynh. Mau mau gắng gỏi tự bảo trì, có thể thuận theo thiên ý, ắt sẽ được Trời thương.”

Sau khi nói xong những lời thống thiết, Trương quân tiến vào phòng trong, vừa đến dưới bếp lò thì đột nhiên biến mất, Du Đô mới ngộ ra, nguyên lai chính là vị Thần Táo linh hiển, bèn thắp hương lạy tạ.

Ngày hôm sau là ngày Tết Nguyên Đán, ông khấn bái thiên địa, nguyện thay đổi quá khứ. Nhưng không dễ gì bài trừ những vọng niệm, từ ngày bắt đầu, tạp niệm quá nhiều, tâm trí lại lúc nổi lúc chìm trong chấp niệm, nghi tâm và tính lười nhác. Do đó ông đã quỳ lạy trước tượng Đức Quan Thế Âm mà ông thờ phụng trong chánh điện của mình, quỳ lạy cho đến khi bật máu, phát thệ muốn thiện niệm thuần chân, thiện lực tinh tấn, nhược bằng phóng túng bản thân, sẽ vĩnh viễn đọa địa ngục. Mỗi ngày từ sáng sớm, ông kiền thành kính tụng Thánh hiệu trăm lần, từ đó nhất ngôn nhất động, nhất niệm nhất khắc, đều như có quỷ thần bên cạnh, chân tâm nhất nhất không dám buông thả.

Phàm là hết thảy điều gì có lợi cho người, bất luận sự tình lớn nhỏ, dù ông có bận hay không, dù người khác có biết hay không, sức mình có thể làm được ít nhiều, ông đều hoan hỉ đi làm, tự ủy thác bản thân phải hoàn thành việc mới dừng. Khiêm tốn nhẫn nhục, phương tiện tùy duyên, truyền bá rộng rãi âm công. Từ đó, Du Đô bắt đầu giảng giải về đạo lý nhân quả báo ứng, cuối cùng có thể đạt đến cảnh giới “động tắc vạn thiện tương tùy, tĩnh tắc nhất niệm bất khởi”: hễ động niệm thì xuất ra vạn thiện niệm, hễ tĩnh tâm thì một niệm cũng không khởi lên.

Sau ba năm theo cách này, đến năm Vạn Lịch thứ hai, nhân sinh của ông cũng đã đi đến nửa cuộc đời. Đương thời Tể tướng Trương Cư Chính tìm chọn một giáo viên cho con trai mình, mọi người đã tiến cử Du Đô. Du Đô được mời đến kinh sư, mang theo cả gia quyến. Trương Công tôn kính đức phẩm của ông, đặc biệt dẫn dụng lệ cũ giúp ông nhập học vào trường quốc học. Năm Vạn Lịch thứ năm, Du Đô đã thi trúng tiến sĩ.

Vào ngày này, Du Đô đến bái yết nội giám Dương Công; Dương Công sai năm người con nuôi ra bái kiến khách nhân. Du Đô đối với một thiếu niên mười sáu tuổi đặc biệt cảm giác vô cùng thân thiết, liền hỏi quê quán của cậu bé. Cậu thiếu niên hồi đáp: “Con người Giang Tây, khi nhỏ đi lạc vào chiếc thuyền chở ngũ cốc, chỉ còn ký ức mơ hồ về danh tính và gia hương.” Du Đô quá kinh ngạc, đề nghị cậu bé cởi chiếc giày bên trái, bàn chân trái của cậu bé quả nhiên có nốt ruồi kép.”

Du Đô la lên: “Là con trai tôi!” Nội giám Dương Công cũng cảm thấy vô cùng kinh ngạc, lập tức đưa đứa trẻ về nhà Dư Du. Dư Du vội nói với vợ, người vợ vừa khóc vừa vuốt ve con trai, huyết lệ trào ra. Cậu con trai cũng khóc lớn, ôm lấy gương mặt mẹ và hôn lên đôi mắt mù của mẹ. Kỳ tích liền xuất hiện, đôi mắt của mẹ cậu đã phục hồi thị lực! Du Đô buồn vui lẫn lộn, ông xin từ chức quan để trở về cố hương. Tể tướng Trương Cố Chính tán thưởng đức hành của ông, tặng ông hậu lễ. Du Đô về đến cố hương, hành thiện càng không tiếc công sức. Con trai ông sau này cưới con dâu, sinh được bảy con trai, ai nấy đều kế tục nề nếp thư hương.

Du Đô đã viết câu chuyện được gặp Táo Thần và nỗ lực sửa sai của mình thành một bức thư viết tay, dùng nó để dạy dỗ con cháu. Sau đó ông qua đời ở tuổi 87. La Trinh, một học sinh đồng hương đồng xóm, sau này đã ghi chép lại câu chuyện có thật về nỗ lực sửa sai hướng thiện và tấm lòng chân thành cảm ứng Thần linh của Du Đô.

Hương Thảo biên dịch.

Tin bài liên quan